1. Tội phạm được hiểu là gì?

Xin chào Luật sư, tôi có một thắc mắc muốn được giải đáp như sau: Có lần đi ăn nhậu cùng bạn bè, tôi có lỡ cầm nhầm điện thoại của bạn vì điện thoại của chúng tôi quá giống nhau. Sau đó tôi kiểm tra lại trong túi thấy 2 chiếc mới trả lại cho bạn một chiếc. Nhưng bạn tôi cứ bảo tôi là tội phạm. Vậy xin hỏi trong trường hợp này tôi có phải tội phạm không?

Trả lời:

Hiện nay, có rất nhiều cách hiểu về tội phạm. Điều 8 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 đã đưa ra định nghĩa về tội phạm như sau:

Điều 8. Khái niệm tội phạm

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Như vậy, trước hết cần hiểu rõ, tội phạm không phải là người, là một sự vật, sự việc mà là một hành vi, và hành vi này phải gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đều được pháp luật Việt Nam coi là tội phạm. Hiện nay, chỉ những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự mới được coi là tội phạm.

Dựa trên khái niệm trên, có thể thấy bạn không phải là tội phạm.

 

2. Trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm thuộc về ai?

Việc phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm là thực sự cần thiết. Nhưng ai là người phải gánh vác trách nhiệm này? Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định rõ vấn đề này như sau:

Điều 4. Trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm

1. Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.

2. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.

3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.

Chống tội phạm và phòng ngừa tội phạm là hai hoạt động khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Hai hoạt động này khác nhau về nội dung hoạt động, về đối tượng hướng tới, về chủ thể thực hiện, về phương tiện, phương pháp cũng như về nguyên tắc hoạt động chung. Tuy nhiên, hai hoạt động này có ảnh hưởng qua lại với nhau. Trong đó, chống tội phạm có thể được xem là một biện pháp phòng ngừa tội phạm đặc biệt.

Theo quy định trên, có thể thấy Bộ luật hình sự hiện hành đề cấp đến trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm là của toàn xã hội, và được tóm lược bằng ba nhóm đối tượng chính:

- Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác;

- Cơ quan, tổ chức khác;

- Mọi công dân (cá nhân).

 

2.1. Trách nhiệm của cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác

Trách nhiệm của các chủ thể này được quy định tương đối cụ thể ở khoản 1 Điều 4 Bộ luật hình sự, bao gồm:

- Thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

- Hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể khác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm;

- Giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.

Đây là nhóm các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự) và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự). Các cơ quan này có trách nhiệm (nghĩa vụ và quyền) thực hiện các hoạt động chống tội phạm (điều tra, truy tố và xét xử tội phạm). Để thực hiện trách nhiệm đấu tranh chống tội phạm đòi hỏi các cơ quan này phải “... thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình...'” theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Qua hoạt động chống tội phạm các cơ quan này có thể phát hiện các “kẽ hở” là nguyên nhân của tội phạm. Do vậy, điều luật yêu cầu các cơ quan chống tội phạm phải “... hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tố chức, cá nhân phòng ngừa (tội phạm)...”. Các cơ quan chống tội phạm đồng thời cũng là cơ quan phòng ngừa tội phạm nhưng quan trọng hơn các cơ quan này phải góp phần xây dựng ý thức và cách thức phòng ngừa tội phạm cho các cơ quan nhà nước khác cũng như cho các tổ chức và mọi cá nhân vì nguyên nhân của tội phạm và tội phạm không bị giới hạn ở một địa chỉ cụ thế nào.

Cùng với việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho các chủ thể khác trong việc phòng ngừa tội phạm, các cơ quan chống tội phạm cũng cần “... hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tố chức, cá nhân... đấu tranh chổng tội phạm, ...” qua việc phát hiện tội phạm hoặc hợp tác với các cơ quan chống tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Trách nhiệm khác của các cơ quan chổng tội phạm cũng không kém phần quan trọng để đảm bảo hiệu quả của xét xử là “... hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tô chức, cá nhân giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng”.

 

2.2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác

Đối với nhóm chủ thể này, trách nhiệm của họ hầu hết là giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, có ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức cần kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình.

Những nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm có thể được coi là “kẽ hở” trong quản lý và các “kẽ hở” này cần được các cơ quan, đơn vị ưu tiện và tập trung mọi cố gắn để xóa bỏ. Hầu hết các đơn vị hiện nay thường chỉ chú trọng vào công tác giáo dục. Chỉ khi các đơn vị kết hợp đồng thời hai hoạt động được điều luật xác định như được nêu trên thì các đơn vị mới hoàn thành được trách nhiệm phòng ngừa tội phạm.

Ngoài trách nhiệm phòng ngừa tội phạm, nhóm chủ thể thứ hai này còn có trách nhiệm tham gia chống tội phạm như được trình bày ở trên.

 

2.3. Trách nhiệm của công dân

Khoản 3 Điều 4 Bộ luật hình sư nêu rõ, trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm là trách nhiệm của mọi công dân.

Trách nhiệm phòng ngừa tội phạm của mỗi công dân thể hiện ở việc chủ động có các biện pháp ngăn ngừa tội phạm xảy ra đối với mình hoặc tránh vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm. Cùng với trách nhiệm này, mỗi công dân cũng có trách nhiệm tham gia chống tội phạm với tư cách là người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc với tư cách là người làm chứng (Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự).

Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần người dân còn e ngại trong việc tố giác, báo tin về tội phạm vì rất nhiều nguyên nhân, nhất là đối với những tội phạm về tình dục và các tội phạm có yếu tố gia đình. Điều này vô hình chung đã khiến cho hành vi phạm tội ngày càng trở nên táo tợn hơn, thường xuyên hơn, và nạn nhân là người cuối cùng phải gánh chịu những hậu quả càng nặng nề hơn. Ngoài ra, ở nhiều nơi, việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện chưa thực sự hiệu quả, cơ quan tiếp nhận cũng không thực sự nhiệt tình hỗ trợ, tình trạng tiêu cực còn diễn ra ở nhiều nơi và khó kiểm soát.

 

3. Một số ví dụ về tội phạm

Thưa Luật sư, cho em hỏi em năm nay 20 tuổi, nhưng bạn gái của em 15 tuổi và bạn gái đã có thai, hai người hoàn toàn tự nguyện. Vậy em có phạm tội gì không? Em có nên nói với gia đình không?

Trả lời:

Trong trường hợp này của bạn, bạn đã đủ tuổi thành niên nhưng bạn gái của bạn vẫn đang trong độ tuổi trẻ em, và đang được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt trong các vấn đề liên quan đến tình dục. Hành vi của bạn đã vi phạm vào quy định của Điều 145 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Có tính chất loạn luân;

d) Làm nạn nhân có thai;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo quy định trên, hành vi của bạn có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Nếu bạn chưa tự quyết định được cách thức xử lý, bạn nên trao đổi với gia đình mình về vấn đề này.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực hình sự, quý khách có thể liên hệ trao đổi trực tiếp với luật sư tư vấn thông qua tổng đài tư vấn luật hình sự: 1900.6162 hoặc đặt lịch để được tư vấn pháp luật hình sự trực tiếp tại văn phòng Công ty luật Minh Khuê. Chúng tôi sẵn sàng cử luật sư tham gia bào chữa khi bạn hoặc người thân bị cáo buộc phạm tội và đứng trước nguy cơ bị phạt tù. Rất mong nhận được sự hợp tác!