1. Tìm hiểu đôi nét về Phriđơrich Ăngghen:

Phriđơrich Ăngghen sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820, ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ trong một gia đình chủ xưởng dệt. Cha ông là người rất sùng đạo, song trong công việc là người có nghị lực, tháo vát, về chính kiến là người bảo thủ. Mẹ Ăngghen xuất thân từ môi trường trí thức, một phụ nữ nhạy cảm, đôn hậu, hoạt bát, đặc biệt thích hài hước và yêu văn học nghệ thuật.

Năm 1837, theo yêu cầu của bố, Ăngghen buộc phải rời khỏi trường trung học khi chưa tốt nghiệp để bắt đầu công việc buôn bán ở văn phòng của bố. Công việc kinh doanh không mấy hấp dẫn Ăngghen song Ăngghen có thể sử dụng được nhiều thời giờ rỗi vào việc tự học và nghiên cứu trong các lĩnh vực sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca những môn rất hấp dẫn đối với Ăngghen. Tháng 6 năm 1838, theo yêu cầu của bố, Ăngghen đến làm việc tại văn phòng thương mại lớn của một thương nhân ở thành phố cảng Barmen.

Tháng 9 năm 1841, Ăngghen đến Berlin và gia nhập binh đoàn pháo binh. Ở đây, Ăngghen được huấn luyện quân sự mà kiến thức thu lượm được trong những năm sau, ông rất cần đến nó. Thời gian này ông vẫn lui tới trường Đại học Tổng hợp Berlin nghe các bài giảng triết học, tham gia hội thảo về lịch sử tôn giáo.

Mùa xuân năm 1842, Ăngghen bắt đầu cộng tác với tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh). Phái Hêghen trẻ tích cực tham gia tờ báo này, song từ tháng 10 – 1842, khi Các Mác lãnh đạo Ban biên tập thì tờ báo ngày càng mang tính chất dân chủ cách mạng triệt để. Trong những bài báo in năm 1842, trên tờ Rheinische Zeitung cùng với Mác, Ăngghen đã lên tiếng phản kháng chế độ kiểm duyệt của Chính phủ Vương quốc Phổ, trật tự phong kiến ở Đức.

Ngày 8 tháng 10 năm 1842, Ăngghen mãn hạn phục vụ trong quân đội. Từ Berlin ông trở về thành phố quê hương Barmen, một tháng sau, Ăngghen lên đường sang nước Anh thực tập buôn bán tại nhà máy kéo sợi bông thuộc công ty mà bố ông là đồng chủ nhân. Trên đường sang Anh, Ăngghen ghé thăm trụ sở tờ Rheinische Zeitung ở Koln (Kioln) và lần đầu tiên, Ăngghen có cuộc gặp gỡ với Các Mác, Tổng Biên tập tờ báo. Sang nước Anh, Ăngghen lưu lại hai năm. Thời gian đó là trường học tuyệt vời giúp Ăngghen trở thành nhà xã hội chủ nghĩa.

Tháng 11 năm 1850, Ăngghen buộc phải chuyển đến Manchester (Anh) và lại bắt đầu làm việc ở Văn phòng thương mại. Ăngghen đặc biệt chú ý nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, môn quân sự, chính sách quốc tế. Cùng với Các Mác, Ăngghen tham gia lãnh đạo Quốc tế I. Tháng 9 năm 1870, Ăngghen quay trở lại Lơnđơn và được đưa vào Tổng Hội đồng của Quốc tế I. Ở đó, Ăngghen kiên trì đấu tranh chống lại quan điểm cơ hội của Phái Bakunin, Proudhon, Lassalle. Năm 1872, Ăngghen tham gia vào việc tổ chức chiến dịch bảo vệ Công xã Paris. Trong thời gian này, Ăngghen viêt một số tác phẩm có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn Chống Đuyrinh (1878) góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa Mác. Sau khi Các Mác qua đời (1883), Ăngghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, hoàn thiện bản thảo và chuẩn bị cho in tập II và III của bộ Tư bản mà Mác chưa kịp hoàn thành.

 

2. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm:

Năm 1877, L. H. Moócgan, đại biểu của phái duy vật tự phát người Mỹ, đã hoàn thành tác phẩm Xã hội cổ đại hay các cuộc khảo cứu những con đường tiến bộ của loài người từ thời đại mông muội qua thời đại dã man đến thời đại văn minh (hay “Xã hội cổ đại”), làm rõ nhiều vấn đề lịch sử trước khi loài người bước vào thời đại văn minh - chế độ chiếm hữu nô lệ. Năm 1884, một năm sau khi Mác mất, Ăngghen tìm thấy bản thảo viết tay tóm tắt tác phẩm Xã hội cổ đại của L.H.Moóc-gan của Mác viết từ những năm 1880, 1881 và biết Mác có ý định viết một tác phẩm xung quanh vấn đề này nhưng chưa kịp.

Tiếp tục ý định của Mác, theo Ăngghen có thể xem như là sự thực hiện một di chúc do Mác để lại, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5-1884 Ăngghen đã viết tác phẩm Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước. Khi viết tác phẩm này, Ăngghen sử dụng những nhận xét và phê phán của Mác về tác phẩmXã hội cổ đại của L. H. Moócgan, đưa những tư liệu từ các nghiên cứu trước đó của mình về lịch sử Hy Lạp, La Mã, Airơlen và người Giécmanh thời cổ v.v., kế thừa và phê phán nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, Pháp, Đức, Bắc Mỹ và Nga nhằm chứng minh sự đúng đắn của những quan niệm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác.

 

3. Những nội dung chủ yếu của tác phẩm:

3.1. Luận giải về nguồn gốc và bản chất của nhà nước:

Những tiền đề kinh tế và xã hội của sự xuất hiện nhà nước, theo Ăngghen, là sự ra đời của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và xã hội phân chia thành giai cấp. Nhà nước là sản phẩm của xã hội đã phân chia giai cấp, là kết quả của những mâu thuẫn giữa các giai cấp không thể điều hoà được, là sản phẩm của sự phát triển xã hội. Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ chưa cần có một quyền lực công cộng tách khỏi nhân dân và đứng đối lập với nhân dân, thích ứng với tình trạng kinh tế thấp kém là tình trạng chưa phân hoá giai cấp, là những thị tộc, bộ lạc và đứng đầu các tổ chức này là các tộc trưởng do nhân dân bầu ra. Quyền lực của những tộc trưởng này dựa vào sức mạnh đạo đức và uy tín, quyền hành và chức năng của cơ quan quản lý xã hội chưa mang tính chính trị. Các thủ lĩnh, trong đó có thủ lĩnh quân sự, do nhân dân bầu ra không phải là người cai trị, họ chỉ thực hiện ý chí của nhân dân và không có đặc quyền, đặc lợi.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội đã đưa lại năng suất lao động ngày một cao và xuất hiện của cải dư thừa. Đây là điều kiện khách quan làm xuất hiện sự chiếm đoạt của cải ở một số người có quyền lực và sự phân hoá xã hội thành những giai cấp đối kháng. Sau lần phân công lao động xã hội thứ ba, đã có sự tích tụ của cải về một số ít người và sự bần cùng hoá một số đông người. Sự ra đời của chế độ tư hữu và phân chia xã hội thành giai cấp như vậy đã làm cho chế độ cộng sản nguyên thuỷ tan rã. Nhà nước chỉ là công cụ chuyên chính của một giai cấp, không có và không thể có nhà nước đứng trên giai cấp và nhà nước của mọi giai cấp. Đối với đông đảo người sống trên một lãnh thổ rất rộng lớn, thì nhà nước là mối liên hệ chủ yếu nhất liên kết họ lại với nhau, nhưng nhà nước ngày càng trở thành kẻ áp bức và bóc lột đối với họ. Nhà nước ra đời không những không thủ tiêu bóc lột mà còn biến bóc lột thành một chế độ.

 

3.2. Luận giải về những đặc trưng cơ bản của nhà nước :

Theo Ăngghen, Nhà nước nào cũng có những đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nhà nước là cơ quan phân chia và quản lý dân cư theo địa vực. Địa vực thì ổn định còn dân cư thì ngày càng di động, nên người ta phải lấy sự phân chia địa vực cư trú làm nơi cho dân chúng thực hiện những quyền và nghĩa vụ của mình, không kể họ thuộc về thị tộc hay bộ lạc nào. Cách tổ chức dân cư theo địa vực cư trú ngày càng được thừa nhận trong tất cả các quốc gia và làm nên sự khác biệt giữa nhà nước với thị tộc, bộ lạc trước đây.

Thứ hai, nhà nước là một cơ quan quyền lực có tính chuyên nghiệp và cưỡng chế đối với mọi thành viên trong xã hội, quyền lực này không còn ăn khớp với dân cư tự tổ chức thành lực lượng vũ trang nữa. Trước đây những người đứng đầu thị tộc, bộ lạc quản lý xã hội bằng đạo đức và uy tín, còn giờ đây những người đại diện cho nhà nước thực hiện quyền lực bằng sự cưỡng bức của pháp luật.

Thứ ba, để duy trì nhà nước cần phải có những sự đóng góp của cư dân là thuế. Thuế là các khoản bắt buộc phải nộp cho nhà nước, là nguồn thu chính để nuôi sống bộ máy nhà nước. Việc thu thuế dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước với sự hậu thuẫn của các cơ quan và phương tiện cưỡng chế.

3.3 Luận giải về chức năng của nhà nước:

Theo Ăngghen, nhà nước có hai chức năng là chức năng thống trị của giai cấp và chức năng xã hội. Chức năng thống trị của giai cấp nói lên rằng bất cứ nhà nước nào cũng là công cụ chuyên chính của một giai cấp, sẵn sàng sử dụng mọi công cụ, biện pháp có thể để bảo vệ sự thống trị của giai cấp đó. Chức năng xã hội của nhà nước nói lên rằng bất cứ nhà nước nào cũng phải thực hiện việc quản lý những hoạt động chung vì sự tồn tại của xã hội. Hai chức năng này có mối quan hệ qua lại với nhau, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị và sự thống trị chính trị còn kéo dài chừng nào nhà nước còn thực hiện chức năng xã hội của nó.

Đồng thời, nhà nước với tư cách là đại biểu cho chủ quyền của một quốc gia còn thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại. Chức năng đối nội của nhà nước là duy trì trật tự xã hội theo lợi ích của giai cấp cầm quyền. Nhà nước xây dựng và thực thi các chính sách, sử dụng quân đội, cảnh sát, bộ máy tuyên truyền và các công cụ khác nhằm duy trì và phát triển xã hội theo những nguyên tắc và chuẩn mực nhất định. Nhà nước thực hiện chức năng đối nội là chủ yếu, vì nó ra đời và tồn tại trước hết trên phạm vi quốc gia - dân tộc. Chức năng đối ngoại của nhà nước là bảo vệ lãnh thổ quốc gia, trong một số trường hợp là mở mang lãnh thổ quốc gia và quan hệ với các nước khác vì lợi ích của giai cấp thống trị cũng như lợi ích quốc gia. Chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước đều xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị.

 

3.4. Luận giải về vấn đề nhà nước tiêu vong :

Theo Ăngghen, nhà nước tiêu vong cũng là một tất yếu như sự xuất hiện của nó trong điều kiện xã hội nhất định. Nhà nước không tồn tại, cũng như từ xa xưa xã hội đã có thời kỳ không cần đến nhà nước, thậm chí không có một khái niệm nào về nhà nước. Đến một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội, giai đoạn đương nhiên phải gắn liền với sự phát triển của kinh tế và phân chia xã hội thành giai cấp thì sự xuất hiện của nhà nước trở thành một tất yếu. Nhưng sẽ đến thời kỳ sự tồn tại của những giai cấp nói trên không còn là một tất yếu nữa, hơn nữa sự tồn tại của các giai cấp còn là trở ngại trực tiếp cho sản xuất. Khi giai cấp không còn thì nhà nước cũng không tránh khỏi tiêu vong. Giai cấp vô sản giành lấy nhà nước và biến những tư liệu sản xuất thành sở hữu của xã hội, từng bước tự xoá bỏ mình với tư cách một giai cấp, xoá bỏ sự khác biệt giai cấp và mọi sự đối lập giai cấp, đồng thời xoá bỏ cả nhà nước. Khi nhà nước đã trở thành đại diện của toàn thể xã hội, không còn giai cấp nào bị áp bức nữa, không còn đấu tranh sinh tồn cá nhân nữa, vai trò của nhà nước sẽ mất dần đi. Nhà nước sẽ đi đến chỗ tự tiêu vong cũng là một tất yếu khách quan khi nó đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình, khi chủ nghĩa cộng sản văn minh được hoàn thành.

Nhìn chung tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước đã vấp phải một số sự chỉ trích (đặc biệt là từ các nhà nữ quyền phương Tây) về những thiếu sót và một vài điểm không chính xác của nó. Mặc dù có một vài điểm thiếu sót nêu trên, tuy nhiên, những luận điểm của Mác và Ăngghen về gia đình và vấn đề giải phóng phụ nữ trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước vẫn có những ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới tư tưởng của các học giả theo thuyết nữ quyền macxit (Smith, 1997). Tác phẩm này đã cất lên “một lời phê phán rất đáng chú ý nhằm vào kiểu hình gia đình hạt nhân thời Victoria và vẫn tiếp tục vang lên như là một lời chỉ trích đầy dũng cảm nhắm tới sự bất bình đẳng về giới giữa nam và nữ” (Chambers, 2012: 19). Điểm đặc biệt của cuốn sách này được thể hiện ở việc Ăngghen đã tập trung nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc đưa phụ nữ tham gia vào quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất.

Trên đây là bài viết của công ty Luật Minh Khuê về tìm hiểu tác phẩm nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và nhà nước. Nếu còn vấn đề vướng mắc nào khác liên quan đến pháp lý thì khách hàng có thể liên hệ đến 1900.6162 để được hỗ trợ. Trân trọng.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & tổng hợp)