1. Lịch sử hình thành và phát triển thuế xuất nhập khẩu

Hiện nay, hầu hết các nước bỏ thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu nên khái niệm thuế quan được sử dụng đồng nghĩa với thuế nhập khẩu. Do thuế nhập khẩu gắn với quan hệ kinh tế đối ngoại nên trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật của từng quốc gia về thuế nhập khẩu bị chỉ phối bởi các cam kết quốc tế và mô hình thuế nhập khẩu của các quốc gia cũng mang nhiều điểm tương đồng.

Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Việt Nam trước đây, Nhà nước thực hiện chính sách độc quyền ngoại thương nên chỉ có các tổ chức kinh tế Nhà nước được thực hiện hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu. Đối với hoạt động nhập khẩu, các tổ chức kinh tế nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước bằng hình thức nộp chênh lệch ngoại thương nhập khẩu là một phần của số dôi ra giữa giá nhập khẩu và giá tiêu thụ trong nước. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch được ban hành ngày 29.12.1987 quy định thu thuế đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng mậu dịch, nên có sự phân biệt áp dụng chế độ thu thuế đối với hàng mậu dịch với các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu khác. Để thống nhất chế độ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu mậu dịch và phi mậu dịch, ngày 26.12.1991 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Từ đó, chế độ thuế nhập khẩu áp dụng chung cho hàng hóa nhập khẩu mậu dịch và phi mậu dịch. Hàng hóa thuộc diện chịu thuế nhập khẩu là hàng hóa được phép nhập khẩu của tổ chức, cá nhân không phân biệt tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài, trừ các trường hợp không thuộc diện chịu thuế nhập khẩu như: hàng vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất trên lãnh thổ Việt Nam, hàng hóa từ khu chế xuất này được đưa sang khu chế xuất khác, hàng hóa chuyển khẩu, hàng viện trợ nhân đạo. Căn cứ tính thuế nhập khẩu gồm: số lượng từng mặt hàng nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan, giá trị tính thuế và thuế suất. Mức thuế suất thuế nhập khẩu được thu theo tỉ lệ phần trăm (%) tính trên trị giá của từng mặt hàng nhập khẩu.

 

2. Khái niệm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Theo quan niệm chung, thuế là khoản tiền do các tổ chức, cá nhân nộp cho Nhà nước để góp phần chia sẻ gánh nặng chi tiêu với Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Trong cấu trúc hệ thống thuế ở mỗi quốc gia, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có vai trò và ý nghĩa thiết thực, không chỉ trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước hàng năm mà quan trọng hơn, nó còn là công cụ hữu hiệu trong tay Nhà nước để kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với nước ngoài, bảo hộ sản xuất trong nước và thực hiện các mục tiêu đối ngoại của Chính phủ trong từng thòi kì, đối với từng quốc gia hoặc từng nhóm quốc gia cụ thể. Mặc đù xuất hiện muộn hơn so với một số sắc thuế nội địa nhưng thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã nhanh chóng khẳng định được vai trò, tác dụng to lớn của mình đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với bên ngoài và bảo hộ nền sản xuất trong nước. Ngày nay, cho dù xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang từng bước ảnh hưởng đến số phận của thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng hạn chế vai trò của loại thuế này ở mỗi quốc gia song về cơ bản, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vẫn sẽ là giải pháp quản lí vĩ mô có hiệu quả đoi với nền kinh tế trong nước, nhất là đối với những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường như Việt Nam.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tuỳ thuộc vào từng góc độ tiếp cận.

Xét về phương diện kinh tế, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quan niệm là khoản đóng góp bằng tiền của tổ chức, cá nhân vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, khi họ có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới của một nước. Với cách tiếp cận này, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quan niệm như là một quan hệ phân phối các nguồn lực tài chính, phát sinh giữa các chủ thể là tổ chức, cá nhân nộp thuế với người thu thuế là Nhà nước. Mặt khác, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn có thể được hiểu như là đòn bẩy kinh tế hay biện pháp kinh tế để Nhà nước điều tiết trực tiếp đối với quá trình sản xuất, tiêu dùng trong phạm vi mồi quốc gia và chi phối một cách gián tiếp đối với hoạt động kinh tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Xét về phương diện pháp lí, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có thể hình dung như là quan hệ pháp luật phát sinh giữa Nhà nước (ngựời thu thuế) với tổ chức, cá nhân (người nộp thuế), theo đó các bên phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lí đối với nhau trong quá trình hành thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quan hệ pháp luật này phát sinh từ cơ sở pháp lí là đạo luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Quốc hội ban hành mà hậu quả pháp lí chủ yếu của việc áp dụng đạo luật đó trong thực tiễn là làm phát sinh quyền thu thuế cho Nhà nước và nghĩa vụ đóng thuế cho các tổ chức, cá nhân là người nộp thuế. Việc tiếp cận khái niệm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu từ góc độ pháp lí có nhiều ý nghĩa thiết thực, trước hết là giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về bản chất của thuế nói chung và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nói riêng, thực chất là một quyết định hành chính đơn phương của quốc gia đối với người đóng thuế, hay là một “thoả thuận” song phương giữa người thu thuế với người nộp thuế? Trên cơ sở lí thuyết đó, giúp cho Nhà nước hoạch định và thực thi chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp hơn với quyền lợi của quốc gia và của người đóng thuế, xét trong mối quan hệ lợi ích với các quốc gia khác trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới được điều tiết và kiểm soát bởi hai công cụ chủ yếu là “hàng rào thuế quan” và “hàng rào phi thuế quan”. Hàng rào thuế quan ở những nước này được hiểu thực chất là thuế nhập khẩu đánh vào hàng hoá nhập khẩu, chứ không bao gồm cả thuế xuất khẩu đánh vào hàng hoá xuất khẩu như Việt Nam hay Trung Quốc.

Do có quan niệm khác nhau như trên giữa các nước về nội hàm của khái niệm “thuế quan” nên chính sách thuế quan của các nước cũng có sự khác nhau. Sở dĩ có sự khác nhau nàý trong chính sách thuế quan của các nước là bởi vì, mỗi quốc gia đều có phong tục, tập quán riêng cần được duy trì, tôn trọng, bảo vệ và quan trọng hơn, mỗi quốc gia đều có quyền đánh thuế đối với các công dân hay tổ chức mang quốc tịch nước mình hoặc đối với các công dân, tổ chức nước ngoài có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá diễn ra trên lãnh thổ nước mình. Quyền đánh thuế của quốc gia chính là cơ sở, là đạo lí cơ bản để Nhà nước - với tư cách là người đại diện hợp pháp cho quốc gia, ban hành và áp dụng các đạo luật về thuế quan trên tinh thần của nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)