1. Quy định về chứng chỉ hành nghề của Điều dưỡng viên.

Điều dưỡng viên là một ngành nghề độc lập trong hệ thống y tế. Nghề Điều dưỡng viên có nhiều cấp bậc, trình độ và đã được quy định rất rõ trong nghạch bậc, công chức theo văn bản quy định của Bộ Nội vụ. Điều dưỡng viên là người phụ trách công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, kiểm tra tình trạng bệnh nhân, kê toa thuốc, người biện hộ cho người bệnh, người tư vấn và các công việc khác phụ trách cho quá trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đến khi bệnh nhân phục hồi. Điều dưỡng viên bao gồm cả nam và nữ có nền tảng khoa học cơ bản về điều dưỡng, đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định theo sự giáo dục và sự hoàn thiện lầm sàng.

Điều dưỡng viên là một trong những nghề được cấp chứng chỉ, theo quy định tại Điều 18 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định về Điều kiện làm chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng cho người Việt Nam, theo đó  một trong các văn bằng, giấy chứng nhận dưới đây sẽ được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

Thứ nhất, có giấy chứng nhận đủ sức khỏe thực hiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ hai, không nằm trong thời gian bị cấm hành nghề, hay bị cấm làm những công việc có liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án và quyết định của Tòa án; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, theo quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định được áp dụng biện pháp nhằm để xử lý hành chính đưa vào các cơ sở giáo dục và cơ sở chữa bệnh; người đang trong thời gian bị kỷ luật với hình thức từ cảnh cáo trở lên có liên quan chủ yếu đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ ba, đáp ứng điều kiện về thời gian thực hành với người có văn bằng chuyên môn Y Dược đều được quy định Tại khoản 1 Điều 24 Luật này như sau:

- Thực hành đủ 18 tháng tại các bệnh viện, hay việc nghiên cứu có giường bệnh ( được gọi chung là bệnh viện) đối với vị trí bác sĩ ;

- Có đủ 12 tháng thực hành đối với y sỹ tại bệnh viện;

- Thực hành đủ 09 tháng tại bệnh viện có nhà hộ sinh hay có khoa phụ sản đối với các hộ sinh viên.

- Thực hành đủ 09 tháng tại các cơ sở khám, chữa bệnh đối với vị trí điều dưỡng viên hay kỹ thuật viên...

Do vậy điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng là bạn phải đáp ứng đủ những điều kiện quy định tại Điều 18 và khoản 1 Điều 24 Luật Khám chữa bệnh 2009 như đã nêu trên.

 

2. Hồ sơ cấp lại chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng viên.

Các trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng viên sẽ áp dụng trong trường hợp chứng chỉ hành nghề bị thu hồi hoặc chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc hư hỏng.

Vậy khi thuộc các trường hợp trên thì Điều dưỡng viên sẽ thực hiện thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề, vậy hồ sơ chuẩn bị để cấp lại chứng chỉ hành nghề như sau: Căn cứ Điều 8 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề điều dưỡng viên bao gồm:

- Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề (bị thu hồi trong trường hợp chứng chỉ hành nghề cấp không đúng thẩm quyền; chứng chỉ hành nghề có nội dung trái quy định pháp luật) theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Hai ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp đơn.

- Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp bị thu hồi theo quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 09 Phụ lục I đối với người Việt Nam hoặc theo Mẫu 10 Phụ lục I đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Các giấy tờ quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 5 Nghị định 109/2016/NĐ-CP này đối với người Việt Nam; các giấy tờ quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 6 Nghị định này đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Sau khi chuẩn bị các giấy giấy theo từng trường hợp cụ thể, người yêu cầu cấp lại chứng chỉ tiến hành thủ tục tiếp theo:

- Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 26 Luật khám bệnh, chữa bệnh sẽ tiến hành gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ Y tế;

- Người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý của Sở Y tế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Y tế.

- Trường hợp người hành nghề đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề nhưng tại thời điểm đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, người hành nghề thay đổi nơi làm việc thì nộp hồ sơ như sau:

+ Người hành nghề đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế nộp hồ sơ về Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó đặt trụ sở;

+ Người hành nghề đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế nộp hồ sơ về Bộ Y tế.

- Trường hợp người hành nghề không làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào tại thời điểm đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề thì nộp hồ sơ về Sở Y tế, nơi đăng ký thường trú để đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

 

3. Thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề điều dưỡng viên.

Thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề được quy định tại Điều 10 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu:

- Trường hợp hồ sở trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi ngay cho người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ;

- Trường hợp hồ sơ gửi theo đường bưu điện thì trong thời hạn 02 ngày kể từ thời điểm nhận được hồ sơ ( nếu gửi qua bưu điện thì tính theo dấu bưu điện), cơ quan tiếp nhận hồ sơ cũng sẽ gửi cho người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề;

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì người đề nghị cấp lại chứng chỉ sẽ được nhận chứng chỉ trong vòng 10 ngày. Ngược lại, nếu hồ sơ không hợp lệ thì:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra trong văn bản thông bảo đó cần phải ghi rõ những tài liệu sẽ bổ sung và ghi rõ những nội dung cần sửa đổi.

- Người đề nghị nhận được văn bản thông báo nêu trên cần phải sửa đổi, bổ sung theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn và gửi hồ sơ bổ sung về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Sau đó cơ quan tiếp nhận hồ sơ gưi phiếu tiếp nhận hồ sơ. Sau khi được bổ sung, sửa đổi mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiếp tục hướng dẫn người đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề hoàn thiện lại sồ sơ. Còn nếu hồ sơ đã hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận ồ sơ tiếp tục thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và điểm a khoản 4 Điều 10.

Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ đã có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu nhưng người đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghêg không bổ sung, sửa đổi hồ sơ thì phải thực hiện lại từ đầu hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến Thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng viên. Nếu khách hàng có vướng mắc liên quan đến bài viết, khách hàng hãy gọi: 1900.6162 để được hỗ trợ qua tổng đài trực tuyến.