1. Khái niệm về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Bộ luật dân sự hiện hành đã quy định bảy biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, kí cược, kí quỹ, bảo lãnh và tín chấp, cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. Khi các bên lựa chọn một trong các biện pháp này để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì giữa họ phát sinh một quan hệ pháp luật. Việc xác lập biện pháp bảo đảm giữa các chủ thể với nhau được thực hiện thông qua một giao dịch dân sự, vì thể giao dịch dân sự này được gọi là giao dịch bảo đảm và quan hệ hình thành từ giao dịch bảo đảm được gọi là quan hệ bảo đảm.
Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể hiểu theo hai phương diện: Về mặt khách quan là sự quy định của pháp luật, cho phép các chủ thể trong giao dịch dân sự hoặc các quan hệ dân sự khác áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo đảm cho một nghĩa vụ chính được thực hiện đồng thời xác định và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên trong các biện pháp đó. Về mặt chủ quan là việc thởa thuận giữa các bên nhằm qua đó đặt ra các biện pháp tác động mang tính chất dự phòng để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.
2. Khái niệm về cầm cố
Trong quan hệ nghĩa vụ, để bảo đảm quyền và các lợi ích của người có quyền không bị xâm phạm thì các bên có thể thoả thuận xác lập một biện pháp bảo đảm đối vật, theo đó bên có nghĩa vụ phải giao cho người có quyền một tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền đã có sẵn một tài sản mà người có nghĩa vụ đã giao cho mình để khấu trừ phần nghĩa vụ chưa được thực hiện. Vì vậy, về phương diện ngữ nghĩa thì cầm cố tài sản là việc một người cầm trước (giữ sẵn) một tài sản của người khác để bảo đảm cho quyền, lợi ích của mình.
Việc cầm cố tài sản thường được đặt ra bên cạnh một hợp đồng dân sự nhưng cũng có thể được đặt ra bên cạnh một nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Bất luận ở trường hợp nào, cầm cố tài sản đều là kết quả của sự thoả thuận từ hai phía và với mục đích bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba phải bằng tài sản của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ đó trước bên có quyền.
3. Hình thức của cầm cố tài sản
Bộ luật dân sự năm 2015 không xác định rõ về hình thức của cầm cố tài sản, tuy nhiên theo quy định tại Điều 310 Bộ luật dân sự năm 2015 có thể hiểu nếu cầm cố tài sản là động sản thì có thể bằng hình thức miệng hoặc hình thức văn bản, nếu cầm cố bất động sản thì bắt buộc phải bằng văn bản.
Theo quy định tại điều luật trên thì văn bản cầm cố không nhất thiết phải công chứng hoặc chứng thực hoặc đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thông thường, nếu tài sản cầm cố không phải đăng ký quyền sở hữu thì các bên không cần phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, để nâng cao độ an toàn pháp lý, các bên có thể thoả thuận cầm cố phải có công chứng hoặc chứng thực.
Căn cứ tại Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cầm cố tài sản được hiểu là việc bên có tài sản (bên cầm cố) giao tài sản của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) và tài sản này phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cầm cố, để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ.
4. Khái niệm về cầm đồ
Cầm đồ là cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ để giao kết hợp đồng vay tiền.
Phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó người cầm đồ giao tài sản cho hiệu cầm đồ để được vay một số tiền nhất định. Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về hoạt động của cửa hàng cầm đồ.
Người cầm đồ trả lại khoản tiền vay trong thời hạn quy định và được nhận lại đồ vật đã cầm đồ. Hết thời hạn chuộc lại đã được thỏa thuận, chủ hiệu cầm đồ đương nhiên trở thành chủ sở hữu của vật đó.
Khoản tiền phải trả do các bên thỏa thuận tùy thuộc vào số tiền vay của bên đem tài sản cầm đồ và thời hạn cầm đồ. Trong thời hạn cầm đồ, tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của người cầm đồ, chủ hiệu cầm đồ không được định đoạt và sử dụng tài sản đó.
Xét trên góc độ pháp lý, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm cầm đồ. Nhưng, tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016 về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có quy định về kinh doanh dịch vụ cầm đồ cụ thể như sau:
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ có thể hiểu là kinh doanh dịch vụ cho vay, đối tượng cho vay ở đây là tiền. Mà người vay tiền muốn vay, sẽ phải mang tài sản hợp pháp đến nơi cầm đồ để cầm cố tài sản này.
Nên có thể thấy cầm đồ sẽ thực hiện thông qua hình thức cầm cố tài sản. Trong đó, bên hiệu cầm đồ hay nơi kinh doanh dịch vụ cầm đồ sẽ giao kết hợp đồng vay tiền với bên có nhu cầu vay. Phương thức bảo đảm cho hợp đồng vay tiền, chính là người vay sẽ giao tài sản cho bên cầm đồ, để vay một khoản tiền nhất định.
5. Cầm cố trong dịch vụ cầm đồ
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là việc “cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố”. Như vậy bản chất của dịch vụ cầm đồ là dịch vụ cho vay áp dụng biện pháp cầm cố tài sản hay còn gọi là cầm đồ để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.
Một trong những văn bản đầu tiên đề cập việc “cầm đồ” vàng, bạc, đá quý là Thông tư số 75-NH/TT ngày 05/6/1989 của Ngân hàng Nhà nước .
Trước đây, dịch vụ cầm đồ của ngân hàng thương mại được coi là một dịch vụ cho vay riêng, thậm chí phải có giấy phép riêng, nhưng đến nay thì cũng chỉ là một hoạt động cho vay có tài sản cầm cố nói chung. Theo đó, hệ thông tài khoản kế toán ngân hàng trước đây đã quy định, tài khoản số 994 hạch toán “tài sản thế chấp, cầm đồ của khách hàng” (“dùng để phản ảnh các tài sản thế chấp, cầm đồ của các tổ chức, cá nhân vay vốn tổ chức tín dụng theo chế độ cho vay quy định”) và đến tận năm 2014 mới sửa từ “cầm đồ” thành “cầm cố”.
cả hai Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 đều quy định, việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo các quy định về cầm cố tài sản của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác về hoạt động của cửa hàng cầm đồ. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không còn quy định nào về việc này, vì quan điểm cho rằng, đó chỉ đơn thuần là một hoạt động cho vay cầm cố tài sản và đã được xác định rõ là một ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ cầm đồ” trong Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2017, 2018).
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một trong số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2017, 2018), do Công an cấp huyện quản lý và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vê' an ninh, trật tự.
Dịch vụ cầm đồ có thể do các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân hay hộ kinh doanh thực hiện.
Thực chất dịch vụ cầm đồ là một hoạt động cho vay. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, cho vay là một hoạt động cấp tín dụng và là một hoạt động ngân hàng; đồng thòi “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”. Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thiếu sót khi không loại trừ dịch vụ cầm đồ là một hoạt động cho vay chuyên nghiệp nhưng không phải do tổ chức tín dụng thực hiện.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2017, 2018) và các văn bản pháp quy thường chỉ gọi là “dịch vụ cầm đồ”, mà không gọi là dịch vụ cho vay. Ngược lại với hoạt động cho vay của ngân hàng, là một loại hình dịch vụ, nhưng lại thường chỉ gọi là cho vay, mà không kèm theo từ dịch vụ.
Do pháp luật chỉ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ, mà không còn quy định cụ thể về nội dung hoạt động dịch vụ cầm đồ, nên việc cho vay cầm đồ chỉ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng vay tài sản. Còn việc bảo đảm tiền vay bằng cầm đồ thì được thực hiện theo các quy định về cầm cố tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, một số cửa hàng cầm đồ cho vay nhận tài sản bảo đảm bằng nhà đất hay bất động sản khác là không đúng quy định của pháp luật.
Năm 1995, pháp luật đã từng quy định, mức tiền vay cầm đồ không quá 65% giá trị tài sản cầm cố, trừ chứng từ có giá, vàng, đá quý thì có thể vay đến 80% giá trị hoặc cao hơn; lãi suất và phí cầm đồ không quá 4,2% tháng (50,4%/năm); trường hợp vay dưới 15 ngày thì không quá 0,3%/ngày (109,5%/năm) và việc phát mại tài sản cầm cố được thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.
Khi đó, lãi suất cho vay ngắn hạn cao nhất kể từ ngày 01/01/1996 đối vởi các tổ chức tín dụng là 1,75%/tháng (21%/năm); riêng đối vối quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại địa bàn nông thôn là 2,5%/tháng (30%/năm)1. Như vậy là lãi suất cầm đồ được phép cao hơn khoảng 2 -3 lần so với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.
Năm 1999, pháp luật đã từng quy định mức tiền cho vay cầm đồ không quá 80% giá trị của hàng hoá, tài sản cầm đồ; lãi suất vay (bao gồm cả chi phí bảo quản, cất giữ hàng hoá, tài sản cầm đồ) không quá 3%/tháng (36%/năm); trường hợp cho vay dưới 10 ngày thì không quá 0,3%/ngày (109,5%/năm) và việc bán hàng hoá, tài sản cầm đồ có giá trị từ trên 500.000 đồng phải thực hiện bằng hình thức bán đấu giá công khai.
Từ năm 2011 đến hết năm 2016, lãi suất cho vay cầm đồ không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (tức là không quá 13,5%/năm) theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Từ năm 2017 trở đi, lãi suất cho vay cầm đồ không quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu cho vay vượt quá mức lãi suất 13,5% hoặc 20%/năm thì có thể bị phạt từ 5-15 triệu đồng.
Trong khi đó, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng từ năm 2011 đến nay hoàn toàn theo thởa thuận, không bị giới hạn, kể cả trường hợp vượt 100%/năm (quá 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015) tức là mức lãi suất phạm tội cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.