Vào năm 2014 mẹ tôi được Phòng lao động thương binh và xã hội hoàn tất hồ sơ gửi lên thành phố để đề nghị được xét tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định mới của Chính phủ. Nhưng sau đó mẹ tôi không được xét do không đủ điều kiện theo quy định mới. Đó là nguyên nhân mà tôi làm đơn thỉnh cầu đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết hợp tình nếu thấy trường hợp của mẹ tôi xứng đáng.
Theo lời kể lại của me tôi thì ông,bà ngoại tôi mất đi khi mẹ tôi chỉ mớí 11 tuổi và cậu tôi chỉ mới mười một tháng tuổi. Mẹ tôi phải cưu mang, nuôi nấng người cậu khi còn chưa thôi bú mẹ. Mẹ tôi phải vừa ở đợ vừa mang cậu theo để nuôi cậu lớn cho đến khi cậu thoát li theo cách mạng. Những năm hoạt động, cậu tôi bị bắt, bị tù đày ở Phú Quốc, Mẹ phải vất vả thăm nuôi em với biết bao khó khăn, nguy hiểm. Khi cậu được trao trả, cậu tiếp tục về hoạt động ở vùng bưng sáu xã, Cha,mẹ tôi bất chấp nguy hiểm vẫn âm thầm tiếp tế cho cậu và động viên cậu an tâm hoàn thành nhiệm vụ cho đến lúc cậu hi sinh. Tất cả những cống hiến của cậu và công nuôi dưỡng của mẹ tôi đều được chính quyền địa phương công nhận và xét cho mẹ tôi là thân nhân duy nhất được hưởng trợ cấp theo chế độ thân nhân liệt sĩ. Với những dòng kể ngắn gọn không thể nào cảm được hết những vất vả, gian truân của một người chị gái mới mười một tuổi đầu, lại vừa cùng một lúc trải qua nỗi đau lớn nhất trong đời là mất cả cha lẫn mẹ phải gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc, cưu mang hai đứa em còn quá nhỏ (đứa anh 7 tuổi, đứa em mới mười một tháng tuổi chưa cai sữa mẹ).
Cậu thoát li theo cách mạng lúc cậu mới mười sáu tuổi .(Cậu hi sinh đúng và ngày 30 tháng chạp năn 1974, chỉ 4 tháng nữa là đất nước giải phóng). Nỗi đau người em chưa kịp nguôi ngoai thì mẹ lại mất thêm một đứa con trai đầu lòng trong chiến tranh biên giới Tây Nam vào năm 1980 mà mãi đến 8 năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử của anh. Từ đó đến nay mẹ tôi sống lặng lẽ bên con cháu, mượn tín ngưỡng tâm linh làm chỗ dựa tinh thần. Me ăn chay trường, kinh kệ, niệm phât mỗi ngày cầu nguyện cho gia đình, bá tánh từ lúc anh hai hi sinh cho đên nay. Thiết nghĩ, tuy là chị nhưng công lao của mẹ tôi đối với cậu không khác gì một người mẹ thậm chí còn vất vả cực nhục hơn cả người mẹ. Me tôi chỉ không có công sanh nhưng công lao cưu mang, chăm sóc, dạy dỗ cho cậu trở thành một chiến sĩ cách mạng can trường trong hoàn cảnh đen tối của đất nước thì không phải ai cũng làm được. Nhà nước đã có những chế độ , chính sách đãi ngộ đối với người có công với đất nước. Việc ban hành quy định mới về điều kiện xét công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã nói lên đều đó. Nhân dịp tháng đền ơn đáp nghĩa này, tôi muốn gửi đến các ban ngành có thẩm quyền lời đề nghị xin xem xét lại trường hợp của mẹ tôi. Bởi vì theo tôi, Mẹ rất xứng đáng được nhận danh hiệu cao quý này. Mẹ tôi có hai liệt sĩ , một là con ruột và một là em ruột. Điều đặc biệt là mẹ đã nuôi nấng, chăm sóc em như con vì cha mẹ mất khi chị mới 11 tuổi và em mới 11 tháng tuổi.
Với hoàn cảnh đặc biệt như trên, liệu mẹ tội có đựơc đặc cách xét tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng không thưa Luật sư ?
Nhờ Luật sư giúp đỡ. Xin trân trọng biết ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp Luật dân sự về người có công trực tuyến gọi:1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXHHướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"
2. Nội dung phân tích
Ngày 10/10/2014, liên Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Theo đó thông tư này có phần mở rộng và cụ thể hơn cho các đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Một số quy định chung
-Những bà mẹ được tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
-Con đẻ, con nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi phải được pháp luật thừa nhận hoặc chính quyền cấp xã xác nhận.
-Điều kiện liên quan đến mẹ của liệt sĩ nêu trong Thông tư liên tịch này đồng thời là điều kiện liên quan đến mẹ của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên quy định tại Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định sau:
Điều 2. Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”
1. Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:
a) Có 2 con trở lên là liệt sỹ;
b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ;
d) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ;
đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
Người con là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật.
Người chồng là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó.
Thương binh quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều này là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần.
Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
2. Những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được hưởng án treo) thì không được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Căn cứ theo quy định trên và theo thông tin bạn cung cấp mẹ bạn phải có hai con là liệt sỹ trở lên, và được chính quyền địa phương xác nhận con đẻ là liệt sỹ, thì mới đủ điều kiện được truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu mẹ bạn chưa đủ điều kiện được quy định tại Điều 2 Nghị đinh 56/2013/NĐ-CP nêu trên thì mẹ bạn không thuộc đối tượng được truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Còn việc em của mẹ bạn mà mẹ bạn đã nuôi dưỡng từ nhỏ khi bố mẹ mất thì không thể được coi là trường hợp mẹ có con là liệt sỹ được.
Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định sau:
- Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về liệt sĩ, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người thân của liệt sĩ, thương binh.
- Những trường hợp đã thực hiện chế độ, quyền lợi gia đình liệt sĩ nhưng Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng, hoặc chưa được cấp.
a) Trường hợp Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương căn cứ hồ sơ liệt sĩ đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định.
b) Trường hợp chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, đối với những bà mẹ được đề nghị xét truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” trước khi lập danh sách đề nghị.
Đối với những bà mẹ được đề nghị xét phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ hồ sơ liệt sĩ đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định. Trường hợp không có hoặc không còn hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người thân liệt sĩ cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã trong thời gian tối thiểu là 45 ngày và lập biên bản kết quả niêm yết công khai, nếu không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định. Sau đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
- Trường hợp bà mẹ cư trú ở nhiều địa phương nhưng không còn người lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì chính quyền cấp xã nơi bà mẹ có hộ khẩu thường trú và hưởng trợ cấp tiền tuất lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng.
- Trường hợp bà mẹ đã từ trần, việc đề nghị truy tặng do người được gia đình, họ tộc ủy quyền thực hiện, mà người đó không ở nơi bà mẹ cư trú khi còn sống thì hồ sơ phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ thương binh, liệt sĩ; văn bản của chính quyền địa phương nơi bà mẹ cư trú khi còn sống xác nhận về việc chưa lập hồ sơ đề nghị truy tặng và tình trạng nhân thân của bà mẹ (có mấy con, có tái giá hay không, thái độ chính trị, việc chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước).
- Đối với bà mẹ được truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì khoản tiền một lần và hiện vật khen thưởng được trao cho người chồng; nếu người chồng đã từ trần thì trao cho con hoặc vợ liệt sĩ thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ; trường hợp bà mẹ không còn chồng, con thì trao cho người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ của bà mẹ, theo đề nghị bằng văn bản của chính quyền cấp xã nơi bà mẹ cư trú khi còn sống.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp vớiLuật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn Luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê