Mục lục bài viết
1. Khái niệm về sổ đăng ký kinh doanh.
Sổ đăng ký kinh doanh là sổ sách được lưu giữ tại cơ quan đăng kí kinh doanh, trong đó ghi tên và những thông tin cần thiết về doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.
Cơ quan đăng kí kinh doanh phải ghi đầy đủ nội dung đăng kí kinh doanh và số đăng kí kinh doanh vào sổ đăng kí kinh doanh trước khi cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc lập sổ đăng kí kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin đẩy đủ về doanh "nghiệp, phục vụ cho công tác quản lí nhà nước về kinh tế và nhu cầu thông tin của công chúng.
2. Số đăng ký kinh doanh là gì?
Đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh khi thành lập và nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có mã số doanh nghiệp hoặc là mã số hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh. Số đăng ký kinh doanh là mã số doanh nghiệp hoặc là mã số của hộ đăng ký kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp khi thành lập sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp và có mã số doanh nghiệp (mã số này được gọi là số giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp), hộ kinh doanh khi thành lập sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh và có mã số hộ kinh doanh (mã số này được gọi là số giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh).
Khi cá nhân, tổ chức muốn hoạt động đầu tư kinh doanh thì theo quy định pháp luật phải đăng ký kinh doanh trước, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì mới được phép hoạt động.
Có nhiều hình thức kinh doanh để lựa chọn đăng ký sao cho phù hợp với quy mô, tính chất kinh doanh; và tương ứng với từng hình thức kinh doanh khi đăng ký thì sẽ được cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh của loại hình đó như giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Chức năng của số đăng ký kinh doanh.
Số đăng ký kinh doanh có 3 công dụng:
- Số đăng ký kinh doanh giúp cho việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp được dễ dàng hơn. Vì mã số doanh nghiệp (chính là số đăng kí kinh doanh) đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình kê khai nộp thuế.
- Số đăng kí kinh doanh giúp cho cơ quan quản lí nhà nước thực hiện quản lí việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp/ hộ kinh doanh được dễ dàng hơn.
- Số đăng kí kinh doanh giúp cho các chủ thể có quan tâm đến doanh nghiệp/ hộ kinh doanh có thể tiến hành tra cứu thông tin cơ bản về doanh nghiệp/ hộ kinh doanh đó ( như tên người đại diện theo pháp luật, lĩnh vực kinh doanh, ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, tình trạng còn hoạt động kinh doanh hay không,…) khi biết mã số doanh nghiệp/ mã số hộ kinh doanh.
Việc tra cứu thông tin đăng ký doanh nghiệp có thể được thực hiện tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sau đó sẽ điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu để kiểm tra được số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc là hộ kinh doanh.
4. Quy định của pháp luật về số đăng ký kinh doanh.
Điều 29 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về mã số doanh nghiệp, cụ thể như sau:
"Điều 29. Mã số doanh nghiệp
1. Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.
2. Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác".
Ngoài ra Điều 8 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp quy định về mã doanh nghiệp, cụ thể như sau:
1. Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.
2. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.
3. Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4. Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
5. Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.
6. Mã số địa điểm kinh doanh là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh.
7. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế do vi phạm pháp luật về thuế thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không được sử dụng mã số thuế trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo công khai về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
8. Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện đã thành lập trước ngày 01 tháng 11 năm 2015 nhưng chưa được cấp mã số đơn vị phụ thuộc, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Cơ quan thuế để được cấp mã số thuế 13 số, sau đó thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.
9. Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương, Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, mã số doanh nghiệp là mã số thuế do Cơ quan thuế đã cấp cho doanh nghiệp".
5. Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể như sau:
"Điều 27. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí".
- Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Doanh nghiệp có quyền yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các lần trước đó không còn hiệu lực.
6. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp:
- Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cập nhật thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
- Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc không được thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
* Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm những nội dung:
Căn cứ Điều 28 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về những nội dung thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:
"Điều 28. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
4. Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân".
Luật Minh Khuê (Biên tập & sưu tầm)