Kính chào công ty Luật Minh Khuê, xin luật sư cho biết Phòng vệ thương mại là gì? Các biện pháp sử dụng trong phòng vệ thương mại là gì? Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại nào?

Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người hỏi: Đặng Hằng - Đà Nẵng

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

 

Trả lời:

Căn cứ cơ sở pháp lý sau: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Luật quản lý ngoại thương năm 2017 và Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu về phòng vệ thương mại

 

1. Phòng vệ thương mại là gì?

Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

 

2. Bốn (04) biện pháp sử dụng trong Phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại có 4 biện pháp: Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, Biện pháp tự vệ, và Chống lẩn tránh phòng vệ thương mại.

 

2.1. Chống bán phá giá

Đây là biện pháp mà nước nhập khẩu có quyền áp dụng để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh ở trong nước.

Khi hàng hoá nhập khẩu được chứng minh là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp: thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế chống bán pháp giá và biện pháp phổ biến nhất hiện nay.

 

2.2. Biện pháp chống trợ cấp

Là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu.

Trợ cấp Chính phủ có thể tồn tại dưới hình thức trực tiếp như chuyển trực tiếp các khoản vốn (cho vay ưu đãi, góp cổ phần…), chuyển hoặc nhận nợ trực tiếp (bảo lãnh tiền vay, bảo đảm tín dụng…).

Hoặc trợ cấp gián tiếp như bỏ qua hoặc không thu các khoản thu phải nộp (miễn thuế, giảm thuế); cung cấp hàng hóa hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở cho doanh nghiệp.

 

2.3. Biện pháp tự vệ

Là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp khi hàng nhập khẩu gia tăng bất thường.

Nếu như để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp, cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp nước ngoài thì trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng “bất thường” của luồng hàng hóa nhập khẩu, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp và thị trường trong nước.

Mỗi nước thành viên WTO đều có quyền áp dụng phòng vệ thương mại, nhưng khi áp dụng thì họ phải bảo đảm tuân theo các quy định của WTO (về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ.

 

2.4. Chống lấn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Là hành vi thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, từ đó làm giảm hiệu quả các biện pháp này.

Đối với Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra “lẩn tránh thuế” đối với hàng hóa xuất khẩu thường thuộc các trường hợp:

(i) hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại;

(ii) hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan.

 

3. Điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ

Nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của 3 điều kiện sau:

- Hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng;

- Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng; và

- Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên.

 

4. Thủ tục áp dụng biện pháp phòng vệ

Đối với các vụ kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp, không có quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kiện áp dụng.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng không quy định cụ thể về hành vi lẩn tránh. Bên cạnh đó, pháp luật về các hành vi lẩn tránh “bất hợp pháp” của các nước cũng rất khác nhau và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho việc tuân thủ của các doanh nghiệp.

Riêng Biện pháp tự vệ, có một số các nguyên tắc cơ bản mà tất cả các thành viên WTO phải tuân thủ:

- Đảm bảo tính minh bạch (Quyết định khởi xướng vụ điều tra tự vệ phải được thông báo công khai; Báo cáo kết luận điều tra phải được công khai vào cuối cuộc điều tra…)

- Đảm bảo quyền tố tụng của các bên (các bên liên quan phải được đảm bảo cơ hội trình bày các chứng cứ, lập luận của mình và trả lời các chứng cứ, lập luận của đối phương);

- Đảm bảo bí mật thông tin (đối với thông tin có bản chất là mật hoặc được các bên trình với tính chất là thông tin mật không thể được công khai nếu không có sự đồng ý của bên đã trình thông tin);

- Các điều kiện về biện pháp tạm thời (phải là biện pháp tăng thuế, và nếu kết luận cuối cùng của vụ việc là phủ định thì khoản chênh lệch do tăng thuế phải được hoàn trả lại cho bên đã nộp; không được kéo dài quá 200 ngày…)

 

5. Phòng vệ thương mại được thực hiện thế nào trong EVFTA?

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 30/2020/TT-BCT hướng dẫn áp dụng biện pháp tự vệ song phương, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp trong thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

 

5.1. Biện pháp tự vệ song phương

Đối với biện pháp tự vệ song phương, có 3 nguyên tắc áp dụng:

+ Một là, tại cùng một thời điểm, không áp dụng đồng thời biện pháp tự vệ song phương (theo Hiệp định) và biện pháp tự vệ theo quy định tại Điều XIX Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT) 1994 đối với cùng một hàng hóa nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định.

+ Hai là, không được áp dụng biện pháp ngoài giai đoạn chuyển tiếp, trừ trường hợp có sự thống nhất với Liên minh châu Âu.

+ Ba là, việc điều tra, áp dụng biện pháp được thực hiện phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và các quy định tại Chương III của Thông tư 30.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra sẽ thông báo bằng văn bản và tham vấn với Liên minh châu Âu về việc điều tra áp dụng biện pháp theo quy định trong Hiệp định.

Thời hạn điều tra: là 1 năm kể từ ngày Quyết định điều tra được ban hành.

Biện pháp tự vệ song phương được áp dụng khi:

+ Thứ nhất, có sự gia tăng nhập khẩu (tuyệt đối hoặc tương đối) của hàng nhập khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định so với lượng hàng hóa tương tự và hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

+ Thứ hai, ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa thiệt hại nghiêm trọng;

+ Thứ ba, việc gia tăng nhập khẩu nêu trên là nguyên nhân gây ra/đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.

Hình thức áp dụng biện pháp bao gồm:

+ Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định; hoặc

+ Tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp, hoặc thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở quy định tại các biểu thuế tại Phụ lục 2- A (Xoá bỏ thuế hải quan) theo Điều 2.7 (Giảm hoặc xoá bỏ thuế hải quan với hàng nhập khẩu) của Hiệp định, tùy mức thuế suất thuế nhập khẩu nào thấp hơn.

Thời hạn áp dụng biện pháp:

Không quá 2 năm. Trong trường hợp cần tiếp tục áp dụng biện pháp để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại và tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước điều chỉnh, có thể kéo dài thêm tối đa 2 năm.

Ngoài ra, trong trường hợp thời hạn áp dụng biện pháp dài hơn 2 năm, biện pháp phải được nới lỏng dần trong quá trình áp dụng.

Sau khi hết thời hạn áp dụng biện pháp, mức thuế nhập khẩu áp cho hàng hóa liên quan thực hiện theo quy định của Hiệp định có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt áp dụng biện pháp đó.

Thông tư 30 cũng quy định về các nội dung cụ thể cần có của đơn yêu cầu , bên liên quan trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ song phương.

 

5.2. Biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Ngoài các quy định phù hợp với các Hiệp định chống bán phá giá, chống trợ cấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định EVFTA bổ sung nội dung Bộ Công Thương có thể xem xét quyết định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu, dựa trên các thông tin sẵn có trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra kết luận rằng việc áp dụng biện pháp không phù hợp với lợi ích kinh tế - xã hội.

Khi đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội, dựa trên các thông tin có liên quan được cung cấp, Cơ quan điều tra sẽ xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội có liên quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, tiêu dùng hàng hóa bị điều tra.

Ngoài ra, thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp không được cao hơn biên độ phá giá hoặc mức trợ cấp. Mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thấp hơn biên độ phá giá hoặc mức trợ cấp có thể được áp dụng nếu mức thuế thấp hơn này đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Thông tư 30 có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 01 năm 2021.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.