Mục lục bài viết
1. Tiếp cận thông tin là gì?
Tiếp cận thông tin được quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin 2016 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) như sau:
Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.
Quyền tiếp cận thông tin của công dân là một quyền hợp pháp được quy định cụ thể tại Hiến pháp 2013. Luật tiếp cận thông tin, cũng quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ tiếp cận thông tin của công dân, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân và các hành vi bị nghiêm cấm... cụ thể như sau:
2. Vai trò của việc tiếp cận thông tin
Một là, tự do thông tin là nền tảng cho dân chủ. Nó là yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tham gia của công chúng vào các công việc xã hội. Quyền TCTT giúp công chúng hiểu rõ cơ sở của các quyết định chính sách, từ đó tăng cường khả năng ủng hộ, giảm thiểu những hiểu lầm và sự phản đối của công chúng với các chính sách và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Hai là, tự do thông tin góp phần bảo vệ các quyền con người khác. Thực tế ở các quốc gia đã ban hành luật TCTT cho thấy, tự do thông tin giúp tăng cường khả năng thực thi các quyền con người khác về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Ba là, tự do thông tin thúc đẩy pháp quyền và quản trị, làm cho các cơ quan chính phủ hoạt động tốt hơn. Thực tế trên thế giới cho thấy, tự do thông tin cũng góp phần cải thiện cách thức và hiệu quả làm việc của các cơ quan chính phủ.
Bốn là, hàn gắn mâu thuẫn, chia rẽ xã hội và những vết thương trong quá khứ.
Năm là, tự do thông tin hỗ trợ các hoạt động kinh doanh (thương mại). Khía cạnh này thường bị coi nhẹ, song thực ra rất quan trọng bởi lẽ ở tất cả các quốc gia, hoạt động kinh doanh quyết định sự phát triển của xã hội và thông tin kinh tế hay liên quan đến kinh tế thuộc vào nhóm thông tin được tìm kiếm nhiều hơn cả.
3. Về quyền của công dân trong việc tiếp cận thông tin
Điều 8 Luật tiếp cận thông tin quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin đó là:
Công dân có quyền:
- Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời;
- Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
Theo Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luât Tiếp cận thông tin quy định các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin như:
Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin (Điều 2, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP)
- Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm:
+ Thông qua Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (nếu có);
+ Thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương và các hệ thống truyền phát tin khác của địa phương; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác tại địa phương;
+ Xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc;
+ Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa - chính trị của cơ quan, địa phương, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn;
+ Tăng thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Căn cứ vào loại thông tin, đối tượng cần cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước trên địa bàn quyết định lựa chọn một hoặc các hình thức cung cấp thông tin công khai rộng rãi hoặc các hình thức khác phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của công dân.
- Cơ quan cung cấp thông tin phải bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan; bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích cho người yêu cầu cung cấp thông tin; tăng cường cung cấp thông tin và tạo thuận lợi cho công dân tiếp cận thông tin bằng hình ảnh, video và các phương tiện nghe, nhìn khác.
- Cơ quan nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc xây dựng hệ thống thông tin công cộng; nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật liên quan.
4. Nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin
Công dân có nghĩa vụ:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;
- Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp;
- Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Về trách nhiệm của đơn vị đầu mối cung cấp thông tin (Điều 8, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP)
- Bố trí người làm đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện cung cấp thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin.
- Tiếp nhận, xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện cung cấp thông tin cho công dân theo yêu cầu.
- Giải thích, hướng dẫn, thông báo cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo đúng trình tự, thủ tục; hướng dẫn, hỗ trợ người yêu cầu xác định rõ hồ sơ, tài liệu, tên văn bản có chứa thông tin cần tìm kiếm để điền đầy đủ, chính xác vào Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.
- Tiếp nhận, trả lời hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan trả lời phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân về việc cung cấp thông tin của cơ quan mình theo quy định của pháp luật có liên quan; kiến nghị, đề xuất với người đứng đầu cơ quan về các vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin cho công dân.
- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của công dân; tổng hợp tình hình, kết quả công tác cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan; báo cáo định kỳ và đột xuất tới người đứng đầu cơ quan cung cấp thông tin.
- Bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người không biết chữ, người khuyết tật, người gặp khó khăn khác trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin; trường hợp người yêu cầu không thể viết Phiếu yêu cầu thì giúp điền Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.
5. Về trình tự, thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin:
Tùy từng trường hợp cụ thể mà tuân thủ trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, cụ thể:
Trường hợp cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì có thể cung cấp ngay; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn tìm kiếm thì tối đa không quá 10 ngày làm việc. Người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sau chép, chụp tài liệu.
Trường hợp cung cấp thông tin qua mạng điện tử: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 03 ngày làm việc; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc. Việc cung cấp thông tin qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức: gửi tập tin đính kèm thư điện tử; cung cấp mã truy cập một lần; chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải thông tin.
Trường hợp cung cấp thông tin thông qua dịch vụ bưu chính, fax: đối với thông tin đơn giản, có sẵn thì chậm nhất là 05 ngày làm việc; đối với thông tin phức tạp, cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc phải có ý kiến của cơ quan khác thì chậm nhất là 15 ngày làm việc; trường hợp cần gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày làm việc.
Luật Tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Luật Tiếp cận thông tin còn góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường, nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước, góp phần đưa chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào cuộc sống.
6. Ý nghĩa, mục đích của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin ở nước ta?
Luật tiếp cận thông tin tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm một người dân bình thường có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình, bao gồm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền.
Việc ban hành Luật này là nhằm cụ thể hóa Điều 25 Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo khuôn khổ pháp lý để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình. Việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền, tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định, như: quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Đồng thời, sự ra đời của Luật tiếp cận thông tin còn là công cụ giúp phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.