Mục lục bài viết
- 1. Cơ sở pháp lý:
- 2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là gì?
- 3. Cơ cấu tổ chức quản lý của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam
- 4. Thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam
- 5. Quy định về hoạt động của thành viên bù trừ
- 5.1. Thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh là gì?
- 5.2. Hoạt động của thành viên bù trừ
- 5.3. Đình chỉ hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của thành viên bù trừ
- 5.4. Hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ
- 5.5. Các hình thức xử lý vi phạm khác đối với thành viên bù trừ
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật chứng khoán năm 2019
- Nghị định số 158/2020/NĐ-CP
- Thông tư số 58/2021/TT-BTC
2. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là gì?
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3. Cơ cấu tổ chức quản lý của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
3. Quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát (Kiểm soát viên) thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam
Thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam bao gồm:
- Thành viên lưu ký là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên lưu ký;
- Thành viên bù trừ là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên bù trừ.
5. Quy định về hoạt động của thành viên bù trừ
5.1. Thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh là gì?
Thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh (sau đây gọi tắt là thành viên bù trừ) là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận trở thành thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh để thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
5.2. Hoạt động của thành viên bù trừ
Thành viên bù trừ phải ký hợp đồng bù trừ, thanh toán với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Thành viên bù trừ chung phải ký hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên không bù trừ (nếu có). Các hợp đồng phải có điều khoản nêu rõ thành viên bù trừ là đại diện theo ủy quyền của khách hàng môi giới và khách hàng bù trừ, thanh toán, đứng tên vị thế của các khách hàng này và chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của khách hàng đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Thành viên bù trừ phải có nghĩa vụ quản lý tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ tới từng khách hàng; xây dựng hệ thống sổ theo dõi và tổng hợp đầy đủ thông tin về vị thế, lãi lỗ vị thế hàng ngày, giá trị ký quỹ ban đầu, giá trị ký quỹ yêu cầu, giá trị và danh mục tài sản ký quỹ theo từng tài khoản của nhà đầu tư.
Thành viên bù trừ có quyền quy định giá trị ký quỹ ban đầu, giá trị ký quỹ yêu cầu, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền đối với nhà đầu tư nhưng không được thấp hơn các giá trị tương ứng theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Thông tin về tài sản được chấp nhận ký quỹ, phương thức và thời gian nộp ký quỹ phải được thành viên bù trừ công bố chi tiết trên trang thông tin điện tử của thành viên bù trừ đó.
5.3. Đình chỉ hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của thành viên bù trừ
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ra quyết định đình chỉ đối với hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của thành viên bù trừ trong các trường hợp sau:
(i) Thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán với nghĩa vụ thanh toán thiếu hụt vượt quá tổng số dư tài sản ký quỹ có thể sử dụng tại thời điểm xác định mất khả năng thanh toán và số dư tài sản đóng góp Quỹ bù trừ của chính thành viên bù trừ đó;
(ii) Thành viên bù trừ không đóng góp đủ vào Quỹ bù trừ theo yêu cầu trong vòng 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp theo thông báo của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
(iii) Thành viên bù trừ không hoàn trả đủ tiền hỗ trợ thanh toán từ Quỹ bù trừ, Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ và nguồn vốn của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày sử dụng;
(iv) Thành viên bù trừ không chuyển đủ khoản tiền bồi thường theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Thông tư này trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp theo thông báo của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
(v) Thành viên bù trừ không thực hiện giảm số lượng vị thế vượt quá giới hạn vị thế trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo vi phạm của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
(vi) Thành viên bù trừ không thực hiện nộp tài sản ký quỹ trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
(vii) Thành viên bù trừ có từ 02 lần trở lên trong 01 tháng hoặc trong 02 tháng liên tiếp bị Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam ra quyết định khiển trách;
(viii) Thành viên bù trừ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh;
(ix) Các trường hợp khác theo Quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
(x) Các trường hợp khác do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Thời gian đình chỉ đối với các trường hợp trên như sau:
- Đối với trường hợp từ (i) đến (vii) thời gian đình chỉ tối đa 90 ngày;
- Đối với trường hợp (viii) thời gian đình chỉ là thời gian Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ đối với hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh;
- Đối với trường hợp (ix) và (x) thời gian đình chỉ thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của thành viên bù trừ thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
5.4. Hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ trong trường hợp sau:
- Thành viên bù trừ tự nguyện xin hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ và được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp thuận;
- Thành viên bù trừ bị hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ bắt buộc.
Thành viên bù trừ bị hủy bỏ tư cách thành viên bắt buộc bao gồm các trường hợp sau:
- Hết thời hạn đình chỉ hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư 58 mà thành viên bù trừ không khắc phục được vi phạm theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Chấm dứt tự nguyện hoặc bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấm dứt bắt buộc hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định;
- Bị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ra quyết định hủy bỏ tư cách thành viên giao dịch hoặc thành viên giao dịch đặc biệt;
- Các trường hợp khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Các trường hợp khác do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Việc hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ chỉ được thực hiện sau khi thành viên bù trừ đã hoàn tất việc chuyển khoản vị thế, ký quỹ để tất toán tài khoản khách hàng, thanh lý vị thế và hoàn tất nghĩa vụ thanh toán trên tài khoản tự doanh (nếu có) và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ được thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
5.5. Các hình thức xử lý vi phạm khác đối với thành viên bù trừ
Ngoài các hình thức xử lý vi phạm là đình chỉ hoạt động và hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được áp dụng các hình thức xử lý vi phạm sau đây đối với thành viên bù trừ:
- Nhắc nhở;
- Khiển trách.
Các hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm của thành viên bù trừ trên thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "hoạt động của thành viên bù trừ của Tông công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê