Khách hàng: Kính thưa Luật sư của Công ty Luật Minh Khuê. Mong Luật sư giúp tôi phân tích các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Cảm ơn!
Trả lời:
1. Mở đầu vấn đề
Đối với hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính Nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật mà hành vi thực hiện hoặc không thực hiện đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mới là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án (khoản 3, 4 Luật Tố tụng hành chính 2015).
Căn cứ các quy định nêu trên có thể xác định các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai sau đây là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
2. Các quyết định hành chính về quản lý đất đai là đối tượng khởi kiện
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cưỡng chế thu hồi đất;
- Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
- Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất;
- Quyết định xử lý vi phạm hành chính về đất đai;
- Giải quyết tranh chấp đất đai;
- Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
3. Hành vi hành chính về quản lý đất đai là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính; cắm mốc địa giới hành chính sai vị trí trên thực địa ; Không công bố hoặc chậm công bố quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt; không công bố hoặc chậm công bố việc điều chỉnh hoặc huỷ bỏ kế hoạch sử dụng đất; làm mất, làm sai lệch bản đồ quy hoạch sử dụng đất chi tiết; Cắm mốc chỉ giới quy hoạch sử dụng đất chi tiết sai vị trí trên thực địa; Để xảy ra việc xây dựng, đầu tư bất động sản trái quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong khu vực đất phải thu hồi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt: Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích đất trên thực địa; Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được xét duyệt.
Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 39 của Luật Đất đai 2013; không công khai phương án bồi thường, tái định cư; Thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường cho người có đất bị thu hồi; làm sai lệch hồ sơ thu hồi đất; xác định sai vị trí và diện tích đất bị thu hồi trên thực địa; Thu hồi đất không đúng thẩm quyền; không đúng đối tượng; không đúng với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt; Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích; Để đất bị lấn, bị chiếm, trái pháp luật. Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật đã đủ điều kiện để thực hiện. Từ chối đăng ký đất đai, từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Không giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp không phải là đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Cụ thể về các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai không phải là đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó; Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; Điều tra đánh giá tài nguyên đất, điiều tra xây dựng giá đất; Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dung đất; Thống kê, kiểm kê đất đai. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai; Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.
5. Lưu ý với các quyết định hành chính, hành vi hành chính giải quyết tranh chấp đất đai
Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Điều 18 Nghị định số 43/N Đ-CP quy định chi tiết một số loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai theo hướng mở rộng thẩm quyền Tòa án so với quy định tại Điều 50, Điều 136 Luật đất đai (năm 2003).
Lưu ý: Trong trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng Ủy ban nhân dân có thẩm quyền lại thụ lý giải quyết và ban hành quyết định (quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung giải quyết tranh chấp đất đai) là trái thẩm quyền.
Đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền; Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Đây là nội dung quy định mới, hết sức quan trọng của Luật Đất đai năm 2013 so với quy định của Luật đất đai trước đây về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Với quy định này, Luật Đất năm 2013 đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Đối với tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 theo các quy định trước đây của pháp luật đất đai chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, thì nay trao cho đương sự quyền được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết hoặc là yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc là khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc giải quyết tranh chấp đất đai tiếp tục được Luật Đất đai năm 2013 và Luật Khiếu nại năm 2011 ghi nhận, cụ thể được như sau:
– Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết lần đầu; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
– Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Điều 204 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. 2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định pháp luật về tố tụng hành chính”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì các quyết định giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai lần 2 (Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:“Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc hết thời hạn theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính” . Như vậy, các quyết định giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai lần 2 là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Luật Đất đai năm 2013 mở rộng quyền của người sử dụng đất và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Luật Đất đai năm 2013 đã có những quy định rất mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai.
6. Yêu cầu khởi kiện về việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Về vấn đề này tại Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC về một số vấn đề về Tố tụng hành chính, tố tụng dân sự đã quy định: Giấy chứng nhận quyền sửu dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).