Mục lục bài viết
1. Bài hát được bảo hộ quyền tác giả như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương thức, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Như vậy, khi bạn sáng tác một bài hát và thể hiện nó dưới một hình thức vật chất nhất định (ví dụ: viết ra giấy) thì quyền tác giả của bạn đối với bài hát đó đã được phát sinh ngay lập tức mà không cần công bố hay đăng ký tác phẩm.
Tác phẩm âm nhạc quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Bài hát hay ca khúc thuộc loại hình tác phẩm âm nhạc và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm âm nhạc theo quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là quyền liên quan). Tác giả bài hát và chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát có các quyền nhân thân và các quyền tài sản theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, và chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ.
2. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định như thế nào?
Để biết việc phát hành một bài hát có giai điệu tương tự một bài hát khác có xâm phạm quyền tác giả của người khác không thì phải xác định xem có hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra hay không dựa trên căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả. Các căn cứ này bao gồm:
Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả - là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ hai là có yếu tố xâm phạm quyền tác giả trong đối tượng bị xem xét.
Thứ ba là người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền tác giả, trừ trường hợp đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hành vi xâm phạm với các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả còn lại và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 20, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 31 và các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ tư là hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam kể cả hành vi đó xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet mà người tiêu dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung thông tin số tại Việt Nam.
3. Phát hành một bài hát có giai điệu tương tự một bài hát khác có xâm phạm quyền tác giả của người khác không?
Phát hành một bài hát có giai điệu tương tự một bài hát khác có thể là hành vi xâm phạm quyền tác giả nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Xuyên tạc tác phẩm; sửa đổi, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;
- Tác phẩm đã có được sử dụng làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
- Biểu diễn, đọc, trưng bày, triển lãm, trình chiếu, trình diễn tác phẩm tại nơi công cộng hoặc nơi bán vé, thu tiền vào cửa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20, các điều 25 và 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao hữu hình tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm qua mạng viễn thông và mạng Internet mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện trên bản gốc, bản sao tác phẩm để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20, Điều 25 và Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
- Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ, các điều 113 và 114 của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Việc xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả ở đây phải xem xét tính nguyên gốc của sự sáng tạo tác phẩm và sự thể hiện, biểu hiện của ý tưởng mà không phải bản thân ý tưởng. Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không, cần so sánh bản sao hoặc tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm hoặc tác phẩm gốc, tính nguyên gốc của sự sáng tạo tác phẩm, sự thể hiện, biểu hiện của ý tưởng sáng tạo tác phẩm; thời điểm hoàn thành tác phẩm; sự tiếp cận, thời gian, thời điểm tiếp cận của tác giả đối với tác phẩm đã có. Bản sao tác phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây: Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác; hoặc Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác; hoặc Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.
Như vậy để đánh giá được việc phát hành một bài hát có giai điệu tương tự một bài hát khác có xâm phạm quyền tác giả của người khác không thì phải dựa trên 4 căn cứ trên, sự tương tự giữa hai bài khác về tất cả các yếu tố nhạc - lời, giai điệu, hòa âm, nhịp điệu... Đồng thời xem xét so với bài hát gốc thì bài hát mới phát hành có phải thuộc trường hợp làm tác phẩm phái sinh hay không, có xin phép tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả trước đó không, giám định xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan kết luận như thế nào...
Trên đây là bài viết về nội dung phát hành một bài hát có giai điệu tương tự một bài hát khác có bị xem là xâm phạm quyền tác giả không của Luật Minh Khuê. Để được tư vấn và sử dụng dịch vụ liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ hoặc các vấn đề pháp luật khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua các kênh sau:
Điện thoại tư vấn về nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ: 0986.386.648 (Luật sư: Tô Thị Phương Dung)
Kênh liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ về các vấn đề pháp luật khác - Gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienhe@luatminhkhue.vn hoặc gọi ngay tổng đài tư vấn chuyên môn số: 19006162.