NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Nội dung quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình:
Quyền đối với hình ảnh của cá nhân là một nội dung quan trọng trong quyền nhân thân của con người. Quyền đối với hình ảnh của cá nhân được quy định tại điều 32 BLDS năm 2015 đã thể hiện sự tiến bộ của BLDS Việt Nam, bởi lẽ không phải ở nước nào quyền của cá nhân đối với hình ảnh cũng được quy định cụ thể trong BLDS như vậy. Như đã biết thì một Bộ luật Dân sự tiêu biểu nhất trên thế giới hiện nay là BLDS Pháp cũng không có điều luật nào quy định về quyền hình ảnh đối với cá nhân mà quyền này chỉ được pháp luật Pháp ghi nhận thong qua án lệ, Điều 32 BLDS năm 2015 quy định: “1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.” Ta thấy rõ rằng BLDS 2015 đã bổ sung thêm một số nội dung mới so với BLDS cũ . Như vậy, theo quy định tại điều 32 BLDS về quyền đối với hình ảnh của cá nhân thì về nguyên tắc cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Mỗi người đều có quyền cho hay không cho người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nếu chưa được sự đồng ý mà đã sử dụng đã là vi phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Trường hợp người trong ảnh đã chết hoặc mất trí, không chủ động quyết định được hoặc đối với hình anh của trẻ em dưới 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con (đã thành niên) hoặc người đại diện của họ đồng ý. Điều 32 bộ luật này còn nghiêm cấm sử dụng hình ảnh của cá nhân mà xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của người có ảnh đó là một điểm hết sức tiến bộ.
Thông qua quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân tại điều 32 BLDS 2015 ta thấy pháp luật dân sự Việt Nam đã thực sự thể hiện sự quan tâm, tôn trọng bảo vệ của pháp luật đối với hình ảnh của cá nhân.
2. Mối quan hệ giữa quyền nhân thân đối với hình ảnh với nhóm quyền nhân thân:
Mối quan hệ giữa quyền nhân thân đối với hình ảnh với nhóm quyền nhân thân liên quan đến giá trị tinh thần của con người:
Nhóm các quyền nhân thân liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể bao gồm: quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền đi lại, tự do cư trú; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo những quyền đó thì có hai quyền liên quan mật thiết với quyền đối với hình ảnh của cá nhân là: quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền bí mật đời tư. Việc xác định rõ mối liên hệ giữa các quyền này có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo thực hiện quyền của cá nhân đối với các quyền nhân thân của mình được pháp luật thừa nhận.
Thứ nhất, trong một số trường hợp quyền nhân thân đối với hình ảnh có quan hệ chặt chẽ với quyền bí mật đời tư: Giống như quyền nhân thân đối với hình ảnh, hiện nay chưa có quy định như thế nào là quyền bí mật đời tư trong BLDS 2015. Theo một số nhà nghiên cứu thì : “ Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.” Vì vậy, trong một số trường hợp nhất định quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân có liên quan đến bí mật đời tư như: Trường hợp hình ảnh của cá nhân là hình ảnh riêng tư, cá nhân không muốn tiết lộ thì việc công bố hình ảnh của cá nhân đó là xâm phạm tới bí mật đời tư, hoặc là hình ảnh mà cá nhân đã giữ kín và việc giữ kín được pháp luật tôn trọng và bảo vệ hoặc cũng có thể là hình ảnh được thể hiện chung với người khác mà cá nhân không muốn tiết lộ, công khai và hơn thế nữa những hình ảnh đó bị tiết lộ có thể gây hậu quả về vật chất, tinh thần cho chủ thể của hình ảnh thì đây cũng được coi là “xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân”. Như vậy, cá nhân có quyền khởi kiện hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư nếu một chủ thể nào đó công bố những hình ảnh của cá nhân mà cá nhân thực hiện việc giữ bí mật hình ảnh đó. Trong trường hợp này thì quyền bí mật đời tư có liên hệ có quyền đối với hình ảnh của cá nhân, hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân ở một góc độ nào đó được xác định là hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư. Trên thực tiễn hiện nay có nhiều những hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân đã xâm phạm đến bí mật đời tư như: hành vi quay phim, chụp ảnh, công bố những cảnh quay hoặc những hình ảnh về đời sống riêng tư của một người mà mình đã từng quay, đã chụp mà chưa được sự đồng ý của người được quay được chụp …
Thứ hai, mối quan hệ giữa quyền đối với hình ảnh của cá nhân về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: Hình ảnh của cá nhân cũng là một yếu tố gắn liền với danh dự, nhân phẩm, uy tín, nó là một trong những yếu tố để nhận diện, xác định danh dự, nhân phẩm, uy tín. Vì vậy quyền đối với hình ảnh của cá nhân có liên hệ mật thiết đối với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Sự liên hệ đó được thể hiện ở chỗ hình ảnh của cá nhân có thể làm tăng giá trị của cá nhân hoặc có thể giảm sút, ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín.
+ Hình ảnh của cá nhân làm tăng giá trị của cá nhân đó. Ta đã biết với cá nhân: “Danh dự là sự đánh giá của xã hội đối với một cá nhân về mặt đạo đức, phẩm chất chính trị và năng lực của người đó, danh dự của một con người được hình thành từ những hành động và cách ứng xử của người đó, từ công lao và từ thành tích mà người đó có được; uy tín là giá trị về mặt đạo đức và tài năng được công nhận ở một cá nhân thông qua hoạt động thực tiễn của mình.” Do vậy, nếu hình ảnh của một cá nhân mỗi khi được xuất hiện trước công chúng thông qua các phương tiện thông tin mà được phản ánh chân thực về những thành công trong cuộc sống, sự nghiệp và công danh… thì các cá nhân ngày càng tạo được tiếng tăm trước mọi người và được mọi người yêu mến, khâm phục điều này làm tăng giá trị của bản thân người đó.
+ Hình ảnh của cá nhân có thể làm giảm sút, ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người rất quan trọng, mặc dù là những giá trị nhân thân không giá trị được thành tiền, tuy nhiên xâm phạm tới các giá trị này có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chủ thể bị xâm hại mà chủ thể bị xâm phạm danh dự , nhân phẩm, uy tín phải gánh chịu bao gồm cả thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần, hậu quả do xâm phạm danh dự , nhân phẩm, uy tín là rất nghiêm trọng. Trên thực tiễn hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thường diễn ra dưới nhiều hành vi như: đem hình ảnh của một người phát tán trên mạng sau khi đã có sự cắt xén hình ảnh hoặc đưa hình ảnh có nội dung không lành mạnh nhằm bôi nhọ danh dự một người hay như phát tán những hình ảnh “ nhạy cảm” của cá nhân… có thể thấy cách thức sử dụng hình ảnh của cá nhân để xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm , uy tín của một người được thực hiện dễ dàng. Như vậy quyền đối với hình ảnh của cá nhân có quan hệ đối với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín bởi thông qua hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân có thể xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của một người. Chính vì vậy, BLDS 2015 đã bổ sung quy định mới so với BLDS cũ về quyền đối với hình ảnh của cá nhân tại khoản 3 Điều 32 như sau: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.” Như vậy, hình ảnh của cá nhân dù có sự đồng ý của cá nhân nhưng nếu xâm phạm tới danh dự , nhân phẩm, uy tín của người đó thì là vi phạm pháp luật. Với quy định trên pháp luật đã hạn chế được việc sử dụng tùy tiện hình ảnh của cá nhân hiện nay.
3. Phương thức bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân:
Quyền đối với hình ảnh của cá nhân là một trong những quyền nhân thân quan trọng. Khác các quyền dân sự khác, quyền nhân thân thể hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống của cá nhân, đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Vì vậy việc bảo vệ quyền nhân thân khi quyền đó bị xâm phạm là rất quan trọng. Vì vậy bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có ý nghĩa là kịp thời ngăn chặn các hành vi trái pháp luật xâm hại đến quyền nhân thân của cá nhân, bảo đảm trật tự pháp lý xã hội và giáo dục ý thức pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân. Và mặt khác, việc bảo vệ quyền nhân thân còn tạo điều kiện thuận lợi cho các quyền này của cá nhân được thực hiện trên thực tế, khắc phục những hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, hơn nữa còn góp phần bảo đảm cuộc sống tinh thần cho mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho mọi cá nhân lao động và sinh hoạt. Có một điểm đặc biệt đó là quyền nhân thân của cá nhân có những điểm khác so với những quyền dân sự khác như không thể quy đổi bằng tiền, không thể chuyển giao cho người khác, trừ những trường hợp do pháp luật quy định… Cho nên việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân trong những trường hợp bị xâm hại cũng có những điểm khác biệt với với việc bảo vệ các quyền dân sự khác như các biện pháp bảo vệ được áp dụng đa dạng, trong một số trường hợp việc khắc phục thiệt hại về quyền nhân thân bị xâm hại phải do chính những người có hành vi vi phạm đến quyền nhân thân của cá nhân thực hiện, việc bồi thường cũng không thể tính toán cụ thể mà chỉ mang tính tương đối và mang tính giáo dục là chủ yếu… Để nâng cao được hiệu quả bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân ngoài góc độ pháp lý thì vấn đề này cần được quan tâm sâu sắc và xem xét kỹ dưới góc độ xã hội.
Để đảm bảo cho quyền nhân thân nói chung và quyền đối với hình ảnh của cá nhân nói riêng được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh, pháp luật nước ta quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”( Điều 32 BLDS 2015) Theo quy định tại điều luật này thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình bị xâm phạm, được áp dụng các biện pháp dân sự như trên để bảo vệ quyền của mình.
3.1 Yêu cầu người có vi phạm chấm dứt hành vi
“Yêu cầu người có vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm” là biện pháp bảo vệ quyền của cá nhân có thể áp dụng trong mọi trường hợp quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm. So với biện pháp tự cải chính thì biện pháp này được áp dụng trong một phạm vi rộng hơn. Tuy vậy, việc áp dụng biện pháp này thông thường chỉ có hiệu quả trong trường hợp người có hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân sớm nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật. Nếu như họ không nhận thức được hành vi trái pháp luật của họ thì người có quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm phải áp dụng biện pháp khác thì mới bảo vệ được quyền lợi của mình.
3.2 Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi
“Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm” cũng là biện pháp bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có thể áp dụng. Đây là biện pháp bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có hiệu quả cao vì sau khi nhận được yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp đủ mạnh do pháp luật quy định buộc người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh của cá nhân chấm dứt hành vi xâm phạm tới quyền của cá nhân đó. Trong thực tế, biện pháp này thường được áp dụng khi cá nhân bị xâm phạm đã yêu cầu người xâm phạm chấm đứt hành vi nhưng không được đáp ứng. Tòa án là cơ quan được xem là có nhiệm vụ, quyền hạn bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có hiệu quả nhất trong tất cả các cơ quan Nhà nước áp dụng biện pháp dân sự. Tuy nhiên, bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân thông qua việc yêu cầu Tòa án bảo vệ được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đòi hỏi người có quyền đối với hình ảnh bị xâm phạm yêu cầu Tòa án bảo vệ thì phải chứng minh được quyền đối với hình ảnh của mình bị xâm phạm và hành vi xâm phạm của các chủ thể đó là trái pháp luật.
3.3 Yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại
“Yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan,tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại” là biện pháp bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân được thực hiện khi người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền đối với hình ảnh của cá nhân gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho họ. Nếu người xâm phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần thì người bị xâm phạm có quyền yêu cầu họ phải bồi thường thiệt hại. Nếu người có hành vi trái pháp luật đó không chịu bồi thường thì người có quyền đối với hình ảnh cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.
Như vậy ta nhận thấy rằng, bảo vệ quyền nhân thân nói chung và bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân nói riêng có thể được chia thành hai phương thức, đó là: tự bảo vệ và bảo vệ bằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi quyền đối với hình ảnh của cá nhân bị xâm phạm thì cá nhân đó có quyền lựa chọn biện pháp bảo vệ phù hợp để giúp cho việc bảo vệ quyền của cá nhân đạt được hiệu quả. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các cách lựa chọn phương thức bảo vệ sẽ khác nhau, tuy vậy trên thực tế việc lựa chọn phương thức bảo vệ nhiều lúc sẽ diễn ra không thể theo ý muốn của người đó. Vì vậy, pháp luật nước ta cần chú ý hơn tới việc quy định rõ ràng về các phương thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê