1. Khái niệm cơ bản về thế chấp tài sản, sổ bảo hiểm xã hội

1.1. Thế chấp tài sản là gì?

Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 về việc thế chấp tài sản như sau:

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Và cũng trong Bộ luật dân sự thì tài sản được giải thích và quy định như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

1.2. Sổ Bảo hiểm xã hội được hiểu như thế nào?

Trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

Theo đó, sổ BHXH là loại sổ dùng để ghi chép quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH. Đây cũng là căn cứ quan trọng để cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người tham gia. Những thông tin trong sổ gồm thời gian làm việc, quá trình đóng và hưởng BHXH.

Xem thêm: Hệ số trượt giá là gì? Cách tính hệ số trượt giá BHXH năm 2023?

 

2. Có được thế chấp sổ Bảo hiểm xã hội không?

Theo Quyết định 1035/QĐ-BHXHQuyết định 595/QĐ-BHXH của bảo hiểm xã hội Việt Nam, trường hợp người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, như phân tích ở trên thì sổ bảo hiểm xã hội cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Theo đó, hành vi cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Do đó, có thể kết luận rằng, không được phép thế chấp bằng sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, người lao động được phép vay tiền theo bảo hiểm xã hội. Vay tiền theo bảo hiểm xã hội là một hình thức vay vốn mà tại đây khách hàng không cần phải thế chấp tài sản khi vay tiền, chỉ cần sử dụng thẻ bảo hiểm xã hội hợp pháp là đã có thể tiến hành làm thủ tục vay vốn. Tổ chức cho vay sẽ lấy số thẻ bảo hiểm xã hội của khách hàng làm căn cứ để xét duyệt khoản vay. Sổ bảo hiểm xã hội sẽ được xem như là một chứng từ nhằm đảm bảo khả năng chi trả cho khoản vay của khách hàng. Hình thức này có hạn mức vừa phải vì đây là một hình thức vay vốn.

 

3. Nên hay không nên thế chấp sổ Bảo hiểm xã hội để vay ngân hàng?

Muốn biết có nên hay không nên thế chấp sổ BHXH để vay ngân hàng thì Luật Minh Khuê sẽ xét đến từng nhóm đối tượng trong mối quan hệ vay thế chấp, cụ thể:

Thứ nhất, đối với người đi vay:

Dễ dàng nhận thấy, khi sổ bảo hiểm đã bị cầm cố, thế chấp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới những quyền lợi về an sinh xã hội đối với người lao động. Khi có rủi ro xảy ra mà sổ bảo hiểm của người lao động hiện tại lại không do người lao động giữ, không do công ty giữ và cơ quan bảo hiểm xã hội cũng không quản lý được thì vấn đề giải quyết quyền lợi sẽ rất khó khăn.

Hơn nữa, phần lớn người lao động tiến hành thế chấp sổ bảo hiểm là thế chấp cho cá nhân (có thể là đồng nghiệp, bạn bè,…) vì hiện tại một số ngân hàng sẽ không nhận thế chấp sổ bảo hiểm xã hội và nếu có thì quá trình rà soát quản lý cũng như thủ tục cũng phức tạp hơn. Chính vì vậy, người lao động vay của người khác sẽ phải chịu một mức lãi suất tương tối cao (thường là từ 10% trở lên), với khả năng chi trả thấp nên sẽ có nguy cơ không thể chi trả được. Khi đó, người lao động sẽ không lấy được sổ về và sẽ không được giải quyết những quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, người lao động còn có thể bị xử phạt từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng nếu kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...

Thứ hai, đối với người cho vay

Khi quyết định cho vay, bên cho vay phải cân nhắc kỹ đến trường hợp khi người lao động không có khả năng thanh toán và người lao động cũng không nhận lại sổ bảo hiểm xã hội (do họ đã khai mất sổ và làm lại sổ khác) thì bên cho vay (ngân hàng, hay một cá nhân) sẽ có nguy cơ rủi ro, thậm chí là mất trắng số tiền cho vay.

Trong trường hợp này, nếu các ngân hàng chấp nhận cho người lao động thế chấp sổ bảo hiểm xã hội thì ngay từ đầu nên có công văn đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ bảo hiểm đi thế chấp để vay tiền, tránh tình trạng người lao động khai báo gian dối là làm mất.

Thứ ba, đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội

Về việc thế chấp sổ bảo hiểm, thực chất chỉ là một quan hệ dân sự, hơn nữa hầu hết là giữa cá nhân với cá nhân, người lao động thế chấp cho một cá nhân để vay một khoản tiền với một mức lãi suất tương đối cao. Chính vì vậy, cơ quan bảo hiểm không thể rà soát hết được tất cả các trường hợp này.

Việc người lao động gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sẽ khiến cơ quan bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều rắc rối trong công tác quản lý và chi trả bảo hiểm xã hội.

Khi người lao động thế chấp sổ, đối với trường hợp thế chấp tại ngân hàng thì ngân hàng sẽ có gửi công văn cho cơ quan bảo hiểm xã hội, công tác phối hợp trong quản lý sẽ dễ dàng hơn. Còn khi người lao động thế chấp cho một người khác thì vấn đề quản lý sẽ rất khó khăn, nếu người lao động xin cấp lại sổ thì sẽ không có căn cứ để từ chối.

Từ những phân tích ở trên, các bên trong mối quan hệ cho vay thế chấp sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về những rủi ro tiềm ẩn trước khi quyết định việc vay và cho vay thế chấp, không nên thế chấp sổ bảo hiểm để vay ngan hàng để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc 

 

3. Mức xử phạt về hành vi vi phạm trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội

Hành vi

Mức phạt

- Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng

Người sử dụng lao động có hành vi:

Làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp thất nghiệp, số tiền hỗ trợ học nghề, số tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trên đây là toàn bộ nội dung về chủ đề Nên hay không nên thế chấp sổ BHXH để vay ngân hàng mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết Thời gian trả sổ BHXH và thanh toán tiền trợ cấp thôi việc là bao lâu? của Luật Minh Khuê. Còn bất cứ vướng mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư Nhung qua số điện thoại: 0931626162 hoặc hotline: 19006162 hoặc email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ. Chúng tôi rất hân hạnh được hợp tác với quý khách. Trân trọng./.