Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật đất đaicủa Công ty Luật Minh Khuê.
Trả lời:
Kính gửi Quý khách hàng! Với câu hỏi của bạn, công ty Luật Minh Khuê xin hỗ trợ giải đáp như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006;
- Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
- Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
2. Nội dung tư vấn:
2.1.Trình tự thực hiện:
Tổ chức, cá nhân thực hiện công bố hợp quy theo trình tự sau:
- Tự đánh giá sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn tương ứng theo các bước:
+ Kiểm tra tính phù hợp của kết quả đo kiểm để đảm bảo kết quả đo kiểm của đơn vị đo kiểm có đủ thẩm quyền (theo quy định tại khoản 2, Điều 5 của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT) được cấp trong vòng 2 năm tính đến ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp chưa có kết quả đo kiểm hoặc kết quả đo kiểm chưa phù hợp quy định thì thực hiện việc lấy mẫu sản phẩm theo nguyên tắc ngẫu nhiên và thực hiện đo kiểm mẫu sản phẩm tại các đơn vị đo kiểm có đủ thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 5 của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT.
+ Tự đánh giá sự phù hợp của mẫu sản phẩm trên cơ sở so sánh kết quả đo kiểm với các chỉ tiêu của Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Đăng ký mẫu dấu hợp quy.
- Lập hồ sơ đăng ký công bố hợp quy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Thông tư 30/2011/TT-BTTTT và gửi hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận công bố hợp quy
- Tổ chức, cá nhân nhận được Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy trong thời gian bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Trường hợp không tiếp nhận Bản công bố hợp quy cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký công bố hợp quy về những nội dung chưa phù hợp để hoàn thiện và thực hiện lại việc đăng ký công bố hợp quy
- Tổ chức, cá nhân phải thực hiện lại việc công bố hợp quy khi có bất kỳ sự thay đổi nào về nội dung bản công bố hợp quy đã công bố, trình tự giống như đăng ký công bố hợp quy lần đầu.
2.2. Yêu cầu, điều kiện:
- Tổ chức, cá nhân gửi văn bản đến Cục Viễn thông đăng ký mẫu dấu hợp quy kèm theo bản điện tử (file) mẫu dấu hợp quy. Dấu hợp quy phải được thiết kế theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và Phụ lục V (đối với sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy) hoặc Phụ lục VI (đối với sản phẩm bắt buộc phải công bố hợp quy) của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT.
- Sử dụng dấu hợp quy:Tổ chức, cá nhân chỉ được phép sử dụng dấu hợp quy sau khi đã đăng ký mẫu dấu hợp quy tại cơ quan tiếp nhận công bố hợp quy
- Cách thể hiện dấu hợp quy:
+ Dấu hợp quy có thể được phóng to hoặc thu nhỏ nhưng phải đảm bảo đúng tỷ lệ và nhận biết được bằng mắt thường.
+ Màu sắc của dấu hợp quy do tổ chức, cá nhân tự chọn, nhưng phải được thể hiện cùng một màu, bảo đảm rõ ràng, dễ thấy và bền vững. Không được in thêm bất kỳ ký tự, hình ảnh, hoa văn khác trong phạm vi dấu hợp quy. Trường hợp in dấu hợp quy lên các chất liệu khác để gắn hoặc dán thì phải lựa chọn chất liệu sao cho chỉ sử dụng được một lần, không thể bóc ra gắn lại.
+ Tổ chức, cá nhân sau khi công bố hợp quy tự thể hiện dấu hợp quy bằng cách in, gắn hoặc dán dấu hợp quy trực tiếp trên sản phẩm hoặc trên bao bì hoặc nhãn gắn trên sản phẩm ở vị trí dễ thấy, dễ đọc, đồng thời có thể được in trong tài liệu kỹ thuật kèm theo.
2.3. Cách thức thực hiện:
- Trực tiếp tại trụ sở các Trung tâm kiểm định và chứng nhận trực thuộc Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông
- Qua hệ thống bưu chính.
2.4. Thành phần, số lượng hồ sơ:
- Bản công bố hợp quy;
- Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân: Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Quyết định/Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư (với trường hợp là tổ chức); Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (với trường hợp là cá nhân). Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có thể nộp bản sao kèm bản gốc để đối chiếu;
- Mẫu dấu hợp quy sử dụng cho sản phẩm;
- Kết quả đo kiểm sản phẩm của đơn vị đo kiểm
- Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm thể hiện đầy đủ các nội dung: Tên, ký hiệu và các thông tin kỹ thuật của sản phẩm, ảnh chụp bên ngoài, hãng sản xuất
Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
2.5. Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2.6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:
Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT
2.7. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông
- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không
- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Các Trung tâm Kiểm định và Chứng nhận trực thuộc Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông
- Cơ quan phối hợp (nếu có): các Sở Thông tin và Truyền thông, các Chi Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng
2.8. Kết quả: Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy
2.9. Lệ phí: 150.000 đồng/giấy (Quy định tại Thông tư 231/2009/TT-BTC ngày 09/12/2009 quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng)
Trên đây là những tư vấn, giải đáp từ phía công ty Luật Minh Khuê cho thắc mắc của Quý khách hàng! Nếu còn gì vướng mắc hay gặp khó khăn trong vấn đề thực hiện các thủ tục, hồ sơ để đăng ký chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, vui lòng liên hệ trực tiếp tới Văn phòng Công ty Luật Minh Khuê để được hỗ trợ.
Rất mong sự hợp tác từ phía khách hàng!
Trân Trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty luật Minh KHuê