1. Mở bài

Trong "Ngồi buồn viết mà chơi", Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: "Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực". Với "Chiếc thuyền ngoài xa", đặc biệt qua đoạn cuối thiên truyện với chi tiết bức ảnh, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc với những con người trong cuộc sống đời thường.

 

2. Thân bài

2.1. Tác giả, tác phẩm

"Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này" (Nguyễn khải). Nguyễn Minh Châu là người con của đất học Nghệ An, sớm bén duyên với văn chương, là một "nhà văn khoác áo lính" tiêu biểu của văn học giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ sau giải phóng. Ông luôn là người nghệ sĩ ý thức về thiên chức sáng tác của mình, đó lad hướng về con người, tìm hiểu, khai thác để thấu thị từ trong sâu thẳm con người, từ đó che chở, ngợi xa cho họ trong những áng văn của mình. Nhà văn nổi tiếng với "Dấu chân người lính", "Mảnh trăng cuối rừng", và luôn khao khát tìm kiếm "hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người". Và truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông, được in năm 1983, là một bước tiến dài quan trọng trong hành trình khám phá tầng chìm, đào sâu vào cuộc sống của con người trong văn xuôi của Nguyễn Minh Châu.

 

2.2. Phân tích đoạn cuối trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

"Văn chương là hình dung của cuộc sống muôn hình vạn trạng" (Nhà phê bình văn học Hoài Thanh). Cuộc đời thì đa sự, con người thì đa đoan, hầu như không đơn giản, xuôi chiều mà thường chứa đựng những nghịch lý, luôn tồn tại những mặt đối lập, "trong con người đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ" (Bức tranh). Trong "Chiếc thuyền ngoài xa", cuộc đời ấy hiện lên đậm nét và để lại nhiều trăn trở trong lòng bạn đọc. Nghệ thuật từ bức tranh chiếc thuyền ngoài xa cũng mang theo dáng hình của sự trăn trở, băn khoăn, chiêm nghiệm ấy. Và bức ảnh cuối thiên truyện đã gợi cho ta nhiều suy nghĩ ngẫm: sau một bức ảnh - là cả một đời.

Trong chuyến đi công tác tại một vùng biển tỉnh miền Trung, Phùng đã may mắn bắt được một cảnh tượng tuyệt mỹ: "Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ." Đó là một hình ảnh thực đẹp và thực toàn bích, nó mang đậm ý vị nghệ thuật, xứng đáng được xem là một hình ảnh đẹp được cảm nhận từ con mắt tinh đời và một trái tim yêu nghệ thuật.

Tuy nhiên, phía sau bức tranh chiếc thuyền ngoài xa tưởng chừng như hoàn mỹ ấy lại ẩn chứa một nghịch lý ngang trái. Lồng trong câu chuyện là hình ảnh của một gia đình hàng chài nghèo khó, khốn khổ với bạo lực gia đình. Chi tiết bức ảnh đã cho ta thấy một sự liên kết giữa hình ảnh trong nghệ thuật với hình ảnh cuộc sống bên ngoài. Đó là một chi tiết thể hiện cho ta mối qua hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Qua chi tiết ấy, nhà văn thể hiện một trái tim trăn trở với cuộc sống và sự tha hóa của con người. Khám phá được cái khoảnh khắc "trong ngần của tâm hồn" tương phản với nó là sự tàn bạo và man rợ. 

Chi tiết này đã gieo ra một tình huống tự nhận thức mà ở đó người ta thấy rõ hơn về nhân vật Phùng. Phùng không phải tìm kiếm ở đây mà anh đang cày xới, đào sâu hơn vào chính bức ảnh của mình, chính thứ nghệ thuật tưởng chừng như là hoàn mỹ và toàn bích. Trách nhiệm và lương tâm của một người nghệ sĩ chân chính buộc anh phải trăn trở như vậy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng hay cũng chính tác giả Nguyễn Minh Châu không có quyền miêu tả cuộc sống một cách hời hợt, bởi nếu nghệ thuật không bắt nguồn từ cuộc sống, nó sẽ chỉ là những câu chữ vô hồn được ép khô trên trang giấy.

Không phải đến cuối chi tiết bức ảnh mới xuất hiện và cũng không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu lại kết thúc truyện ngắn của mình bằng chi tiết này. Phùng nhận nhiệm vụ chụp một bức về thuyền và biển, và anh đã chụp bức ảnh ấy bằng tất cả đam mê và trách nhiệm. Nhưng cũng chính bức ảnh ấy lại làm không dứt khỏi những ưu tư, vỡ ra bao nhiêu nhận thức.

Tác phẩm khép lại với cảm xúc của người nghệ sĩ trước tác phẩm của mình, đó là sự xác nhận sức sống lâu bên của một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Hơn thế nữa, chỉ người nghệ sĩ dám sáng tạo, dấn thân vào sáng tạo và trung thực, nghiêm khắc với bản thân mới đặt cuộc sống cao hơn nghệ thuật. Chi tiết bức ảnh đã cho ta thấy những điều đó, Nguyễn Minh Châu xứng đáng là một người nghệ sĩ chân chính và là một nhà nhân đạo lớn. Ông đã góp công xây dựng lên một nền văn học nước nhà luôn hướng về cuộc sống, hướng về con người, tôn vinh và cảm thông với họ. 

Không chỉ dừng lại ở bức ảnh cuối thiên truyện, Nguyễn Minh Châu còn tiếp tục gây ấn tượng trong cách nhìn lại tấm ảnh của Phùng "tuy là ảnh đen trắng như mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai". Phải chăng tác giả muốn nói sau khi tước bỏ mọi lớp sơn hào nhoáng bên ngoài, cái chất thật của cuộc đời khi hiện ra chỉ hai màu đen trắng. Nhưng nó không hoàn toàn xám xịt, hay đen tối làm cho người ta cảm thấy lạnh lẽo, mà khi để hết tâm trí nhìn ngắm, người ta vẫn có thể phát hiện ra những "điểm hồng". Chẳng qua cái màu hồng ấy bị che khuất bởi những ngang trái, khốn khổ của cuộc đời - cũng như cuộc đời thầm lặng, vô danh của người phụ nữ hàng chài kia tưởng chừng như không có gì đáng nhắc đến, nhưng bằng một cách tình cờ, Phùng đã phát hiện ở chị những phẩm chất đáng quý khiến anh phải suy ngẫm và thay đổi quan niệm về con người và cuộc sống.

Qua đoạn kết với chi tiết bức ảnh, phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nói chiếc thuyền ngoài xa chính là vẻ đẹp của ước mơ, của lý tưởng mà người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới? Nhưng để cho nó có máu thịt của cuộc sống, người nghệ sĩ khi thể hiện nó cần có một tấm lòng trân trọng, cảm thông. Nó là nỗi dằn vặt, đau đáu khi người nghệ sĩ cảm thấy mình chưa thể hiện được hết điều muốn nói. Vẻ đẹp chân - thiện - mỹ luôn luôn phải đi kèm với nhau. Bản chất cái đẹp cũng là đạo đức. Đó cũng là điều mà Đốt-xtoi-ep-xki từng nhắn nhủ: "Cái đẹp cứu vớt cho nhân loại".

 

3. Kết bài 

Với quan niệm "Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng lớp lịch sử", Nguyễn Minh Châu đã hướng ngòi bút đến đời sống con người không chỉ ở hình thức, diện mạo bên ngoài mà còn ở chiều sâu bản chất bên trong. Và đoạn cuối trong thiên truyện với chi tiết bức ảnh chính là minh chứng tiêu biểu cho quan niệm đúng đắn ấy. Chính vì lẽ ấy, nó vượt qua thời gian, vượt lên sự băng hoại, sống mãi trong lòng bạn đọc.

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về đoạn cuối trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn "Nguyễn Minh Châu. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn!