1. Dàn ý phân tích hình ảnh người lính qua hai bài thơ "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"

1.1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về hình ảnh bình dị mà hiên ngang của người lính trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm tháng chống Pháp và người chiến sĩ giải phóng quân miền Nam thời kì đánh Mỹ đã được phản ánh rõ nét với những vẻ đẹp khác nhau.

- Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm: " Đồng chí" của Chính Hữu và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật.

- Nêu vấn đề cần phân tích.

 

1.2. Thân bài

a, Hình ảnh người lính bình dị, mộc mạc, thấm nhuần tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập tự do.

- Sự khác biệt  của họ là hoàn cảnh chiến đấu và xuất thân.

  • Bài thơ "Đồng chí" được ra đời ở những năm tháng đầu giặc Pháp quay trở lại xâm lược nước ta sau cách mạng tháng 8, nên cuộc sống vô cùng khó khăn và khổ cực, thiếu thốn trăm bề ở chiến khu. Người lính trong bài thơ xuất thân từ những cảnh ngộ nghèo khó: "nước mặn đồng chua", "đất cày lên sỏi đá" sẵn sàng vì nước quên thân, tình nguyện ra nhập ngũ cầm lấy khẩu súng cách mạng.
  • "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" sáng tác vào thời kí kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời điểm lúc bất giờ là cộc mốc đánh dấu cuộc kháng chiến của quân và nhân dân ta đang trong thời khốc liệt nhất nhưng miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, đã được sống trong thời bình. Những người lính trong bài thơ là những chàng trai trẻ, có tri thức, được giác ngộ lí tưởng cách mạng cao cả, họ sẵn sàng gác lại những ước mơ hoài bão của tương lai để cống hiến tuổi thanh xuân theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam yêu dấu.

- Những người lính đều là những người con yêu quê hương đất nước, mang trong mình trọng trách cứu nước cứu dân, trong họ luôn thổn thức một nỗi nhớ khôn nguôi về quê nhà nhưng họ quyết tâm chiến đấu hết mình vì sự độc lập, tự do.

  • Người lính trong bài thơ "Đồng chí" có những nỗi nhớ khôn nguôi về quê nhà. Sống giữa chiến trường với tinh đồng chí thiêng liêng, lòng người nông dân bỗng quặn thắt nhớ mẹ già, vợ dại, con thơ, họ xót xa khi nghĩ về ruộng đồng bỏ hoang, gian nhà trống vắng lại càng cô đơn "Ruộng nương.....nhớ người ra lính"
  • Người lính chống Mĩ với sự vấn vương nơi mái trường, là sự nuối tiếc những trang vở còn tinh tươm. Họ buồn khi phải khép lại những ước mơ và hoài bão đời mình nhưng họ lại hiểu rằng trách nhiệm với quê hương đang ở đó, họ phải quyết tâm vì sự an nguy của đất nước. Họ biến con đường ra trận thành ngôi nhà chung gắn kết trái tim vì tinh thần chống giặc ngoại xâm. "Bếp hoàng cầm ...gia đình đấy".

b, Hình ảnh người lính trong cả hai bài thơ đều là những con người giàu ý chí, nghị lực, chấp nhận, coi thường và vượt lên trên mọi khó khăn ấy bằng tinh thần lạc quan, bằng tình đồng đội đồng chí keo sơn, mật thiết.

- Đồng chí:

  • Trên trận tuyến gay go ác liệt, các anh phải cùng chịu biết bao khó khăn gian khổ, thiếu thốn, chịu đựng những cơn sốt rét rừng, "vầng trán ướt mồ hôi", "áo rách vai", "quần vài mảnh vá", "chân không giày",...
  • Những người lính ấy vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan. Hình ảnh "miệng cười buốt giá" là hình ảnh tiêu biểu cho thấy thái độ lạc quan, coi thường mọi thử thách, khó khăn.
  • Cũng chính trong gian khổ và thiếu thốn này đã nẩy sinh ở họ mối tình cao đẹp- tình đồng chí. Đối với họ tình đồng đội là món quà thiêng liêng, quý giá nhất mà họ nhận được trong suốt quãng thời gian cầm súng "súng bên súng, đầu sát bên đầu...Đồng chí!", tình cảm ấy luôn được bồi đắp qua sự sẻ chia những gian lao của cuộc chiến: "thương nhau tay nắm lấy bàn tay". 
  • Hình ảnh "chờ giặc tới" đã vẽ lên một tư thế chủ động, hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu quân thù.
  • Hình ảnh người lính được phác họa trong sự hòa quyện giữa chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn qua hình ảnh "Đầu súng trăng treo", một biểu tượng đẹp của hình ảnh người lính, biểu tượng tượng trưng cho mối tình đồng chí đã khắc sâu trong tâm trí con người.

=> Điều này giúp ta hiểu được sự quyết tâm của người lính, cảm phục trước sự hi sinh vì nhau của những anh bộ đội cụ Hồ. tấm lòng của các anh thật đẹp và lớn lao, các anh đã đoàn kết chung lại vì một đất nước thân yêu, vì sự hòa bình độc lập, vì sự ấm no hạnh phúc đủ đầy cho thế hệ mai sau.

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính:

  • Hiện lên trang thơ của Phạm Tiến Duật là những người lính thật ngang tàng, yêu đời, dũng cảm và hóm hỉnh. Từng giây, từng phút, các anh phải đối mặt với nhiều gian khổ và sự ác liệt, dữ dội của bom đạn quân thù. Những gian khổ hiện hình trong hình ảnh của những chiếc xe không kính, không đèn, không mui xe, thùng xe có xước. Gian khổ luôn rình rập xung quanh các anh, cái chết như kề bên nhưng các anh lúc nào cũng "Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng."
  • Họ đối diện với sự tàn khốc của cuộc chiến "gió vào xoa mắt đắng", "sao trời", "cánh chim" như "sa", "ùa" vào buồng lái nhưng cũng bởi tinh thần lạc quan, quên đi cái chết, quên đi sự khốc liệt của chiến tranh, họ "phì phèo châm điếu thuốc" cùng tiếng cười "haha" như là lời thách thức của họ đối với quân thù.
  • Dù khó khăn gian khổ nhưng trong họ vẫn luôn chan chứa tình cảm đồng đội và trái tim yêu nước. Hình ảnh chân thực " Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi" cho thấy sự đồng cảm sẻ chia sâu sắc. Niềm tin và tinh thần lạc quan của nguời lính được thể hiện qua hình ảnh "vì miền Nam phía trước". 
  • Hình ảnh hoán dụ "một trái tim" đã làm nổi bật "trái tim cầm lái" luôn hừng hực cháy đỏ trong trái tim trẻ của người lính.

c, Sự gần gũi, thân quen giữa những người lính qua các thời kì được thể hiện qua hình ảnh anh chiến sĩ Trường Sơn.

- Từ anh bộ đội cụ Hồ thời kì kháng chiến chống Pháp đến anh chiến sĩ Trường Sơn trong thời chống Mỹ đều có chung một nét đẹp truyền thống kiên cường, bất khuất, dũng cảm và tinh thần lạc quan. Với điều kiện thuận lợi hơn, người lính thời chống Mỹ được trau rèn, huấn luyện, được kế thừa pháp huy những tinh thần cách mạng.

- Hai bài thơ cùng khai thác chất liệu thơ từ đời sống thực với những chi tiết thật đến trần trụi của cuộc sống người lính nhưng bút phát và giọng điệu khác nhau. Với Chính Hữu, ông mang vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội vào thơ còn Phạm Tiến Duật lại tập trung làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn và bom đạn kẻ thù.

 

1.3. Kết bài

- Khái quát về giá trị hình tượng người lính qua hai bài thơ và nêu cảm nhận của bản thân.

>> Tham khảo: Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng Chí hay nhất

 

2. Bài văn Phân tích hình ảnh người lính qua hai bài thơ "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"

Chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm về những năm tháng bom dồn lửa đạn vẫn đọng mãi trong tâm trí người dân Việt Nam yêu nước. Họ nhớ về những năm tháng chiến đấu oanh liệt, nhớ đến sự hi sinh gian khổ của người lính trẻ.  Cùng họ chiêm nghiệm lại thời kì vang dội đó, hai áng thơ "Đồng chí" của Chính Hữu và "Bài thơ về tiểu dội xe không kính" của Phạm Tiến Duật sẽ khắc họa lại hình ảnh người lính trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam ở hai thế hệ khác nhau nhưng trong họ có nhiều nét đẹp chung của người lính cách mạng và của con người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước.

Trước hết, hình ảnh người lính trong hai bài thơ đều là những con người bình dị, mộc mạc, thấm nhuần tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập tự do. Mặc dù, họ có sự khác biệt về hoàn cảnh chiến đấu và xuất thân nhưng họ mang trong mình nét đẹp bình di, thuần khiết, sẵn sàng hi sinh vì Tổ Quốc. Những vần thơ của "Đồng chí" được Chính Hữu viết lên vào tháng 5/1948 của những ngày đầu giặc pháp quay trở lại xâm lược nước ta sau cách mạng tháng Tám, nên cuộc sống của những người lính vô cùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề ở chiến khu. Hiểu được nỗi đau của dân tộc, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, những anh nông dân nghèo bỏ lại sau lưng ruộng đồng, "bến nước gốc đa" sẵn sàng vì nước quên thân, tình nguyện ra nhập ngũ cầm lấy khẩu súng cách mạng:

"Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá"

Khác với Chính Hữu, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" được Phạm Tiến Duật cho ra đời vào thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 5 năm 1969. Vào thời điểm lúc bấy giờ là cột mốc đánh dấu cuộc kháng chiến của quân và nhân dân ta đang trong thời kì khốc liệt nhất nhưng miềm Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, đã được sống trong thời bình. Những người lính trong bài thơ là những chàng trai trẻ, có tri thức, được giác ngộ lí tưởng cách mạng cao cả, họ sẵn sàng gác lại những ước mơ hoài bão của tương lai để cuống hiến tuổi thanh xuân theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt. 

Đi nhập ngũ, người lính trong bất kì thời điểm nào cũng có nỗi nhớ không nguôi về quê nhà, họ đều là những người con yêu quê hương đất nước, mang trong mình trọng trách cứu nước cứu dân vì thế họ quyết tâm chiến đấu hết mình vì sự đọc lập tự do. Sống giữa chiến trường với tinh thần đồng chí thiêng liêng, lòng người nông dân bỗng quặn thắt nhớ mẹ già, vợ dại, con thơ, họ xót xa khi nghĩ về ruộng đồng bỏ hoang, gian nhà trống vắng:

"Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay,

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính."

Phạm Tiến Duật kể về nỗi nhớ nơi mái trường của những người lính trẻ, họ nuối tiếc những trang sách vở tinh tươm, phải khép lại những ước mơ đời mình nhưng họ lại hiểu rằng trách nhiệm với quê hương đang ở đó, họ phải quyết tâm vì sự an nguy của đất nước. Họ biến con đường ra trận thành ngôi nhà chung gắn kết trái tim vì tinh thần chống giặc ngoại xâm:

"Bếp Hoàng cầm ta dựng giữa trời,

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy."

Bên cạnh đó, hình ảnh người lính trong hai bài thơ đều là những con người giày ý chí, nghị lực, chấp nhận, coi thường và vượt lên trên mọi khó khăn ấy bằng tinh thần lạc quan, bằng tinh thần đồng đội, đồng chí keo sơn, mật thiết. Tìm hiểu bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu hiện lên trong người đọc là hỉnh ảnh người chiến sĩ với hoàn cảnh khó khăn gian khổ: 

" Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá 

Miệng cười buốt giá

Chân không giày".

Là người trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính Hữu hiểu rõ về những gian khổ và thiếu thốn nơi trận tuyến gay go ác liệt. Các anh phải chịu những cơn sốt rét rừng đó là "cơn ớn lạnh", những cơn sốt đến run người khiến "vầng trán ướt mồ hôi" cùng cảnh "áo rách vai", "quần có vài mản vá", "chân không giày",... Dường như, mọi thiếu thốn, vất vả càng được nhấn mạnh rõ nét hơn khi đặt cạnh cái khắc nhiệt của rừng núi "rừng hoang sương muối". Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những người lính ấy vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan. Hình ảnh "miệng cười buốt giá" là hình ảnh tiêu biểu cho thái độ lạc quan, coi thường thử thách, khó khăn của người lính. Và cũng chính trong gian khổ này đã nhen nhóm ở họ mối tình cao đẹp- tình đồng chí. Đối với họ tình đồng chí ở đây là món quà thiêng liêng, quý giá nhất mà họ nhận được trong suốt quãng thời gian cầm súng:

"Súng bên súng, đầu sát bên đầu, 

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ, 

Đồng chí!"

Không dùng lại ở đó, tình đồng chí cao đẹp của những người lính còn được thể hiện rõ ở sự yêu thương gắn bó và luôn sẵn sàng chia sẻ. Tất cả tình cảm ấy dồn nén, thể hiện qua câu thơ chan chứa bao ý nghĩa: "Thương nhau tay lắm lấy bàn tay". Những bàn tay chứa chan tình cảm nồng thắm, đồng thời là lời động viên chân thành để những người lính có thêm động lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Đây là sự cảm thông mang biết bao hơi ấm, bao tình thương truyền cho họ động lực, sức mạnh bước đi trên chặng đường gian truân phía trước. Hơn nữa, họ còn cùng nhau "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Hình ảnh "chờ giặc tới" đã vẽ lên một tư thế chủ động, hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu quân thù. Tất cả lại càng toát lên vẻ đẹp thiêng liêng của tình đồng chí, họ đoàn kết thành một khối để chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, họ cùng nhau vững bước không để ai phải theo sau. Đẹp làm sao giữa rừng hoang sương muối, ở nơi mà sự sống và cái chết giống nhau, những người lính chiến sĩ vẫn ôm súng đứng canh gác quan thù trong đem trăng sáng. Ở đây người nghe bắt gặp hình ảnh "Đầu súng trăng treo", một sự hòa quyện giữa chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn , là một biểu tượng đẹp của hình ảnh người lính, niểu tượng tượng trưng cho mối tình đồng chí đã khắc sâu trong tâm trí con người. Điều này càng giúp ta hiểu được sự quyết tâm của người lính, cảm phục trước sự hi sinh vì nhau của anh bộ đội cụ Hồ. Tấm lòng của các anh thật đẹp và lớn lao, các anh với một trái tim yêu đất nước, yêu sự hòa bình, khát khao ấm no hạnh phúc đủ đầy cho thế hệ mai sau. 

Không chỉ trong bài thơ "Đồng chí", người lính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" cũng luôn tràn đầy tinh thần lạc quan. Hiện lên trang thơ của Phạm Tiến Duật là những người lính thật ngang tàng, yêu đời, dũng cảm và hóm hỉnh. Từng giây, từng phút, các anh phải đối mặt với nhiều gian khổ và sự ác liệt, dữ dội của bom đạn quân thù. Những gian khổ hiện hình trong hình ảnh của những chiếc xe không kính, không đèn, không mui xe, thùng xe có xước. Gian khổ luôn rình rập xung quanh các anh, cái chết như kề bên những các anh lúc nào cũng: 

"Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng"

Trên cái nền của cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, hình ảnh người lính hiện lên với tư thế "ung dung". Tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê "nhìn đất", "nhìn trời", "nhìn thẳng" để cho thấy tư thế vững vàng, hiên ngang, bình thản của những người lính. Họ không run sợ mà dám nhìn thẳng vào bom đạn của kẻ thù, vào con đường đầy khó khăn thử thách, họ hòa nhập vào thiên nhiên hùng vĩ, đối diện với sựi tàn khốc của cuộc chiến "gió vào xoa mắt đắng", "sao trời", "cánh chim" như "sa", "ùa" vào buồng lái. Và chính bởi tinh thần lạc quan, quên đi cái chết, quên đi sự khốc liệt của chiến tranh, sự đồng cảm của của một người lính đối với cảm xúc của nhà thơ, Phạm Tiến Duật đã xây dựng lên hình ảnh người chiến sĩ cùng nhau tếu tóa, tinh nghịch "phì phèo châm điếu thuốc" cùng tiếng cười "haha" cho thấy sự sảng khoái như một lời thách thức của họ đối với quân thù. Đó là sức mạnh lớn nhất khiến chiếc xe ấy vẫn băng băng lên phía trước. Họ tạo cho nhau những tinh thần sảng khoái nhất, họ vẽ lên một tình cảm đồng chí gắn bó thể hiện rõ qua những cái bắt tay chan chứa bao tình cảm "Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi". Cái bắt tay là sự đồng cảm sâu sắc, là lời động viên thầm lặng, là sự sẻ chia bao nỗi buồn niềm vui, bao khó khăn trên những chặng đường ra trận của những người lính dành cho nhau. Họ cùng nhau vượt qua mọi gian khổ nơi chiến trường với niềm tin và tinh thần lạc quan được thể hiện qua hình ảnh "Vì miền Nam phía trước" cho thấy trong những chiếc xe không kính có những trái tim yêu nước, luôn hướng về miền Nam với khát vọng cháy bỏng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tác giả đã sử dụng hình ảnh hoán dụ "một trái tim" đã làm nổi bật "trái tim cầm lái" như ngọn lửa luôn hừng hực cháy đỏ trong trái tim trẻ của người lính.

Sự gần gũi, thân quen giữa những người lính qua các thời kì được thể hiện qua hình ảnh anh chiến sĩ Trường Sơn. Từ anh bộ đội cụ Hồ thời kì kháng chiến chống Pháp đến anh chiến sĩ Trường Sơn trong thời chống Mỹ đều có chung một nét đẹp truyền thống kiên cường, bất khuất, dũng cảm với tinh thần lạc quan. Được sống trong thời bình với những điều kiện thuận lợi hơn, người lính thời kì chống Mỹ được trau rèn, huấn luyện và được kế thừa phát huy những tinh thần cách mạng. Hai bài thơ cùng khai thác chất liệu thơ từ đời sống thực với những chi tiết thật đến trần truhi của cuộc sống người lính nhưng bút pháp và giọng điệu khác nhau. Với Chính Hữu, ông mang vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội vào thơ còn Phạm Tiến Duật lại tập trung làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn và bom đạn kẻ thù.

Xuyên suốt hai bài thơ cho thấy cái tình, trách nhiệm công dân của người chiến sĩ trước vận mệnh đất nước. Họ hiện lên gần gũi, thân thương, tự nguyện dấn thân, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm chiến đấu,... với nghĩa tình đồng đội ấm áp đã và đang, sẽ mãi mãi ấp ủ trong trái tim, tất cả là những nét đẹp nổi bật về hình ảnh người lính trong thơ của Chính Hữu và Phạm Tiến Duật.

Trên đây là bài mẫu Phân tích hình ảnh người lính qua hai bài thơ "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" Luật Minh Khuê gửi tới bạn. Xem thêm: Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến chọn lọc hay nhất hoặc So sánh hình tượng người lính trong Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Chúng tôi rất mong được đồng hành cùng các bạn. Chúc các bạn học tập và có những kì thi đặt điểm cao. Trân thành cảm ơn!