1. Nghị luận về bài thơ con cò của Chế Lan Viên hay nhất - Mẫu số 1

Phạm Duy đã từng viết một câu thơ đầy cảm xúc, chạm đến trái tim của nhiều người: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng khi đi hết những lời mẹ ru.” Những lời ru của mẹ, từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ mỗi người, không chỉ là âm điệu nhẹ nhàng mà còn chứa đựng bao yêu thương, chăm sóc mà người mẹ gửi gắm đến đứa con bé bỏng của mình. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy đã tạo nên những dòng thơ thật xúc động, và với nhà thơ Chế Lan Viên, những cảm xúc này đã được thể hiện tinh tế qua bài thơ Con cò. Tác phẩm không chỉ gợi nhớ về tuổi thơ, về những lời ru ngọt ngào, mà còn làm sống lại trong lòng người đọc những suy tư sâu lắng về tình mẹ - tình cảm mãnh liệt và vĩnh cửu đối với đứa con yêu dấu.

Chế Lan Viên (1920-1989), với tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ra tại Quảng Trị và lớn lên tại Bình Định. Ông là một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp sáng tác của ông kéo dài hơn nửa thế kỷ, từ trước đến sau Cách mạng tháng Tám, với những đóng góp quan trọng cho thơ ca Việt Nam. Trước Cách mạng, ông nổi danh với tập thơ Điêu tàn (1937), tác phẩm đã đưa tên tuổi ông trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới. Sau Cách mạng, Chế Lan Viên tiếp tục khẳng định tài năng của mình trong dòng thơ Cách mạng, với các tập thơ như Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967) và Di cảo thơ (1989). Thơ của Chế Lan Viên không chỉ giàu chất trí tuệ, mà còn mang đậm tính triết lý, suy tưởng, cùng với khả năng sáng tạo hình ảnh phong phú, tinh tế.

Con cò được sáng tác năm 1962 và in trong tập Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967). Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, với những câu ngắn dài đan xen một cách linh hoạt, tạo nên nhịp điệu như những lời ru mà người mẹ dành cho đứa con. Qua hình ảnh con cò trong những câu ca dao quen thuộc, Chế Lan Viên ca ngợi tình mẹ bao la và tầm quan trọng của những lời ru trong hành trình trưởng thành của con người. Bài thơ khéo léo vận dụng cấu tứ của ca dao, đồng thời sử dụng thể thơ tự do để tạo nên những hình ảnh thân thuộc, vừa gần gũi, vừa mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc về tình mẫu tử.

Trong đoạn thơ đầu tiên, hình ảnh con cò xuất hiện bên tuổi thơ của đứa trẻ với vẻ thảnh thơi, tự tại:

“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay…”

"Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng..."

Hình ảnh con cò không chỉ xuất hiện ở nhan đề, mà còn xuất hiện nhiều lần trong suốt bài thơ, nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng của nó. Lời ru mẹ hát trong tiềm thức của đứa trẻ đã đưa hình ảnh con cò vào tâm hồn bé nhỏ, cho con biết về cuộc sống bình dị, tươi đẹp nơi làng quê. Con cò trở thành hình ảnh quen thuộc, gợi nhắc về tình yêu thương và sự che chở của mẹ dành cho con, từ khi con còn bế trên tay đến những ngày tháng khôn lớn.

Trong lời ru ấy, cánh cò không chỉ đơn thuần là một biểu tượng của ca dao, mà còn là biểu hiện của tình mẹ. Cánh cò chăm chỉ, lặng lẽ, tìm kiếm thức ăn, và người mẹ thì yêu thương, che chở cho con:

"Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ"

Hai câu thơ, với cấu trúc song hành và tương phản, đã làm nổi bật lên sự khác biệt giữa con cò và đứa trẻ. Cò phải một mình, lặng lẽ kiếm sống giữa đời, trong khi đứa trẻ được mẹ chăm sóc, bảo bọc. Hình ảnh con cò trở nên gần gũi, đồng cảm với người đọc, như một biểu tượng của những khó khăn, vất vả mà người mẹ sẵn sàng gánh vác để con mình được yên bình, hạnh phúc.

Ở những câu thơ sau, Chế Lan Viên tiếp tục khai thác hình ảnh con cò từ ca dao, nhưng mang đến một cảm nhận sâu sắc hơn về nỗi vất vả, đơn độc của cò:

"Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng..."

Hình ảnh con cò trở thành biểu tượng cho những người nông dân, những người mẹ lặn lội sớm hôm, gặp biết bao khó khăn, nguy hiểm trong cuộc sống. Nhưng dù cuộc đời có khắc nghiệt, họ vẫn giữ được phẩm giá thanh cao, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, bảo vệ gia đình và con cái.

"Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân"

Hình ảnh người mẹ hiện lên thật bao dung, che chở, với bàn tay sẵn sàng nâng cành mềm để con không phải lo sợ. Đứa trẻ nằm trong vòng tay mẹ, say ngủ giữa tình yêu thương vô bờ bến, không còn gì phải lo nghĩ hay băn khoăn về những điều ngoài kia.

Trong khổ thơ thứ hai, Chế Lan Viên mở rộng hình ảnh con cò theo từng bước trưởng thành của đứa trẻ:

"Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn"

Cánh cò không chỉ là biểu tượng của tuổi thơ mà còn gắn bó với đứa trẻ suốt chặng đường trưởng thành. Khi con lớn lên, cánh cò vẫn bay theo, cùng đồng hành với con trên những bước đường đời. Lời ru của mẹ, với hình ảnh cánh cò, đã khắc sâu vào tâm hồn con, là nguồn động lực, là biểu tượng của tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ dành cho con.

Trong khổ thơ cuối, hình ảnh con cò lại trở thành biểu tượng sâu sắc hơn về tình mẹ:

"Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con"

Hình tượng con cò không chỉ dừng lại ở việc là biểu tượng của lời ru, mà còn thể hiện tình yêu vô bờ bến của mẹ, luôn dõi theo con dù con có đi đâu, làm gì. Dù con lớn, nhưng trong mắt mẹ, con vẫn mãi là đứa trẻ bé bỏng cần được che chở, yêu thương.

"Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi"

Tình yêu của mẹ dành cho con, tựa như cánh cò bay qua cuộc đời, che chở và bảo vệ con từ những ngày còn thơ dại. Chế Lan Viên, bằng ngôn từ giàu chất triết lý, đã kết tinh lại ý nghĩa của lời ru, của tình mẹ - một tình yêu bất diệt, luôn ở bên con, dù con có trưởng thành hay không.

Con cò không chỉ là một bài thơ về lời ru mà còn là tác phẩm ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, ngợi ca giá trị tinh thần của lời ru đối với mỗi con người. Chế Lan Viên, với tài năng của mình, đã khéo léo vận dụng chất liệu ca dao và thể thơ tự do để tạo nên một bài thơ vừa giàu hình ảnh, vừa sâu sắc về mặt tư tưởng. Những lời thơ của ông không chỉ gợi lại những kỷ niệm thời thơ ấu mà còn chứa đựng những triết lý sâu xa về cuộc đời, về tình yêu vô điều kiện của mẹ dành cho con.

 

2. Nghị luận về bài thơ con cò của Chế Lan Viên hay nhất - Mẫu số 2

Từ xa xưa, trong những câu ca dao, tục ngữ của dân tộc, tình mẫu tử đã được khắc họa một cách sâu sắc và đầy cảm động. Những câu ca quen thuộc như:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

đã khắc sâu vào tâm trí biết bao thế hệ người Việt, biểu tượng cho sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ bến của người cha, người mẹ. Từ những trang viết của các thi sĩ trung đại đến hiện đại, đề tài này luôn là nguồn cảm hứng vô tận. Và đến với Chế Lan Viên – một trong những tên tuổi lớn của thi ca thế kỷ XX, tình mẹ con lại được tái hiện một cách đầy mới mẻ và sâu lắng qua bài thơ "Con cò". Bài thơ không chỉ dừng lại ở việc mô tả hình ảnh con cò, mà còn là sự ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng qua những vần thơ giàu triết lý và cảm xúc.

Mở đầu bài thơ, Chế Lan Viên đã khéo léo sử dụng hình ảnh con cò qua những câu hát ru quen thuộc, gợi nhắc về tình yêu vô bờ của mẹ dành cho con từ khi con còn nằm trong nôi. Ngay từ lúc bé thơ, mẹ đã luôn ở bên cạnh, bế ẵm, vỗ về và ru con vào giấc ngủ với lời hát nhẹ nhàng:

"Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ
Con cò Đồng Đăng"

Những hình ảnh quen thuộc về cánh cò không chỉ là hình ảnh biểu trưng của làng quê Việt, mà còn là biểu tượng của tình mẹ dịu dàng, che chở cho con. Mẹ hát ru con, nhưng ẩn chứa trong từng câu hát là nỗi lo lắng, sự thấu hiểu về những khó khăn mà con có thể gặp phải trong tương lai:

"Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng"

Qua hình ảnh con cò, mẹ dường như đã gửi gắm tất cả tình yêu thương, sự lo lắng và mong muốn bảo vệ con khỏi những vấp ngã của cuộc đời. Những câu thơ tiếp theo là minh chứng cho tình mẹ bao la: “Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng” – mẹ luôn sẵn sàng ở bên để đỡ nâng con mỗi khi con gặp khó khăn. Mẹ không chỉ cho con dòng sữa ngọt lành, mà còn là chỗ dựa vững chắc suốt cuộc đời của con: "Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân."

Con cò trong lời ru của mẹ không chỉ là hình ảnh tạm thời mà còn đi sâu vào tiềm thức của đứa con, trở thành biểu tượng của người mẹ luôn yêu thương và che chở từ thuở ấu thơ đến khi con trưởng thành. Khi con còn nhỏ, mẹ luôn bên cạnh, nâng niu giấc ngủ của con, tựa như cánh cò trắng luôn bao bọc, chở che. Khi con lớn lên và bắt đầu cắp sách đến trường, mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước đi của con: "Mai khôn lớn, con theo cò đi học." Và khi con trưởng thành, mẹ vẫn ở đó, hy vọng con sẽ trở thành người có tâm hồn cao thượng, biết trân trọng những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống: "Con làm thi sĩ".

Chế Lan Viên đã khéo léo sử dụng hình ảnh cánh cò để biểu trưng cho người mẹ, một biểu tượng không ngừng nghỉ, luôn bay lượn trước hiên nhà, trong những dòng văn chương mà con tạo ra:

"Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn"

Mẹ đã trở thành nguồn cảm hứng, đề tài bất tận cho những trang thơ, trang văn mà con viết. Điều này không chỉ là lời ngợi ca tình mẹ mà còn là sự thấu hiểu sâu sắc về tình mẫu tử của nhà thơ. Qua giọng thơ nhẹ nhàng, thiết tha, mang âm hưởng của lời ru, Chế Lan Viên đã dẫn dắt người đọc đi qua từng khía cạnh của tình mẹ con, từ lúc con còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Các từ ngữ giàu hình ảnh, cùng với các phép tu từ tinh tế như đối ngữ “gần- xa” hay điệp ngữ “dù ở”, đã góp phần tạo nên một bức tranh sống động về sự gắn bó không thể tách rời giữa mẹ và con, dù cuộc đời có khó khăn, vất vả.

Đỉnh cao của bài thơ là khi tác giả khẳng định một chân lý vĩnh cửu về tình mẹ:

"Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con"

Dù con có trưởng thành, có đi xa, thì tình mẹ vẫn mãi ở bên, theo dõi và che chở cho con trong suốt hành trình cuộc đời. Phần cuối của bài thơ trở về với âm hưởng của những câu hát ru "À ơi", như lời ru vỗ về, an ủi, mang đến cho con sự bình yên, hạnh phúc. Cánh cò vỗ cánh qua nôi hay hình ảnh mẹ nghiêng mình bên chiếc nôi tre, tất cả đều là biểu tượng cho tình yêu thương, sự bao bọc mà mẹ dành cho con từ thuở lọt lòng. Lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng con cả về thể chất lẫn tinh thần, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con.

Bài thơ “Con cò” không chỉ là lời ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, mà còn là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy trân trọng tình yêu của mẹ, hãy giữ mãi trong tim những kỉ niệm tuổi thơ và lời ru dịu dàng ấy, bởi đó chính là phần hồn quý giá của cuộc đời.

 

3. Nghị luận về bài thơ con cò của Chế Lan Viên hay nhất - Mẫu số 3

Bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên được viết vào năm 1962, và in trong tập "Hoa ngày thường - Chim báo bão" vào năm 1967. Tác phẩm mang đậm âm điệu của những câu hát đồng dao, lối viết thơ tự do nhưng vẫn hòa quyện sâu sắc với hồn dân tộc qua những lời ru quen thuộc từ ca dao, dân ca. Với 51 câu thơ tự do, từ những câu ngắn chỉ hai chữ đến những câu dài tám chữ, Chế Lan Viên đã tạo nên một bản nhạc thơ, ngân nga, ngọt ngào, chất chứa tình yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho con, và những ước vọng về tương lai sáng sủa của con trẻ.

Trong đoạn thơ đầu, hình ảnh người mẹ hiền bế con trên tay, cất lên lời ru về "Con cò" đã in sâu trong ký ức văn hóa dân gian Việt Nam. Những câu ca dao quen thuộc "Con cò bay lả bay la..." và "Con cò mà đi ăn đêm..." lại vang lên, mang theo sự gợi nhắc về những câu chuyện buồn bã, lận đận của con cò trong ca dao. Khi mẹ nhìn con thơ “Con còn bế trên tay - Con chưa biết con cò”, lòng mẹ dào dạt tình yêu thương. Dường như trong hình ảnh con cò lẻ loi kiếm ăn, mẹ nhìn thấy chính nỗi vất vả của mình và những nỗ lực để chăm sóc, bảo vệ con. Mẹ đã dành trọn tình yêu thương, sự ân cần, chăm sóc và bảo bọc con trong vòng tay, lời ru, và dòng sữa ngọt ngào, tất cả như một sự hóa thân đầy thi vị cho tình mẫu tử:

“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,

Còn con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.”

Trong những câu thơ này, Chế Lan Viên không chỉ kể về cuộc đời của con cò, mà còn gợi lên một bức tranh về cuộc sống của người mẹ, dành hết tình yêu và sự chăm lo cho con thơ. Cánh tay dịu hiền, lời ru êm đềm và dòng sữa ngọt là những biểu tượng đẹp đẽ cho tình thương bao la của mẹ. Nhịp thơ nhẹ nhàng như nhịp võng đưa, như tiếng ru ngọt ngào, vỗ về con chìm vào giấc ngủ:

“Ngủ yên! Ngủ yên!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,

Con chưa biết con cò, con vạc.

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.”

Điệp ngữ “ngủ yên”, “con chưa biết” và hình ảnh “con cò” được lặp đi lặp lại, tạo nên âm hưởng dịu êm, ngọt ngào của tình mẹ. Những câu thơ như nhịp tim của mẹ, nhịp nhàng theo từng giấc ngủ của con, đầy tình thương và sự bảo bọc.

Ở đoạn thơ thứ hai, tiếng ru của mẹ tiếp tục, dẫn dắt con vào giấc ngủ yên lành: “Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!”. Mẹ ngắm nhìn con thơ và ước mong con sẽ khôn lớn, trưởng thành, rồi đến trường học tập. Trong lời ru của mẹ, con cò vẫn bay theo từng bước chân của con, như một biểu tượng của sự dõi theo, che chở và bảo vệ của mẹ:

“Mai khôn lớn, con theo cò đi học,

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.”

Với lòng mong mỏi con sẽ trở thành thi sĩ, mẹ kỳ vọng con không chỉ trưởng thành về thể chất mà còn có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với cái đẹp của cuộc đời. Hình ảnh cánh cò trắng bay mải miết không nghỉ tượng trưng cho sự sáng tạo và phấn đấu không ngừng nghỉ của con trong tương lai:

“Lớn lên, lớn lên, lớn lên...

Con làm gì?

Con làm thi sĩ!

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn...”

Câu hỏi "Con làm gì?" của mẹ không chỉ là sự tò mò về tương lai của con mà còn là niềm hy vọng sâu sắc. Mẹ mong muốn con sẽ trở thành người có tầm nhìn xa, biết tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống và mang lại giá trị cho cuộc đời.

Ở đoạn thơ cuối, mẹ không chỉ ru con ngủ mà còn suy ngẫm về cuộc đời và tình yêu thương vô bờ bến dành cho con. Những lời thơ như một lời nguyền của mẹ, khẳng định rằng dù con có ở đâu, dù xa hay gần, mẹ vẫn luôn ở bên, dõi theo và yêu thương con vô điều kiện:

“Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể,

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.”

Điệp từ “dù” và “vẫn” được lặp đi lặp lại, nhấn mạnh tình mẫu tử bền chặt và vĩnh cửu. Tình yêu của mẹ không gì có thể thay đổi, không bị ngăn cách bởi không gian hay thời gian. Đó là tình yêu lớn lao hơn cả núi, sâu thẳm hơn biển, và mãi mãi theo con suốt cuộc đời.

Phần cuối của bài thơ đượm chất triết lý sâu sắc, thể hiện qua hình ảnh con cò trong ca dao và sự tương đồng với cuộc đời của con. Mẹ suy nghĩ về tương lai của con và cảm thương cho số phận của những con cò nhỏ bé, lang thang giữa cuộc đời bão tố:

“À ơi!

Một con cò thôi,

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi.”

Hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ cũng là hình ảnh của chính mẹ – người luôn vỗ về, che chở con giữa cuộc đời. Tiếng ru của mẹ không chỉ nuôi dưỡng con về thể xác mà còn là hành trang tinh thần, đưa con đi suốt cuộc đời.

Bài thơ "Con cò" tuy không có đề tài lớn lao nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc về tình mẫu tử. Nó ca ngợi tình yêu bao la của mẹ dành cho con và những ước mơ, khát vọng về tương lai của con. Chế Lan Viên đã khéo léo kết hợp những hình ảnh quen thuộc từ ca dao, dân ca với triết lý sâu sắc, tạo nên một tác phẩm vừa đẹp về nghệ thuật, vừa giàu tính nhân văn. Bài thơ không chỉ là lời ngợi ca tình mẫu tử, mà còn là thông điệp nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết trân trọng những người mẹ và những kỷ niệm ấu thơ – những giá trị tinh thần vô giá trong cuộc đời.