1. Khái niệm về phi hình sự hóa:

Phi hình sự hóa là việc đưa một hành vi đang bị điều chỉnh bằng pháp luật hình sự trở thành một quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật và xã hội khác.

2. Nội dung về phi hình sự hóa trong chính sách hình sự:

Phi hình sự hóa là quá trình ngược lại của hình sự hóa. Qúa trình này cũng diễn ra tương ứng với quá trình thu hẹp phạm vi tác động của luật hình sự hoặc giảm nhẹ hơn trách nhiệm hình sự. Thể hiện qua việc làm nhà luật loại bỏ hình phạt mà trước đó đã áp dụng đối với một hành vi tội phạm , nay hành vi đó được xác định không còn tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội nữa và không được coi là tội phạm, hoặc thay thế một hình phạt nặng bằng hình phạt nhẹ hơn, hoặc giảm mức tối đa của hình phạt. Phi hình sự hóa thể hiện một số nội dung chủ yếu.

2.1. Nhà làm luật thu hẹp trong phần chung Bộ luật hình sự:

Phạm vi của sự trấn áp về hình sự đối với một hoặc một số tội phạm. Chăng hạn trong Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định bổ sung một số trường hợp miễn trách nhiệm hình sự mới, đó là miễn trách nhiệm hình sự khi có văn bản đại xá, bổ sung vào chế định miễn chấp hành hình phạt khi có văn bản đặc xá hoặc văn bản đại xã . Loại trừ hình phạt tước quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội mà trước đây quy định tại khoản 1 điều 31 của bộ luật hình sự 1985. Đến Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tại điều 29 như sau:

Điều 29: Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c. Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự,thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Nhà làm luật loại trừ khỏi phần các tội phạm Bộ luật hình sự chế tài hình sự đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà trước đây bị coi là tội phạm, nhưng nay không bị coi là tội phạm nữa. Những hành vi này chỉ bị coi là hành vi trái đạo đức hoặc vi phạm pháp luật khác nên đối với người thực hiện hành vi ấy không cần áp dụng bất kỳ chế tài pháp lý nào hoặc chỉ cần áp dụng chế tài trong các ngành luật phi hình sự ít nghiêm khắc hơn là đã đủ sức ngăn chặn.

2.2. Luật theo quy định hướng giảm nhẹ hơn loại hoặc mức hình phạt đối với một số tội phạm:

Trong bộ luật hình sự năm 1999 các nhà làm luật quy định giảm nhẹ hơn mức tối thiểu hoặc tối đa của hình phạt trong một loạt chế tài đối với những người tội phạm được ghi nhận tại các điều 114,139,142,144,153,158,160,162,164,166,... Trong bộ luật hình sự năm 2015 các tình tiết được xem xét được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điều 51 như sau:

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m) Phạm tội do lạc hậu;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r) Người phạm tội tự thú;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

 

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

2.3. Quy định bổ sung nhiều loại hình thức phạt khác nhau:

Việc phi hình sự hóa còn được thực hiện bằng cách quy định bổ sung nhiều loại hình phạt khác nhau nhẹ hơn hình phạt đã quy định trong chế tài. Vấn đề này có quan điểm cho rằng việc bổ sung hình phạt là biểu hiện của hình sự hóa. Ngoài những hình phạt truyền thống, Bộ luật hình sự quy định bổ sung những hình phạt mới tạo sự đa dạng, phòng phú cho hệ thống hình phạt. Mặt khác, việc quy định bổ sung loại hình phạt mới vào các chế tài đã tạo điều kiện lựa chọn nhiều hơn cho các Thẩm phán khi xét xử, đảm bảo thực hiện tốt hơn nguyên tắc công bằng trong áp dụng pháp luật hình sự. Quy định một số hình phạt cân đối, một số lượng hình phạt lớn và đa dạng giúp cho sự lựa chọn của các tòa án khi quyết định hình phạt được dễ dàng, sát với nhu cầu của việc giáo dục và cải tạo người phạm tội.Thực tiễn xét xử ở nước ta đã chứng minh có giai đoạn các tòa án phải xử án tù giam với một số đối tượng nhất định, bởi vì không thể tha miễn hình phạt cho kẻ phạm tội khi trong hệ thống hình phạt không có những hình phạt bổ sung thêm một loại hình phạt mới vào hệ thống hình phạt - hình phạt trục xuất tạo ra sự đa dạng, phong phú cho hệ thống hình phạt, đáp ứng yêu cầu xử lý đối với chủ thể đặc biệt là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy rõ ràng thực chất hình sự hóa hay phi hình sự hóa là quá trình tăng nặng giảm nhẹ chế tài chứ không hoàn toàn là việc bổ sung hay hủy bỏ loại hình phạt, mức hình phạt. Nhà làm luật tiến hành phi hình sự hóa khi quy định bổ sung hình phạt trong các chế tài, nếu việc bổ sung này làm chế tài ít nghiêm khắc hơn.Chính vì vậy việc nhà làm luật bổ sung hình phạt mới vào hệ thống hình phạt hay quy định thêm loại hình phạt trong chế tài của các điều luật cụ thể để tạo khả năng tùy nghi và lựa chọn nhiều hơn khi áp dụng pháp luật thì đó là biểu hiện của phi hình sự hóa chứ không phải hình sự hóa

3. Ý nghĩa của phi hình sự hóa :

Việc bãi bỏ các tội danh trong BLHS xuất phát từ những căn cứ khác nhau. Có tội danh thì phi hình sự hóa một cách hoàn toàn, tức là bỏ hẳn ra khỏi Bộ luật hình sự, như: Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng và Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Nhưng cũng có các tội có sự chuyển hóa theo cách bỏ tên tội danh cũ và việc xử lý các hành vi tương tự sẽ được chuyển hóa vào các điều luật quy định về tội danh khác trong BLHS 2015.

Theo Điều 83 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì tội hoạt động phỉ được quy định như sau:

“Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Hành vi hoạt động phỉ là hành vi hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, thực hiện hành vi giết người, cướp phá tài sản gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc tội danh này không được quy định trong BLHS 2015 bởi quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam từ khi BLHS 1999 có hiệu lực đến nay cho thấy việc phát hiện và xử lý những đối tượng hoạt động phỉ là không nhiều. Tuy nhiên, hành vi hoạt động phỉ cần được quy định trong cấu thành một số tội phạm cụ thể bởi các lý do sau:

Thứ nhất, tội hoạt động phỉ có dấu hiệu đặc trưng là hoạt động vũ trang xảy ra ở những địa bàn hiểm yếu, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc gia, như vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, các đối tượng dễ tập trung lôi kéo đồng bào tham gia.

Thứ hai, xuất phát từ đặc thù địa lý, địa hình nước ta có nhiều vùng rừng núi hiểm trở, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tiềm ẩn nguyên nhân, điều kiện để tội phạm hoạt động phỉ tồn tại.

Thứ ba, qua tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội hoạt động phỉ cho thấy việc áp dụng điều luật này không có vướng mắc, bất cập gì đến mức phải sửa đổi, bổ sung; cũng không đến mức phải bỏ loại tội phạm này. BLHS năm 2015 đã quy định hành vi hoạt động phỉ vào cấu thành một số tội phạm cụ thể như: Tội Bạo loạn (Điều 112), tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)…

Theo Điều 112 thì người nào hoạt động vũ trang hoặc dung bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu, thành phố, đồng bằng, rừng núi, hải đảo… đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội bạo loạn và người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu thỏa mãn các dấu hiệu còn lại của cấu thành tội phạm.

Tương tự, theo Điều 113 BLHS năm 2015, hành vi xâm phạm tính mạng cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và người thực hiện hành vi vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.

Như vậy bằng việc phi hình sự hóa có thể thấy trong giai đoạn phát triển tương ứng của xã hội không cần thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế về hình sự đối với hành vi nào đó vì đó đã hoàn toàn mất đi tính nguy hiểm cho xã hội hoặc tuy hành vi vẫn còn nguy hiểm, nhưng do sự thay đổi của các yếu tố khách quan như các điều kiện cụ thể của đất nước về kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa hoặc pháp luật nên chỉ coi là hành vi đạo đức hay hành vi vi phạm pháp luật khác.