Mục lục bài viết
- 1. Ngân sách nhà nước là gì?
- 2. Quyết toán ngân sách nhà nước là gì?
- 3. Nguyên tắc quyết toán ngân sách nhà nước
- 4. Một số quy định về công tác quyết toán NSNN
- 4.1. Phạm vi quyết toán ngân sách nhà nước
- 4.2. Quy trình quyết toán ngân sách nhà nước
- 5. Một số nội dung lưu ý khi thẩm định số liệu quyết toán chi ngân sách trung ương
Quyết toán ngân sách nhà nước là khâu cuối cùng trong một chu trình ngân sách nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện ngân sách cũng như các chính sách ngân sách của một năm đã qua. Bài viết bàn luận về khái niệm quyết toán ngân sách nhà nước và trình bày nội dung cơ bản về quyết toán ngân sách nhà nước.
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Ngân sách nhà nước là gì?
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. (khoản 14 Điều 4 Luật ngân sách nhà nước)
2. Quyết toán ngân sách nhà nước là gì?
Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) là việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện ngân sách và chính sách tài chính ngân sách của quốc gia, cũng như xem xét trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước khi sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước trong một thời gian nhất định, được cơ quan cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn.
3. Nguyên tắc quyết toán ngân sách nhà nước
Để một quyết toán ngân sách nhà nước đạt yêu cầu, giải quyết được các vấn đề đặt ra phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Theo nguyên tắc đầy đủ, tất cả các nghiệp vụ thu, chi đều phải hạch toán và quyết toán với ngân sách nhà nước. Ngoài các khoản thu chi cân đối ngân sách còn phải báo cáo kèm theo các khoản có liên quan chặt chẽ với ngân sách nhà nước như các quỹ: Dự trữ tài chính, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ phát triển, hỗ trợ xuất khẩu... Ngoài ra, còn phải báo cáo kèm các khoản thuế miễn giảm, các khoản thu để lại chi... Đa số các nước quy định nội dung của quyết toán ngân sách nhà nước, các tài liệu báo cáo kèm quyết toán ngân sách nhà nước.
- Việc quyết toán ngân sách nhà nước phải đảm bảo thống nhất từ cơ sở đến cơ quan quản lý tài chính ngân sách. Thể hiện từ khâu hạch toán kế toán cho đến khi tổng hợp quyết toán, kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi trước hết sự thống nhất trong việc tổ chức hệ thống thông tin về ngân sách. Thông tin kế toán phải thống nhất từ kế toán đơn vị sử dụng ngân sách cho đến hệ thống quản lý quỹ ngân sách, kế toán của các cấp ngân sách. Ngoài ra, sự thống nhất thể hiện trong việc tổ chức quyết toán ngân sách nhà nước từ khâu hạch toán kế toán đến khâu lập quyết toán của đơn vị cơ sở, xét duyệt, thẩm định quyết toán, kiểm toán quyết toán, thẩm tra, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
- Các khoản thu chi, phải đảm bảo cân đối: Trường hợp bội chi phải có nguồn bù đắp và tuân thủ các điều kiện vay, trả theo quy định. Đây là nguyên tắc luôn luôn phải quan tâm, không chỉ ở khâu quyết toán ngân sách nhà nước mà còn phải quán triệt trong suốt chu trình ngân sách nhà nước. Cụ thể là, ngay từ khâu lập dự toán ngân sách nhà nước phải đảm bảo sự cân đối giữa thu và chi; trong quá trình chấp hành ngân sách cũng thường xuyên phải chú ý tới việc thiết lập lại quan hệ cân đối thu, chi bằng các biện pháp hữu hiệu; quá trình quyết toán ngân sách nhà nước cũng phải chỉ rõ được các yếu tố đã giúp cho thu, chi ngân sách nhà nước cân đối được trong thời gian qua và những kinh nghiệm đã tích luỹ được trong điều hành cân đối ngân sách nhà nước.
Cân đối quyết toán ngân sách nhà nước còn thể hiện ở cân đối tổng thể trong nền kinh tế, đảm bảo các khoản thu huy động vào ngân sách nhà nước đủ để đáp ứng các khoản chi tiêu. Qua quyết toán ngân sách nhà nước có thể đánh giá tình trạng lạm thu hoặc tình trạng mất cân đối với các khoản chi. Quán triệt nguyên tắc cân đối khi quyết toán ngân sách nhà nước còn phải chú ý đến mức huy động GDP vào ngân sách nhà nước. Trường hợp tỷ lệ huy động quá cao sẽ dẫn đến hạn chế đầu tư, giảm mức tiết kiệm của khu vực doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Và điều này lại ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra sự cân đối quyết toán còn thể hiện được sự cân đối trong cơ cấu thu, chi; phản ánh mức huy động của từng khoản thu và mức chi của từng lĩnh vực. Trường hợp có sự mất cân đối giữa thu, chi, giữa các lĩnh vực đòi hỏi phải xác định được nguyên nhân.
Bản chất của ngân sách nhà nước là hệ thống các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các tổ chức, cá nhân. Nguồn thu của ngân sách nhà nước được hình thành chủ yếu từ việc thực hiện nghĩa vụ thu nộp của các tổ chức, cá nhân theo luật định. Chi của ngân sách nhà nước lại chủ yếu phục vụ cho việc cung cấp hàng hóa công cộng và thực hiện chức năng kinh tế của Nhà nước. Ngân sách nhà nước có tác động và chi phối mạnh mẽ đến các mặt hoạt động xã hội thậm chí đến từng gia đình thông qua việc nhận lương của công chức nhà nước, phúc lợi công cộng và các khoản an sinh xã hội. Chính vì vậy, khi quyết toán phải đảm bảo tính minh bạch để có sự tham gia kiểm soát đối với hoạt động ngân sách.
Để thực hiện quyết toán ngân sách nhà nước theo số thực thu, thực chi thì một nguyên tắc đặt ra là quyết toán ngân sách nhà nước phải được lập và tổng hợp từ cơ sở. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp quyết toán ngân sách của chính quyền Trung ương và địa phương để hình thành ngân sách nhà nước. Nguyên tắc hạn định được hiểu là chỉ đưa vào quyết toán ngân sách nhà nước các khoản thực thu, thực chi.
4. Một số quy định về công tác quyết toán NSNN
4.1. Phạm vi quyết toán ngân sách nhà nước
Phạm vi các khoản thu, chi ngân sách nhà nước được tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm được quy định tại Điều 5 Luật ngân sách nhà nước năm 2015, cụ thể như sau:
Các khoản thu ngân sách nhà nước bao gồm: Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; các khoản thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện (đối với trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì khoản chi phí hoạt động sẽ được khấu trừ trước khi tính khoản thu để nộp ngân sách nhà nước); các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước... và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản thu được tổng hợp quyết toán thu ngân sách nhà nước phải là số thu đã thực nộp, đã được hạch toán thu ngân sách nhà nước theo quy định, đảm bảo tính chính xác, trung thực và đầy đủ. Các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước nộp ngân sách năm sau được hạch toán vào thu ngân sách năm sau.
Đối với những khoản thu ngân sách nhà nước không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả cho đối tượng đã nộp; những khoản thu ngân sách nhà nước nhưng chưa thu phải được truy thu đầy đủ cho ngân sách.
Các khoản chi ngân sách nhà nước bao gồm: Chi đầu tư phát triển; chi dự trữ quốc gia; chi thường xuyên... và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Các khoản chi được tổng hợp quyết toán chi ngân sách nhà nước phải là số chi đã thực thanh toán và đã hạch toán chi ngân sách nhà nước theo quy định. Số liệu chi ngân sách nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách, của chủ đầu tư và của ngân sách các cấp trước khi được tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phải được đối chiếu, xác nhận với kho bạc nhà nước (KBNN) nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch.
Các khoản chi không đúng với quy định của pháp luật, cần phải thu hồi đầy đủ cho ngân sách nhà nước.
4.2. Quy trình quyết toán ngân sách nhà nước
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, quy trình quyết toán ngân sách nhà nước được khái quát gồm các bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Đơn vị lập và gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Kết thúc năm ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện khoá sổ kế toán ngân sách, xử lý ngân sách cuối năm và đối chiếu với kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để xác nhận số liệu, từ đó lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách được gửi đơn vị dự toán cấp trên xét duyệt, sau đó tổng hợp và gửi đơn vị dự toán cấp I. Sau khi xét duyệt quyết toán của các đơn vị trực thuộc, đơn vị dự toán cấp I tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước gửi cơ quan tài chính cùng cấp để cơ quan tài chính thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định.
Về thời hạn đơn vị dự toán cấp I gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước:
Đối với ngân sách trung ương: Đơn vị dự toán cấp I (các Bộ, cơ quan trung ương) gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước cho Bộ Tài chính chậm nhất trước ngày 01/10 năm sau.
Đối với ngân sách địa phương: Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể thời hạn đơn vị dự toán cấp I gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp, tuy nhiên cần đảm bảo thời hạn để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cho Bộ Tài chính trước ngày 01/10 năm sau.
Bước 2: Cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước thẩm định Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Đối với ngân sách địa phương:
Cơ quan tài chính: Thẩm định quyết toán của đơn vị dự toán cấp I cùng cấp và quyết toán ngân sách nhà nước của ngân sách cấp dưới. Sau đó, cơ quan tài chính tổng hợp quyết toán ngân sách cấp mình và ngân sách cấp dưới để gửi cơ quan tài chính cấp trên thẩm định.
Theo quy định tại Điều 67 Luật ngân sách nhà nước năm 2015, Bộ Tài chính không thực hiện thẩm định đối với quyết toán ngân sách năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước, trường hợp phát hiện có sai sót, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lại số liệu. Trường hợp phát hiện sai phạm, Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết thúc quá trình thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước, cơ quan tài chính trình Ủy ban nhân dân để trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Tiếp theo, cơ quan tài chính gửi Bộ Tài chính Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương để làm căn cứ tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước.
Đối với ngân sách trung ương:
Các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính (các Vụ, Cục, Tổng cục) chủ trì thẩm định đối với các khoản chi ngân sách nhà nước như: Chi thường xuyên, chi đầu tư, chi vay nợ, chi viện trợ, chi dự trữ quốc gia...
Các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính sẽ gửi xin ý kiến kho bạc nhà nước thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương. Căn cứ số liệu trên hệ thống TABMIS và căn cứ tài liệu quyết toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương, kho bạc nhà nước tham gia ý kiến gửi các Vụ, Cục, Tổng cục chuyên ngành. Các Vụ, Cục, Tổng cục chuyên ngành tổng hợp và trình Lãnh đạo Bộ Tài chính ban hành Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương, kèm nhận xét, kiến nghị hoặc yêu cầu điều chỉnh lại số liệu.
Bước 3: Kho bạc nhà nước (trung ương) tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Theo quy định tại Quyết định 26, nhiệm vụ tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm được giao cho kho bạc nhà nước thực hiện.
Kho bạc nhà nước căn cứ số liệu thu, chi ngân sách nhà nước, căn cứ Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương (đối với ngân sách trung ương) và số liệu ngân sách địa phương do Vụ ngân sách nhà nước tổng hợp trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương để tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo quy định.
Bước 4: Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Để đảm bảo tính đúng đắn, trung thực của số liệu quyết toán ngân sách nhà nước, Luật ngân sách nhà nước quy định:
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương trước khi gửi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn.
Chậm nhất ngày 01/10 hằng năm, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải gửi Kiểm toán Nhà nước Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước để thực hiện kiểm toán.
Đối với Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước được tổng hợp từ Báo cáo quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Chậm nhất ngày 28/02 năm sau nữa của năm quyết toán, Bộ Tài chính (kho bạc nhà nước) gửi Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Sau khi gửi Kiểm toán Nhà nước Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, kho bạc nhà nước phối hợp với các Vụ, Cục, Tổng cục giải trình với Kiểm toán Nhà nước theo yêu cầu.
Bước 5: Quốc hội phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
Trước khi Chính phủ trình Quốc hội, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phải được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Việc thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội được thực hiện căn cứ vào Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của Chính phủ, các thông tin do cơ quan kiểm toán báo cáo và kết quả hoạt động giám sát của các Uỷ ban và các đại biểu Quốc hội. Quá trình thẩm tra có thể thực hiện qua nhiều bước (và có thể phải điều chỉnh lại báo cáo quyết toán theo yêu cầu); khi kết thúc, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội sẽ có Báo cáo thẩm tra về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội.
Căn cứ vào các tài liệu: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước do Chính phủ trình; Báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.
Sau khi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ có nghĩa vụ công khai quyết toán ngân sách nhà nước (kèm theo Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước) để xã hội và công chúng có thể tiếp cận với số liệu, tài liệu quyết toán ngân sách nhà nước.
5. Một số nội dung lưu ý khi thẩm định số liệu quyết toán chi ngân sách trung ương
Như đã nêu trên, kho bạc nhà nước có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành của Bộ Tài chính thẩm định quyết toán chi ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương. Một số nội dung cần lưu ý khi thẩm định số liệu quyết toán chi ngân sách nhà nước cần lưu ý như sau:
Số liệu quyết toán chi ngân sách nhà nước phải đảm bảo cân đối về nguồn và cân đối về tiền
Đây là nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt, từ số liệu tổng hợp của ngân sách quốc gia, số liệu tổng hợp của ngân sách các cấp, số liệu tổng hợp của đơn vị dự toán cấp I hay đối với số liệu chi tiết của từng đơn vị sử dụng ngân sách.
Nguyên tắc cân đối về nguồn: Tổng nguồn kinh phí đơn vị đã nhận được bằng với tổng nguồn kinh phí đơn vị đã sử dụng và còn lại, cụ thể:
Nguồn kinh phí năm trước chuyển sang + Nguồn kinh phí từ dự toán được giao của năm ngân sách = Nguồn kinh phí đơn vị quyết toán vào năm ngân sách hiện hành + Nguồn kinh phí giảm trong năm + Nguồn kinh phí được chuyển sang năm sau.
Nguyên tắc cân đối về tiền: Tổng số tiền đơn vị đã nhận được bằng với tổng số tiền đơn vị đã sử dụng và còn lại, cụ thể:
Số dư tạm ứng năm trước chuyển sang + Kinh phí (số tiền) thực nhận trong năm = Kinh phí quyết toán + Kinh phí (số tiền) đã nộp ngân sách nhà nước + Kinh phí (số tiền) còn phải nộp ngân sách nhà nước + Số dư tạm ứng được chuyển sang năm sau.
Trong quá trình thẩm định, trường hợp số liệu tại Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của đơn vị không đảm bảo 2 nguyên tắc cân đối nêu trên, khi đó có thể khẳng định số liệu tại Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của đơn vị là không chính xác. Kho bạc nhà nước phối hợp với đơn vị quản lý chuyên ngành yêu cầu đơn vị kiểm tra, đối chiếu số liệu và báo cáo rõ nguyên nhân chênh lệch số liệu.
Thẩm định một số chỉ tiêu quyết toán chi ngân sách nhà nước của đơn vị dự toán cấp I
Số chuyển nguồn ngân sách nhà nước từ năm trước chuyển sang:
Căn cứ tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước đối với số liệu chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang là số liệu tại Thông báo thẩm định quyết toán năm trước đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Vì vậy, cần so sánh, đối chiếu số liệu giữa Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước năm trước đã được Bộ Tài chính phê duyệt với số liệu tại dự thảo Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm hiện hành.
Dự toán ngân sách nhà nước được giao trong năm
Dự toán đầu năm: Căn cứ tổng hợp số liệu quyết toán ngân sách nhà nước là dự toán Quốc hội phê chuẩn. Vì vậy, cần đối chiếu số liệu giữa dự toán Quốc hội phê chuẩn với số liệu tại dự thảo Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm hiện hành. Trong đó lưu ý trường hợp: Dự toán chi thường xuyên vốn ngoài nước thực hiện rút dự toán như cơ chế vốn trong nước thì phải tổng hợp vào dự toán chi thường xuyên vốn trong nước được giao.
Dự toán bổ sung trong năm: Căn cứ số liệu tổng hợp dự toán bổ sung trong năm của Vụ ngân sách nhà nước tổng hợp theo quy định.
Kinh phí ngân sách nhà nước thực nhận trong năm
Là tổng số kinh phí đơn vị đã rút dự toán trong năm và kinh phí đơn vị được cấp bằng lệnh chi tiền.
Kinh phí rút dự toán trong năm cần kiểm tra, đối chiếu số liệu do kho bạc nhà nước kết xuất từ hệ thống TABMIS với số liệu của kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch cung cấp.
Hiện nay, số liệu kho bạc nhà nước kết xuất từ hệ thống TABMIS không tách riêng được số kinh phí đơn vị đã rút dự toán từ năm trước chuyển sang (số dư tạm ứng từ năm trước chuyển sang) so với số kinh phí đơn vị đã rút dự toán trong năm ngân sách. Do đó công tác đối chiếu của kho bạc nhà nước về số liệu quyết toán của đơn vị dự toán cấp I gặp nhiều khó khăn.
Số liệu xác nhận của kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch: Theo quy định, các đơn vị phải có bản xác nhận của kho bạc nhà nước nơi giao dịch về số đã rút dự toán trong năm. Căn cứ xác nhận của kho bạc nhà nước nơi giao dịch, đối chiếu với số liệu của kho bạc nhà nước trên hệ thống TABMIS để xác định kinh phí ngân sách nhà nước thực nhận trong năm.
Kinh phí ngân sách nhà nước chuyển sang năm sau:
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản dự toán chi, bao gồm cả các khoản bổ sung trong năm, đến hết năm ngân sách (kể cả thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách theo quy định) nếu chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ, trừ một số khoản chi được chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện và hạch toán quyết toán vào ngân sách năm sau.
Các khoản chi được kho bạc nhà nước đương nhiên chuyển nguồn sang ngân sách năm sau được quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 64 Luật ngân sách nhà nước năm 2015. Quy định mới này nhằm hạn chế việc chuyển nguồn tùy tiện, đảm bảo quản lý ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Nguyên tắc xử lý chênh lệch số liệu giữa kho bạc nhà nước và đơn vị sử dụng ngân sách
Khi thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương, nếu có chênh lệch giữa số liệu báo cáo của đơn vị dự toán cấp I, số liệu xác nhận của kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch và số liệu trên hệ thống TABMIS thì cần xác định nguyên nhân chênh lệch để có hướng xử lý phù hợp.
Một số tình huống thường xảy ra chênh lệch số liệu và cách thức xử lý cụ thể như sau:
Chênh lệch giữa số liệu báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và số liệu trên hệ thống TABMIS:
Số liệu báo cáo của Bộ, cơ quan trung ương không chính xác: Do các Bộ, cơ quan trung ương là đơn vị dự toán cấp I, được tổng hợp từ rất nhiều báo cáo của đơn vị sử dụng ngân sách. Số liệu báo cáo của các đơn vị sử dụng ngân sách không thống nhất nhau, không chính xác so với số liệu của hệ thống TABMIS, đơn vị dự toán cấp I khi tổng hợp không kiểm tra, đối chiếu và không phát hiện sai sót dẫn đến số liệu tổng hợp sai.
Hướng xử lý cho vấn đề nêu trên là: Căn cứ số liệu trên hệ thống TABMIS để các Bộ, cơ quan trung ương điều chỉnh số liệu.
Ví dụ: Bộ A tổng hợp dự toán được giao trong năm 2015 là 100 triệu đồng, thấp hơn số liệu trên hệ thống TABMIS là 110 triệu đồng. Số liệu không khớp do: Để thực hiện thu hồi 10 triệu đồng kinh phí do cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nộp ngân sách nhà nước từ năm 2014, cơ quan tài chính đã thực hiện thu hồi 10 triệu đồng bằng cách giảm trừ dự toán năm 2015 của đơn vị (tổng dự toán được giao trên quyết định vẫn là 110 triệu đồng).
Bộ A khi tổng hợp số dự toán được giao trong năm 2015 chỉ tổng hợp 100 triệu đồng, không tổng hợp khoản kinh phí giao dự toán nhưng bị thu hồi cho ngân sách nhà nước 10 triệu đồng, do đó thấp hơn so với số liệu trên hệ thống TABMIS.
Do vậy để xử lý cần điều chỉnh số liệu của Bộ A khớp đúng với số liệu trên hệ thống TABMIS.
Số liệu trên hệ thống TABMIS không chính xác: Do cán bộ khi nhập số liệu vào TABMIS bị nhầm năm ngân sách.
Ví dụ: Năm 2015 Bộ B được ứng trước dự toán để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng chưa được bố trí trong dự toán 2015. Đến cuối năm 2015, Bộ Tài chính có thông báo bổ sung dự toán năm 2016 để thu hồi kinh phí đã ứng trước cho Bộ B. Do thông báo của Bộ Tài chính ban hành năm 2015, cán bộ khi vào TABMIS đã nhập dự toán ngân sách năm 2015 (không chính xác). Dự toán giao cho Bộ B là năm 2016 để thu hồi kinh phí đã ứng trước trong năm 2015.
Hướng xử lý: Số liệu quyết toán 2015 căn cứ vào báo cáo của Bộ B, đồng thời phải điều chỉnh số liệu trên hệ thống TABMIS khớp đúng với số liệu báo cáo của Bộ B.
Số liệu chênh lệch giữa xác nhận của kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch và số liệu trên hệ thống TABMIS:
Kết thúc năm ngân sách, sau thời điểm chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước 31/01/2016, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện đối chiếu số liệu với kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch và gửi đơn vị dự toán cấp trên tổng hợp.
Báo cáo tổng hợp của đơn vị dự toán cấp I căn cứ xác nhận của kho bạc nhà nước giao dịch để tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Tuy nhiên, một số trường hợp, sau thời hạn xét chuyển nguồn 01/3/2016 cơ quan tài chính vẫn cho phép đơn vị dự toán cấp I được phép chuyển nguồn sang năm sau đối với một số nhiệm vụ đơn vị đang thực hiện dở dang. Việc xét chuyển nguồn như vậy đã quá thời hạn so với quy định.
Căn cứ thông báo của cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước giao dịch đã hạch toán bổ sung kinh phí chuyển nguồn sang năm sau cho đơn vị, do đó số liệu trên hệ thống TABMIS thay đổi so với số liệu kho bạc nhà nước giao dịch xác nhận với đơn vị sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, đơn vị sử dụng ngân sách không xác nhận lại số liệu và nộp lại cho đơn vị dự toán cấp trên tổng hợp.
Mặc dù, số liệu trên hệ thống TABMIS đã được cập nhật nhưng số liệu báo cáo của đơn vị dự toán cấp I vẫn tổng hợp trên số liệu cũ, dẫn đến chênh lệch so với số liệu trên hệ thống TABMIS.
Hướng xử lý: Điều chỉnh số liệu của đơn vị dự toán cấp I khớp đúng với số liệu trên hệ thống TABMIS.
Công tác lập, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước là một nhiệm vụ mới của hệ thống kho bạc nhà nước. Việc thực hiện thành công công tác quyết toán ngân sách nhà nước 2014 là tiền đề để kho bạc nhà nước phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt một trong các khâu quan trọng của chu trình ngân sách, nâng cao ý nghĩa của công tác quyết toán ngân sách nhà nước, từ đó hoàn thiện công tác quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, góp phần quản lý nguồn lực tài chính nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.
Trên đây là chia sẻ của Luật Minh Khuê. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.