1. Hoàn cảnh ra đời của Chính sách Kinh tế mới 

Vào tháng 3 năm 1921, V.I. Lê-nin giới thiệu Chính sách Kinh tế mới (NEP) để thay thế Chính sách cộng sản thời chiến, mà ông trình bày lần đầu trong tác phẩm "Bàn về thuế lương thực". Ông đã đưa ra NEP dựa trên những đặc điểm cơ bản của kinh tế - xã hội tại Nga vào thời điểm đó. Đầu tiên, Nga có một cơ cấu kinh tế đa dạng, bao gồm kinh tế kiểu gia trưởng, sản xuất hàng hóa nhỏ, chủ nghĩa tư bản tư nhân, chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa xã hội, tất cả đều tồn tại xen kẽ và tác động lẫn nhau trong giai đoạn lên chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, nền công nghiệp cơ khí của chủ nghĩa xã hội còn rất yếu, và các quan hệ hàng hóa - tiền tệ chưa phát triển. Thứ ba, Nga đang trải qua khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội nghiêm trọng sau cuộc nội chiến mới kết thúc. Cuối cùng, Nga là quốc gia làm cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và phải tìm kiếm con đường lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh khó khăn, bị chủ nghĩa tư bản quốc tế bao vây và đối đầu.

Sau khi phân tích các thách thức mà nước Nga đang đối diện, bao gồm sự khủng hoảng kinh tế và xã hội cùng với ý định chủ quan và vội vàng để chuyển sang chủ nghĩa xã hội, V.I. Lê-nin đã đề xuất Chính sách Kinh tế mới (NEP) cho giai đoạn chuyển tiếp từ thời chiến sang thời bình. NEP đã thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế và tập trung vào việc khôi phục và phát triển quan hệ hàng hóa - tiền tệ, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước và các thành phần kinh tế khác như một phương tiện để tiến tới chủ nghĩa xã hội. NEP đã giúp phát triển lực lượng sản xuất và thiết lập các hình thức và phương pháp mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, thay thế cho Chính sách cộng sản thời chiến không phù hợp với tình hình hiện tại. Chính sách này tập trung vào việc phát triển quan hệ thị trường, trao đổi giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, chuyển từ chính sách trưng thu lương thực sang chính sách thuế lương thực và coi lợi ích vật chất là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, sử dụng các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước. NEP có thể xem là một đổi mới về nhận thức về chủ nghĩa xã hội.

 

2. Nội dung cơ bản của chính sách kinh tế mới (NEP) mà nước Nga thực hiện

Nội dung chủ yếu của chính sách kinh tế mới là:

- Chấm dứt chính sách cộng sản thời chiến. Biểu hiện qua việc bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực, chuyển sang chính sách thuế lương thực. Sau khi làm xong nghĩa vụ thuế lương thực, nông dân được toàn quyền sử dụng hoặc mang bán trên thị trường tự do phần lương thực dư thừa.

- Thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chủ trường này cho phép tư sản trong nước tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh dưới dự giám sát, kiểm kê và kiểm soát của nhà nước chuyên chính vô sản. Đối với những người sản xuất cá thể, nhà nước Xô viết chủ trương thông qua việc giúp họ tạo ra các lợi ích lớn hơn so với làm ăn cá thể để thu hút họ vào các hợp tác xã.

- Nhà nước chuyên chính vô sản điều tiết để phát triển nền kinh tế hàng hóa, xóa bỏ chế độ giao nộp sản phẩm và hàng đổi hàng, phát huy vai trò của tiền tệ trong phát triển kinh tế.

Với sự phân tích kỹ lưỡng về tình hình kinh tế trong giai đoạn chuyển từ thời chiến sang thời bình, V.I. Lê-nin đã đề xuất Chính sách kinh tế mới (NEP) nhằm khắc phục những vấn đề nóng vội và chủ quan trong việc trực tiếp tiến tới chủ nghĩa xã hội và đối mặt với khủng hoảng kinh tế và xã hội nước Nga. NEP bao gồm một loạt các chính sách và biện pháp cụ thể nhằm cải thiện tình hình kinh tế trong các lĩnh vực chủ yếu, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và tiền tệ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, NEP đã thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thu thuế lương thực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nông dân.

Trong công nghiệp, NEP còn tập trung vào việc khôi phục và phát triển công nghiệp nặng, cho phép tư nhân được thuê hoặc xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ (dưới 20 công nhân) có sự kiểm soát của Nhà nước, khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư và kinh doanh ở Nga. Nhà nước nắm giữ các ngành kinh tế chủ chốt như công nghiệp, giao thông vận tải, ngân hàng, ngoại thương và chấn chỉnh việc tổ chức và quản lý sản xuất công nghiệp. Các xí nghiệp cũng chuyển sang chế độ tự hạch toán kinh tế, cải tiến chế độ tiền lương nhằm nâng cao năng suất lao động.

Trong lĩnh vực thương nghiệp và tiền tệ, NEP khôi phục và đẩy mạnh mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn, tự do buôn bán, trao đổi, mở lại các chợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ cho người dân. Năm 1924, đồng rúp mới được phát hành để tái cấu trúc hệ thống tiền tệ.

Tổng thể, NEP đã mang đến những chuyển biến rõ rệt cho nền kinh tế quốc dân của nước Nga Xô Viết chỉ sau một thời gian ngắn.

 

3. Ý nghĩa chính sách kinh tế mới của Lênin

Chính sách kinh tế mới của Lênin có ý nghĩa cực kì quan trọng: 

Thứ nhất, NEP giúp nền kinh tế nước Nga xô viết khôi phục mạnh sau chiến tranh, từ một nước bị tàn phá nặng nề trở thành một nước có nguồn lương thực dồi dào. Kinh tế phát triển đã khắc phục được tình hình khủng hoảng chính trị xã hội lúc bấy giờ, chính quyền đã gầy dựng được lòng tin nơi nhân dân vào sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. 

Thứ hai, NEP đã đánh dấu một bước phát triển mới về lý thuyết nền kinh tế nhiều thành phần, các hình thức kinh tế quá độ, việc duy trì và phát triển quan hệ hàng hoá tiền tệ, quan tâm tới lợi ích kinh tế cá nhân. Trước hết là những vấn đề có tính chất nguyên tắc trong việc xây dựng mô hình nền kinh tế xã hội.

Đối với nước ta, ở những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 có nhiều nét tương tự bối cảnh Liên Xô những năm 20 của thế kỷ 20. Khi đó, nhiều đường nét của chính sách kinh tế mới được vận dụng và kế thừa thành công ở Đổi mới của Việt Nam sau đó 65 năm, từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (2/1986).

Với hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng, phát triển một cách sáng tạo chính sách kinh tế mới của Lênin trong việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Do vậy, đã gặt hái được những thành quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế; tạo ra cơ sở và tiền đề quan trọng đưa nước ta phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong dòng chảy sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Trong thời đại ngày nay, dĩ nhiên không một quốc gia, không một dân tộc nào áp dụng chính sách NEP của Lênin một cách rập khuôn. Tuy nhiên, qua chính sách NEP chúng ta có sự hiểu biết thêm sự sáng tạo và thiên tài của Lênin trong quá trình tiếp cận tới chủ nghĩa xã hội, dựa trên cơ sở các quan hệ thị trường và nền kinh tế nhiều thành phần. Và phải chăng, những năng lượng tiềm ẩn trong lòng chủ nghĩa xã hội mà ta chưa biết, sau những dồn nén của thời gian, sau khi những bão tố khủng hoảng sẽ lại bùng lên, và một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và rạng rỡ của chủ nghĩa xã hội sẽ lại bắt đầu.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề: Nội dung cơ bản của chính sách kinh tế mới (NEP) mà nước Nga thực hiện là? Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.