1. Vi phạm hành chính về quyền tác giả có thể bị phạt tới 500 triệu đồng

Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về quyền tác giả, quyền liên quan với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013.

Mức phạt cao nhất tới 500 triệu đồng

Nghị định quy định chi tiết từng hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt. Bao gồm: Vi phạm quy định về đăng ký; vi phạm về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể; vi phạm quy định trong hoạt động giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; vi phạm quy định về tổ chức tư vấn, dịch vụ; cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về quyền tác giả, quyền liên quan...

Đặc biệt, mức phạt nặng nhất 500 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi vi phạm như: Sao chép tác phẩm, sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn, sao chép bản định hình chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền (trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 500 triệu đồng); chiếm đoạt quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng.

Bên cạnh đó, một điểm mới của Nghị định là ngoài các hình thức xử phạt chính và bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại quyền đứng tên, đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm; buộc dỡ bỏ bản gốc, bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã truyền đạt trái phép trên mạng kỹ thuật số hay dưới hình thức điện tử.

Thẩm quyền xử phạt

Theo nội dung của Nghị định, thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm là như sau:

+ Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt đến 5.000.000 triệu đồng;

+ Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đến 50.000.000 triệu đồng;

+ Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt đến 250.000.000 triệu đồng.

2. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả ?

Trả lời:

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Các quyền này được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ khi đáp ứng đủ những điều kiện luật định.

Tuy nhiên, trên thực tế đời sống hằng ngày quyền tác giả là một trong số những quyền bị xâm phạm nhiều nhất. Ví dụ: hành vi “đạo nhạc”, mạo danh tác giả đối với tác phẩm văn học…

Chính vì vậy. nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà các quốc gia đã tham gia các Điều Ước quốc tế về các lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, các hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009, các hành vi này bao gồm:

“- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

– Mạo danh tác giả.

– Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

– Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

– Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

– Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

– Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

– Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

– Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

– Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

– Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

– Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

– Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

– Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

– Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

– Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”

Việc xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng loại hành vi xâm phạm quyền tác giả đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2013.

3. Đặt tên khác cho tác phẩm dịch có vi phạm quyền tác giả ?

Trả lời:

Căn cứ Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định Quyền nhân thân bao gồm quyền “đặt tên cho tác phẩm”

Đồng thời, Căn cứ Khoản 2 Điều 45 luật này có quy định như sau:

“Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này”

Mặt khác, tại Điều 20 Nghị đinh Số: 22/2018/NĐ-CP có quy định như sau:

“Điều 22. Quyền nhân thân

1.Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.”

Theo quy định trên đặt tên cho tác phẩm là quyền nhân thân gắn với quyền tác giả nhưng với đặc thù là tác phẩm dịch từ tiếng này sang tiếng khác, không thể để nguyên tên gốc nước ngoài vào bản dịch hay dịch đúng chính xác tên tác phẩm được. Do vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ quy định quyền đặt tên cho tác phẩm không áp dụng với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác hay nói cách khác người dịch có thể đặt tên tác phẩm dịch khác với tựa đề tác giả tác phẩm đặt.

Như vậy, Trường hợp bạn thắc mắc khi nhìn thấy một cuốn sách được dịch nhưng mang một tên khác so với nguyên bản, là hành vi không trái quy định của pháp luật, điều này được pháp luật hoàn toàn cho phép.

4. Chủ thể của quyền tác giả

a) Tác giả
Các chủ thể tham gia vào QHPLDS về quyền tác giả bao gồm tác giả (đồng tác giả) và chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hay một phần tác phẩm (Khoản 1 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ). Tuy vậy, Luật Sở hữu trí tuệ không quy định rõ như thế nào gọi là sáng tạo. Theo một số tài liệu khoa học, sáng tạo trong QHPLDS về quyền tác giả được coi là việc sử dụng sức lao động và khả năng suy xét để tạo ra tác phẩm.52 Như vậy, sáng tạo là việc tạo ra tác phẩm từ lao động trí óc. Sao chép lại một quyển sách không gọi là sáng tạo. Các nhân viên công ty Điện thoại đã lập danh bạ Điện thoại “Những trang trắng”, sắp xếp số thuê bao theo thứ tự chữ cái đầu tiên của chủ thuê bao. Đó không phải là sáng tạo, vì công việc sắp xếp là do máy vi tính tạo nên. Tuy nhiên, đối với “Những trang vàng” (sắp xếp theo chủ đề) thì rõ ràng những nhân viên của Công ty Điện thoại đã chọn lọc và sắp xếp số điện thoại theo chủ đề. Vì họ đã dùng đến “khả năng suy xét”, họ là tác giả của tác phẩm là danh bạ điện thoại “Những trang vàng”.
Tác giả không nhất thiết phải sáng tạo ra toàn bộ tác phẩm, họ có thể chỉ sáng tạo ra một phần tác phẩm. Thí dụ như trong “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam”, các giảng viên của Đại học Luật Hà Nội được phân công mỗi người viết một phần, thì mỗi người sẽ là tác giả của phần viết đó. Sau cùng xin lưu ý là mức độ sáng tạo để phát sinh quyền tác giả khác với mức độ sáng tạo để phát sinh quyền sở hữu công nghiệp (sẽ trình bày ở phần sau). Tương tự, mức độ sáng tạo để tạo ra từng loại tác phẩm có khác nhau. Thí dụ để ra đời chương trình máy tính “Windows ’95”, công ty Microsoft đã phải huy động gần 2500 lập trình viên tham gia làm việc. Tuy nhiên, vai trò của họ không như nhau. Một số lập trình viên hoạch định các thuật toán để giải quyết vấn đề, một số các lập trình viên khác chỉ làm những công việc đã được vạch sẵn với những phép thử/sai, không cần sáng tạo gì thêm. Trong trường hợp đó, chỉ những lập trình viên đóng vai trò quan trọng và có sáng tạo mới được coi là tác giả của phần mềm Microsoft.
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hay một phần tác phẩm. “Sáng tạo” trong quan hệ pháp luật dân sự về quyền tác giả được coi là việc “sử dụng sức lao động và khả năng suy xét” để tạo ra tác phẩm. Như vậy, sáng tạo là việc tạo ra tác phẩm từ lao động trí óc. Sao chép lại một quyển sách không gọi là sáng tạo. Một người chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi mà người đó trực tiếp sáng tạo. “Trực tiếp” có nghĩa là chính tác giả đóng vai trò quyết định trong việc thể hiện ý tưởng và tạo nên tác phẩm. Vì thế, một người cung cấp thông tin cho phóng viên viết bài không phải là tác giả của bài báo.
Như đã nêu ở trên, điểm mấu chốt để xác định quyền tác giả là tác phẩm phải mang tính nguyên gốc. Các khái niệm “nguyên gốc” và “trực tiếp sáng tạo” có liên quan đến nhau. Khi tác giả sáng tạo một tác phẩm, thì đương nhiên tác phẩm được sáng tạo đó mang tính nguyên gốc, trừ khi tác giả sao chép từ một tác phẩm khác.
Nói rằng tác giả phải trực tiếp sáng tạo không có nghĩa là tác giả không có quyền kế thừa sự sáng tạo của người khác. Luật Việt Nam cũng công nhận người dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, tuyển chọn từ những tác phẩm khác cũng được coi là tác giả. Thí dụ nhạc sỹ Lê Giang đi sưu tầm những bài dân ca Nam Bộ để viết thành tuyển tập, thì nhạc sỹ là tác giả của tuyển tập của công trình nghiên cứu của mình, chứ không phải những người đã ca lại những bài dân ca cho nhạc sỹ Lê Giang. Tuy vậy, Lê Giang chỉ là tác giả của tuyển tập mà chị in, chứ không phải là tác giả của các bài dân ca, vì chị không trực tiếp sáng tạo ra chúng. Như vậy, một người chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi mà người đó trực tiếp sáng tạo. Để đánh giá một tác phẩm có phải là nguyên gốc hay không cần phải xem có phần nào của tác phẩm đã được sáng tạo. Trong tác phẩm dịch, việc thể hiện, cách đặt câu của dịch giả là một sự sáng tạo – mang tính nguyên gốc. Trong tác phẩm tuyển chọn, cách sắp xếp các tác phẩm khác nhau vào một tổng thể mang tính logic là một sáng tạo mang tính nguyên gốc.
Sáng tạo hay nguyên gốc trong khái niệm về quyền tác giả không có nghĩa là phải mới (như trong các khái niệm về sở hữu công nghiệp sẽ nói ở phần sau). Hai bài thi viết của sinh viên, trả lời cùng một câu hỏi, mang nội dung giống nhau, đều được coi là hai tác phẩm nguyên gốc, miễn là các sinh viên làm bài thi “độc lập tác chiến”. Như vậy khi thấy hai tác phẩm giống nhau, chúng ta chưa thể xác định được ngay là chúng có sao chép của nhau hay không. Có thể đó là trường hợp ngẫu nhiên. Vì thế cho nên khi xảy ra tranh chấp trong các vụ kiện về quyền tác giả, việc đầu tiên nguyên đơn phải chứng minh được tác phẩm của mình manh tính nguyên gốc, và chứng minh được rằng tác phẩm của bị đơn sao chép toàn bộ hay phần lớn từ tác phẩm của mình.
Bên cạnh khái niệm tác giả chúng ta còn có khái niệm đồng tác giả. Đó là những người cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Có hai loại đồng tác giả. Loại thứ nhất là những người cùng sáng tạo một tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người không thể tách ra để sử dụng riêng. Trong trường hợp này vị trí của các đồng tác giả gần giống như vị trí của những chủ sở hữu chung hợp nhất. Thí dụ như ban đầu Bill Gates và Paul Allen là đồng tác giả của phần mềm DOS. Như vậy để chuyển giao quyền tác giả, cần phải có sự đồng ý của tất cả các đồng tác giả. Loại thứ hai là những người cùng sáng tác ra một tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người có thể tách ra để sử dụng riêng. Vị trí của các đồng tác giả lúc này sẽ giống như vị trí của những sở hữu chung theo phần. Thí dụ như bài hát: “Quê hương” có hai đồng tác giả: tác giả bài thơ của Đỗ Trung Quân và tác giả bài nhạc của Gíap Văn Thạch.
Trong số những tác phẩm có đồng tác giả, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có số lượng đồng tác giả lớn nhất. Theo Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả của các tác phẩm điện ảnh là những người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo. Tác giả của tác phẩm sân khấu là người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo. Quy định quá rộng như vậy có thể tạo ra những kẽ hở về tranh chấp quyền tác giả sau này, nhất là khi chúng ta biết rằng tác giả, cho dù không phải là chủ sở hữu quyền tác giả, cũng có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Điều này có thể cản trở các đồng tác giả khác trong việc chỉnh sửa hay phóng tác tác phẩm.
b) Chủ sở hữu quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền tác giả là người độc quyền sử dụng, định đoạt tác phẩm. Trong đa số các trường hợp, tác giả sẽ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, nếu tác phẩm được hình thành do có các tổ chức, cá nhân thuê, giao nhiệm vụ cho tác giả thì các tổ chức, cá nhân này sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài ra, người được chuyển giao quyền tác giả, hay người thừa kế của tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả cũng là chủ sở hữu quyền tác giả. Điều cần lưu ý là nếu người lao động tạo ra tác phẩm trong thời gian lao động, nhưng không theo nhiệm vụ được giao (thí dụ một giảng viên viết và xuất bản một quyển sách, mặc dù nhà trường không yêu cầu giảng viên phải làm như vậy cũng như không trả công cho việc này) thì người lao động đó vẫn là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do mình tạo nên. Liên quan đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động có hai trường hợp vướng mắc mà hiện vẫn chưa có câu trả lời:
– Thứ nhất, do cơ chế hành chính bao cấp từ trước khi Đổi mới, nhiều nhạc sỹ, đạo diễn, biên kịch là công chức nhà nước. Họ tạo ra tác phẩm đôi khi do Nhà nước giao. Như vậy, những tác phẩm do họ tạo ra có thuộc về Nhà nước hay không (hoặc chí ít là các cơ quan nhà nước nơi họ công tác). Nếu câu trả lời là có, thì việc các nhạc sỹ là công chức tham gia vào Hiệp hội quản lý quyền tác giả âm nhạc để thu tiền sử dụng tác phẩm có hợp lý không?
– Thứ hai, nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp bộ của sinh viên trong các trường đại học đạt kết quả nhưng khi ứng dụng thì không rõ lợi ích vật chất sẽ thuộc về ai: về sinh viên nghiên cứu hay về cơ quan chủ trì (trường đại học). Có quan điểm cho rằng việc nhà trường tài trợ cho sinh viên nghiên cứu chỉ như một hợp đồng tặng cho, và vì vậy số tiền đó thuộc về sinh viên, sinh viên không tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao. Quan điểm khác cho rằng mọi thành quả nghiên cứu của sinh viên đều thuộc về nhà trường, vì sinh viên sau khi được duyệt đề tài và phân công giáo viên hướng dẫn thì tác phẩm khoa học (công trình nghiên cứu) của mình được sáng tạo theo nhiệm vụ được giao.
Tóm lại, nhiều trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và ngược lại. Việc phân biệt giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là quan trọng, vì chủ sở hữu quyền tác giả mới chính là người có quyền sử dụng định đoạt tác phẩm. Xét về khía cạnh kinh tế thì chủ sở hữu quyền tác giả đóng vai trò quan trọng hơn tác giả, vì khi sử dụng hay trình diễn tác phẩm, các chủ thể khác phải xin phép hay trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

5. Thủ tục đăng kí sở hữu công nghiệp

Các bước tiến hành đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định theo pháp luật tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ).Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc đăng ký nhãn hiệu thực hiện theo các bước cơ bản sau:

Bước 1:Nộp đơn, ngày nộp đơn và việc tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (quy định tại Điều 108)

Trong đơn đăng ký nhãn hiệu cần có ít nhất những thông tin và tài liệu sau đây:

– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu;

– Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn;

– Đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thì phải có những tài liệu khác như quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, bản đồ khu vực địa lý, văn bản cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận.

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (quy định tại Điều 109)

Mục đích của công đoạn này là để xem xét về hình thức của đơn, nhãn hiệu đăng ký có nằm trong phạm vi bảo hộ không, người nộp đơn có quyền đăng ký không, đã nộp phí và lệ phí chưa,…Thời gian cho công đoạn này là khoảng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn, nếu đơn không hợp lệ, cục sở hữu trí tuệ sẽ từ chối chấp nhận đơn và nêu lý do, thiếu sót. Nếu đơn hợp lệ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định chấp nhận đơn.

Bước 3: Công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (quy định tại Điều 110)

Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Thời gian công bố đơn đăng ký nhãn hiệu là 2 tháng kể từ ngày có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (quy định tại Điều 114)

Cục sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu. Nếu đơn đăng ký đáp ứng đủ điều kiện thì cục sẽ ra thông báo dự định cấp văn bằng. Nếu đơn đăng ký không đáp ứng đủ điều kiện, Cục sẽ ra thông báo từ chối cấp văn bằng. Doanh nghiệp có thể khiếu nại hoặc gửi công văn trả lời, đồng thời đưa ra các căn cức để cấp văn bằng.

Thời gian thẩm định nội dung là 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Bước 5: Cấp văn bằng bảo hộ

Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định cấp văn bằng và nộp lệ phí cấp bằng trong vòng 02 đến03 tháng. Sau khi có quyết định cấp văn bằng, người làm đơn tiến hành nộp lệ phí và lấy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.Nhãn hiệu được bảo hộ trong vòng 10 năm, nếu muốn tiếp tục sử dụng, khách hàng có thể gia hạn thêm 10 năm nữa sau khi sắp hết hạn.

Các tìm kiếm liên quan đến Thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp, đăng ký sở hữu trí tuệ ở đâu, đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ logo, cục sở hữu trí tuệ tphcm, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, dịch vụ đăng ký sở hữu trí tuệ, lệ phí đăng ký nhãn hiệu 2018, công báo sở hữu công nghiệp 2018

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số:1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Sở hữu Trí tuệ - Công ty Luật Minh Khuê