Mục lục bài viết
1. Khái niệm hình phạt cảnh cáo là gì?
Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của Nhà nước do Toà án tuyên án đối với người bị kết án. Cảnh cáo là loại hình phạt nhẹ nhất trong các hình phạt chính, không có khả năng đưa lại những hạn chế pháp lý liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích thiết thân về thể chất và tài sản… của người bị kết án. Tuy vậy, với tư cách là khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội, cảnh cáo gây ra cho họ những tổn hại nhất định về mặt tinh thần. Người bị hình phạt cảnh cáo đã phải chịu sự lên án của Nhà nước về hành vi phạm tội của mình.
2. Đặc điểm của hình phạt cảnh cáo.
Ngoài các đặc điểm của hình phạt nói chung, có một số đặc điểm riêng nổi bật của hình phạt cảnh cáo như sau:
Thứ nhất, hình phạt cảnh cáo cũng là một trong những hình phạt phản ánh rõ nét nhất nguyên tắc nhân đạo của chính sách hình sự nói chung và luật hình sự Việt Nam nói riêng.
Thứ hai, hình phạt cảnh cáo là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự nước ta.
Thứ ba, việc áp dụng hình phạt cảnh cáo không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội mà chỉ đem lại tổn thất nhất định về mặt tinh thần.
Thứ tư, hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng.
Thứ năm, tội phạm mà người đó thực hiện phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Thứ sáu, tội phạm mà người đó thực hiện chưa đến mức được miễn hình phạt.
Thứ bảy, tội mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có quy định hình phạt cảnh cáo trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc được Tòa án quyết định áp dụng căn cứ vào Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015
* Phân biệt hình phạt cảnh cáo và hình phạt cảnh cáo và miễn hình phạt:
Giống nhau:
- Cả hai đều phản ánh nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam;
- Chỉ được áp dụng khi có đầy đủ những điều kiện cụ thể do luật định;
- Đối tượng bị áp dụng là người bị kết án (người bị coi là có tội theo bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án)
- Thẩm quyền áp dụng chúng chỉ và do duy nhất một cơ quan là Tòa án.
Những điểm khác nhau:
Tiêu chí | Hình phạt cảnh cáo | Miễn hình phạt |
Nội dung | Người bị kết án bị Tòa án quyết định hình phạt. | Người bị kết án không bị áp dụng bất kỳ hình phạt nào |
Điều kiện áp dụng | Hình phạt cảnh cáo áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt | Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự |
Về mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội | Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cao hơn và nhân thân người phạm tội xấu hơn so với người phạm tội được miễn hình phạt | ức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội thấp hơn và nhân thân người phạm tội tốt hơn so với người phạm tội bị áp dụng hình phạt cảnh cáo |
Hậu quả pháp lý | Phải chịu án tích và mang án tích trong thời hạn một năm | Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích |
* Phân biệt hình phạt cảnh cáo trong luật hình sự với biện pháp cảnh cáo của luật hành chính
Tiêu chí | Hình phạt cảnh cáo | Biện pháp cảnh cáo |
Chủ thể áp dụng | Chỉ do Tòa án áp dụng đối với bị cáo | Được áp dụng là biện pháp xử lý hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính khác nhau áp dụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính
|
Điều kiện áp dụng | Hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và chưa đến mức miễn hình phạt | Hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản. |
Hình thức thể hiện | Hình phạt cảnh cáo được quyết định trong bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án | Biện pháp cảnh cáo được quyết định bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính ban hành |
Về điều kiện áp dụng | Được áp dụng với cá nhân người phạm tội | Được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính |
Về hậu quả pháp lý | Phải mang án tích trong một thời hạn nhất định | Không phải mang án tích |
3. Các trường hợp bị áp dụng hình phạt cảnh cáo.
Các hình thức hình phạt chính áp dụng với người phạm tội bao gồm:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Cải tạo không giam giữ;
– Trục xuất;
– Tù có thời hạn;
– Tù chung thân;
– Tử hình.
Như vậy, cảnh cáo là một trong những hình phạt chính được áp dụng đối với những người phạm tội.
Theo quy định tại Điều 34 BLHS 2015:
Điều 34. Cảnh cáo
Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Như vậy, theo quy định trên, có 2 trường hợp sẽ có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo
- Trường hợp 1: Loại tội phạm mà người phạm tội phạm phải là tội ít nghiêm trọng
Theo quy định tại khoản 1 điều 9 BLHS 2015: "Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm".
- Trường hợp 2: Có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: nghĩa là ít nhất phải có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, có thể có 1 tình tiết giảm nhẹ qui định tại Khoản 1 và 1 tình tiết giảm nhẹ qui định tại Khoản 2 Điều 51, hoặc cả 2 tình tiết giảm nhẹ đều được qui định tại Khoản 2 Điều 51 (trường hợp này Toà án phải ghi rõ tình tiết giảm nhẹ là gì trong bản án và vì sao lại áp dụng tình tiết đó).
Về tội phạm mà người đó thực hiện chưa đến mức miễn hình phạt:Theo Điều 59 Bộ luật Hình sự thì: "Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.". Như vậy, trong trường hợp người phạm tội được miễn hình phạt thì tội phạm mà họ đã thực hiện phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ được qui định tại Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự và họ đáng được khoan hồng đặc biệt, còn người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo thì không được khoan hồng đặc biệt, vì vậy họ không được miễn hình phạt.
Ngoài hai điều kiện trên, luật không quy định thêm điều kiện nào khác, nhưng khi áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội, Tòa án phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Sau khi đã xem xét đánh giá một cách toàn diện, thấy bị cáo thuộc diện gần được miễn hình phạt thì mới áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với họ. Việc xác định một người thuộc diện gần được miễn hình phạt là thuộc quyền của Hội đồng xét xử, sau khi đã cân nhắc một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, pháp luật không thể quy định một cách máy móc các thang bậc cho từng trường hợp cụ thể. Hình phạt cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt. Người bị phạt cảnh cáo sau một năm, nếu không phạm tội mới thì đương nhiên được xóa án tích.
4. Thủ tục thi hành án phạt cảnh cáo.
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã quy định cụ thể và đầy đủ về thi hành án phạt cảnh cáo tại Điều 95, với nội dung như sau:
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải gửi bản án cho người bị phạt cảnh cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội nơi người bị phạt cảnh cáo cư trú hoặc làm việc, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trụ sở.
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án. hình sự cấp quân khu có trách nhiệm theo dõi, thống kê, báo cáo theo quy định của Luật này như như thống kê, báo cáo về việc thực hiện nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt cảnh cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự.
5. Thời điểm thi hành hình phạt cảnh cáo.
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
Điều 363. Bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Hình phạt cảnh cáo được thi hành ngay tại phiên tòa.
Như vậy, theo quy định này thì việc thi hành án phạt cảnh cáo được thực hiện ngay tại phiên tòa và do Tòa án tuyên.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.