CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/2016/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2016 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH HÀNG MIỄN THUẾ, KHO BÃI, ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN, TẬP KẾT, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết về điều kiện công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
2. Cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan quy định tại khoản 1 Điều này, ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này phải tuân thủ theo các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc kinh doanh, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
2. Cơ quan hải quan, công chức hải quan.
3. Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cửa hàng miễn thuế là địa điểm lưu giữ và bán hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, sản xuất trong nước cho các đối tượng được hưởng ưu đãi về chính sách thuế theo quy định của pháp luật.
2. Khu vực cách ly của các cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế và các cửa khẩu đường bộ quốc tế (sau đây gọi tắt là khu vực cách ly) là khu vực được ngăn cách, bảo vệ cách biệt tại khu vực cửa khẩu sau khu vực làm thủ tục xuất cảnh.
3. Khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế (sau đây gọi tắt là khu vực hạn chế) là khu vực được ngăn cách, bảo vệ cách biệt tại khu vực nhà ga quốc tế sau khu vực làm thủ tục nhập cảnh và trước khu vực làm thủ tục hải quan.
4. Kho xăng dầu là khu vực kho lưu giữ xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất.
5. Kho hàng không kéo dài là khu vực kho, bãi ngoài cửa khẩu để lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường hàng không chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.
6. Địa điểm thu gom hàng lẻ gọi tắt là kho CFS (Container Freight Station), là khu vực kho, bãi dùng để thực hiện các hoạt động thu gom, chia tách, đóng gói, sắp xếp, đóng ghép và dịch vụ chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của nhiều chủ hàng vận chuyển chung công-te-nơ.
7. Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung là khu vực tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; có chức năng lưu giữ, bảo quản hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để chờ làm thủ tục hải quan.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. KINH DOANH HÀNG MIỄN THUẾ
Điều 4. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
1. Vị trí đặt cửa hàng miễn thuế
a) Trong khu vực cách ly của cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển loại 1; trong khu vực cách ly và khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế;
b) Trong nội địa;
c) Trên tàu bay thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
d) Kho chứa hàng miễn thuế đặt tại vị trí cùng với cửa hàng miễn thuế hoặc trong khu vực cách ly, khu vực hạn chế hoặc thuộc địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
2. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong cửa hàng miễn thuế theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan;
b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
3. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quan sát được các vị trí trong kho chứa hàng miễn thuế, cửa hàng miễn thuế. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);
b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng;
c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Điều 5. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
1. Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 01 bản sao.
3. Sơ đồ thiết kế khu vực cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế: 01 bản sao.
4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý kinh doanh hàng miễn thuế: 01 bản chính.
5. Quy trình quản lý nội bộ của doanh nghiệp đối với nhập, xuất, lưu giữ, tồn hàng hóa tại kho chứa hàng miễn thuế, giao nhận hàng hóa từ kho chứa hàng miễn thuế lên cửa hàng miễn thuế hoặc tàu bay, quản lý bán hàng cửa hàng miễn thuế hoặc tàu bay, việc giao nhận tiền bán hàng miễn thuế: 01 bản chính.
6. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế: 01 bản sao.
7. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp (trừ trường hợp nằm trong khu vực đã được công nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy): 01 bản sao.
8. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
Điều 6. Trình tự cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc (tính theo dấu đến của bưu điện đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện hoặc từ ngày cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhận hồ sơ của doanh nghiệp; hoặc thời gian ghi nhận của hệ thống điện tử của cơ quan hải quan) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
Điều 7. Tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế
1. Các trường hợp tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế
a) Theo đề nghị tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp;
b) Các trường hợp thuộc đối tượng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
2. Trình tự, thủ tục tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế
a) Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế.
b) Sau khi ra thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, xác nhận lượng hàng tồn tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế.
c) Thực hiện thanh khoản các tờ khai hải quan tạm nhập đối với trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế.
3. Trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, cơ quan hải quan thực hiện giám sát lượng hàng tồn tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế. Doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế.
4. Trong thời hạn tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, nếu doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trở lại thì thông báo bằng văn bản cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Thời hạn tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế không quá 06 tháng kể từ ngày thông báo tạm dừng hoạt động.
Điều 8. Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
1. Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế:
a) Theo đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế của doanh nghiệp;
b) Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế nhưng doanh nghiệp không đưa cửa hàng miễn thuế vào hoạt động;
c) Cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế không duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;
d) Trong vòng 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan;
đ) Quá thời hạn tạm dừng hoạt động quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định này.
2. Trình tự thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế:
a) Tổng cục Hải quan có văn bản giao Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra lượng hàng tồn, số lượng hàng hóa đã tạm nhập để thực hiện thanh khoản.
b) Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thanh khoản về Tổng cục Hải quan trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giao thực hiện kiểm tra của Tổng cục Hải quan.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận được văn bản báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế.
Điều 9. Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế
1. Hồ sơ đối với trường hợp mở rộng, thu hẹp, di chuyển cửa hàng miễn thuế:
a) Văn bản đề nghị mở rộng, thu hẹp, di chuyển theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
b) Sơ đồ khu vực mở rộng, thu hẹp, di chuyển: 01 bản sao.
c) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm khi mở rộng, thu hẹp, di chuyển: 01 bản sao.
2. Hồ sơ đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế:
Ngoài hồ sơ quy định tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp nhận chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế nộp bổ sung giấy tờ sau:
a) Đơn đề nghị chuyển quyền sở hữu theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính;
b) Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao.
3. Trình tự mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu cửa hàng miễn thuế thực hiện như đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận kinh doanh hàng miễn thuế quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Mục 2. KHO NGOẠI QUAN
Điều 10. Điều kiện công nhận kho ngoại quan
1. Khu vực đề nghị công nhận kho ngoại quan phải nằm trong các khu vực theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật hải quan; khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; địa bàn ưu đãi đầu tư; khu vực phục vụ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản sản xuất tập trung.
2. Kho ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh.
3. Bảo đảm điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hóa, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa tang vật vi phạm theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000 m2 trở lên. Đối với kho ngoại quan chuyên dùng để lưu giữ một hoặc một số chủng loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt thì phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích chứa hàng tối thiểu 1.000 m3. Riêng đối với kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2. Bãi ngoại quan chuyên dùng phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.
5. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho ngoại quan theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan;
b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
6. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quan sát được các vị trí trong kho ngoại quan. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);
b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng;
c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Điều 11. Hồ sơ công nhận kho ngoại quan
1. Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 01 bản sao.
3. Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan: 01 bản sao.
4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý kho ngoại quan: 01 bản chính.
5. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng kho ngoại quan: 01 bản sao.
6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.
7. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
Điều 12. Trình tự công nhận kho ngoại quan
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận gửi qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, bãi. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, bãi, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
Điều 13. Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan
1. Trường hợp có nhu cầu mở rộng, thu hẹp diện tích, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan và đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, doanh nghiệp lập hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản chính;
b) Sơ đồ kho, bãi khu vực mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao;
c) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm khi mở rộng, thu hẹp, di chuyển: 01 bản sao;
d) Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao.
2. Trình tự mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu thực hiện như trình tự công nhận kho ngoại quan theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Điều 14. Tạm dừng hoạt động kho ngoại quan
1. Tạm dừng hoạt động kho ngoại quan khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động. Thời gian tạm dừng hoạt động không quá 06 tháng.
2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra thông báo tạm dừng hoạt động kho ngoại quan.
3. Trình tự tạm dừng hoạt động:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận được văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động kho ngoại quan của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, xác nhận xác lượng hàng tồn tại kho và ra thông báo tạm dừng hoạt động kho ngoại quan.
4. Trong thời gian tạm dừng hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan hải quan không làm thủ tục hải quan đối với hàng gửi vào kho; giám sát và xử lý lượng hàng tồn tại kho ngoại quan theo quy định của pháp luật.
5. Trước khi hết thời gian tạm dừng hoạt động ít nhất 05 ngày làm việc, doanh nghiệp có văn bản báo cáo về việc hoạt động trở lại hoặc chấm dứt hoạt động kho ngoại quan.
6. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, nếu doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trở lại thì thông báo bằng văn bản cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 15. Chấm dứt hoạt động kho ngoại quan
1. Các trường hợp chấm dứt hoạt động kho ngoại quan:
a) Doanh nghiệp không duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này hoặc chấm dứt hoạt động của chủ kho cũ trong trường hợp chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan;
b) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động kho ngoại quan gửi Tổng cục Hải quan;
c) Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có quyết định công nhận nhưng doanh nghiệp không đưa kho ngoại quan vào hoạt động;
d) Quá thời hạn tạm dừng hoạt động nêu tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này nhưng doanh nghiệp không có văn bản thông báo hoạt động trở lại;
đ) Trong 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động của kho ngoại quan và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan.
2. Trình tự chấm dứt hoạt động kho ngoại quan:
a) Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh khoản toàn bộ lượng hàng còn tồn tại kho ngoại quan; báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét chấm dứt hoạt động.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận được báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét ra quyết định chấm dứt hoạt động đối với kho ngoại quan.
Mục 3. KHO BẢO THUẾ
Điều 16. Điều kiện công nhận kho bảo thuế
1. Doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên được công nhận kho bảo thuế nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có hệ thống sổ kế toán và ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi, quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho;
b) Nằm trong khu vực cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, được ngăn cách với khu vực chứa nguyên liệu, vật tư không được bảo thuế, được lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát đáp ứng chuẩn trao đổi dữ liệu của cơ quan hải quan để giám sát hàng hóa ra, vào kho bảo thuế.
2. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu từ 40 triệu USD trở lên được công nhận kho bảo thuế, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có hoạt động xuất khẩu ít nhất 02 năm liên tục trở lên mà không vi phạm pháp luật về hải quan và pháp luật thuế;
b) Tuân thủ pháp luật kế toán, thống kê;
c) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Hồ sơ đề nghị công nhận kho bảo thuế
1. Văn bản đề nghị công nhận kho bảo thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
2. Sơ đồ thiết kế khu vực kho bảo thuế: 01 bản sao.
Điều 18. Trình tự công nhận kho bảo thuế
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận kho bảo thuế hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
Mục 4. ĐỊA ĐIỂM THU GOM HÀNG LẺ
Điều 19. Điều kiện công nhận địa điểm thu gom hàng lẻ
1. Địa điểm thu gom hàng lẻ phải nằm trong khu vực quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật hải quan.
2. Địa điểm thu gom hàng lẻ có diện tích kho tối thiểu 1.000 m2 không bao gồm bãi và các công trình phụ trợ, phải có hàng rào ngăn cách với khu vực xung quanh.
3. Đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hóa, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa tang vật vi phạm theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong địa điểm thu gom hàng lẻ theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan;
b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
5. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quan sát được các vị trí trong địa điểm thu gom hàng lẻ. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);
b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng;
c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh địa điểm thu gom hàng lẻ về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
6. Đối với địa điểm thu gom hàng lẻ nằm trong khu vực cảng biển, cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được công nhận trong nội địa, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định tại Nghị định này. Trước khi đưa vào hoạt động, doanh nghiệp phải thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý cảng biển; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.
Điều 20. Hồ sơ công nhận địa điểm thu gom hàng lẻ
1. Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 01 bản sao.
3. Sơ đồ thiết kế khu vực địa điểm thu gom hàng lẻ thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan: 01 bản sao.
4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý địa điểm thu gom hàng lẻ: 01 bản chính.
5. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm: 01 bản sao.
6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.
7. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
Điều 21. Trình tự công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm thu gom hàng lẻ
Trình tự công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm thu gom hàng lẻ thực hiện tương tự như đối với kho ngoại quan quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.
Mục 5. KHO XĂNG DẦU
Điều 22. Xác nhận kho xăng dầu đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan
1. Doanh nghiệp đề nghị xác nhận kho xăng dầu đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan là thương nhân đầu mối theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
2. Kho xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu theo quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
3. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quản lý, theo dõi xăng dầu nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho.
b) Kết nối trực tiếp dữ liệu xăng dầu đưa vào, đưa ra kho với cơ quan hải quan quản lý kho xăng dầu.
4. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quan sát được các vị trí trong kho xăng dầu. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ).
b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng.
c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và thương nhân kinh doanh xăng dầu về phần mềm quản lý xăng dầu đưa vào, đưa ra kho xăng dầu, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Điều 23. Hồ sơ xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan
1. Văn bản đề nghị xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
2. Sơ đồ thiết kế khu vực kho, thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho, bồn, bể chứa: 01 bản sao.
3. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý kho xăng dầu: 01 bản chính.
4. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng kho xăng dầu: 01 bản sao.
5. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.
6. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
Điều 24. Trình tự xác nhận kho xăng dầu đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho xăng dầu. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho xăng dầu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có văn bản xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
5. Trường hợp kho xăng dầu mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu thì thủ tục xác nhận kho xăng dầu đủ điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 22, 23 và khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 24 Nghị định này.
Mục 6. KHO HÀNG KHÔNG KÉO DÀI
Điều 25. Điều kiện công nhận kho hàng không kéo dài
1. Kho hàng không kéo dài được công nhận tại địa bàn nơi có các khu vực sau đây:
a) Khu vực lân cận cảng hàng không dân dụng quốc tế;
b) Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất;
c) Khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước.
Các khu vực trên cách cảng hàng không dân dụng quốc tế không quá 50 km.
2. Có diện tích tối thiểu 2.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ). Kho, bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào cứng kiên cố; có khu vực chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu riêng biệt.
3. Doanh nghiệp chủ kho hàng không kéo dài là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê hệ thống kho, bãi lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khu vực cảng hàng không quốc tế.
4. Đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hóa, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra, giám sát (máy soi, cân điện tử...), kho chứa tang vật vi phạm theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho.
b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
6. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quan sát được các vị trí trong kho. Hình ảnh quan sát được tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ).
b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng.
c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và chủ kho hàng không kéo dài về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Điều 26. Hồ sơ công nhận kho hàng không kéo dài
1. Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định này: 01 bản chính.
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản sao.
3. Sơ đồ thiết kế khu vực kho thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan: 01 bản sao.
4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý kho hàng không kéo dài: 01 bản chính.
5. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng kho: 01 bản sao.
6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.
7. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
8. Hợp đồng thuê kho, bãi lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khu vực cảng hàng không quốc tế (đối với trường hợp chủ kho hàng không kéo dài thuê kho, bãi).
Điều 27. Trình tự công nhận kho hàng không kéo dài
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, căn cứ ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận kho hàng không kéo dài hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
Điều 28. Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho hàng không kéo dài
Trình tự mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho hàng không kéo dài thực hiện tương tự như đối với kho ngoại quan quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.
Điều 29. Tạm dừng hoạt động kho hàng không kéo dài
1. Tạm dừng hoạt động kho hàng không kéo dài khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động. Thời gian tạm dừng hoạt động không quá 06 tháng.
2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra thông báo tạm dừng hoạt động kho hàng không kéo dài.
3. Trình tự tạm dừng hoạt động:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận được văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động kho hàng không kéo dài của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, xác nhận lượng hàng tồn tại kho và ra thông báo tạm dừng hoạt động kho hàng không kéo dài.
4. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, cơ quan hải quan không làm thủ tục hải quan đối với hàng đưa vào kho; giám sát và xử lý lượng hàng tồn tại kho theo quy định của pháp luật.
5. Trước khi hết thời gian tạm dừng hoạt động ít nhất 05 ngày làm việc, doanh nghiệp có văn bản báo cáo về việc hoạt động trở lại hoặc chấm dứt hoạt động kho hàng không kéo dài.
6. Trong thời gian tạm dừng hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, nếu doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trở lại thì thông báo bằng văn bản cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 30. Chấm dứt hoạt động kho hàng không kéo dài
1. Các trường hợp chấm dứt hoạt động kho hàng không kéo dài:
a) Doanh nghiệp không duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định này, hoặc chấm dứt hoạt động của chủ kho cũ trong trường hợp chuyển quyền sở hữu kho hàng không kéo dài;
b) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động gửi Tổng cục Hải quan;
c) Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có quyết định thành lập nhưng doanh nghiệp không đưa kho hàng không kéo dài vào hoạt động;
d) Quá thời hạn tạm dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp không có văn bản thông báo hoạt động trở lại;
đ) Trong 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động của kho hàng không kéo dài và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan.
2. Trình tự chấm dứt hoạt động kho hàng không kéo dài:
a) Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh khoản toàn bộ lượng hàng còn tồn tại kho hàng không kéo dài; báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét chấm dứt hoạt động.
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc từ khi nhận được báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét ra quyết định chấm dứt hoạt động đối với kho hàng không kéo dài.
Chương III
ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC, TẬP KẾT, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
Mục 1. ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CẢNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA ĐƯỢC THÀNH LẬP TRONG NỘI ĐỊA (CẢNG CẠN)
Điều 31. Điều kiện công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
1. Phải có diện tích tối thiểu từ 50.000 m2 trở lên.
2. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan;
b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
3. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Quan sát được các vị trí trong địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);
b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng;
c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Điều 32. Hồ sơ công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
1. Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản sao.
3. Sơ đồ thiết kế khu vực địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, nơi tập kết hàng xuất khẩu, nơi tập kết hàng nhập khẩu, nơi tập kết xe công-te-nơ, nơi kiểm tra thực tế, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan: 01 bản sao.
4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn: 01 bản chính.
5. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm: 01 bản sao.
6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.
7. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
Điều 33. Trình tự công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính ra quyết định công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.
4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.
Điều 34. Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
1. Trường hợp có nhu cầu mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, doanh nghiệp lập hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động: 01 bản chính;
b) Sơ đồ kho, bãi khu vực mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao;
c) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm khi mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao;
d) Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao.
2. Trình tự, thủ tục, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng hoạt động thực hiện tương tự như đối với kho ngoại quan quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này. Riêng việc mở rộng, thu hẹp, tạm dừng hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.
3. Trường hợp di chuyển, chuyển quyền sở hữu địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn, trên cơ sở văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính xem xét ra quyết định chấm dứt hoạt động của địa điểm theo quyết định cũ, đồng thời ra quyết định công nhận, chuyển quyền sở hữu địa điểm nếu chủ địa điểm mới đáp ứng quy định tại Điều 31 Nghị định này.
Điều 35. Chấm dứt hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn
1. Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn chấm dứt hoạt động nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn không duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này;
b) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động;
c) Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có quyết định công nhận nhưng doanh nghiệp không đưa địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn vào hoạt động;
d) Quá thời hạn tạm dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp không có văn bản thông báo hoạt động trở lại;
đ) Trong 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan.
2. Tổng cục Hải quan kiểm tra, trình Bộ Tài chính quyết định chấm dứt hoạt động đối với địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng cạn thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Mục 2. ĐỊA ĐIỂM TẬP KẾT, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU TẬP TRUNG; ĐỊA ĐIỂM CHUYỂN PHÁT NHANH, HÀNG BƯU CHÍNH
Điều 36. Điều kiện công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính
1. Vị trí
a) Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung ở các khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu;
b) Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh nằm trong quy hoạch khu vực sân bay quốc tế theo quy định của pháp luật;
c) Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở khu vực biên giới nằm trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu vực cửa khẩu biên giới đất liền. Trường hợp nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu thì cách khu vực cửa khẩu không quá 10 km.
2. Diện tích
a) Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung có diện tích tối thiểu 10.000 m2;
b) Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh có diện tích tối thiểu 5.000 m2; địa điểm kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính có diện tích tối thiểu 1.000 m2;
c) Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở khu vực biên giới có diện tích tối thiểu 5.000 m2.
3. Cơ sở vật chất, trang thiết bị
a) Địa điểm được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan, trừ địa điểm nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh;
b) Đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hóa, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa tang vật vi phạm theo quy định của Bộ Tài chính;
c) Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:
- Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong địa điểm.
- Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
d) Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:
- Quan sát được các vị trí trong địa điểm. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ).
- Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng.
- Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh địa điểm về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Điều 37. Hồ sơ công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính
1. Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.
2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 bản sao.
3. Sơ đồ thiết kế khu vực địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; địa điểm phát chuyển nhanh, hàng bưu chính thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, nơi tập kết hàng xuất khẩu, nơi tập kết hàng nhập khẩu, nơi tập kết phương tiện vận tải, nơi kiểm tra thực tế, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan: 01 bản sao.
4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào đưa ra địa điểm: 01 bản chính.
5. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm: 01 bản sao.
6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.
7. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
8. Văn bản quy hoạch khu vực sân bay quốc tế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh: 01 bản sao.
9. Giấy phép bưu chính hoặc thông báo hoạt động bưu chính do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về bưu chính đối với trường hợp công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính: 01 bản sao.
Điều 38. Trình tự công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung; địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính
Trình tự công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung, địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính thực hiện tương tự như đối với kho ngoại quan quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
2. Bãi bỏ các quy định tại Điều 82, 89 và 92 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
3. Cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa tập trung, địa điểm chuyển phát nhanh, hàng bưu chính đã được công nhận và hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
4. Các trường hợp đã được thành lập, hoạt động trước khi Nghị định này có hiệu lực nhưng không đáp ứng điều kiện công nhận, xác nhận quy định tại Nghị định này, tổ chức, cá nhân được tiếp tục hoạt động đến ngày 01 tháng 7 năm 2017. Quá thời hạn trên, Cục Hải quan tỉnh, thành phố rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng, chấm dứt hoạt động theo quy định.
Điều 40. Trách nhiệm thi hành Nghị định
1. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao tại Nghị định.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC
MẪU QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH HÀNG MIỄN THUẾ, KHO BÃI, ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN, TẬP KẾT, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
(Kèm theo Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)
Mẫu số 01 | Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế; công nhận, xác nhận kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan |
Mẫu số 02 | Thông báo hoạt động trở lại cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan |
Mẫu số 01
TÊN DOANH NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
….., ngày … tháng … năm … |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ …………… (1)
Kính gửi: Tổng cục Hải quan/Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
1. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế; công nhận, xác nhận/mở rộng/thu hẹp/di chuyển/chuyển quyền sở hữu/tạm dừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm:
- Tên doanh nghiệp:..........................................................................................................
- Mã số thuế:.....................................................................................................................
- Trụ sở chính tại:.............................................................................................................
- Số điện thoại: ………………………….. Số fax:...............................................................
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư số: ……. ngày….tháng…..năm…..;
Cơ quan cấp:.....................................................................................................................
Ngành nghề kinh doanh: …….. (chỉ kê ngành nghề kinh doanh liên quan đến kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm).
2. Đề nghị (2) ……. tại........................................................................................................
3. Khu vực đề nghị ……… …… có diện tích: ……. m2.
Tổng diện tích: ……………… m2, trong đó:
- Diện tích nhà kho: ………. m2;
- Diện tích bãi: ……… m2;
- Diện tích kho chứa tang vật vi phạm (nếu có): ……… m2;
- Nơi làm việc của Hải quan kho: ………. m2;
- Các công trình phụ trợ (nếu có) ………..m2.
4. Hồ sơ kèm theo đơn:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp: 01 bản sao;
- Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng kho bãi, địa điểm: 01 bản sao;
- Sơ đồ thiết kế khu vực kho bãi, địa điểm: 01 bản sao;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy: 01 bản sao.
- …
Doanh nghiệp cam đoan các nội dung trên là đúng; cam kết phù hợp với chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Quyết định số …../QĐ-TCHQ ngày... của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đồng thời chấp hành và thực hiện đúng các quy định pháp luật về hoạt động của …….(1).
GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP |
Ghi chú:
(1) Ghi tên cửa hàng miễn thuế, địa điểm, kho bãi đề nghị công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động. Đối với kho xăng dầu thì ghi là: “Đơn đề nghị xác nhận đủ điều kiện, kiểm tra, giám sát hải quan”.
(2) Trường hợp đề nghị tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp nêu rõ lý do, thời hạn hoạt động trở lại.
Mẫu số 02
TÊN DOANH NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
….., ngày … tháng … năm … |
THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI ……………
Kính gửi: Tổng cục Hải quan/Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
1. Doanh nghiệp thông báo hoạt động trở lại
- Tên doanh nghiệp:..........................................................................................................
- Mã số thuế:.....................................................................................................................
- Trụ sở chính tại:..............................................................................................................
- Số điện thoại: ……………………….. Số fax:...................................................................
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư số: …… ngày….tháng……năm……;
Cơ quan cấp:.....................................................................................................................
Ngành nghề kinh doanh: ……… (chỉ kê ngành nghề kinh doanh liên quan đến kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm).
2. Đề nghị hoạt động trở lại …….. tại.................................................................................
3. Cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm hoạt động trở lại đã tạm dừng hoạt động theo Đơn đề nghị số ….... ngày…tháng…..năm....của doanh nghiệp và Thông báo tạm dừng hoạt động số…….ngày….tháng…..năm.... của Cục Hải quan/Tổng cục Hải quan
4. Lý do hoạt động trở lại:..................................................................................................
5. Hồ sơ kèm theo đơn:.....................................................................................................
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 01 bản sao;
- …
Doanh nghiệp cam đoan các nội dung trên là đúng; đồng thời chấp hành và thực hiện đúng các quy định pháp luật về hoạt động của ...
GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP |