Mục lục bài viết
1. Mức chi cho công tác xóa mù chữ phổ cập giáo dục
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư 17/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" quy định về nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện Đề án tại các địa phương như sau:
- Chi cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:
+ Chi cho các hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (sau đây viết tắt là phổ cập giáo dục): Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC
+ Đối với các học viên các lớp học xóa mù chữ được nhà nước hỗ trợ học phẩm: Tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục tên học phẩm, số lượng học phẩm hỗ trợ trong phạm vi danh mục hỗ trợ học phẩm đối với cấp trung học cơ sở quy định tại Khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc;
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thắp sáng ban đêm, chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung (đối với các lớp học phổ cập, xóa mù chữ ban đêm) và chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ: Mức chi cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, quy mô và thời gian hoạt động của các lớp xóa mù chữ;
+ Chi tiền lương đối với giáo viên thuộc biên chế dạy lớp xóa mù, chống tái mù chữ thuộc nhiệm vụ chuyên môn của cơ sở giáo dục đào tạo công lập: chi trả theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Trường hợp số giờ dạy vượt định mức giờ chuẩn được thanh toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8 tháng 3 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập;
+ Chi tiền công đối với những người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ (bao gồm giáo viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và những người ngoài biên chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực giảng dạy): Mức chi tiền công theo hợp đồng lao động trên cơ sở lương tối thiểu vùng và đảm bảo tương quan với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Trong trường hợp huy động tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ: Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho các đối tượng này theo chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Như vậy, tùy theo mục đích chi mà có các quy định cụ thể khác nhau điều chỉnh. Trong đó, các mục chi được đề cập gồm:
- Chi cho các hoạt động điều tra, khảo sát;
- Chi hỗ trợ học phẩm;
- Kinh phí chi thắp sáng ban đêm, chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung;
- Chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ;
- Chi tiền công đối với những người tình nguyện tham gia giảng dạy.
2. Đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh phổ thông
Ngày 05/1/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị 29-CT/TW về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Theo đó, để nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo sự đồng bộ, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh sau trung học đáp ứng yêu cầu đề ra.
- Đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, tiếp cận dần chuẩn các nước tiên tiến. Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục gắn với quy hoạch nhân lực ngành Giáo dục. Tập trung đầu tư phát triển một số trường đại học sư phạm trọng điểm, hình thành một số trường sư phạm vệ tinh làm nòng cốt trong đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao. Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp học, bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.
- Nâng cao vai trò chủ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá gắn với quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch quốc gia, ngành, lãnh thổ. Đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới trường, điểm trường, lớp học; trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Xem thêm:
- Phổ cập giáo dục tiểu học là gì? Quy định phổ cập giáo dục tiểu học
- Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập giáo dục nhằm mục tiêu nào dưới đây?
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!