Mục lục bài viết
- 1. Cơ sở pháp lý:
- 2. Chủ thể kinh doanh là gì?
- 3. Quyền tự chủ trong kinh doanh của chủ thể kinh doanh
- 4. Tự chủ chọn địa bàn, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh
- 5. Tự chủ chọn hình thức đầu tư, kinh doanh
- 6. Tự chủ quyết định quy mô đầu tư, kinh doanh
- 7. Tự chủ trong việc liên doanh, liên kết đầu tư, kinh doanh
- 8. Tự chủ hoạt động kinh doanh theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật đầu tư năm 2020
2. Chủ thể kinh doanh là gì?
Chủ thể kinh doanh là tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và thực hiện trên thực tế các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận.
Chủ thể kinh doanh tại Việt Nam rất đa dạng, được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các văn bản pháp lý liên quan. Trong đó, dù xét về số lượng, vị trí, vai trò hay mức độ đóng góp cho nền kinh tế quốc dân... thì doanh nghiệp với tính chất là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh vẫn có tầm quan trọng hơn trong số các chủ thể kinh doanh.
3. Quyền tự chủ trong kinh doanh của chủ thể kinh doanh
+ Tự chủ chọn địa bàn, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh;
+ Chọn hình thức đầu tư, kinh doanh;
+ Quyết định quy mô đầu tư, kinh doanh;
+ Liên doanh, liên kết đầu tư, kinh doanh;
+ Hoạt động kinh doanh theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Gỉấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/đăng ký hợp tác xã; bảo đảm điều kiện kinh doanh.
4. Tự chủ chọn địa bàn, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh
Chủ thể kinh doanh có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh, không cần phải xin phép, xin chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đó kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định và không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh gồm:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư năm 2020, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
5. Tự chủ chọn hình thức đầu tư, kinh doanh
Chủ thể kinh doanh được chọn hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Các hình thức đầu tư được quy định tại Điều 21 Luật đầu tư năm 2020 gồm có:
+ Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
+ Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
+ Thực hiện dự án đầu tư.
+ Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
+ Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, có thể phân loại hình thức đầu tư thành hai nhóm là đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
Thứ nhất, đầu tư trực tiếp: là việc chủ thể kinh doanh bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư, tức là nhà đầu tư nắm quyền quản trị kinh doanh, người đầu tư vốn (chủ đầu tư) đồng thời là người sử dụng vốn. Hình thức đầu tư này gồm:
+ Thông qua tổ chức kinh tế: Hoạt động kinh doanh thông qua pháp nhân cụ thể do tự thành lập, tham gia thành lập hoặc đầu tư vào các pháp nhân đã có dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; hợp tác xã; tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính; cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao có đầu tư sinh lợi; hộ kinh doanh... Ngoài ra, chủ thể kinh doanh có thể góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh tại Việt Nam.
+ Thông qua hợp đồng: Hợp tác, liên kết để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chung nhưng không dẫn đến lập pháp nhân mới gồm hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh có sự tham gia của nhà nước.
+ Phát triển kinh doanh: Thông qua mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, đầu tư gián tiếp: là việc chủ thể kinh doanh không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư mà chi hưởng lợi tức từ các hoạt động đầu tư của mình. Hình thức đầu tư gián tiếp khá đa dạng gồm mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; thông qua quỹ đầu tư chứng khoán; thông qua các định chế tài chính trung gian.
6. Tự chủ quyết định quy mô đầu tư, kinh doanh
Quy mô kinh doanh được thể hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó có những biểu hiện cơ bản sau:
- Về sử dụng đất: Chủ thể kinh doanh có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở hoặc nhà xưởng. Nhu cầu của chủ thể kinh doanh được nhà nước đáp ứng bằng việc giao, cho thuê đất ngoài khu công nghiệp hoặc trong khu cồng nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và được thể hiện ngay trong hồ sơ của dự án đầu tư, kinh doanh hay giải pháp kinh tế kỹ thuật' và được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra. Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, pháp luật còn trao cho chủ thể kinh doanh sừ dụng quyền sử dụng đất vào việc chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế và cá nhân, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất... Các quyền là chủ sở hữu đối với tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất cũng được quy định theo hướng phục vụ tốt nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Diện tích giao, cho thuê đất phù hợp với nhu cầu thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh của; thời hạn giao, cho thuê đất theo thời hạn thực hiện dự án đầu tư nhưng không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt cũng không quá 70 năm.
- Về vốn đầu tư, kinh doanh: Chủ thể kinh doanh được quyết định mức vốn đầu tư, được điều chỉnh vốn điều lệ (do chủ sở hữu đầu tư, do thành viên góp và vốn huy động...) trong đó, pháp luật có thể quy định tỷ lệ góp vốn của thành viên như tỷ lệ vốn mà sáng lập viên công ty cổ phần phải nắm giữ khi thành lập công ty; tỷ lệ vốn tối đa của thành viên hợp tác xã; tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài1, tỷ lệ vốn nhà nước trong công ty cổ phần...
Nhà nước khuyến khích chủ thể kinh doanh tăng vốn đầu tư và không hạn chế mức vốn đầu tư tối đa. Xong khi đầu tư vào một số ngành nghề thì phải đáp ứng quy định về vốn pháp định như lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý, khai thác tài nguyên... Chủ thể kinh doanh chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của số vốn được xác nhận là vốn pháp định khi thành lập chủ thể kinh doanh có trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp/đăng ký hợp tác xã.
Vốn điều lệ của chủ thể là số vốn do chủ sở hữu, thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp và được ghi vào Điều lệ công ty. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của chủ thể kinh doanh quyết định việc tăng, giảm vốn điều lệ bằng cách tăng vốn góp của thành viên; điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản tăng lên của công ty; tiếp nhận vốn góp của thành viên mới...
Việc giảm vốn điều lệ thực hiện theo hình thức hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên; mua lại phần vốn góp của thành viên; điều chỉnh giảm mức vốn điều lệ và được thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Phương thức tăng, giảm vốn điều lệ được ghi trong Điều lệ của chủ thể kinh doanh.
7. Tự chủ trong việc liên doanh, liên kết đầu tư, kinh doanh
Chủ thể kinh doanh được tự chủ tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh bằng chính các nguồn lực về lao động, tài chính, công nghệ... của mình hoặc tiến hành liên doanh, liên kết với chủ thể kinh doanh khác hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Liên doanh là hình thức đầu tư, kinh doanh mà các chủ thể kinh doanh hoặc giữa chủ thể kinh doanh với tổ chức, cá nhân tạo lập một chủ thể kinh doanh mỏi là pháp nhân dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Tỷ lệ góp vốn trong liên doanh do các bên thỏa thuận, có sự ràng buộc cùa luật pháp trong một số trường họp như: vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh không quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp' trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành quy định khác; vốn của bên nhà nước trong doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối hoặc không chi phối... Việc phân chia lợi nhuận và tổ chức quản lý được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh.
- Liên kết việc chủ thể kinh doanh hợp tác đầu tư, kinh doanh với chủ thể kinh doanh khác hoặc với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thông qua họp đồng kinh doanh mà không dẫn đến việc lập pháp nhân mới. Trong đó gồm hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các chủ thể đầu tư; hợp đồng hợp tác kinh doanh có sự tham gia của nhà nước là họp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh và hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Việc phân phối lợi nhuận thu được từ hoạt động liên kết đầu tư, kinh doanh chung theo thỏa thuận tronh hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việc sử dụng pháp nhân nào để thực hiện hoạt động kinh doanh do các bên thỏa thuận. Trường họp cần thiết các bên có thể thoả thuận thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận. Bên hợp doanh nước ngoài được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để làm đại diện cho mình trong việc thực hiện hợp đồng họp tác kinh doanh.
8. Tự chủ hoạt động kinh doanh theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh
Chủ thể kinh doanh được tự chủ hoạt động kinh doanh theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghỉệp/đăng ký hợp tác xã; bảo đảm điều kiện kinh doanh
Khi thành lập tổ chức kinh tế, các tổ chức, cá nhân tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp/đăng ký hợp tác xã/đăng ký đầu tư/đăng ký kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/đăng ký hợp tác xã/Giấp chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư có nội dung cơ bản là tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; thông tin về người đại diện theo pháp luật... Hoạt động kinh doanh đúng nội dung Giấy chứng nhận được coi là hoạt động hợp pháp, nhà nước bảo hộ. Mặt khác, hoạt động này bảo đảm cho hoạt động quản lý vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế.
Khi đăng ký kinh doanh, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện vốn đầu tư, trình độ người quản lý, trình độ công nghệ... thể hiện bằng giấy chứng nhận, giấy phép, xác nhận, chứng chỉ... doanh nghiệp đã giải trình trong hồ sơ đăng ký kinh doanh thì phải bảo đảm trong suốt quá trình hoạt động. Người đại diện hoặc người có thẩm quyền khác phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về các nội dung này.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập