Luật sư tư vấn:

Cơ sở pháp lý áp dụng trong bài viết:  Điều 1.1 UNIDROIT (Bộ nguyên tắc của hợp đồng thương mại quốc tế); Điều 1.02 Luật hợp đồng Châu Âu; Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2015 của Việt Nam. Luật Minh Khuê phân tích chi tiết về quyền tự do đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế như sau:

 

1. Khái quát về các quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế:

Tự do hợp đồng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, là nền tảng cho các quy định pháp lý trong lĩnh vực hợp đồng trên cơ sở tôn trọn ý chí của các bên trong hợp đồng được tự do thỏa thuận những điều mà họ mong muốn.

* Nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng thể hiện ở các điểm cơ bản sau: 

- Quyền tự do, bình đẳng, tự nguyện giao kết hợp đồng

Nội dung: Trong giao kết hợp đồng nói chung, tự do, bình đẳng, tự nguyện giao kết hợp đồng là nguyên tắc cơ bản và quan trọng. Theo đó, dù thiết lập quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, thương mại hay lao động thì các chủ thể đều được tự do về mặt ý chí, không có chủ thể nào có quyền áp đặt ý chí để bắt buộc hay ngăn cản chủ thể khác giao kết hợp đồng hay không giao kết hợp đồng. Quyền tự do giao kết hợp đồng xuất phát từ bản chất của hợp đồng. Hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất về mặt ý chí giữa các chủ thể, nhưng không phải tất cả những thỏa thuận giữa các chủ thể đều là hợp đồng. Sự thỏa thuận chỉ có thể trở thành hợp đồng khi ý chí của các chủ thể được thể hiện (trong sự thỏa thuận) phù hợp với “ý chí thực” của họ. như vậy chỉ cần các cá nhân, tổ chức khi có đủ điều kiện tư cách chủ thể đều có thể tham gia giao kết hợp đồng nếu muốn.

Ngoại lệ: Đảm bảo trật tự công cộng, lợi ích quốc gia. Đối với người giao kết hợp đồng dịch vụ công cộng không được từ chối giao kết hợp đồng nếu còn khả năng cung cấp dịch vụ và phải mở ra cho mn cơ hội như nhau trong việc mua hoặc sử dụng dịch vụ. người giao kết hợp đồng không được từ chối giao kết vì lý do sắc tộc, tôn giáo hay quốc tịch; thương nhân phải cung cấp hàng hóa hay dịch vụ đã quảng cáo.

- Quyền tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng

Nội dung: Đây là quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các chủ thể kinh doanh, bởi lẽ, họ sẽ lựa chọn đối tác nào để giao kết phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Văn hóa ứng xử của đối tác, khả năng, kinh nghiệm kinh doanh của đối tác, uy tín của đối tác, các điều kiện lợi ích kinh tế phát sinh từ sự thương thảo hợp đồng… Việc lựa chọn đối tác của các chủ thể được thực hiện hoàn toàn tự nguyện, tự do tùy theo ý chí của chủ thể miễn là không được trái pháp luật, đạo đức.

Ngoại lệ: vì lợi ích công cộng, bảo vệ người yếu thế, bên thứ ba. Người giao kết hợp đồng không được từ chối giao kết vì lý do sắc tộc, tôn giáo hay quốc tịch. Có một số trường hợp các bên phải ưu tiên ký hợp đồng với một bên chủ thể là nhà nước, ngăn cản việc giao kết hợp đồng với một số chủ thể nhất định.

- Quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng

Nội dung: Nội dung hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận với nhau. Các điều khoản đó xác định quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong quan hệ hợp đồng. Khi tham giao đàm phán, ký kết hợp đồng, các bên có quyền tự do thể hiện ý chí của mình trong việc thỏa thuận bất cứ nội dung gì trong hợp đồng, miễn không trái pháp luật, đạo đức. 

Ngoại lệ: Bảo vệ trật tự công cộng. đạo đức xã hội, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. 

- Quyền được tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và luật giải quyết tranh chấp hợp đồng

Nội dung: Các bên trong hợp đồng có quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp, luật giải quyết tranh chấp,… Một số hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến: thương lượng, đàm phán, hòa giải, trọng tài, tòa án,…

Ngoại lệ: Trong một số trường hợp pháp luật quy định về Luật bắt buộc áp dụng giải quyết tranh chấp hoặc phải đáp ứng một điều kiện nhất định thì mới được giải quyết.

- Quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng.

Nội dung: Hình thức của hợp đồng là phương tiện để thể hiện nội dung mà các chủ thể đã xác định. Thông qua phương tiện này, cá bên đối tác cũng như người thứ ba có thể biết được nội dung hợp đồng. Đây cũng là một bằng chứng để xác định trách nhiệm khi có tranh chấp xảy ra. Về cơ bản có hai hình thức chủ yếu của hợp đồng là hợp đồng bằng miệng và hợp đồng bằng văn bản (ngoài ra còn có bằng hành vi). Theo nguyên tắc tự do thỏa thuận các bên có quyền xác lập hợp đồng dưới bất kỳ hình thức nào và hiệu lực hợp đồng không bị ràng buộc bởi yêu cầu về hình thức.

Ngoại lệ: Điều kiện về hình thức: Một số loại hợp đồng phải được thiết lập bằng văn bản hoặc theo thủ tục đã được quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, bảo vệ lợi ích của người thứ 3 hoặc người yếu thế. (ví dụ: hợp đồng tín dụng, bất động sản,…)

Hiệu lực của hợp đồng được thể hiện ở các điểm sau:

- Khi hợp đồng được giao kết thì có có giá trị bắt buộc thực hiện như quy định của pháp luật đối với các bên, bởi vì nó là mong muốn của các bên nên các bên phải chịu trách nhiệm với cam kết của mình

- Hợp đồng có hiệu lực bắt buộc ngay cả đối với cơ quan công quyền, nghĩa là khi xét xử, giải thích hợp đồng Cơ quan giải quyết tranh chấp phải tôn trọng ý chí của cá bên không được sửa đổi hay giải thích nội dung hợp đồng khác với ý chí nội dung giao kết của các bên.

>> Xem thêm: Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại theo quy định 

 

2. Nội dung chi tiết về tự do thỏa thuận nội dung

Nội dung: Hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận với nhau. Các điều khoản đó xác định quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong quan hệ hợp đồng. Khi tham giao đàm phán, ký kết hợp đồng, các bên có quyền tự do thể hiện ý chí của mình trong việc thỏa thuận bất cứ nội dung gì trong hợp đồng, miễn không trái pháp luật, đạo đức. Điều khoản hợp đồng có thể có những điều khoản cơ bản, bắt buộc phải có thì hợp đồng mới được coi là giao kết hoặc có những điều khoản thay đổi tùy vào sự thỏa thuận của các bên. Vì vậy có thể chia thành các loại điều khoản trong nội dung hợp đồng thành 03 loại sau:

- Điều khoản cơ bản: Là những nội dung quyết định nhất của hợp đồng, mà nếu thiếu những nội dung đó thì hợp đồng coi như không được giao kết. Điều khoản cơ bản có thể do tính chất của hợp đồng quy định hoặc do pháp luật quy định. Tùy theo loại hợp đồng mà điều khoản cơ bản có thể là đối tượng, giá cả, địa điểm,… Nhưng có những điều khoản đương nhiên là điều khoản cơ bản vì nếu các bên không thỏa thuận về nó thì sẽ không hình thành hợp đồng.

Ví dụ như: Điều khoản về đối tượng luôn là điều khoản cơ bản trong hợp đồng mua bán tài sản, điều khoản về số tiền vay luôn là điều khoản cơ bản trong hợp đồng vay tiền,… 

- Điều khoản thông thường: Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thỏa thuận những điều khoản này thì vẫn coi như 2 bên đã mặc nhiên thỏa thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định. Điều khoản thông thường không làm ảnh hưởng đến quá trình giao kết hợp đồng. Múc đích của loại điều khoản này là để giảm bớt những công việc không cần thiết trong khi giao kết hợp đồng, cá bên có thể không cần thỏa thuận và ghi vào hợp đồng những điều khoản mà pháp luật quy định nhưng các bên bẫn phải thực hiện những điều khoản đó. Khi có tranh chấp về nhứng nội dung này thì quy định của pháp luật sẽ là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên trong hợp đồng.

- Điều khoản tùy nghi: Là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng tự ý lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên, Thông qua điều khoản này, bên có nghĩa vụ được phép lựa chọn một trong những cách thức nhât định để thực hiện hợp đồng sao cho thuận lợi mà vẫn bảo đảm được quyền yêu cầu của bên kia.

Ngoại lệ: Bảo vệ trật tự công cộng, đạo đức xã hội, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. Pháp luật có thể hạn chế quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng trong một số lĩnh vực sau:

- Pháp luật quy định các nghĩa vụ bắt buôc của các bên trong một số hợp đồng liên quan đến lợi ích chung có ảnh hưởng đến trật tự kinh tế xã hội như:

Nhằm mục đích bảo đảm trật tự kinh tế xã hội, bảo vệ trật tự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích các bên, bảo vệ sự bình đẳng, khách quan trong quan hệ hợp đồng.

Để đảm bảo việc quản lý nhà nước, vì lợi ích chung nhà nước có thể tác động vào quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng trong một số lĩnh vực, ngành nghề: Đối với những lĩnh vực nhất định, những hàng hóa, dịch vụ nhà nước cấm kinh doanh thì các chủ thể không được phép ký kết hợp đồng trong những lĩnh vực đó hoặc có những loại hàng hóa chỉ có thể mua từ một nhà cung cấp, thường là các DN thuộc khu vực kinh tế nhà nước. Ví dụ như các lĩnh vực về môi giới mại dâm, buôn bán ma túy, vũ khí,… bị cấm kinh doanh.

Hoặc xuất phát từ lĩnh vực cạnh tranh, pháp luật chống độc quyền của nhà nước cấm các bên có thế mạnh về kinh tế đưa ra những điều khoản bất lợi cho bên yếu thế trong hợp đồng để đặt các bên này bào thế bất lợi trong hợp đồng, buộc bên kia phải thực hiện thêm các nghĩa vụ không liên quan đến đối tượng của hợp đồng.

Ví dụ Bộ luật thương mại mẫu của HK (UCC) (Xem chi tiết: Bộ luật thương mại thống nhất UNIFORM COMMERCIAL CODE (UCC) là gì ?) có quy định về một một nghĩa vụ nhằm bảo vệ sự công bằng trong hợp đồng như: các nghĩa vụ ngay thẳng, hợp lý, nỗ lực và thận trọng không thể bị xóa bỏ bởi thỏa thuận trong hợp đồng; quy định về một số nội dung không thể bị thay đổi trong hợp đồng như: Nghĩa vụ bảo hành hàng hóa,… các giao dịch liên quan đến các hành vi trên đều bị vô hiệu, nếu gây thiệt hại thì bên có hvi vi phạm còn có thể phải bồi thường theo quy định.

 

3. Nội dung chi tiết về vấn đề tự do lựa chọn đối tác:

Đây là quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các chủ thể kinh doanh, bởi lẽ, họ sẽ lựa chọn đối tác nào để giao kết phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Văn hóa ứng xử của đối tác, khả năng, kinh nghiệm kinh doanh của đối tác, uy tín của đối tác, các điều kiện lợi ích kinh tế phát sinh từ sự thương thảo hợp đồng… Việc lựa chọn đối tác của các chủ thể được thực hiện hoàn toàn tự nguyện, tự do tùy theo ý chí của chủ thể miễn là không được trái pháp luật, đạo đức. Theo đó các bên có quyền tự do quyết định họ sẽ ký kết hợp đồng với ai? Họ có quyền lựa chọn ai là người sẽ bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ cho mình, cũng như họ có quyền thỏa thuận nội dung của hợp đồng mà không một tổ chức, cá nhân nào được ngăn cản hay can thiệp vào quyền tự do lựa chọn đối tác ký kết hợp đồng của các chủ thể một cách bất hợp pháp.

Ngoại lệ

Thực hiện chính sách kinh tế của nhà nước​, bảo vệ lợi ích chung của xã hội, bảo đảm trật tự công cộng:

Trong một số trường hợp đặc biệt pháp luật quy định các chủ thể phải ký kết hợp đồng với một bên chủ thể là nhà nước, ví dụ như trường hợp thiếu lương thực, thực phẩm, vì nhu cầu của mình, nhà nước có thể thực hiện chính sách độc quyền ở một số lĩnh vực.

Bảo vệ người thứ ba liên quan, do hoạt động thương mại thường chứa đựng nhiều rủi ro

Pháp luật có thể quy định ngăn cản việc giao kết hợp đồng với một số người nhất định hoặc phải ưu tiên giao kết hợp đồng với một số người nhất định. Ví dụ như trong quy định của Luật doanh nghiệp 2005 trước đây (thay thế bởi Luật doanh nghiệp năm 2020) về cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biếu quyết trong công ty không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác,…

Bảo đảm công bằng, bình đẳng, khách quan trong quan hệ hợp đồng

Pháp luật có quy định cấm việc các doanh nghiệp thỏa thuận nhằm mục đích độc quyền, chiếm ưu thế nổi trội trên thị trường nhằm ngăn cản hoặc hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường,… Ví dụ: Quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 của Việt Nam: người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch với chính mình hoặc người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó,…

 

4. Nội dung cụ thể về vấn đề tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và luật điều chỉnh

4.1. Tự do thỏa thuận cơ quan tài phán

Khi hợp đồng được giao kết các bên có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết. Tuy nhiên, trong quá trình đó, luôn luôn tiềm ẩn những vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, gây ảnh hưởng đến lợi ích của bên bị vi phạm từ đó dẫn đên tranh chấp. Do tính chất của hợp đồng phát sinh trực tiếp từ các quan hệ dân sự nên theo nguyên tắc tự do ý chí, việc giải quyêt tranh chấp thuộc quyền định đoạt của các bên.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, đảm bảo trật tự conong cộng,… việc giải quyết tranh chấp hợp đồng phải: Nhanh chóng, thuận lợi, không làm hạn chế, cản trở các giao dịch dân sự, khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác tín nhiệm giữa các bên, giữ bí mật kinh doanh và đảm bảo hiệu quả kinh tế nhất.

- Các phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến:

Thương lượng Các bên tự bàn bạc, lựa chọn các biện pháp thích hợp để đi đến thỏa thuận giải quyết các bất đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng. 

Hòa giải: Có sự tham gia của bên t3 độc lập. Ưu điểm: Ít tốn kém, thủ tục đơn giản, giữ được bí mật kinh doanh và quan hệ hợp tác cũng như uy tín giữa hai bên.

Trọng tài thương mại: Là phương thức giải quyết trnah chấp mà các bên thỏa thuận rằng sẽ đưa những tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài. Trọng tài là cơ quan tài phán, quyết định giải quyết tranh chấp của Trọng tài là quyêt định chung thẩm, có giá trị cưỡng chế, thi hành án đối với các bên.

Pháp luật các nước đều quy định Trọng tài là một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi chính phủ được tổ chức dưới hai hình thức: Trọng tài thương mại thường trực và Trọng tài thương mại vụ việc. Các bên có quyền lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp của mình.

Điều kiện: Các bên có thỏa thuận bằng văn bản trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra. Trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận về trọng tài thì Tòa án không thụ lý giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

Ưu điểm: Tôn trọng quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp, nhanh chóng, hạn chế việc tiết lộ bí mật kinh doanh, giữ uy tín của các bên. Nhược: tính cưỡng chế của phán quyết trọng tài không cao bằng tòa án.

Tòa án: Là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng tư pháp.

Việc giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục tư pháp là cơ sở cho quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên. Pháp luật quy định trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, các bên vẫn có cơ hội thỏa thuận với nhau (hòa giải trong thủ tục tố tụng). Khi các bên thỏa thuận được với nhau thì Tòa án sẽ quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp thỏa thuận không thành thì Tòa án mới tiến hành việc giải quyết tranh chấp.

Ưu: bản án mang tính cưỡng chế thi hành đối với các bên; với nguyên tắc 2 cấp xét xử sẽ đảm bảo được những sai sót sẽ được khắc phục. Nhược: thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết bị kéo dài,…

Ngoại lệ: Pháp luật Việt Nam có quy định Trọng tài chỉ được giải quyết những lĩnh vực nhất định, còn những lĩnh vực khác các bên phải lựa chọn các phương thức khác.

 

4.2. Tự do thỏa thuận luật điều chỉnh

Trong quan hệ hợp đồng các bên được tự do lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng, đây là nguyên tắc cơ bản được công nhận bởi hầu hêt các hệ thống pháp luật trên thế giới. Các bên có quyền tự do lựa chọn: một hay nhiều hệ thống pháp luật​ áp dụng cho hợp đồng​ của mình; có thể lựa chọn pháp luật áp dụng cho toàn bộ hoặc một phần của hợp đồng; các bên có thể thay đổi luật áp dụng vào bất kỳ thời điểm nào, tuy nhiên, nếu trong trường hợp các bên có sự thay đổi sự lựa chọn luật áp dụng khác với hệ thống pháp luật ban đầu sau khi hợp đồng đã được ký kết thì sự thay đổi đó chỉ được chấp nhận khi thỏa mãn điều kiện không làm phương hại đến hiệu lực về hình thức của hợp đồng hoặc không gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của bên thứ ba. Phạm vi của áp dụng của pháp luật mà các bên chọn để điều chỉnh hợp đồng của mình cũng không bị giới hạn. Luật do các bên lựa chọn sẽ được áp dụng để điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến việc giải thích hợp đồng, thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, hệ quả của việc vi phạm hợp đồng…

Các nguồn luật mà các bên có thể lựa chọn là: Pháp luật quốc gia, Điều ước quốc tế (ĐƯQT) có chứa đựng các nguyên tắc, các quy phạm điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế, tập quán quốc tế, án lệ quốc tế,…

Ngoại lệ:

- Đảm bảo trật tự công cộng của quốc gia: các bên có thể sẽ phải bắt buộc áp dụng pháp luật hoặc không được lựa chọn Luật có ảnh hưởng đến trật tự công cộng của quốc gia.

- Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bên yếu thế: các bên chỉ có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng với điều kiện pháp luật do các bên lựa chọn không ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của các chủ thể này.

-Việc thỏa thuận luật không được ảnh hưởng đến việc áp dụng các “quy phạm bắt buộc”. Các quy phạm pháp luật bắt buộc là những quy phạm được xem là vô cùng quan trọng đối với một quốc gia nhằm bảo vệ những lợi ích công của quốc gia đó, chẳng hạn như những quy định liên quan đến tổ chức chính trị, xã hội hay kinh tế của quốc gia. Những quy định này sẽ được áp dụng trong mọi tình huống thuộc phạm vi điều chỉnh của nó, không ngoại trừ pháp luật nào khác áp dụng cho hợp đồng. 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.