1. Nghị luận Cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò như thế nào hay nhất - Mẫu số 1

Nhân cách là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu định hình giá trị của con người. Từ xa xưa, việc rèn luyện nhân cách và đạo đức đã được con người chú trọng, và trong xã hội hiện đại, việc trau dồi và hoàn thiện nhân cách càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, tổ chức cuộc sống cá nhân đóng vai trò then chốt trong việc hình thành nhân cách của mỗi người.

Vậy tổ chức cuộc sống cá nhân là gì và tại sao nó lại quan trọng đối với sự phát triển nhân cách? Tổ chức cuộc sống cá nhân là một phần quan trọng trong văn hóa tổ chức cộng đồng. Nó bao gồm những khía cạnh vĩ mô liên quan đến cuộc sống của mỗi cá nhân. Mỗi người trong cộng đồng tuân theo những phong tục và tập quán lâu đời. Khi trình độ hiểu biết còn hạn chế, con người thường tôn thờ các thần linh mà họ tưởng tượng ra, và nhu cầu giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp bằng ngôn ngữ, trở thành yếu tố thiết yếu. Bên cạnh đó, con người còn có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật để làm phong phú đời sống tinh thần, từ các loại hình nghệ thuật như sân khấu, ca nhạc đến hội họa và điêu khắc. Tất cả những yếu tố này đều góp phần làm cho cuộc sống của mỗi cá nhân trở nên quy củ, phong phú và "người" hơn.

Có thể nói rằng, phong tục tập quán và tâm lý địa phương đều bắt nguồn từ điều kiện và hoàn cảnh sống tự nhiên, góp phần hình thành nhân cách con người. Nhân cách của một người không chỉ chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên mà còn được định hình bởi các giá trị vật chất và tinh thần, phong tục tập quán của dân tộc, địa phương và nghề nghiệp. Ví dụ, ở nhiều vùng quê Việt Nam vẫn duy trì các lễ cầu mưa hay mừng gặt, những phong tục này xuất phát từ điều kiện tự nhiên của đất nước với khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền nông nghiệp lúa nước.

Giao tiếp là một nhu cầu cơ bản của con người và có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Nếu không có sự tiếp xúc với xã hội, một cá nhân không thể phát triển thành một con người hoàn thiện với nhân cách đầy đủ. Nhân cách là sản phẩm của xã hội, và để trở thành một người có nhân cách, trẻ em cần có sự tiếp xúc và học hỏi từ người lớn để nắm vững tri thức, kinh nghiệm xã hội, và chuẩn bị cho cuộc sống cũng như lao động trong môi trường văn hóa của thời đại.

Môi trường sống cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển nhân cách, phụ thuộc vào mối quan hệ của chủ thể với môi trường đó. Một đứa trẻ lớn lên ở Mỹ, một quốc gia phát triển với đa sắc tộc và đa văn hóa, sẽ có lối sống phóng khoáng, tự do và năng động hơn so với một đứa trẻ sống ở Việt Nam, một đất nước đang phát triển với nền văn hóa phương Đông đậm đà. Môi trường khác nhau sẽ tạo ra những nhân cách và lối sống khác nhau.

Tóm lại, tổ chức cuộc sống cá nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Vì vậy, mỗi chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức, học tập và rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh và tiến bộ.

 

2. Nghị luận Cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò như thế nào hay nhất - Mẫu số 2

"Cái răng, cái tóc là góc con người" là câu tục ngữ quen thuộc của người Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân. Nếu người xưa có thể nhìn vào "cái răng", "cái tóc" để đánh giá về một cá nhân thì ngày nay, nhân cách của con người còn được thể hiện ở cách chúng ta tổ chức cuộc sống.

"Nhân cách" là phẩm chất, tính cách của con người được thể hiện thông qua suy nghĩ, hành động và lời nói. Một người có nhân cách tốt là người có nhiều đức tính cao đẹp, có thể kể đến như: chăm chỉ, trung thực, dũng cảm, nhân ái, trách nhiệm,… Còn "tổ chức cuộc sống cá nhân" bao gồm rất nhiều khía cạnh. Đó có thể là nề nếp sinh hoạt hằng ngày, việc hoạch định kế hoạch trong đời hay cách ta chăm sóc cho thể chất và tinh thần của bản thân,… Cách tổ chức cuộc sống có ý nghĩa quan trọng và mối quan hệ mật thiết với việc kiến tạo nhân cách của mỗi người.

"Gieo hành động, bạn sẽ gặt thói quen, gieo thói quen bạn sẽ gặt tính cách, gieo tích cách bạn sẽ gặt số phận". Một hành động nhỏ tưởng chừng như vô nghĩa nhưng nếu được lặp đi lặp lại với tần suất nhất định sẽ trở thành lề thói quen thuộc. Theo thời gian, điều này giống như mưa dầm thấm lâu, ăn sâu vào tâm trí con người và khó lòng thay đổi. Lời nói, hành vi, phong cách sinh hoạt thể hiện cách chúng ta tư duy về đời sống, ngầm bộc lộ quan điểm của ta về những sự kiện xung quanh. Từ tính cách, lý tưởng, đam mê đến sở thích, sở ghét,…đều được hiện hữu rõ ràng. Bộ đồ lôi thôi, bàn làm việc bừa bộn thường là sản phẩm của một người cẩu thả. Căn buồng cũ kĩ nhưng được quét tước sạch sẽ, sắp đặt gọn gàng sẽ nói lên tính ngăn nắp cùng phẩm chất khiêm tốn của chủ nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng điển hình cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa thói quen sống với nhân cách. Đôi dép cao su, bộ quần áo ka ki, căn nhà sàn với ao cá đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn thanh cao, giản dị của Người. Xa quê hương nhiều năm, đặt chân đến biết bao xứ sở nhưng khi trở về quê hương, Người vẫn yêu thích những món ăn dân dã. Thói quen tập thể thao hằng ngày của Bác còn cho thấy tinh thần kỉ luật, không ngại tôi luyện bản thân. Hồ Chí Minh không chỉ là cái tên mà còn trở thành một phong cách sống đáng noi theo.

Cách tổ chức đời sống cá nhân có quan hệ trực tiếp đến việc hoàn thiện nhân cách của con người nên ta cần ý thức được tầm quan trọng của nó. Mọi yếu tố trong con người ta luôn xoay vần như một vòng tuần hoàn. Hành động tạo ra thói quen, suy nghĩ và chính lối tư duy cùng quan niệm nhân sinh của ta lại tác động đến cách hành xử. Thói quen tốt gieo mầm cho lối tư duy hiện đại, hạnh phúc. Thói quen xấu đem đến hành vi vô phép tắc, ảnh hưởng đến chính mình và cộng đồng xung quanh. Tư duy cổ hủ dẫn đến định kiến sai lệch, tư duy cởi mở mang đến nhiều cơ hội bất ngờ. Không chỉ đúng đắn với cá nhân mà chân lí này còn có thể áp dụng lên phạm vi toàn xã hội.

Như vậy, để có một nhân cách tốt, con người cần rèn luyện cách tổ chức cuộc sống tích cực từ khi còn nhỏ. Cẩn thận trong từng hành động, nói năng khiêm tốn sẽ hình thành cung cách ứng xử văn hóa. Biết chăm chút cho vẻ đẹp ngoại hình, tìm ra phong cách ăn mặc phù hợp và học tập chăm chỉ, không ngừng bồi đắp tri thức sẽ giúp ta tìm được sự cân bằng giữa thể xác và tâm hồn. Nghiêm khắc với bản thân, sống có kỉ luật là cách ta tạo dựng sự tự tôn và được người khác tôn trọng.

Lê – nin từng nói: "Chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất". Con người không ai là hoàn hảo nhưng luôn có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình bằng cách thiết lập lối sống lành mạnh.

 

3. Nghị luận Cách tổ chức cuộc sống cá nhân có vai trò như thế nào hay nhất - Mẫu số 3

Nhân cách là biểu hiện của những yếu tố đặc trưng và bản chất của một con người. Nó được định hình và không ngừng bổ sung, hoàn thiện qua thời gian, trở thành căn cứ để khẳng định các giá trị như thiện, ác, chính, tà, trung, gian, thật, giả, cao thượng, thấp hèn, tốt, xấu, hay, dở, trọng, khinh, yêu, ghét. Nhân cách không chỉ là thước đo giá trị của cả một kiếp sống mà còn là nền tảng để đánh giá một cá nhân.

Nhân cách không tự nhiên mà có; nó là kết quả của sự tác động từ môi trường sống bao gồm thiên nhiên, gia đình, cộng đồng, nhà trường và xã hội. Những yếu tố này cùng với nhận thức và quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người sẽ hình thành nên nhân cách. Vì vậy, nhân cách mang màu sắc cá nhân và luôn thay đổi, phát triển theo thời gian. Nó không tĩnh mà động, khả biến chứ không bất biến. Do đó, việc không ngừng bổ sung, hoàn thiện và giữ gìn nhân cách là vô cùng quan trọng. Ngoài những yếu tố cơ bản mang tính ổn định, nhân cách còn thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử để phù hợp với từng thời đại và từng quốc gia. Chính vì vậy, nhân cách không chỉ là thước đo giá trị của một người mà còn là căn cứ để đánh giá bản chất của một chế độ, xã hội và dân tộc.

Quá trình hình thành và phát triển nhân cách phụ thuộc vào độ tuổi và môi trường sống. Khi trưởng thành, nhân cách tiếp tục được mở rộng và hoàn thiện thông qua việc tiếp nhận đạo làm người. Đạo làm người là nền tảng xác lập phẩm giá và đạo đức cho cả đời người. Cổ nhân dạy: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ." Ra ngoài xã hội muốn khôn ngoan, trưởng thành phải lắng nghe những lời răn bảo của người già, vì họ có nhiều kinh nghiệm. Còn về nhà, muốn biết sự thật những việc đã diễn ra thì hỏi trẻ, vì trẻ con chưa biết nói dối. Nếu ở tuổi ấu thơ, các cháu được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong môi trường gia đình và học đường tốt, ông bà, cha mẹ anh chị em mẫu mực có nề nếp gia phong, có chí lớn thì các đức tính tốt như thật thà sẽ được duy trì và định hình trong sự phát triển nhân cách.

Ngược lại, nếu các cháu bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu từ nhỏ, không trung thực, lừa gạt, xuyên tạc, vu khống, thậm chí bất chấp thủ đoạn thì rất nguy hiểm. Nhân cách và phẩm giá là vô cùng cao quý. Người nào có nhân cách cao thượng, phẩm giá sáng trong sẽ được mọi người yêu mến, quý trọng và được xã hội nể phục, tôn vinh.

Việc giữ gìn và phát triển nhân cách tốt đòi hỏi sự cố gắng không ngừng từ mỗi cá nhân và sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh. Chúng ta cần ý thức rằng nhân cách không chỉ là tài sản của riêng một người mà còn góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Nhân cách cao đẹp không chỉ là niềm tự hào của cá nhân mà còn là niềm tự hào của cả một cộng đồng, một quốc gia.