1. Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng có bắt buộc phải có "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" không?

Căn cứ vào khoản 2, khoản 3 ĐIều 2 Nghị định 91/2016/NĐ-CP thì hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng được quy định như sau:

- Hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn là hóa chất có chứa hoạt chất diệt côn trùng, diệt khuẩn ở dạng kỹ thuật dùng để gia công chế biến thành chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế (sau đây gọi tắt là hóa chất).

- Chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn là sản phẩm có chứa hoạt chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, có tên thương mại riêng và được sử dụng trực tiếp để diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế (sau đây gọi tắt là chế phẩm).

Các hóa chất, chế phẩm muốn đi vào sử dụng và đảm bảo an toàn cho cuộc sống của con người thì phải thuộc mục chế phẩm, hóa chất do Bộ Y tế ban hành. Đối với quảng cáo, thì còn phải việc tuân thủ quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn Luật Quảng cáo.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 181/2013/NĐ-CP thì quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế phải tuân thủ theo các quy định như sau;

- Nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế phải phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.

- Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế phải có các nội dung sau đây:

+ Tên hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;

+ Tính năng, công dụng của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;

+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

+ Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoặc “Hạn chế phạm vi sử dụng đối với các sản phẩm có sử dụng hóa chất trong danh mục hạn chế sử dụng”.

- Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và d Khoản 2 Điều này.

Như vậy, có thể thấy, khi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng thì bắt buộc phải có  khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoặc “Hạn chế phạm vi sử dụng đối với các sản phẩm có sử dụng hóa chất trong danh mục hạn chế sử dụng”. Nếu thiếu lời khuyến cáo này thì sẽ bị xem xét là hành vi vi phạm quy định pháp luật.

2. Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng thiếu lời khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” bị xử phạt như thế nào?

Từ nội dung phân tích nêu trên thì có thể thấy lời khuyến cáo "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" là rất quan trọng. Do đó, việc xử lý hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng thiếu lời khuyến cáo này sẽ được căn cứ vào khoản 2 Điều 53 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Cụ thể, áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền, với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thiếu một trong các nội dung sau đây:

- Tên hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

- Tính năng, công dụng;

- Lời khuyến cáo: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoặc “Hạn chế phạm vi sử dụng đối với các sản phẩm có sử dụng hóa chất trong Danh mục hạn chế sử dụng”.

Qua đó, đối với cá nhân thực hiện hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng thiếu lời khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi này. Tuy nhiên, mức phạt tiền này được áp dụng đối với cá nhân, do đó, nếu chủ thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền bị áp dụng sẽ bằng 02 lần mức tiền phạt đối với cá nhân (tức là phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng).

3. Các mức xử phạt được áp dụng khi vi phạm về quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng?

Việc vi phạm các hành vi sau về quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 53 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

3.1. Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng

Đối với một trong các hành vi sau đây:

Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế có nội dung không phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Quảng cáo năm 2012 thì quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.

Như vậy, có thể thấy, giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa ghi trong CFS để chứng nhận rằng sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất và được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.

Quảng cáo đối với hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế không đúng theo nội dung giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp.

Việc xác nhận nội dung quảng cáo được áp dụng với hàng hóa mang tính chất đặc biệt, quy định tại Thông tư 09/2015/TT-BYT. Do vậy, nội dung quảng cáo phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, không có hành vi bị cấm. Đồng thời, tiếng nói, chữ viết, hình ảnh trong quảng cáo phải bảo đảm ngắn gọn, thông dụng, đúng quy định tại Điều 18 của Luật Quảng cáo năm 2012. Cỡ chữ nhỏ nhất trong nội dung quảng cáo phải bảo đảm tỷ lệ đủ lớn để có thể đọc được trong điều kiện bình thường và không được nhỏ hơn tỷ lệ tương đương cỡ chữ Vntime hoặc Times New Roman 12 trên khổ giấy A4.

Nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế phải phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp. Tức là đáp ứng những nội dung như:

- Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.

- Số, ngày cấp CFS.

- Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

- Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

- Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.

- Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.

- Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.

3.2. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng

Đối với hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thiếu một trong các nội dung sau đây:

- Tên hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

- Tính năng, công dụng;

- Lời khuyến cáo: “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoặc “Hạn chế phạm vi sử dụng đối với các sản phẩm có sử dụng hóa chất trong Danh mục hạn chế sử dụng”.

Bởi căn cứ vào khoản 2 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP thì quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế phải đảm bảo các nội dung nêu trên. 

3.3. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng

Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi quảng cáo hoặc phát hành quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa có số đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.

Việc đăng ký lưu hành là một trong những nội dung, nghĩa vụ bắt buộc của chủ cơ sở khi lưu hành trên thị trường hóa chất, chế phẩm. Việc xin giấy chứng nhận lưu hành tự mang một ý nghĩa quan trọng khi dựa vào CFS, nước nhập khẩu sẽ nắm bắt được chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào nước họ, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dễ dàng xuất khẩu hàng hóa vào nước khác hơn. Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu yêu cầu phải có CFS để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy chứng nhận khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu yêu cầu phải có CFS do cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể.

3.4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Biện pháp khắc phục hậu quả được hiểu là hình thức cưỡng chế do Nhà nước tiến hành, buộc người có hành vi vi phạm hành chính phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý nhất định nhằm hạn chế hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm hành chính gây ra. Trong đó, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm là một trong những biện pháp chung quy định trong xử phạt vi phạm hành chính nhằm khắc phục lỗi của chủ thể.

Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng trong trường hợp này là cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện là một trong những biện pháp được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết của Luật Minh Khuê như sau:

Quảng cáo thương mại là gì? Ví dụ về quảng cáo thương mại

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Ngoài ra, khách hành cũng có thể liên hệ trực tiếp với các luật sư của Luật Minh Khuê để được giải đáp các vấn đề liên quan đến: Luật sư Bùi Thị Nhung qua số điện thoại: 0931626162. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.