1. Thời gian được tại ngoại là bao lâu?

Kính thưa Luật sư!. Con xin được hỏi về việc thi hành án , con phạm tội cố ý gây thương tích,trong phiên tòa phúc thẩm đã tuyên án là 2 năm tù giam, nhưng con chưa bị bắt giam, đang được tại ngoại.
Vậy con xin hỏi đến khi nào mới có giấy quyết định thi hành án phạt tù, và thời gian được tại ngoại thế này thì có được tính vào thời gian con phải chấp hành án là 2 năm hay không?. Khi bị bắt giam thì con phải chấp hành án ở đâu? , con đang ở Thạnh Phú - Bến Tre, con đã có vợ và vợ đang có thai 6 tháng, vậy con có thể làm đơn xin hoãn chấp hành hình phạt đến khi vợ sinh con hay không ?. Nếu được thì thời gian được hoãn là bao nhiêu ?
Xin trân trọng cảm ơn!.

Thời gian được tại ngoại là bao lâu theo quy định mới?

Luật sư tư vấn luật hình sự gọi: 1900.6162

Trả lời:

1.1 Thời hạn tạm giam và có được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù?

Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có quy định về thời hạn tạm giam như sau:

"1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát:

a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5. Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam quy định tại khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 01 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp đặc biệt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.

6. Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng; trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.

7. Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác."

 

1.2 Tù có thời hạn?

Theo Điều 38 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì " Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm. Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù."

Như vậy, đối với trường hợp của bạn là 2 năm thuộc tội phạm ít nghiêm trọng (Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm) theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 nên trường hợp của bạn thời hạn tại ngoại là không quá 2 tháng nếu gia hạn thì không quá 3 tháng. Đồng thời, thời gian bạn tại ngoại có thể được xem xét và tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù (cứ một ngày tại ngoại, tạm giam bằng một ngày tù).

 

1.3 Điều kiện được hoãn chấp hành hình phạt tù.

Theo Điều 60 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của
Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.
=> Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt nếu đắp ứng được một trong các điều kiện nêu trên. Trường hợp của bạn là vợ đang mang thai được 6 tháng nên thuộc điều kiện quy định như đã nêu ở trên.
 

2. Xin được tại ngoại để tiếp tục điều trị bệnh?

Kính thưa công ty luật Minh Khuê! tôi có sự việc mong nhận được sự tư vấn: Em trai tôi bị kết án tù 15 tháng về tội trộm cắp tài sản. Trong quá trình tạm giữ để xét xử em trai tôi bị bệnh cũ (viêm màng não) tái phát nên được công an đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình để điều trị, sau thời gian điều trị công an cho em tôi tại ngoại để ở nhà tiếp tục điều trị tiếp.
Ngày 10/3/2016 là ngày e tôi phải lên đường trả án thì ngày 08/3/2016 e tôi bị tại nạn xe máy ( Chấn thương sọ não) rất nặng. Em tôi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội và điều trị tại bệnh viện 103 hơn 1 tháng. Ngày 04/4/2016 Em trai tôi được xuất viện để về nhà tiếp tục điều trị và theo dõi tiếp, nếu sức khỏe ổn định thì 2 tháng sau em tôi phải tiến hành tiếp một cuộc phẫu thuật ( Tạo hình sọ). Được biết sau quá trình phẫu thuật lần 1 và lần 2 ( tạo hình sọ) Bệnh nhân cần được theo dõi rất cẩn thận vì sau khi mổ rất dễ bị rò tủy não và nhiễm trùng tủy não. Nếu bị nhiễm trùng tủy não thì bệnh nhân sẽ chết. Ngày 13/4/2016 gia đình tôi nhận được giấy triệu tập của công an Huyện thái Thụy lần 2 yêu cầu em tôi đi tả án.
Khi em tôi xuống công an huyện, gia đình tôi có trình toàn bộ giấy tờ bệnh viện cho Công an xem và làm đơn xin được cho em tôi tại ngoại thêm thời gian nữa để điều trị cho hết bệnh rồi em tôi đi trả án. Nhưng công an Thái Thụy không nghe, và họ đưa em tôi đi thẩm định sức khỏe, em tôi đi chưa vững nhưng công an Huyện nhất quyết không cho người nhà đi cùng xe lên Bệnh viện để thẩm định sức khỏe. Sau 3 tiếng Công an gọi về báo cho gia đình tôi là đã đưa em trai tôi vào giam tại Trại Đậu thái Bình. Gia đình tôi có mang thuốc lên gửi công an cho em tôi uống hàng ngày nhưng công an ko cho.
Tôi xin hỏi làm thế nào xin được cho em trai tôi tại ngoại cho đến lúc em trai tôi điều trị dứt điểm xong bệnh tình?
Xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật hình sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

2.1. Điều kiện để tạm hoãn hình phạt tù

Theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, như sau:

Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù

1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Ngoài ra, Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt cũng quy định:

“Điểm 7. Về Điều 61 của BLHS

7.1. Người bị xử phạt tù nếu có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được hoãn chấp hành hình phạt tù:

a) Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

......

7.2. Khi người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 7.1 mục 7 này, thì Toà án cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù. Toà án cũng có thể cho người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 của BLHS mà không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 7.1 mục 7 này được hoãn chấp hành hình phạt tù, nhưng phải xem xét rất chặt chẽ.

7.3. Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù

a) Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khoẻ hồi phục.

b) Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi.

c) Người bị xử phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được hoãn một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa là một năm”

Như vậy, với trường hợp của em trai bạn hoàn toàn có thể xin tạm hoãn hình phạt tù để chữa bệnh.

 

2.2. Thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù

Theo quy định tại Điều 24 của Luật thi hành án hình sự, cụ thể như sau:

"Điều 24. Thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù

1. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

a) Người được hoãnchấp hành ánvà người đại diện trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người dưới 18 tuổi;

b) Viện kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hoãn thi hành án cư trú, làm việc;

d) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở;

đ) Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người nước ngoài."

>> Tham khảo: Điều kiện bảo lãnh tại ngoại khi bị tạm giam, tạm giữ là gì?

 

3. Điều kiện tại ngoại khi đang chấp hành án phạt tù?

Xin chào văn phòng luật sư Luật Minh Khuê, Tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Em trai tôi phạm tội chiếm đoạt tài sản, tòa tuyên án 6 năm tù giam. Hiện em tôi đã chấp hành đc 2 năm rồi. Gia đình tôi muốn bảo lãnh cho em tôi về nhà 1-2 hôm để dự đám cưới anh trai mình có được không? Và thủ tục phải làm những gì?
Mong công ty tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn công ty.
Người gửi: ĐT Hường

>> Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số: 1900.6162

 

Trả lời:

Trong luật Tố tụng Hình sự không dùng thuật ngữ "bảo lãnh" mà dùng thuật ngữ "bảo lĩnh". Bộ luật Tố tụng Hình sự nặm 2015 có định nghĩa về bảo lĩnh tại Khoản 1 Điều 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự nặm 2015 như sau: "Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh."

Như vậy, đối tượng được bảo lĩnh ở đây là bị can, bị cáo (người bị khởi tố về hình sự và người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử) chứ không phải là người đã bị kết án tù, đang chấp hành hình phạt tù. Mặt khác, bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam. Trường hợp bạn hỏi, em của bạn đã bị kết án phạt tù, đang trong quá trình chấp hành án phạt tù nên sẽ không được hưởng biện pháp bảo lĩnh.

Về nguyên tắc thì bản án, quyết định có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh. Người nhà phạm nhân chỉ có quyền thăm phạm nhân, mang quà cho phạm nhân hay nhận thư từ phạm nhântheo quy định tại Điều 46 và 47 Luật thi hành án hình sự 2010. Pháp luật không quy định người nhà phạm nhân được thực hiện biện pháp bảo lĩnh đối với phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù. Do vậy, trong trường hợp này, gia đình bạn không thể bảo lĩnh cho em trai của bạn về dự đám cưới anh trai được.

>> Xem thêm: Khi phạm tội phải nộp bao nhiêu tiền để được tại ngoại?

 

4. Làm sao để được tại ngoại khi bị bắt tạm giam?

Tôi có chồng bị Công an Huyện N bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích vào ngày 12/9/2017. Tuy nhiên, từ đó tới này gia đình chúng tôi không được gặp mặt và tôi rất nhớ chồng của mình. Gia đình chúng tôi muốn anh ấy được về nhà nhưng không biết phải làm sao cả. Mấy ngày trước, gia đình được người quen cho biết phải viết đơn xin tại ngoại.

Mấy ngày trước, gia đình được người quen cho biết phải viết đơn xin tại ngoại. Gia đình chúng tôi đã viết nhưng không được cơ quan Công an cho phép.

Vậy gia đình muốn hỏi: công an làm vậy có đúng không và làm sao để bảo lãnh cho chồng tôi tại ngoại?

Xin cảm ơn luật sư!

Làm sao để được tại ngoại khi bị bắt tạm giam?

Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về các biện pháp thay thế biện pháp tạm giam như sau:

Thứ nhất: Bảo lĩnh (quy định tại Khoản 1 Điều 121 BLTTHS năm 2015)

"1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Thứ hai: Đặt tiền để bảo đảm (quy định tại Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015)

"Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm."

Như vậy, người nhà của người phạm tội có thể được bảo lĩnh (lãnh) hoặc đặt tiền, tài sản để người thân của mình được tại ngoại. Tuy nhiên việc cho tại ngoại hay không lại phải phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào những căn cứ luật định. Thực tế nhận thấy việc đề nghị cho tại ngoại thường được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Về thời giam chấp hành:

Thời gian tạm giam do quy định của BLTTHS quy định phụ thuộc vào từng loại tội. Tội ít nghiêm trọng không quá 02 tháng, tội nghiêm trọng không quá 3 tháng....Thực tế cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng thường cho tại ngoại khi bị can chấp hành được hơn một nửa thời gian tạm giam. Ví dụ: nếu phạm tội nghiêm trọng sẽ bị bắt tạm giam 03 tháng và bị can phải chấp hành ít nhất là 2/3 thời gian, tức là khoảng 2 tháng tới hơn 2 tháng.

- Lựa chọn đúng thời điểm:

Thời điểm để làm đơn xin tại ngoại rất quan trọng và người làm đơn nên chọn vào những ngày lễ lớn, đặc biệt là lễ, tết,...

- Người bị tạm giam can tội gì?

Thông thường những người can tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì khi xin tại ngoại sẽ dễ hơn.

- Người bị tạm giam đã nhận tội hay chưa?

Tôi cho rằng chỉ nên làm đơn xin tại ngoại khi người bị tạm giam đã nhận tội. Bởi cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thấy sự thành thật khai báo, ăn năn hối cái của bị can, nghi can.

- Nhân thân người bị tạm giữ:

Những trường hợp như gia đình gặp khó khăn, người bị tạm giữ ốm đau....sẽ được cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho tại ngoại.

Như vậy, trên cơ sở pháp luật và thực tế nhận thấy để được tại ngoại là chuyện không dễ. Chính vì vậy, dựa trên những thông tin bạn cung cấp thực sự chưa đầy đủ nên tôi cho rằng gia đình bạn cần đối chiếu vào những tiêu chí trên để xác định chồng mình sẽ được tại ngoại hay không.

 

5. Cách làm đơn xin gia hạn thêm thời gian tại ngoại?

Thưa luật sư, Cách đây 3 năm, Tôi có bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy và bị tòa án tuyên 8 năm tù. Nhưng vì trong lúc đó tôi đang có thai và sắp sinh nên tòa án cho tại ngoại để sinh con trong thời hạn 3 năm. Hiện nay, tôi đang làm phụ bếp thì thời gian tại ngoại đã hết. Trong thời gian tại ngoại, tôi có sinh thêm 1 đứa con, hiện nay cháu được 1 tuổi, chồng tôi và Tôi đã ly dị được 8 tháng và Tôi là lao động chính trong gia đình.
Ngoài ra, Tôi còn một Mẹ già đang bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tôi đã làm đơn lên phường xin gia hạn thêm thời gian tại ngoại. Nhưng công an phường nơi tôi cư ngụ không xác nhận cho Tôi tình trạng đang nuôi con nhỏ tại địa phương.
Xin hỏi Luật Minh Khuê có thể tư vấn cho tôi để làm đơn xin gia hạn thêm thời gian tại ngoại để Tôi có thể nuôi 2 con nhỏ và Mẹ già đang bị bệnh?
Người hỏi: NLTH

Trả lời:

Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc Toà án đã ra quyết định thi hành án đối với người bị xử phạt tù đang được tại ngoại, nhưng xét thấy có những căn cứ quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi và bổ sung năm 2017 hoặc xét thấy có căn cứ khác để chưa buộc họ phải chấp hành hình phạt ngay.

Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù

1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

2. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Trường hợp của bạn, bị tuyên án 8 năm tù, đây là tội rất nghiêm trọng. Theo nguyên tắc, bạn sẽ không được hoãn thi hành án. Tuy nhiên, bạn đang nuôi 2 con nhỏ, 1 con 12 tháng, 1 con 36 tháng và một mẹ già bị bệnh; bạn còn là lao động duy nhất trong gia đình nên bạn được hoãn thi hành án theo điểm b,c Khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 24 Luật thi hành án hình sự năm 2019.

Điều 24. Thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù

1. Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

a) Người được hoãnchấp hành ánvà người đại diện trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người dưới 18 tuổi;

b) Viện kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được hoãn thi hành án cư trú, làm việc;

d) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở;

đ) Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được hoãn chấp hành án là người nước ngoài.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi. Tham khảo: Tại ngoại là gì ? Quy định pháp luật về tại ngoại