Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Em gái tôi được giao nhiệm vụ thủ quỹ từ năm 2016. Đến năm 2017 em tôi bị trầm cảm có sổ khám và đơn thuốc tại viện sức khoẻ tâm thần Bạch Mai. Đến năm 2019 đồng chí kế toán có biết em tôi bị trầm cảm nhưng vẫn để em tôi tiếp tục làm thủ quỹ. Đến năm 2020 em tôi không làm thủ quỹ nữa thì khi kiểm kê quỹ thiếu tiền mặt trong quỹ. Tôi muốn hỏi em tôi liệu sẽ bị buộc tội tham ô hay tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản và em bị trầm cảm như vậy có bị kết án hay không

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật hình sự 2015);

NỘI DUNG TƯ VẤN

Đề làm rõ vướng mắc của chị trong trường hợp này. Tôi sẽ đi phân tích hai tội: Tội tham ô và tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại về tài sản. Vì thông tin chi cung cấp khá hạn chế. Nên dựa trên sự phân tích của tôi, chị có thể tham khảo và xem xét rõ hơn các hành vi vủa em gái chị. Sau cùng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về năng lực trách nhiệm hình sự của em gái chị. Vì điều này rất quan trọng, nó sẽ quyết định đến việc em gái chị có đủ năng lực để chịu trách nhiệm hình sự với những hành vi mà mình đã gây ra hay không?

Vấn đề 1: Tội tham ô tài sản hay Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

1. Tội tham ô tài sản

Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, cần phải xem xét, đánh giá các dấu hiệu sau: Chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm. Tuy nhiên, tôi sẽ không phân tích từng nội dung. Mà để cho quý khách dễ hiểu, tôi sẽ phân tích sâu dấu hiệu quan trọng nhất của tội tham ô để quý khách dễ hình dung.

Chủ thể” của Tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 12, Điều 21 BLHS năm 2015). Đối với Tội tham ô tài sản các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội. Sự khác nhau giữa Tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cũng chính là sự khác nhau về các dấu hiệu chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của Tội tham ô tài sản phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: Độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các điều 12, 21 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với Tội tham ô tài sản, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

- Người phạm Tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt. Ngoài những cán bộ, công chức ra, chủ thể của Tội tham ô tài sản còn có cả những người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, những người này tuy không phải là cán bộ, công chức, họ chỉ được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hợp đồng làm một công việc nhất định thường xuyên hay theo thời vụ hoặc trong một thời gian nhất định có liên quan đến việc quản lý tài sản và họ có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.

- Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của Tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

- Người có trách nhiệm đối với tài sản là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như: Thủ quỹ, thủ kho, kế toán, người được giao vận chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị mình...

Theo thông tin chị cung cấp, em gái chị là thủ quỹ. Do vậy, xét về mặt chủ thể em gái chị là người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản. Em gái chị chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi: Lợi dụng chức vụ của mình là thủ quỹ, được giao nhiệm vụ quản lý tiền của đơn vị, nên em gái chị đã đã cố ý chiếm đoạt luôn số tiền đó. Do vậy, nếu tại thời điểm thực hiện hành vi này, em gái chị có đủ năng lực trách nhiệm hình sự (có nghĩa là thực hiện hành vi này khi không đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.)

Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

“Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

2. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao nên mới gây hậu quả, nếu làm trong trách nhiệm được giao thì không thể gây hậu quả. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này dù hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Do vậy, nếu em gái chị làm thủ quỹ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không hết trách nhiệm được giao. Dẫn đến những thiệt hại về tài sản cho đơn vị (tức là trường hợp này tiền mất không phải do em gái chị lấy) thì xét thêm những yếu tố khác như: mặt khách quan, mặt chủ quan thì em gái chị có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015.

“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Vấn đề 2: Năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định về năng lực trách nhiệm hình sự như sau: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ở nội dung phân tích tại mục 1, tôi phân tích các hành vi khách quan. Và đang mặc nhiên rằng em gái chị đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Như thông tin chị cung cấp, em gái chị bị trầm cảm. Tuy nhiên, đồng chí kế toàn biết nhưng vẫn để em gái chị làm. Những nội dung này, cần cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh rõ sự việc. Trường hợp thời điểm em gái chị làm kế toán, em gái chị đã bị trầm cảm, đặc biệt việc trầm cảm này khiến cho em gái chị không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình thì em gái chị không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với một vụ án hình sự, để xác định rõ được hành vi vi phạm cấu thành tội gì, cần có hồ sơ vụ án cụ thể thì mới có thể xem xét và phân tích kỹ. Do đó, những nội dung tôi phân tích trên đây chỉ mang tính khái quát. Trường hợp còn có những thông tin nào, chị có thể cung cấp thêm để làm rõ hơn sự việc.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về trách nhiệm hình sự”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH Minh Khuê