1. Khái niệm quyền sở hữu

Căn cứ theo Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có quy định đó là quyền sở hữu sẽ bao gồm nội dung về quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cũng như quyền định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu theo đúng theo quy định của pháp luật. Theo định nghĩa này thì có thể thấy rằng quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng cơ bản đó là quyền sử dụng, quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.

Theo quan điểm kinh tế học, sở hữu được coi là việc chiếm giữ những của cải vật chất của con người trong đời sống xã hội. Theo quan điểm này, sở hữu là một phạm trù kinh tế mang yếu tố khách quan, xuất hiện cùng với sự tồn tại của xã hội loài người.

Quá trình tồn tại của xã hội loài người luôn gắn liền với sự phân hóa tài sản trong việc chiếm giữ những của cải vật chất. Cùng với đó là sự phân chia giai cấp, và những người có quyền thế trong xã hội thấy rằng, chỉ điều hành xã hội bằng phong tục tập quán sẽ không có lợi cho mình nên cần phải có một bộ máy bạo lực với pháp luật là công cụ để bảo vệ sự chiếm hữu của cải vật chất cho mình và cho giai cấp mình.

Trên cơ sở kinh tế để bảo đảm cho sự thống trị về chính trị và tư tưởng chính là các quan hệ sở hữu có lợi cho giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị phải dùng tới một bộ phận của pháp luật về sở hữu để thể hiện ý chí của giai cấp mình. Là một hình thái của thượng tầng kiến trúc, pháp luật về sở hữu ghi nhận và củng cố địa vị, ghi nhận lợi ích của giai cấp thống trị đối với việc đoạt giữ các của cải vật chất trước các giai cấp khác trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông. Do đó, trong bất kỳ nhà nước nào, luật pháp về sở hữu cũng được sử dụng với ý nghĩa là một công cụ có hiệu quả của giai cấp nắm chính quyền để bảo vệ cơ sở kinh tế của giai cấp đó.

Trong khoa học pháp lý, quyền sở hữu được hiểu là một phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật về sở hữu nhằm điều chỉnh các quan hệ sở hữu trong đời sống xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu là cơ sở để xác nhận, quy định và bảo vệ các quyền lợi của chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Quyền sở hữu với tư cách là một chế định của pháp luật dân sự, một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc, quyền sở hữu chỉ xuất hiện khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp và có Nhà nước. Pháp luật về sở hữu chính là sản phẩm của xã hội có giai cấp nhằm bảo vệ lợi ích trước hết là của giai cấp thống trị, giai cấp nắm quyền lãnh đạo trong xã hội. Pháp luật về sở hữu dù được ghi nhận và quy định dưới bất kỳ góc độ nào cũng luôn mang tính giai cấp và phản ánh những phương thức chiếm giữ của cải vật chất trong xã hội. “Vì vậy, pháp luật về sở hữu bao giờ cũng nhằm mục đích:

- Xác nhận và bảo vệ bằng pháp luật việc chiếm giữ những tư liệu sản xuất chủ yếu của giai cấp thống trị.

- Bảo vệ những quan hệ sở hữu phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị.

Tạo Điều kiện pháp lý cần thiết bảo đảm cho giai cấp thống trị khai thác được nhiều nhất những tư liệu sản xuất đang chiếm hữu để phục vụ cho sự thống trị; đồng thời xác định mức độ xử sự và các ranh giới hạn chế cho các chủ sở hữu trong phạm vi các quyền năng: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.

Với cách hiểu này, khái niệm quyền sở hữu có thể hiểu theo hai nghĩa sau:

- Theo nghĩa khách quan (còn được gọi là nghĩa rộng), quyền sở hữu là luật pháp về sở hữu trong một hệ thống pháp luật nhất định. Do đó, quyền sở hữu là tổng hợp một hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, những của cải vật chất trong đời sống xã hội.

- Theo nghĩa chủ quan (còn được gọi là nghĩa hẹp), quyền sở hữu là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép một chủ thể được thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trong những điều kiện nhất định.Với cách hiểu này thì quyền sở hữu chính là những quyền năng dân sự chủ quan của từng loại chủ sở hữu nhất định đối với một tài sản cụ thể, được quy định trong các quy phạm pháp luật về sở hữu cụ thể.

Trên phương diện khoa học luật dân sự, quyền sở hữu được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự – quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu. Bởi, bản thân nó chính là hệ quả của sự tác động của một bộ phận pháp luật vào các quan hệ xã hội (các quan hệ sở hữu). Theo cách hiểu này, quyền sở hữu bao gồm đầy đủ ba yếu tố của quan hệ pháp luật dân sự: chủ thể, khách thể và nội dung như một quan hệ pháp luật dân sự bất kỳ.

Từ những phân tích ở trên ta thấy, khái niệm quyền sở hữu sử dụng trong luật dân sự được hiểu theo ba phương diện khác nhau: khoa học pháp lý, chế định luật dân sự và khoa học luật dân sự. Chỉ khi nào hiểu quyền sở hữu trên cả ba tư cách này thì mới có thể hiểu hết nghĩa của khái niệm quyền sở hữu.

 

2. Khái niệm sở hữu tư nhân

Sở hữu tư nhân là một hình thức sở hữu trong đó cá nhân Sở hữu đối với tài sản hợp pháp của mình.

Sở hữu tư nhân bao gồm sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ và sở hữu tư bản tư nhân.

Sở hữu cá thể: Sở hữu đối với các tư liệu sản xuất, trong đó chủ sở hữu cùng thân nhân của họ trực tiếp tác động lên tư liệu sản xuất trong quả trình sản xuất.

Sở hữu tiểu chủ: Sở hữu đối với các tư liệu sản xuất trong đó có sử dụng lao động làm thuê với số lượng nhỏ hoặc theo thời vụ.

Sở hữu tư bản tư nhân: Sở hữu đối với tư liệu sản xuất trong đó phần lớn sử dụng nhân công lao động làm thuê.

Sở hữu tư nhân là hình thức sở hữu của từng cá nhân về tư liệu sinh hoạt, tiêu dùng và những tư liệu sản xuất nhằm đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của cá nhân. Quyền sở hữu của cá nhân đối với tài sản được phát sinh dựa trên những căn cứ pháp lý do pháp luật quy định. Pháp luật không hạn chế về căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu tư nhân, không hạn chế về số lượng và giá trị của tài sản thuộc sở hữu tư nhân.

Điều 211 “Bộ luật dân sự 2015” quy định rõ: Sở hữu tư nhân là sở hữu của cá nhân đối với tài sản hợp pháp của mình. Sở hữu tư nhân bao gồm sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân”.

Như vậy, mặc dù là sở hữu cá nhân đối với tài sản nhưng dựa trên tính chất về vốn, cách thức tổ chức sản xuất và sử dụng lao động mà sở hữu tư nhân chia thành sở hữu cá thể (phần vốn còn ít, tổ chức sản xuất theo kiểu tự cung, tự cấp); sở hữu tiểu chủ (cá nhân đã bắt đầu biết cách tổ chức sản xuất, sản xuất sản phẩm phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của xã hội, đã biết thuê nhân công lao động…); sở hữu tư bản tư nhân (vốn lớn, tổ chức sản xuất ở trình độ cao…).

 

3. Chủ thể của sở hữu tư nhân

Chủ thể của sở hữu tư nhân là từng cá nhân. Nếu một tài sản hoặc một tập hợp tài sản thuộc quyền sở hữu của hai hay nhiều người thì chủ sở hữu là từng người trong số họ; họ được gọi là đồng chủ sở hữu. Bất cứ cá nhân nào, không phân biệt các mức độ năng lực hành vi dân sự đều có thể là chủ thể của sở hữu tư nhân, miễn là những người này có tài sản dựa trên các căn cứ pháp lý do pháp luật quy định.

Tuy nhiên, để thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu thì không phải cá nhân nào cũng thực hiện được mà điều đó còn phụ thuộc vào khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của cá nhân… liên quan đến các mức độ năng lực hành vi dân sự. Trong một số trường hợp, nếu cá nhân không trực tiếp thực hiện được các quyền năng của quyền sở hữu thì việc thực hiện các quyền năng này phải thông qua hành vi của người đại diện.

 

4. Khách thể của sở hữu tư nhân

Khách thể của sở hữu tư nhân là những tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân công dân. Tài sản đó có thể là những tư liệu sản xuất hoặc tư liệu tiêu dùng.

Tài sản thuộc sở hữu tư nhân được pháp luật quy định rất đa dạng về căn cứ phát sinh, không giới hạn về số lượng, giá trị tài sản. Theo quy định của pháp luật thì:

“Tài sản hợp pháp thuộc hình thức sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị”, sự hạn chế đó chỉ trong trường hợp: “Cá nhân không được sở hữu đối với tài sản mà pháp luật quy định không thể thuộc hình thức sở hữu tư nhân”.

Tài sản thuộc sở hữu tư nhân bao gồm:

– Các thu nhập hợp pháp: Tòa bộ các thu nhập có được từ hoạt động lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp đều được coi là thu nhập hợp pháp của cá nhân. Ngoài ra, thu nhập hợp pháp còn được hiểu là những khoản thu nhập có được từ việc được tặng cho tài sản, thừa kế tài sản… Thu nhập chỉ được coi là hợp pháp khi cá nhân thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước và với các cá nhân, tổ chức khác.

– Của cải để dành: Thu nhập hợp pháp của cá nhân được dùng để chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết của cá nhân, tuy vậy cá nhân vẫn có thể không chỉ dùng hết mà còn để dành dưới dạng tích trữ, gửi ngân hàng, cho các tổ chức cá nhân khác vay…;

– Nhà ở: Nhà ở phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân, pháp luật bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của cá nhân. Cá nhân có quyền sở hữu đối với nhà ở khi nhà ở được xác lập từ nhiều căn cứ khác nhau (xây nhà ở, mua nhà ở, được tặng cho, thừa kế nhà ở…);

– Tư liệu sinh hoạt: Toàn bộ các tư liệu sinh hoạt phục vụ nhu cầu hàng ngày như ô tô, xe máy, giường tủ…;

– Tư liệu sản xuất: Các tư liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất như nhà xưởng, máy móc, gia súc cày kéo…;

– Vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác của cá nhân là tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân.

 

5. Nội dung của sở hữu tư nhân

Nội dung quyền sở hữu của cá nhân công dân được thể hiện ở việc làm chủ, chi phối tài sản thông qua các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản (Điều 213 BLDS).

Cá nhân là chủ thể của sở hữu tư nhân có quyền thực hiện các quyền năng trong nội dung của quyền sở hữu tư nhân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhà nước luôn khuyến khích việc thực hiện các hành vi của cá nhân để thực hiện các nội dung của quyền sở hữu với mục đích giải phóng sức sản xuất, đem lại năng suất, hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nguyên tắc chung của việc thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu tư nhân là: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác…”.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)