1. khái niệm kiểm soát đặc biệt

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, kiểm soát đặc biệt được hiểu là:

"Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán".

Như vậy, có thể hiểu Kiểm soát đặc biệt là một trong các biện pháp quản lí nhà nước do Ngân hàng nhà nước Việt Nam áp dụng đổi với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng này có nguy cơ mất khả năng chỉ trả, mất khả năng thanh toán, nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng
 

2. Các trường hợp kiểm soát đặc biệt

Theo quy định tại Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 27 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 thì các trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt được quy định cụ thể như sau:
Tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:
- Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;
- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;
- Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, cácbiện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.
 

3. Hình thức kiểm soát đặc biệt

Căn cứ vào thực trạng, mức độ rủi ro trong hoạt động của Tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước hoặc Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định:
Đặt Tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện;
Nội dung, phạm vi, biện pháp, công việc kiểm soát hoạt động phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và nội dung quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 11.Trong đó:
- Giám sát đặc biệt là việc đặt Tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng nhà nước thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp từ xa, kiểm tra tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động của Tổ chức tín dụng.
- Kiểm soát toàn diện là việc đặt Tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng nhà nước thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm soát trực tiếp tại chỗ của Ban kiểm soát đặc biệt đối với hoạt động hằng ngày của Tổ chức tin dụng.
 

4. Chủ thể tiến hành kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người có thẩm quyền quyết định việc đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thời hạn, gia hạn thời hạn, chấm dứt kiểm soát đặc biệt và nội dung giám sát đặc biệt, nội dung kiểm soát toàn diện và quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt... dựa trên kết quả thanh tra, giám sát của các cơ quan giám sát, điều tra có thẩm quyền. Một tổ chức tín dụng khi nhận thấy tình hình tài chính có nguy cơ cần phải thực hiện kiểm soát đặc biệt ( mất khả năng thanh toán) thì phải báo cho Thống đốc ngân hàng hoặc Thanh tra để ra quyết định. 
*Nghĩa vụ của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh
- Xem xét, quyết định các nội dung sau đây đối với tổ chức tín dụng là quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính trên địa bàn:
+ Các nội dung quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, h, i khoản 1 Điều 6 Thông tư 11/2019/TT-NHNN
+ Các nội dung quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 146; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7 Điều 146a (trừ nội dung về cho vay đặc biệt, gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước); khoản 2, 6 Điều 146đ; điểm a, b, d khoản 2 Điều 148b; khoản 2, 3, 4 (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này) Điều 148c; khoản 2, 3, 4, 5, 6, 11 Điều 148đ; khoản 1, 2 Điều 149c và khoản 1, 2 Điều 149d Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đối với các nội dung quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 148b; khoản 7, 12 Điều 148 và khoản 3 Điều 149c Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017),
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) chấp thuận trước khi thực hiện.
- Báo cáo, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) kiến nghị Chính phủ thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với tổ chức tín dụng là quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính trên địa bàn.
* Quy chế pháp lí về tổ chức lại, giải thể, phá sản, thanh lí, phong toả vốn tài sản của tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng được tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lí sau khi được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Ngân hàng nhà nước quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể trong các trường hợp:
- Tự nguyện giải thể nếu có khả năng thanh toán hết nợ và được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản;
- Khi hết thời hạn hoạt động không xỉn gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản;
- Bị thu hồi giấy phép.
 

5. Thủ tục áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt

+ Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả Tổ chức tín dụng  báo cáo Ngân hàng nhà nước

+ NHNN kiểm tra phát hiện trường hợp cần kiểm soát đặc biệt

+NHNN ra quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và thành lập Ban kiểm soát đặc biệt

+ Ban kiểm soát đặc biệt thực hiện chức năng kiểm soát và báo cáo, kiến nghị với NHNN (Luật các TCTD, TT 07/2013)

+ Ngân hàng nhà nước xử lý kiến nghị

+ Áp dụng các biện pháp

+ Chấm dứt kiểm soát đặc biệt

6. Vai trò của ngân hàng Nhà nước và Ban kiểm soát đặc biệt trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt

* Vai trò của Ngân hàng Nhà nước
- Thông báo thông tin về việc KSĐB cho TCTD về hình thức KSĐB; các biện pháp kiểm soát đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; thông tin cần thiết khác. Thông qua hình thức: đăng trên trang điện tử NHNN; trang của TCTD bị kiểm soát; báo Trung ương, địa phương; Họp báo...
- Quyết định xử lí kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt về gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt hoặc chấm dứt cho vay đặc biệt, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, thanh lí, thu hồi giấy phép hoạt động, tiếp quản, sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng;
- Có quyền yêu cầu chủ sở hữu TCTD tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn.
- Trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng nhà nước hoặc khi Ngân hàng nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ
- Trong trường hợp cần thiết, có thể chấp thuận, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt ở các tổ chức tín dụng khác hoặc ở Ngân hàng nhà nước. Khoản vay đặc biệt này sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của tổ chửc tín dụng hoặc được chuyển đổi thành phần vốn góp, vốn cổ phần tại tổ chức tín dụng liên quan.
* Vai trò của ban kiểm soát đặc biệt được thành lập sẽ thực hiện nhiệm vụ trong khi tiến hành kiểm soát, ban kiểm soát có thẩm quyền sau:
- Chỉ đạo hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động;
- Chỉ đạo và giám sát việc triển khai các giải pháp được nêu trong phương án củng cố đã được ban kiểm sát đặc biệt thông qua;
- Báo cáo Ngân hàng nhà nước về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện phương án củng cố tổ chức tín dụng;
- Được quyền đình chỉ những hoạt động không phù hợp với phương án củng cố đã được thông qua các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng có thể gây phương hại đến lợi ích của người gửi tiền;
- Có quyền tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng của các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) nếu xét thấy cần thiết;
- Có quyền yêu cầu người quản trị, người điều hành miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người có hành vi vi phạm, không chấp hành phương án củng cố đã được thông qua;
- Kiến nghị Ngần hàng nhà nước quyết định gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt hoặc chẩm dứt cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, thanh lí, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, tiếp quản, sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng;
- Yêu cầu tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trên đây là phần trình bày về một số vấn đề quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng. Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật ngân hàng, hoạt động ngân hàng Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng trực tuyến. Đội ngũ luật sư luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của Bạn. Trân trọng cảm ơn!

7. Câu hỏi thường gặp về kiểm soát đăc biệt tổ chức tín dụng

7.1 Tại sao cần áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt?

Cần áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt để có thể đảm bả an toàn cho toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng

 

7.2 Cơ quan tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền ra quyết định đặt tổ chức tín dụng vào trường hợp kiểm soát đặc biệt?

Người có thẩm quyền ra quyết định đặt tổ chức tín dụng vào trường hợp kiểm soát đặc biệt là Thống đốc ngân hàng nhà nước