>> Luật sư tư vấn pháp luật thuế trực tuyến, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và đưa ra nội dung tư vấn như sau:

 

1. Người lao động có phải đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân hay không?

Tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì mã số thuế được hiểu là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế. Các cá nhân có thu nhập thường xuyên sẽ được cơ quan thuế cấp cho một mã số duy nhất để kê khai các khoản thu nhập. Mã số này chính là mã số thuế thu nhập cá nhân. Vậy mã số thuế cá nhân được sử dụng như nào:

- Mã số thuế cá nhân giúp cơ quan thuế nhận biết, xác định các cá nhân nộp thuế. Do đó các cá nhân khác nhau sẽ có mã số thuế khác nhau.

- Đối với người có thu nhập, mã số thuế cá nhân chính là cách để họ thể hiện sự có trách nhiệm của mình với nhà nước và quốc gia nơi họ sinh sống. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân thông qua việc sở hữu mã số thuế cá nhân sẽ giúp họ cảm thấy sống thực sự có ý nghĩa với cộng đồng

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế như sau: Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Các đối tượng đăng ký thuế bao gồm:

- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019 thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các tổ chức, cá nhân này được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 105/2020/TT-BTC. Trong đó có bao gồm cả cá nhân là người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trừ cá nhân kinh doanh).

Bên cạnh đó, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi bổ sung năm 2014, trừ các thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này. Theo đó, tại khoản 2 Điều 3 Luật này thì thu nhập từ tiền lương, tiền công là một trong những loại thu nhập bị chịu thuế thu nhập cá nhân, cụ thể:

- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công chính là cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, người lao động có trách nhiệm đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thuế theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, doanh nghiệp hay còn gọi là người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm đăng ký thuế đối với người lao động. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về trách nhiệm đăng ký thuế của doanh nghiệp đối với người lao động như sau:

- Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế trong trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế;

- Đăng ký thuế thay cho người phụ thuộc của người nộp thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật trong trường hợp người phụ thuộc chưa có mã số thuế.

 

2. Tại sao tra cứu mã số thuế thu nhập cá nhân lại không tồn tại trên hệ thông?

Từ những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy thông tin mà bạn nêu chưa rõ ràng. Trường hợp bạn thực hiện các thao tác tra mã số thuế thu nhập cá nhân bằng cách dùng số chứng minh nhân dân trong bản photo của người lao động cung cấp để tra cứu mã số thuế thu nhập cá nhân nhưng không được, thì bạn cần phải kiểm tra lại các thông tin cá nhân đã nhập chính xác hay chưa và bạn cũng nên kiểm tra lại số Chứng minh nhân dân đó có còn hiệu lực pháp lý hay không bởi nếu các giấy tờ pháp lý không hợp lệ thì hồ sơ đăng ký trước đó sẽ bị hủy. Bên cạnh đó, bạn cũng không nêu rõ xem người lao động đó hoặc doanh nghiệp đã đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân hay chưa? Do đó, nếu bạn chắc chắn bạn đã điền đầy đủ và chính xác các thông tin nhưng vẫn không tìm được kết quả thì chúng tôi xin chia vấn đề của bạn thành 02 trường hợp sau đây:

 

2.1. Trường hợp người lao động chưa đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân

Mã số thuế thu nhập cá nhân không được tự động cấp mà phải được đăng ký thông qua một số cách khác nhau. Nếu khi bạn kiểm tra thông tin dựa vào chứng minh nhân dân (hay còn gọi là chứng minh thư) của người lao động mà nhận thấy hiển thị số chứng minh nhân dân không tồn tại chứng tỏ trong kho thông tin của đơn vị thuế chưa có thông tin của số chứng minh đó. 

Tức là, nếu người lao động đó chưa từng đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân thì chắc chắn sẽ không thể tìm được kết quả của mã số thuế của người đó trên các trang web của cơ quan thuế. Do vậy, người lao động hoặc người sử dụng lao động tiến hành thủ tục đăng ký mã số thuế cá nhân cho người lao động theo thủ tục được quy định theo pháp luật, cụ thể tại điểm a khoản 9 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC:

Hồ sơ đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân

Hồ sơ đăng ký thuế của cá nhân: Văn bản ủy quyền và một trong các giấy tờ của cá nhân gồm:

- Giấy ủy quyền đăng ký mã số thuế cá nhân;

- Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam;hoặc là Bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

Các bước đăng ký mã số thuế cá nhân thông qua nơi chi trả thu nhập

Quy định này được áp dụng đối với người nộp thuế là cá nhân quy định tại điểm k, n khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC, là cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trừ cá nhân kinh doanh) và tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Bước 1: Cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân thông qua cơ quan chi trả thu nhập và có ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế thì người nộp thuế nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập.

Trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân tại nhiều cơ quan chi trả thu nhập trong cùng một kỳ nộp thuế, cá nhân chỉ ủy quyền đăng ký thuế tại một cơ quan chi trả thu nhập để được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

Cá nhân thông báo mã số thuế của mình với các cơ quan chi trả thu nhập khác để sử dụng vào việc kê khai, nộp thuế.

Bước 2: Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp thông tin đăng ký thuế của cá nhân vào tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

Bước 3: Nhận kết quả Sau khi xem xét hồ sơ đăng ký mã số thuế, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế. Người lao động nhận kết quả từ doanh nghiệp chi trả thu nhập.

Thời hạn đăng ký mã số thuế cá nhân

Ngoài ra, pháp luật cũng đưa ra quy định về thời hạn đăng ký thuế lần đầu tại Điều 33 Luật Quản lý thuế năm 2019 với trường hợp người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:

+ Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập;

+ Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

+ Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; tổ chức nộp thay cho cá nhân theo hợp đồng, văn bản hợp tác kinh doanh;

+ Ký hợp đồng nhận thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; ký hợp đồng, hiệp định dầu khí;

+ Phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân;

+ Phát sinh yêu cầu được hoàn thuế;

+ Phát sinh nghĩa vụ khác với ngân sách nhà nước. 

 

2.2. Trường hợp người lao động đã đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân

Nếu người lao động đã hoàn tất các thủ tục đăng ký mã số thuế thành công nhưng khi tiến hành tìm kiếm lại không cho ra kết quả thì bạn cần liên lạc với cơ quan thuế đã đăng ký trước đó để kiểm tra lại. Nếu cơ quan thuế các nhận không có vấn đề gì thì bạn và người lao động có thể chờ thêm từ 02 đến 03 ngày để đợi Tổng Cục thuế cập nhật hồ sơ trên trang web chính thức.

Bạn có thể tra cứu mã số thuế cá nhân thông qua một trong 03 phương thức dưới đây:

Cách 1: Tra mã số thuế cá nhân trên trang Dịch vụ Thuế điện tử theo website

(https://thuedientu.gdt.gov.vn/)

Cách 2: Tra mã số thuế cá nhân trên trang Tổng cục thuế theo website

(http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstcn.jsp)

Cách 3: Tra mã số thuế cá nhân trên trang web Mã số thuế theo website

(https://masothue.vn/)

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Khuê về vấn đề quý khách đang thắc mắc. Nếu vẫn còn vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.