1. Tài khoản ngân hàng được hiểu như nào?

Tài khoản ngân hàng được hiểu là tài sản do Ngân hàng cung cấp cho khách hàng dưới dạng một dãy số nhằm mục đích gửi tiền vào để thực hiện các giao dịch tài chính với 02 mục đích chính là thanh toán và tiết kiệm. Mỗi cá nhân có thể có nhiều tài khoản ngân hàng.

Hiện nay, đang có hai loại tài khoản ngân hàng thông dụng được sử dụng nhiều là tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm.

- Tài khoản thanh toán: Là tài khoản khách hàng dùng để gửi tiền vào, sau đó, mặc định ủy quyền quản lý cho ngân hàng hoặc yêu cầu ngân hàng thanh toán các hóa đơn dịch vụ, chuyển rút tiền… Thông thường, loại tài khoản nàyđược sử dụng để nhận lương, hoặc giao dịch kinh doanh…Tiền gửi trong tài khoản thanh toán nếu chưa sử dụng đều được ngân hàng trả lãi suất định kỳ. Trong đó, lãi suất được áp dụng là lãi suất của loại tiền gửi không kỳ hạn.

- Tài khoản tiết kiệm: Là tài khoản mà khách hàng gửi tiền vào để đầu tư sinh lời. Tiền lời này khách hàng có thể nhận ngay khi gửi hoặc nhận định kỳ theo thỏa thuận. Tài khoản tiết kiệm có thể được chia ra nhiều hạn mức, và không giới hạn số lượng đăng ký mở.

Do vậy, tài khoản ngân hàng là một tài khoản được mở tại một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính có thẩm quyền để lưu trữ tiền và thực hiện các giao dịch tài chính. Nó cho phép người dùng gửi, rút tiền và thực hiện các giao dịch khác như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, ... Người dùng có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình thông qua các phương tiện như thẻ ATM, internet banking, điện thoại di động, hoặc trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch. Tài khoản ngân hàng giúp người dùng quản lý tiền bạc, tiết kiệm, và thuận tiện trong việc quản lý tài chính cá nhân hoặc doanh nghiệp.

 

2. Nhân viên ngân hàng sử dụng số tài khoản của khách để rút tiền thì có thể cấu thành tội gì?

Nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi dùng tài khoản của khách hàng để rút tiền được xác định là nhân viên ngân hàng đang chiếm đoạt tài sản của khách. Tuy nhiên, để xác định xem nhân viên này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nào thì cần phải xem xét về thủ đoạn mà người này sử dụng để có được số tài khoản của khác hàng.

Theo đó, nếu ngay từ đầu, nhân viên nhân hàng dùng thủ đoạn gian dối như việc đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho khách hàng tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.

Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nằm ở mục đích của hành vi. Người phạm tội dùng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó và tự nguyện chuyển giao tài sản cho người phạm tội. Đây là dấu hiệu quan trọng để định tội danh, phân biệt với các tội danh khác có đặc điểm về hành vi tương đương.

Bên cạnh đó, cần lưu ý về giá trị của tài sản bị chiếm đoạt. Tức là, khi giá trị của tài sản bị chiếm đoạt phải từ 02 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tài sản chiếm đoạt dưới 02 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, nhân viên ngân hàng chắc chắn là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Kèm theo đó, việc lấy tài khoản của khách để rút tiền phải xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người này. Và nhân viên ngân hàng phải thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật; đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Như vậy, nếu trong trường hợp nhân viên ngân hàng sử dụng những thông tin không chính xác như: tài khoản của khách hàng bị đóng băng hoặc tài khoản của khách đang có sự đăng nhập bất hợp pháp, ... để khách hàng tin tưởng và đưa số tài khoản của mình cho nhân viên ngân hàng kiểm tra và giải quyết thì trường hợp này đã có dấu hiệu của thủ đoạn gian dối. Và nếu sau khi có được số tài khoản của khác hàng thì nhân viên ngân hàng đã tiến hành rút tiền của khách với khoản tiền từ 02 triệu đồng trở lên thì đã cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 

3. Nhân viên ngân hàng sử dụng số tài khoản của khách để rút tiền thì bị xử lý như thế nào?

 

3.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không đạt mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ.

Quy định này liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Những người sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử phạt hành chính là phạt tiền với mức phạt từ 02 triệu đồng đến 03 triệu đồng.

Ngoài phạt tiền, còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Tổng quan, trong trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không đạt mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cụ thể. Ngoài ra, còn có thể áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như tịch thu tài sản vi phạm hành chính và trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

 

3.2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp nhân viên ngân hàng sử dụng số tài khoản của khách hàng để rút tiền thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người phạm tội này có thể bị áp dụng hình phạt theo từng khung hình phạt được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành, cụ thể như sau:

- Khung cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

- Khung hai: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

- Khung ba: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm

- Khung bốn: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mức hình phạt phụ thuộc vào các yếu tố như giá trị tài sản bị chiếm đoạt, tính chất của hành vi, sự lợi dụng hoàn cảnh và tình trạng khẩn cấp, cũng như hậu quả gây ra. Quyết định về xử lý tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội.

Tổng quan, nhân viên ngân hàng sử dụng số tài khoản của khách hàng để rút tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối mặt với các hình phạt nghiêm trọng, bao gồm cả án tù giam và phạt tiền. Sự áp dụng các biện pháp xử lý cụ thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội.

Tham khảo thêm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định mới nhất năm 2023 Liên hệ với Luật Minh Khuê qua phương thức: gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng.