1. Quy định về Trung tâm điều dưỡng, chăm sóc người có công

1.1 Điều kiện thành lập

Theo quy định pháp luật thì Trung tâm điều dưỡng chăm sóc người có công là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở lao động – Thương binh xã hội, do Uỷ ban nhân dân mỗi tỉnh ra quyết định thành lập.

Ví dụ: Quyết định 997/QĐ-UBND năm 2015 về thành lập Trung tâm Điều dưỡng người có công trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái

Đồng thời, UBND tỉnh/Thành phố cũng ban hành các quyết định để hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm điều dưỡng người có công.

Ví dụ: Quyết định 2242/QĐ-UBND năm 2019 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Điều dưỡng Người có công và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Cao Bằng

Ngoài ra, một số tỉnh/Thành phố cũng phê duyệt từng vị trí việc làm tại các trung tâm này.

Ví dụ: Quyết định 2179/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt danh mục vị trí việc làm Trung tâm Điều dưỡng người có công trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng.

 

1.2 Chức năng

Các Trung tâm điều dưỡng người có công thực hiện 03 chức năng chính (cơ bàn):

  1. Điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung cho người có công và thân nhân người có công;
  2. Thực hiện, công tác nuôi dưỡng người có công cô đơn, không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khác, gồm: Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng; Khám chữa bệnh; tổ chức mai táng…
  3. Tổ chức các hoạt động chăm sóc tinh thần cho người có công như: Bố trí chỗ ở cho thân nhân người có công, tổ chức các chương trình thăm viếng liệt sỹ phù hợp với tình hình mỗi địa phương.

1.3 Tổ chức tài chính

Lưu ý: Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng (mức tiền ăn, khám bệnh) thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố nơi trung tâm điều dưỡng người có công được thành lập.

Ví dụ: Theo Nghị quyết 32/2021/NĐ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 14/10/2021với mức 1.500.000 đồng/người/tháng, được áp dụng từ tháng 11/2021. Tính ra, mỗi ngày các cụ được ăn 50.000 đồng/ngày. 

Theo quy định pháp luật thì Trung tâm điều dưỡng chăm sóc người có công có thể được giao quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính, tổ chức bộ máy nhân sự Hoặc không được giao quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính và tổ chức. Như vậy, cần căn cứ vào quyết định thành lập và các quyết định khác có liên quan đến tổ chức này để biết khả năng tự chủ tài chính của tổ chức này. Cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập này phải tuân thủ Nghị định 60/2021/NĐ-CP cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

 

2. Quyền lựa chọn nhà thầu 

Vậy, Trung tâm điều dưỡng người có công là một đơn vị sự nghiệp công lập thì có được tham gia đấu thầu hay lựa chọn nhà thầu không?

Được, căn cứ vào khoản 7, điều 3 của Luật đấu thầu năm 2023 thì: Đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu. Đồng thời, tại điểm a, khoản 1, điều 2, Luật đấu thầu năm 2023 cũng xác định rõ đơn vị sự nghiệp (Trung tâm điều dưỡng người có công) thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật đấu thầu.

Hình thức đấu thầu của Trung tâm điều dưỡng người có công nên áp dụng?

Căn cứ điều 20 của Luật đấu thầu năm 2023 thì khuyến nghị áp dụng hình thức: Chào hàng cạnh tranh (Xem điều 24, Luật đấu thầu) hoặc mua sắm trực tiếp (Xem điều 25 Luật đầu thầu) có thể xem xét đến hình thức chỉ định thầu đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến chăm sóc y tế, thiết bị y tế và ảnh hưởng sức khoẻ trực tiếp như dịch bệnh (căn cứ điểm C khoản 1, điều 23 về chỉ định thầu).