Mục lục bài viết
- 1. Hoạt động xúc tiến đầu tư là gì?
- 2. Những cơ quan tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư tại Việt Nam
- 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan xúc tiến đầu tư
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính:
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Ngoại giao:
- Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- 4. Vai trò của hoạt động xúc tiến đầu tư
Cơ sở pháp lý:
Luật Đầu tư năm 2020;
Nghị định 31/2021/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư.
1. Hoạt động xúc tiến đầu tư là gì?
Khái niệm về đầu tư trong Luật Đầu tư được ghi nhận tại Khoản 8, Điều 3, gắn với đầu tư kinh doanh, đó là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.”.
Vậy thì “xúc tiến đầu tư là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội đầu tư”. Rõ ràng trong chừng mực nào đó, định nghĩa thứ hai này vẫn đúng bởi nó xuất phát từ cơ sở ngôn ngữ, căn cứ pháp lý và nhất là bản chất công việc.
2. Những cơ quan tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư tại Việt Nam
Theo Điều 74 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 91 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện xúc tiến đầu tư là:
Chính phủ chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, định hướng xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư theo ngành, vùng và đối tác phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, liên ngành, gắn kết với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư trong phạm vi cả nước.
Trong hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia được coi là trọng tâm, theo đó, ” Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia là tập hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư quy mô cấp quốc gia, có tính liên vùng, liên ngành do các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước.” (Khoản 1, Điều 92 Luật Đầu tư). Bên cạnh đó, Bộ kế hoạch đầu tư còn thực hiện việc lên kế hoạch, tổ chức, vận hành, sắp xếp các hoạt động xúc tiến đầu tư liên vùng, liên tỉnh. Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trở thành cánh tay đắc lực cho Chính phủ trong hoạt động vừa quản lý vừa thực hiện xúc tiến đầu tư trực tiếp.
Các bộ, ngành phân công đầu mối thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực thuộc chức năng và thẩm quyền.
Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác xúc tiến đầu tư.
Trong xúc tiến đầu tư, vai trò của Sở Kế hoạch đầu tư hay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cực kỳ quan trọng, đây là hoạt động để tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ, góp phần làm phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập cơ quan hoặc bộ phận xúc tiến đầu tư trong cơ cấu tổ chức của mình và có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, biên chế và kinh phí hoạt động. Trường hợp thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được sự thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài:
a) Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
b) Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng địa bàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ Ngoại giao về số lượng nhân sự xúc tiến đầu tư được bố trí tại cơ quan đại diện. Trường hợp tại một địa bàn có biên chế từ hai cán bộ xúc tiến đầu tư trở lên thì thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư trực thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
c) Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự chỉ đạo toàn diện của cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Khi nhắc tới cơ quan xúc tiến đầu tư, không thể không nhắc đến đầu mối đầu tư tại nước ngoài, theo đó “Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là cơ quan có vai trò trong việc tiếp cận và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư ban đầu nhằm tìm kiếm và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan xúc tiến đầu tư
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng định hướng, chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư; hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng hợp, xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;
b) Hướng dẫn thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động xúc tiến đầu tư;
c) Thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quy định tại điểm a khoản này;
d) Theo dối, tổng hợp, đánh giá tình hình xúc tiến đầu tư và giám sát kiểm tra hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư;
đ) Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ việc đặt và cử đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư đối với đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;
e) Tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác xúc tiến đầu tư;
g) Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về định mức sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch kinh phí xúc tiến đầu tư của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, Chương trình xúc tiến đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến đầu tư của bộ phận xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bố trí và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư;
đ) Hướng dẫn việc lập dự toán, phân bổ, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí cho các hoạt động xúc tiến đầu tư;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về thu và sử dụng chi phí đăng ký hệ thống thông tin quốc gia về xúc tiến đầu tư.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Ngoại giao:
a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư trong công tác đối ngoại;
b) Hỗ trợ và tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài đã được duyệt theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trường hợp phát sinh hoạt động xúc tiến đầu tư mới, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo và thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi thực hiện;
c) Chủ trì và hướng dẫn cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quản lý hoạt động của đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập và biên chế của đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;
đ) Trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quyết định bổ nhiệm chức vụ ngoại giao và cử cán bộ công tác tại đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài;
e) Bố trí cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động phù hợp cho đầu mối xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư hằng năm; đề xuất hoạt động đưa vào Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;
b) Thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo thẩm quyền;
c) Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
4. Vai trò của hoạt động xúc tiến đầu tư
- Đối với nhà đầu tư nước ngoài: Xúc tiến đầu tư đóng vai trò như cầu nối. Đầu tư là hoạt động có vốn lớn và vốn này đọng trong suốt quá trình đầu tư, thu hồi vốn lâu nên chịu tác động của các yếu tố không ổn định như: thiên nhiên, xã hội, chính trị, kinh tế. Giá trị của hoạt động đầu tư rất lớn và thành quả là công trình hoạt động ngay tại nơi nó được tạo dựng nên, do đó các điều kiện về địa lý, địa hình tại đó có ảnh hưởng lớn. Do những đặc điểm này nên các nhà đầu tư cần phải xem xét tính toán toàn diện tất cả khía cạnh của thị trường, kinh tế kỹ thuật, kinh tế tài chính, điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, pháp lý có liên quan. Do đó, xúc tiến đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư trả lời những câu hỏi trên để đưa ra quyết định cuối cùng.
- Xúc tiến đầu tư là kênh cung cấp thông tin vô cùng quan trọng cho nhà đầu tư về cơ hội đầu tư vào nước chủ nhà, các chính sách ưu đãi, hàng rào thuế quan, trình độ nguồn nhân lực, những nguồn tài nguyên chưa khai thác và lợi ích mà nhà đầu tư nhận được trong tương lai...
- Thông qua hình thức cũng như mức độ của hoạt động xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư có thể đánh giá đúng hơn về tầm quan trọng, tiềm năng và những ưu đãi của chính phủ nước chủ nhà dành cho các nhà đầu tư, giúp cho các nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian và chi phí, dễ dàng hơn trong việc lựa chọn nơi đầu tư hợp lý để đem lại hiệu quả cao nhất.
- Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, các nước chủ nhà phải xây dựng những danh mục đầu tư rõ ràng và giúp đỡ nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, đáp ứng những yêu cầu tốt nhất cho nhà đầu tư, giúp cho nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận và hoàn thành các thủ tục đầu tư với các dự án đầu tư của nước chủ nhà.
- Đối với nước nhận đầu tư là giúp xây dựng hình ảnh tốt đẹp với nhà đầu tư. Do đó, xúc tiến đầu tư là biện pháp tốt để xây dựng hình một đất nước giàu tiềm năng và luôn sẵn sàng những cơ hội đầu tư hấp dẫn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận.
- Nâng cao tính cạnh tranh với các nước khác trong thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề này, các nhà đầu tư khó lòng hiểu và đánh giá đầy đủ về dự án của một nước nếu không thông qua hoạt động xúc tiến của nước đó. Mỗi nước đều có những lợi thế so sánh và đều muốn phát huy cũng như làm cho cộng đồng quốc tế hiểu được lợi thế so sánh này. Do vậy, cạnh tranh thu hút đầu tư là cạnh tranh trong xúc tiến đầu tư.
- Xúc tiến đầu tư giúp nước chủ nhà tìm hiểu nhà đầu tư, vì mỗi nhà đầu tư lại có một mô hình và động cơ kinh doanh khác nhau. Vì vậy, hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ giúp các cơ quan xúc tiến thu thập thông tin từ nhà đầu tư, từ đó tìm hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của họ.
- Xúc tiến đầu tư giúp nước chủ nhà chủ động lựa chọn tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng. Căn cứ vào nhu cầu và thực tế của quốc gia mà lựa chọn ngành, lĩnh vực mũi nhọn cần thu hút đầu tư, từ đó nước chủ nhà có thể định hướng rõ ràng đối tượng mà mình muốn xúc tiến đầu tư. Xúc tiến đầu tư sẽ đem lại cho nước chủ nhà nhiều lựa chọn hơn trong việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đó sẽ thuận lợi cho nước chủ nhà tiếp nhận đầu tư với những thỏa thuận hợp lý.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê