Mục lục bài viết
- 1. Không khí và ô nhiễm không khí
- 2. Kiểm soát ô nhiễm không khí
- 3. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí
- 4. Những nội dung chủ yếu của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí
- 4.1. Tiêu chuẩn về môi trường không khí ở thế giới và Việt Nam
- 4.2. Nội dung chủ yếu của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí
- 5. Thực trạng không khí ở Việt Nam
- 5.1. Thực trạng không khí ở Việt Nam
- 5.2. Giải pháp khắc phục
1. Không khí và ô nhiễm không khí
Không khí là hỗn hợp khí gồm nito (78,9%), O2 (0,95%), acgong (0,93%), CO2 (0,32%) và một số khí khác.
Dưới góc độ pháp lí, ô nhiễm không khí được hiểu là sự thay đổi tính chất không khí, vi phạm tiêu chuẩn không khí mà pháp luật đã quy định.
Đánh giá chung về tình hình ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn như sau:
Thứ nhất, vấn đề nổi cộm về môi trường không khí hiện nay là tình trạng ô nhiễm bụi.
Thứ hai, các khí độc hại trong không khí nhìn chung vẫn ở mức cho phép, tuy nồng độ các chất này tăng lên tại một số điểm và trong một thời điểm nhất định (Không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động).
Thứ ba, ô nhiễm tiếng ồn tăng cao, nhất là tại các nút giao thông và ven các trục đường có mật độ giao thông lớn.
2. Kiểm soát ô nhiễm không khí
Dưới góc độ pháp lí, có thể kể đến một số hoạt động:
- Kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống tiêu chuẩn môi trường không khí. Các tiêu chuẩn này đồng thời là cơ sở pháp lí để nhà nước kiểm soát những tác động tiêu cực gây ra cho không khí từ các hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân.
- Kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua hoạt động phòng chống, khắc phục ô nhiễm không khí, sự cố môi trường không khí. Thông qua hoạt động này, mọi biến đổi của không khí sẽ được kiểm soát một cách thường xuyên và mọi tác động tiêu cực đối với không khí sẽ được giảm thiểu.
- Kiểm soát ô nhiễm không khí
- Kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào không khí. Nếu kiểm soát tốt các nguồn thải này thì cũng có nghĩa là môi trường không khí đã được kiểm soát một cách hiệu quả.
- Kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua hệ thống cơ quan kiểm soát được tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Hệ thống cơ quan này sẽ trực tiếp thực hiện và tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí ở từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Tóm lại, việc kiểm soát ô nhiễm không khí đòi hỏi sự nỗ lực của toàn dân.
3. Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí
Các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện hành được ban hành chưa nhiều, chưa tập trung và hiệu quả điều chỉnh chưa cao. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh riêng trong lĩnh vực này. Nguyên nhân:
- Không khí là thành phần môi trường không được xác định thuộc quyền khai thác hay sử dụng của chủ thể nào. Nó thuộc quyền sử dụng chung cho mọi cá nhân, tổ chức. Vì thế, môi trường không khí thường ít được quan tâm do nó không gắn với lợi ích cụ thể của một cá nhân, tổ chức nào.
- Giá trị kinh tế của môi trường không khí không dễ nhìn thấy mặc dù nó là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất. Khi lợi ích kinh tế không hiển hiện thì việc thiếu quan tâm, bảo vệ nó cũng là điều dễ hiểu.
- Những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường không khí gây ra thường chủ yếu là đối với sức khỏe con người, đối với chất lượng môi trường sống. Đây lại là vấn đề mà người dân Việt Nam chưa thực sự quan tâm, nhất là khi nỗi lo cho đời sống vật chất trước mắt còn quá bộn bề.
- Nhận thức chưa cao về việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong phát triển công nghiệp.
- Do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có tài chính hạn hẹp nên nhà nước không thể yêu cầu họ phải thỏa mãn ngay các đòi hỏi cao về bảo vệ môi trường không khí.
- Xử lí các hành vi vi phạm pháp luật môi trường không khí đòi hỏi rất cao về trình độ chuyên môn khoa học kĩ thuật. Tình trạng xử lí chưa kịp thời, chưa nghiêm minh hay còn bỏ sót các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường không khí của hệ thống cơ quan đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều chỉnh của pháp luật bảo vệ môi trường.
4. Những nội dung chủ yếu của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí
4.1. Tiêu chuẩn về môi trường không khí ở thế giới và Việt Nam
Tiêu chuẩn về môi trường là gì? là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được các cơ quan nhà nước và các tổ chức công bố dưới dạng văn bản tự nguyện áp dụng để bảo vệ môi trường.
a. Tiêu chuẩn về môi trường không khí trên thế giới.
b. Tiêu chuẩn về môi trường không khí ở Việt Nam.
Đơn vị: Microgam trên mét khối
STT | Thông số | Trung bình 1 giờ | Trung bình 3 giờ | Trung bình 24 giờ | Trung bình năm |
1 | SO2 | 350 | - | 125 | 50 |
2 | CO | 30000 | 10000 | 5000 | - |
3 | NOx | 200 | - | 100 | 40 |
4 | O3 | 180 | 120 | 80 | - |
5 | Bụi lơ lửng (TSP) | 300 | - | 200 | 140 |
6 | Bụi ≤ 10 µm (PM10) | - | - | 150 | 50 |
7 | Pb | - | - | 1.5 | 0.5 |
Ghi chú: Dấu (-) là không quy định Bảng giá trị giới hạn các thông số cơ bản trong không khí xung quanh |
4.2. Nội dung chủ yếu của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí
Nội dung của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí được quy định tại chương VI của Luật bảo vệ môi trường. Các nội dung như sau:
Điều 62. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí:
1. Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.
Điều 63. Quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh:
Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.
Điều 64. Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
1. Nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải.
2. Việc xem xét, phê duyệt dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường.
3.Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải.
4. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
6. Xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường
a. Xử lý hành chính với các trường hợp sau:
Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%). Nếu tái phạm hình thức xử phạt sẽ tăng lên theo số lần cũng như mức độ gây ra (khoản 1-5, điều 15, Nghị định 155/2016/NĐ- CP).
- Phạt tăng thêm 10% của mức phạt tiền tối đa đã chọn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ 1,1 đến dưới 1,5 lần; 20% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 đến dưới 02 lần; 30% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 03 lần; 40% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần trở lên. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng. (khoản 7, điều 15, Nghị định 155/2016/NĐ- CP).
Vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi làm phát tán hóa chất, hơi dung môi hữu cơ trong khu sản xuất hoặc khu dân cư gây mùi đặc trưng của hóa chất, hơi dung môi hữu cơ đó; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10%) (khoản 1, điều 16, Nghị định 155/2016/NĐ- CP).
- Hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 đến dưới 1,5 lần hoặc thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1. Hình thức phạt sẽ tang lên theo mức độ ảnh hưởng cũng như số lần tái phạm (khoản 2-5, điều 16, Nghị định 155/2016/NĐ- CP)
- Phạt tiền từ 950.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi thải bụi, khí thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.( khoản 6, điều 16, Nghị định 155/2016/NĐ- CP)
- Phạt tăng thêm 10% của mức phạt tiền tối đa đã chọn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,1 đến dưới 1,5 lần; 20% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 đến dưới 02 lần; 30% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 đến dưới 03 lần; 40% đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần trở lên. Tổng mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm không quá 1.000.000.000 đồng.( khoản 7, điều 16, Nghị định 155/2016/NĐ- CP)
b. Xử lí hình sự với các trường hợp sau:
Điều 182 (BLHS). Tội gây ô nhiễm không khí
1 Người nào thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
5. Thực trạng không khí ở Việt Nam
5.1. Thực trạng không khí ở Việt Nam
Không khí là thành phần thiết yếu trong cuộc sống của con người và sinh vật. Tuy nhiên vấn đề ông nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay thực sự đáng báo động. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí gây bệnh nặng như phổi tắc nghẽn mãn tính hay ung thư phổi. Tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động, đặc biệt là các thành phố lớn trong đó có Hà Nội và TP.HCM.
Hiện nay, chỉ số chất lượng không khí của Việt Nam luôn trong tình trạng báo động ở mức có hại cho sức khỏe, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM,chỉ số AirVisual luôn ở mức đỏ (có hại cho sức khỏe), đặc biệt có những ngày Hà Nội đạt đến mức tím (rất có hại cho sức khỏe).
Mới tháng 9 vừa qua, Hà Nội đã xác lập được cột mốc không ai muốn xảy ra, khi trở thành thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204. Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu - rất có hại cho sức khỏe, nhóm nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài. Hệ thống quan trắc PAM Air của Việt Nam cũng ghi nhận kết quả tương tự, kết quả ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với chỉ số AQI ở hầu hết các điểm đo cùng thời gian tương tự . Chỉ số chất lượng không khí từ 150-200 - ngưỡng chất lượng không khí kém, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài.
Với việc xã hội công nghiệp ngày càng phát triển, lượng khí thải xả ra môi trường ngày càng nhiều. Lượng khói bụi từ phương tiện giao thông đóng góp phần nào đối với độ ô nhiễm tăng nhanh. Bụi dày đặc tạo thành những lớp màng trông như màn sương bao trùm cả thành phố, có thể dễ dàng thấy bằng mắt thường vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối là minh chứng rõ ràng cho tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung.
Tình trạng ô nhiễm không khí tăng nhanh một phần cũng do những tai nạn trong lao động sản xuất công nghiệp. Nổi bật nhất trong thời gian gần đây chắc chắn phải kể đến vụ việc cháy xưởng sản xuất nhà máy Rạng Đông ở khu vực quận Thanh Xuân đã ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và không khí, gây thiệt hại lớn trước tiên là trong sản xuất khi hàng nghìn m2 nhà kho bị thiêu rụi, thiệt hại về tài sản lên tới 150 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, sau vụ cháy, nỗi lo nguy cơ nhiễm độc trên diện rộng khiến người dân sống quanh đó hoang mang. Chất độc phát tán sau vụ cháy bao gồm thủy ngân, bột huỳnh quang,... đều không tốt cho sức khỏe khi tiếp xúc, các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân, một số kim loại nặng. Nếu hít phải thủy ngân ở liều lượng cao sẽ ngấm vào máu, tích lũy ở xương. Thủy ngân gây ra nhiều bệnh, tùy vào liều lượng, nếu cao sẽ tác động ngay lập tức, nếu liều lượng thấp sẽ ngấm vào máu và phát bệnh sau một khoảng thời gian.
Chung quy có rất nhiều nguyên nhân kết hợp để tạo ra sự ô nhiễm nặng nề của Hà Nội cũng như các thành phố lớn, và thực tế là các giải pháp của các cơ quan chức năng vẫn chưa hạn chế triệt để và khắc phục tình trạng trên.
5.2. Giải pháp khắc phục
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải sản xuất
- Giảm thiểu nguồn phát thải
- Các nhà máy cần tiến tới sử dụng quy trình công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiên với môi trường
- Rà soát các khu vực, công trình xây dựng, che chắn để giảm thiểu phát thải ô nhiễm
- Tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đối với người dân, cộng đồng không đổ rác, vứt rác bừa bãi, ý thức tham gia giao thông
- Giám sát thường xuyên chất lượng không khí và thông báo rộng rãi để người dân biết và bảo vệ sức khỏe
- Đưa ra các chế tài nặng tay đối với hành vi sai phạm dẫn đến ô nhiễm môi trường.