Mục lục bài viết
- 1. Bảo hành là gì? Căn cứ phát sinh nghĩa vụ bảo hành
- 2. Nghĩa vụ bảo hành của bên bán
- 3. Quyền yêu cầu bảo hành của bên mua
- 4. Sửa chữa vật trong thời gian bảo hành
- 5. Bồi thường thiệt hại trong thời gian bảo hành
- 6. Công ty bán điện thoại bị lỗi thì xử lý thế nào?
- 7. Câu hỏi thường gặp về nghĩa vụ bảo hành
- 7.1 Chi phí sửa chữa khi bảo hành tài sản bao gồm những khoản nào?
- 7.2 Chi phí vận chuyển tài sản bản hành đến nơi sửa chữa do ai chịu?
- 7.3 Trong thời gian bảo hành bên bán phải bồi thường thiệt hại như thế nào?
1. Bảo hành là gì? Căn cứ phát sinh nghĩa vụ bảo hành
Bảo hành sản phẩm là cam kết của nhà sản xuất hoặc người bán hàng về việc sửa chữa hoặc thay thế miễn phí trong trường hợp hàng hóa bị hỏng hóc, khuyết tật theo quy định cụ thể về điều kiện bảo hành trong một khoảng thời gian được xác định.
Cơ sở phát sinh nghĩa vụ bảo hành bao gồm:
- Theo sự thỏa thuận của các bên;
- Do pháp luật quy định.
Nghĩa vụ bảo hành được áp dụng đối với các loại tài sản mà chất lượng của nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua, do đó, bên bán phải tuân thủ các quy định về thời hạn bảo hành và các vấn đề khác mà pháp luật có quy định.
2. Nghĩa vụ bảo hành của bên bán
Nghĩa vụ bảo hành tài sản là nghĩa vụ thuộc về bên bán tài sản. Bảo hành còn là một chiến lược quảng bá, marketing sản phẩm của người bán (hoặc nhà sản xuất) nhằm thu hút khách hàng. Nghĩa vụ bảo hành là loại nghĩa vụ luôn xác định thời hạn.
Nghĩa vụ bảo hành của người bán do các bên thỏa thuận, nhưng có một số trường hợp bên bán có nghĩa vụ bảo hành theo pháp luật quy định như:
- Bảo hành nhà ở được ghi nhận tại Điều 85 Luật nhà ở năm 2014:
Điều 85. Bào hành nhà ở
1. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở phải bảo hành thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.
2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.
3. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ờ thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.
Trên thực tế, nghĩa vụ bảo hành cũng như thời hạn bảo hành thường là do bên bán đưa ra dựa trên chiến lược kinh doanh của mình. Đối với những trường hợp này, khi giao kết hợp đồng, bên bán đã đưa ra sẵn các quy định về điều kiện bảo hành, những lợi ích mà bên mua được hưởng từ việc bảo hành, cũng như thời gian bảo hành đối với vật mua bán. Bên mua chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận những nội dung này mà không thể thay đổi các nội dung đó, nếu bên mua chấp nhận các nội dung này thì cũng được coi là các bên đã có sự thỏa thuận, thống nhất về điều khoản bảo hành.
Thời hạn bảo hành được tính từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhân vật. Cũng cần lưu ý thêm, Điều luật quy định thời hạn bảo hành được tính từ “thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật” chứ không phải tính từ “thời điểm bên mua nhận vật”. Hai thời điểm này có thể trùng hoặc cũng có thể không trùng nhau. Thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật là thời điểm bên mua phải thực hiện nghĩa vụ khi bên bán chuyển giao tài sản theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Còn thời điểm bên mua nhận vật là thời điểm bên mua đã nhận tài sản trên thực tế, việc nhận tài sản này có thể đúng theo thời điểm đã thỏa thuận hoặc không.
3. Quyền yêu cầu bảo hành của bên mua
Theo Điều 447 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 447. Quyền yêu cầu bảo hành
Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Khuyết tật hàng hóa có thể phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và lưu trữ... Các loại hàng hóa thường phát sinh khuyết tật như: các đồ điện tử (điện thoại, laptop, tivi...), các phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe đạp điện...).
Nếu bên mua phát hiện được vật có khuyết tật trong thời gian bảo hành thì bên mua được quyền lựa chọn một trong các phương án giải quyết sau đây:
- Yêu cầu bên bán sửa chữa tài sản: Đây là yêu cầu phổ biến trên thực tế đối với những khuyết tật của tài sản. Đối với phương án này, bên bán vẫn đảm bảo tài sản được bán và bên mua sẽ được khắc phục khiếm khuyết đối với tài sản đã mua. Tuy nhiên, phương án này chỉ khả thi đối với những hỏng hóc, khuyết tật có khả năng sửa chữa. Việc sửa chữa bao gồm cả việc khắc phục lỗi trên chính linh kiện, bộ phận ban đầu hoặc thay thế linh kiện, bộ phận mới. Với những khuyết tật không thể sửa chữa thì bên mua được quyền yêu cầu bên bán thực hiện các nghĩa vụ khác để khắc phục.
- Yêu cầu bên bán giảm giá tiền: giá tiền mua bán được tính dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố về chất lượng sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Do đó, nếu sản phẩm bị khuyết tật, không giống như chất lượng mà bên bán đã cam kết thì bên mua được quyền yêu cầu bên bán giảm giá tiền tài sản mua bán. Mức giảm phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, nếu các bên không thống nhất được thì một trong hai bên có quyền yêu cầu Tòa án xác định mức giảm. Mức giảm phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của khuyết tật.
- Yêu cầu bên bán đổi vật có khuyết tật lấy vật khác: thông thường, bên bán hoặc nhà sản xuất chỉ thỏa thuận để người mua có quyền này trong một thời gian ngắn, cụ thể (ví dụ: đổi hàng trong vòng 5 ngày, 10 ngày...).
- Trả lại vật và lấy lại tiền: Với mục tiêu tiêu thụ được nhiều sản phẩm, hàng hóa, chính sách bảo hành trả vật và lấy lại tiền ít được các nhà sản xuất và người bán hàng đưa ra. Do đó, phương án này rất ít được áp dụng trên thực tế.
4. Sửa chữa vật trong thời gian bảo hành
Khi tài sản bị hư hỏng trong thời gian bảo hành thì trước hết bên bán có nghĩa vụ sửa chữa vật, đồng thời bên bán phải đảm bảo vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết. Việc sửa chữa vật mua bán là phương án dự phòng nhằm đảm bảo về chất lượng vật bán khi phát hiện ra những khuyết tật, hư hỏng của vật mua bán trong thời gian bảo hành. "Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua." (Theo khoản 2 Điều 448 Bộ luật dân sự 2015)
Chi phí sửa chữa tài sản thường bao gồm: chi phí trả cho công sức của người sửa chữa, chi phí để mua phụ tùng thay thế, chi phí bảo quản, trông coi tài sản trong thời gian sửa chữa...; Ngoài chi chí sửa chữa tài sản thì việc bảo hành còn có thể phát sinh thêm chi phí vận chuyển tài sản đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của người mua. Tất cả những chi phí này bên bán phải chịu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc trong một thời gian hợp lý. Đây là khoảng thời gian mà bên bán có thể hoàn thành công việc sửa chữa tài sản. Khoảng thời gian này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất, mức độ hư hỏng tài sản; địa điểm sửa chữa; tay nghề của người sửa chữa... Nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.
5. Bồi thường thiệt hại trong thời gian bảo hành
Theo quy định tại Điều 449 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 449. Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành
1. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.
2. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Nếu do khuyết tật về kĩ thuật của vật mua bán gây ra thiệt hại thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải bồi thường. Thiệt hại xảy ra có thể đối với chính bên mua tài sản hoặc một chủ thể bất kì nào khác. Những thiệt hại này có thể là tổn thất, mất mát về tài sản hoặc về sức khỏe, thậm chí tính mạng của cá nhân bị thiệt hại. Nếu hành vi con người sử dụng tài sản gây ra thiệt hại thì trường hợp này chính người có hành vi phải bồi thường mà không thể viện lý do vì khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành mà yêu cầu bên bán phải bảo hành. Do đó, đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, phổ biến đối với những trường hợp này là các vụ tai nạn giao thông do nguồn nguy hiểm cao độ là ô tô, xe máy đang vận hành gây ra.
Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Đây cũng chính là nguyên tắc quan trọng trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bên nào có lỗi thì bên đó phải chịu trách nhiệm với thiệt hại xảy ra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đồng thời, bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
6. Công ty bán điện thoại bị lỗi thì xử lý thế nào?
Thưa luật sư! Em có mua điện thoại tại của hàng X, bào là hàng xách tay, khi về sử dụng được 10 ngày, máy bị lỗi màn hình. Đến cửa hàng báo thì cửa hàng nói là hàng xách tay không đổi cái khác được. Sẽ sửa nhưng tính phí em đến 1 triệu 2. Bây giờ em phải làm sao để không phải mất tiền vì hàng dởm?
Trả lời:
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa thể xác định được cụ thể nội dung trong hợp đồng mua bán của bán với cửa hàng X. Nếu hợp đồng mua bán hàng ở đây là đã qua sử dụng thì đồng nghĩa với việc khi mua bán bạn sẽ được bên mua cung cấp các thông tin đối với tài sản mà bạn mua theo quy định tại Điều 432 Bộ luật dân sự 2015.
Điều 432. Chất lượng của tài sản mua bán
1. Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thỏa thuận.
2. Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.
Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trường hợp tài sản bị lỗi nhưng người bán cố tình che giấu khuyết tật đó là có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Lúc này bạn mới có thể làm đơn tố cáo hành vi này của người bán hàng. Còn trường hợp hàng bạn mua mới là hoàn toàn mới và bản thân người bán cũng không hề biết về khuyết tật của máy nếu trong hợp đồng mua bán có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về vấn đề bảo hành thì bên bán phải có nghĩa vụ bảo hành miễn phí cho bên mua trong thời hạn bảo hành được quy định tại Điều 446 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
Điều 446. Nghĩa vụ bảo hành
Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.
7. Câu hỏi thường gặp về nghĩa vụ bảo hành
7.1 Chi phí sửa chữa khi bảo hành tài sản bao gồm những khoản nào?
Chi phí sửa chữa khi bảo hành tài sản bao gồm những khoản như chi phí vẫn chuyển tài sản bản hành, chi phí cho phụ tùng thay thế, chi phí cho người sửa....
7.2 Chi phí vận chuyển tài sản bản hành đến nơi sửa chữa do ai chịu?
Theo Khoản 2 Điều 448 Bộ luật dân sự 2015 thì chi phí vận chuyển tài sản bảo hành đến nơi sửa chữa sẽ do bên bán chịu.
Ví dụ: A mua một chiếc tủ lạnh. Thời gian bảo hành 2 năm. Dùng được 5 tháng thì hỏng. Bên bán có nghĩa vụ sửa chữa cho A. Chi phí vận chuyển tủ lạnh từ nhà A đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa về nhà A do bên bán chi trả.
7.3 Trong thời gian bảo hành bên bán phải bồi thường thiệt hại như thế nào?
Trong thời gian bảo hành mà tài sản bảo hành gây thiệt hại do lỗi kỹ thuật thì bên bán phải bồi thường.
Nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua thì bên bán không phải bồi thường.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Trân trọng cảm ơn!