1. Khái niệm thao túng tâm lý

Hành vi thao túng tâm lý là hành vi của một người thông qua việc bóp méo các sự thật liên quan đến nạn nhân hoặc là các hành vi bạo hành về tâm lý đối với nạn nhân nhằm mục đích khiến thâu tóm cảm xúc của nạn nhân, chiếm lấy quyền kiểm soát các hành vi, thái độ của nạn nhân hoặc là chiếm được một phần lợi ích hoặc đặc quyền nào đó từ nạn nhân. Việc thao túng tâm lý này tạo ra sự mất cân bằng về quyền lực, sự công bằng của các bên và người thực hiện hành vi có thể lợi dụng việc thao túng tâm lý này để lợi dụng nạn nhân làm những việc phục vụ lợi ích chi bản thân mình.

 

2. Biểu hiện của người bị thao túng tâm lý

Khi bị thao túng về tâm lý, người bị thao túng tâm lý sẽ thường rơi vào trạng thái lo âu, suy nghĩ và có những biểu hiện cụ thể như sau: 

- Người bị thao túng tâm lý thường sẽ có tâm lý nghi ngờ, ngờ vực khả năng của bản thân cũng như là tự chất vấn về khả năng của bản thân. Người bị thao túng tâm lý sẽ luôn ở trong trạng thái cảm thấy bản thân mình không đủ tốt, không xứng đáng với những gì đang có hoặc không xứng đáng với những người xung quang. Nạn nhân sẽ luôn cố gắng thực hiện một việc cụ thể nào đấy để có đáp ứng được những kỳ vọng của những người xung quanh, tuy nhiên cang khi thực hiện lại càng nhận thấy bản thân mình không có khả năng, cảm thấy bản thân mình bị kém cỏi.

- Luôn luôn tự trấn an bản thân mình và tự hỏi chính bản thân mình rằng liệu bản thân có quá nhạy cảm với những sự việc đang diễn ra hay không. Nạn nhân thường cố tìm ra những lý do để có thể thuyết phục bản thân mình rằng mình đã làm rất tốt rồi, bản thân không đến mức tồi tệ như thế hoặc là bản thân chỉ là nhạy cảm với sự việc đã xảy ra.

- Luôn cảm thấy mình trong tình trạng hoang mang không định hướng được mục đích thực sự của mình là gì và trong trạng thái cảm thấy bản thân gần như bị hóa điên khi gặp phải một vấn đề nào đó. Nạn nhân của hành vi bạo lực về tâm lý khi họ sẽ rất dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những lời nói của gia đình, bạn bè, người thân ở xung quanh. Khi nghe những lời nhận xét,m những nhận định của người xung quanh về bản thân họ, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ xem những lời nói đấy có đúng không, mình có xứng đáng không, thậm chí còn nhận thấy bản thân mình bị điên khi làm quá những nội dung này.

- Thường xuyên cảm thấy mình có lỗi và xin lỗi người khác. Những người này họ luôn cảm thấy những hành động của mình sẽ gây ra phiền hà đến cho người khác, sẽ gây ảnh hưởng đến người khác cho nên họ luôn trong trạng thái lo sợ về hành vi của mình và luôn luôn xin lỗi người khác về những việc của mình đã làm.

- Tự cô lập chính bản thân mình, giấu giếm những vấn đề mà mình gặp phải, không muốn chia sẻ với những người xung quanh để không phải giải thích về các lý do.

- Luôn cảm thấy bản thân mình không được hạnh phúc, dễ bị tổn thương bởi những lời nói, hành động của những người xung quanh.

- Cảm thấy bản thân bị cô đơn mặc dù xung quanh có rất nhiều người thân, trong tâm trí luôn nghĩ rằng mọi người xung quanh cô lập mình, không muốn tiếp xúc với mình.

- Luôn cảm thấy những điều bất lợi những bất hạnh hoặc những sự kiện kinh khủng nào đấy có thể đến với mình bất cứ lúc nào hoặc bạn luôn lo lắng sự kiện đấy có thể xảy ra với gia đình, bạn bè, người thân của mình. Mặc dù những người này luôn cảm thấy bất an nhưng lại không có cách nào tìm được nguyên nhân, lý do dẫn đến những lo lắng của mình là gì.

- Không quyết đoán trong việc đưa ra các quyết định. Mỗi lần những người bị thao túng về tâm lý đứng trước một quyết định một lựa chọn nào đó tcho bản thân mình họ đều suy nghĩ đắn đo rất lâu bởi họ không tin tưởng được vào quyết định của chính bản thân mình. Không biết quyết định của mình là đúng hay sai vì thế thường những quyết định này họ sẽ không tự mình quyết định được mà sẽ đẩy trách nhiệm quyết định này cho những người xung quanh, bạn bè, người thân dẫn đến tình trạng những người này họ sẽ luôn phụ thuộc vào người khác. Cũng vì những lý do này mà người này rất dễ bị lợi dụng.

>> Xem thêm: Tâm lý học hành vi và học thuyết tâm lý học hành vi

 

3. Biểu hiện của những người có hành vi thao túng về tâm lý

Những người có hành vi thao túng tâm lý của người khác thường có những biểu hiện như sau: 

 

3.1 Có hành vi hạ thấp người khác

Biểu hiện cụ thể của hành vi này chính là việc không công nhận những thành quả, kết quả mà người khác cố gắng đạt được. Họ thường có những lời nói, hành vi khiến cho người khác cảm thấy những thành quả mà người đó đạt được là tầm thường có gì đặc biệt, họ phủ nhận những cố gắng và nỗ lực của người khác.  

Hành vi này xuất phát từ việc người thực hiện hành vi có thái độ ghen tị với những người có thành công ở một lĩnh vực, nội dung nào đấy, họ không muốn người khác tốt hơn mình, họ muốn những người khác cũng giống như họ, không được hơn họ trong mọi trường hợp. Hành vi này thường được thể bởi những lời nói như: "Có gì giỏi giang đâu, chỉ là ăn may thôi" ; "Cái đấy đâu có khó đâu mà tự hào";.....

 

3.2 Hành vi chỉ trích

Biểu hiện của hành vi này là một người liên tục có những lời nói nhằm hạ thấp danh dự, uy tín của người khác bằng cách cố tình lan truyền những thông tin về điểm yếu, những sai sót của người khác. Cố tình bới móc, chỉ trích cả những lỗi lầm không đáng kể của người khác khiến cho người bị chỉ trích cảm thấy bất cứ hành vi nào của mình cũng là sai, cũng gây ảnh hưởng đến người khác từ đó làm nhụt ý chí của họ. Ngoài ra những người này còn cố tình lấy những sai lầm cá nhân của người bị chỉ trích làm đòn bẩy tâm lý điều khiển hành vi của người đã từng mắc sai lầm làm trái với ý định của họ.

 

3.3 Hành vi đe dọa

Hành vi này thường thể hiện ở chỗ một người nào đó nắm được những điểm yếu của đối phương hoặc họ nắm trong tay một quyền lực nhất định khiến người khác e dè, sợ hãi. Những người này họ thường sử dụng lợi thế mà mình có được đưa ra những thông tin đe dọa để thao túng khiến người khác bắt buộc phải làm theo ý của mình, họ điều khiển người khác bằng cách đưa ra các yêu cầu mà nếu người được yêu cầu không thực hiện thì họ sẽ đe dọa thực hiện một việc nào đấy gây ra những tổn hại, những bất lợi cho người được yêu cầu.

 

3.4 Bạo hành tâm lý thông qua mạng xã hội và ngoài đời thực 

Hành vi này thể hiện ở chỗ một người cố tình lan truyền những thông tin không đúng sự thật, những tin đồn xấu, những tin đồn thất thiệt để nhằm mục đích là hạ thấp danh dự của người khác, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Để có thể phát tán hoặc lan truyền những thông tin này một cách nhanh chóng và được nhiều người biết đến một cách dễ dàng nhất người thực hiện hành vi thường sẽ lợi dụng các phương tiện về thông tin đại chúng như mạng xã hội,......Việc làm này có thể gây ra hậu quả rất khó lường đến những người bị tác động đến vì khi những thông tin không đúng sự thật được lan truyền không phải ai cũng có thể phân biệt rõ được đúng sai mà hùa theo những thông tin đấy để chỉ trích, cáo buộc, buộc tội dẫn đến những ám ảnh về tâm lý cho người khác rất lớn.

Ngoài ra hành vi này còn thể hiện ở việc một người nào đấy luôn cho mình là đúng là chuyên gia trong một vấn đề nào đấy và áp đặt những suy nghĩ, những quan điểm của mình lên người khác khiến cho người đó cảm thấy ý kiến của mình không đúng.

 

3.5 Hành vi bóp méo sự thật

Hành vi này được biểu hiện ở chỗ một người có những hành vi sai trái và khi người khác bắt đầu nghi ngờ về hành vi sai trái của họ thì họ sẽ có những động thái là đưa ra những thông tin, hành đồng khiến cho người nghi ngờ tin vào mình và khiến cho người nghi ngờ cảm thấy những suy nghĩ, những nghi ngờ của mình là sự ảo tưởng, không có thật. Trường hợp này thường sẽ xảy ra ở trong các mối quan hệ về tình cảm ví dụ như việc ngoại tình.

 

3.6 Hành vi phớt lờ, không quan tâm

Biểu hiện đặc trưng nhất của hành vi này chính là việc im lặng, không quan tâm, để tâm đến những gì đối phương nói với mình, phớt lờ hết tất cả những hành động, những động thái của đối phương mặc kệ đối phương muốn làm gì thì làm. 

 

3.7 So sánh mọi người với nhau

Đây là hành vi của một người luôn đưa người khác lên "bàn cân" để so sánh ai hơn, ai kém, so sánh thế mạnh của người này như thế nào để nhằm hạ thấp người bị so sánh cùng, việc so sánh này được hiểu là so sánh không cân bằng hoặc là cố tình tạo ra sự không cân bằng để cho người bị so sánh cảm thấy bản thân mình không hoàn hảo và tự ti vào những khả năng của mình. 

>> Tham khảo: Tâm lý học hành vi và học thuyết tâm lý học hành vi

 

4. Cách giải quyết khi bị thao túng tâm lý

Hành vi thao túng tâm lý rất dễ xảy ra trong cuộc sống đặc biệt là trong những mối quan hệ thân quen nhưu người thân trong gia đình, bạn bè, hoặc mối quan hệ công việc (đồng nghiệp) trong công ty. Như đã phân tích ở trên, hành vi thao túng tâm lý này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của những người bị tác động và cũng rất khó để có thể ngăn cản các hành vi thao túng tâm lý từ những người xung quanh mình. Do đó mỗi người cần phải chủ động sáng suất để nhận biết và chủ động tránh những hành vi này, ví dụ như sau: 

- Hạn chế tiếp xúc với những người có các biểu hiện hoặc có những xu hướng thể hiện tình cảm thái quá hoặc là việc thể hiện tình cảm của họ trái với cảm xúc thật của họ (giả tạo);

- Khi gặp trường hợp người khác bác bỏ, hạ thấp những thành quả, những cố gắng của mình để nhằm mục đích hạ thấp thì phải có những lời nói hoặc cử chỉ để khẳng định và đưa ra quan điểm khiến người khác phải xem xét và ghi nhận những nhận định quan điểm của mình.

- Khi gặp những trường hợp khó hoặc rơi vào những trường hợp bí bách chưa biết xử lý như thế nào thì không nên vội vàng, có thể dành cho bản thân một chút thời gian để xem lại, nhìn nhận lại những sự việc đã xảy ra để biết sự việc nào là đúng và sự việc nào là sai rồi mới đưa ra quyết định. Không nên phụ thuộc vào ý kiến của người khác và dựa vào ý kiến, phụ thuộc vào ý kiến của người khác.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp quý khách hàng có vướng mắc gì thêm quý khách hàng vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua số tổng đài: 19006162 để được hỗ trợ trực tiếp. Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ quý khách hàng. Trân trọng!