Mục lục bài viết
- 1. Nhiệm vụ chung về giáo dục tiểu học năm học 2021-2022
- 2. Nhiệm vụ thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp
- 2.1. Thực hiện rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp
- 2.2 Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học
- 2.3. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dạy học tiếng dân tộc thiểu số
- Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
- Dạy học tiếng dân tộc thiểu số
- 2.4. Thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
- Đối với trẻ khuyết tật
- Đối với trẻ em lang thang cơ nhỡ
- Tổ chức thực hiện lớp học linh hoạt, lớp ghép
1. Nhiệm vụ chung về giáo dục tiểu học năm học 2021-2022
Theo Công văn 3636/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022, nhiệm vụ chung được quy định như sau:
Thứ nhất: Triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) đối với lớp 1, lớp 2 và Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) từ lớp 3 đến lớp 5.
Thứ hai: Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 3 trong năm học 2022-2023 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Tin học và môn Ngoại ngữ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT.
Thứ ba: Tiếp tục thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; khắc phục tình trạng trường lớp có số lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, phấn đấu bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Thứ tư: Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học1 theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thứ năm: Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động dạy học, đa dạng các hình thức tổ chức để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học; tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng thực hiện tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập” của ngành Giáo dục.
2. Nhiệm vụ thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp
Với nhiệm vụ thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp; duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện công bằng trong giáo dục có một số nội dung chính sau đây:
2.1. Thực hiện rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp
Với nhiệm vụ thứ nhất phải thực hiện rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, theo đó:
Triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học theo hướng dẫn29 của Bộ GDĐT, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định; tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tiểu học của địa phương.
2.2 Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ GDĐT ban hành quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Tích cực, chủ động tham mưu với lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; xây dựng kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực để củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
2.3. Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dạy học tiếng dân tộc thiểu số
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”30, cụ thể: Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên về việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; tham mưu UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí tổ chức triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số hàng năm; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ việc triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, việc dạy học tăng cường tiếng Việt theo các tài liệu đã được Bộ GDĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt.
Dạy học tiếng dân tộc thiểu số
Tổ chức thực hiện dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của học sinh cụ thể:
- Đối với các lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5: tiếp tục tổ chức thực hiện theo chương trình và các bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc hiện hành (08 chương trình tương ứng với các tiếng dân tộc: Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Êđê, Hmông, M’Nông, Thái; 06 bộ sách giáo khoa các tiếng Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Hmông, Êđê) theo các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT.
- Đối với lớp 1: tập trung tối đa thời lượng để dạy tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; các trường tiểu học triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở lớp 1 (môn tự chọn) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn học tiếng Bahnar, tiếng Chăm, tiếng Ê đê, tiếng Jrai, tiếng Khmer, tiếng Mnông, tiếng Mông, tiếng Thái và sách giáo khoa được biên soạn, thẩm định theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các tiếng đã có đủ điều kiện và bắt đầu từ học kì II; đối với các tiếng chưa đủ điều kiện, thực hiện dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2006.
2.4. Thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Với nhiệm vụ thực hiện giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức thực hiện lớp học linh hoạt, lớp ghép có một số nội dung sau đây:
Đối với trẻ khuyết tật
Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ khuyết tật và chỉ đạo, xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch giáo dục người khuyết tật tại địa phương theo Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản31 quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật.
Tích cực tham mưu với UBND cấp tỉnh chỉ đạo thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập nhằm thúc đẩy công tác giáo dục hòa nhập ở địa phương. Đối với những tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật cần xây dựng lộ trình chuyển đổi thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đồng thời xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh khuyết tật.
Bảo đảm các điều kiện để trẻ em khuyết tật được tiếp cận với giáo dục, tăng cường giáo dục hòa nhập; tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vấn đề giáo dục hòa nhập, trong đó học sinh học hòa nhập được học tập và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân; tùy theo dạng tật, mức độ khuyết tật mà học sinh được miễn một phần, một số nội dung, một số môn học với mục tiêu giúp học sinh khuyết tật được tương tác cùng bạn bè, các em hòa nhập và yêu cuộc sống. Các Sở GDĐT tham mưu với các cấp có thẩm quyền để thực hiện đầy đủ các chính sách đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập và đối với các cơ sở giáo dục có học sinh khuyết tật học hòa nhập.
Đối với trẻ em lang thang cơ nhỡ
Tổ chức các lớp học linh hoạt cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ theo kế hoạch dạy học và thời khóa biểu được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương. Nội dung học tập cần tập trung vào các môn Tiếng Việt, Toán nhằm rèn kỹ năng đọc, viết và tính toán cho học sinh. Căn cứ số lượng trẻ có thể tổ chức thành các lớp cùng trình độ hoặc các lớp ghép không quá hai trình độ. Đánh giá, xếp loại học sinh có hoàn cảnh khó khăn thực hiện theo quy định hiện hành và căn cứ vào mức độ đạt được so với nội dung và yêu cầu đã được điều chỉnh theo quy định32.
Tổ chức thực hiện lớp học linh hoạt, lớp ghép
Căn cứ số lượng học sinh, điều kiện từng trường, từng địa phương các trường tiểu học dựa vào kết quả đánh giá năng lực, trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh tổ chức các lớp học linh hoạt để thực hiện các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng; tại các địa bàn khó khăn để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh có thể tổ chức dạy học lớp ghép, mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh/lớp và không quá 2 trình độ, trường hợp đặc biệt có thể ghép 3 trình độ nhưng mỗi lớp không quá 10 học sinh/lớp, tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau, hạn chế ghép lớp ở các lớp đầu cấp (lớp 1) và cuối cấp (lớp 5).
>> Xem thêm: Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập giáo dục nhằm mục tiêu nào dưới đây?