1. Tước danh hiệu công an nhân dân là gì?

Tước danh hiệu Công an nhân dân là một trong những hình thức kỷ luật nặng nhất đối với các chiến sĩ công an khi thực hiện các hành vi vi phạm theo quy định. Tước danh hiệu công an được hiểu như là xóa bỏ tên công an đó khỏi danh sách và tước mọi quyền lợi mà bản thân công an và gia đình công an được hưởng.

Theo Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ CAND đang dự thảo quy định về những hành vi vi phạm kỷ luật theo đó: Hành vi vi phạm kỷ luật bao gồm: Hành vi vi phạm pháp luật; vi phạm các nội quy, quy định, quy chế, quy trình công tác, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật và Bộ Công an; vi phạm Qui tắc ứng xử của CAND; vi phạm phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, chiến sĩ CAND.

Tước danh hiệu công an nhân dân là hình thức kỷ luật nghiêm khắc và nặng nhất, áp dụng cho những cái bộ chiến sỹ không giữ chức vụ lãnh đạo chỉ huy và áp dụng cho những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy khi thực hiện những hành vi vi phạm kỷ luật nêu ở các mục dưới đây.

 

2. Nguyên tắc áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân.

Theo Thông tư dự thảo về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân quy định các nguyên tắc khi áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu như sau: 

- Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện áp dụng nguyên tắc Kịp thời, khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

-  Việc xử phạt vi phạm kỷ luật  cần phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi của hành vi vi phạm.

- Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật.

- Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đang chấp hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm kỷ luật mới thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

+ Nếu hành vi vi phạm kỷ luật mới nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang chấp hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành. Ví dụ đang bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nhưng vi phạm mới áp dụng hình thức khiển trách thì sẽ áp dụng hình thức hạ bậc lương đối với cán bộ chiến sỹ không giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giáng chức, giáng cấp bậc hàm đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo; 

+ Nếu hành vi vi phạm kỷ luật mới nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang chấp hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm kỷ luật mới; 

Khi quyết định kỷ luật mới có hiệu lực mà cán bộ, chiến sỹ  trước đó đang áp dụng 1 hình thức kỷ luật khác thì Quyết định kỷ luật đang chấp hành đó sẽ chấm dứt hiệu lực.

- Áp dụng kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu công an khi cán bộ, chiến sĩ bị bắt do phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng hoặc cán bộ, chiến sĩ đã thừa nhận hành vi phạm tội và có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh cán bộ, chiến sĩ đó đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị khởi tố bị can và quyết định khởi tố bị can đã được Viện kiểm sát phê chuẩn

- Ngoài ra cần phải xem xét các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ để áp dụng hình thức kỷ luật cho xứng đáng như căn cứ vào: thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm kỷ luật

- Hình thức xử phạt hành chính không thay thế cho hình thức kỷ luật; 

- Trong quá trình xem xét kỷ luật, tuyệt đối: 

+ Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại sức khoẻ, thân thể, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ;

+ Nghiêm cấm việc bao che, né tránh, báo cáo không trung thực, cản trở việc xác minh, xử lý kỷ luật; chống tư tưởng định kiến, trù dập đối với cán bộ, chiến sĩ vi phạm; xử lý kỷ luật phải đi đôi với việc giáo dục, giúp đỡ tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ khắc phục sửa chữa khuyết điểm, đồng thời có tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung.

 

3. Những hành vi vi phạm áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu công an nhân dân.

Khi áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu công an nhân dân, có quan nhà nước có thẩm quyền cần dựa vào các căn cứ, bằng chứng vi phạm, mức độ tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm thì mới áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất đó là tước danh hiệu công an nhân dân, theo đó, khi thực hiện các hành vi vi phạm trong trường hợp dưới đây Công an nhân dân sẽ bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc quy định tại Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân, theo đó, những vi vi được thực hiện như sau:

- Đó là những trường hợp vi phạm về quan điểm chính trị và kỷ luật phát ngôn;

- Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ;

- Vi phạm các quy định về bầu cử;

- Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước;

- Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân nước ngoài và quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh;

- Vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí;

- Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;

- Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm;

- Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ;

- Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng Quy tắc ứng xử của CAND hoặc những điều đảng viên không được làm;

- Vi phạm quy định về thi cử và quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, học bạ, bảng điểm như tổ chức cho thi thuê, thi hộ...;

- Vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội như Bán dâm, tàng trữ ma túy, trộm cắp tài sản...;

- Có hành vi bạo lực gia đình đặc biệt nghiêm trọng như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm danh dự của vợ/chồng, con cái, bố mẹ ....;

- Không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

- Vi phạm pháp luật hình sự (là các trường hợp đang bị tạm giữ (bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc bị bắt trong trường hợp tự thú, đầu thú) hoặc cơ quan điều tra có đủ căn cứ khởi tố bị can và đã có văn bản đề nghị tước danh hiệu CAND trước khi tiến hành khởi tố;

- Bị khởi tố bị can và quyết định khởi tố bị can được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn; Hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng không bị khởi tố do người bị hại không yêu cầu (áp dụng đối với trường hợp hành vi phạm tội chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại).

 

4. Trình tự xem xét, xử lý kỷ luật đối với hình thức tước danh hiệu công an nhân dân.

Căn cứ vào Điều 14 Thông tư mới dự thảo về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân, theo đó, hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật bao gồm:

- Tóm tắt lý lịch của cán bộ, chiến sĩ vi phạm;

- Các tài liệu, báo cáo kết luận về vi phạm;

- Bản tự kiểm điểm của cán bộ, chiến sĩ vi phạm;

- Biên bản cuộc họp xét đề nghị kỷ luật và biên bản kiểm phiếu;

- Biên bản cuộc họp đề nghị hình thức xử lý kỷ luật của cấp ủy hoặc Ban Thường vụ cấp ủy và lãnh đạo đơn vị (đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định kỷ luật của lãnh đạo cấp trên) hoặc Ban Thường vụ cấp ủy và lãnh đạo đơn vị (đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý và quyết định kỷ luật của lãnh đạo cùng cấp); 

- Văn bản đề nghị của đơn vị.

Để đưa ra quyết định kỷ luật tước danh hiệu công an nhân dân phải thực hiện thông qua trình tự như sau:

- Sau khi phát hiện có dấu hiệu của hành vi vi phạm lãnh đạo đơn vị thống nhất với cấp ủy cùng cấp yêu cầu cán bộ, chiến sỹ công an phải tự kiểm điểm về hành vi vi phạm trước tập thể, cơ quan, đơn vị và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi mình đã gây ra;

- Thông qua lời khai, bản kiểm điểm cùng với những căn cứ, chứng cứ thu nhập được ổ chức thẩm tra, xác minh, kết luận về vi phạm của cán bộ, chiến sĩ, trường hợp có đầy đủ căn cứ, vi phạm đã rõ thì không cần xác minh mà có thể họp kiểm điểm, đề nghị xử lý kỷ luật ngay đối với cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân;

- Sau khi xác minh được mức độ, hành vi tính chất vi phạm, tổ chức, lãnh đạo sẽ họp xét, đề xuất hình thức kỷ luật: Trước khi họp, lãnh đạo đơn vị (người chủ trì) thông báo bằng văn bản cho người . Nếu cán bộ, chiến sĩ vi phạm không chấp hành yêu cầu của lãnh đạo đơn vị về dự họp kiểm điểm hoặc không viết bản tự kiểm điểm thì vẫn tiến hành họp xét kỷ luật.

- Cấp ủy và lãnh đạo đơn vị họp biểu quyết thống nhất hình thức kỷ luật (đối với trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật hoặc hình thức kỷ luật thuộc thẩm quyền của lãnh đạo cùng cấp) hoặc cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị họp đề nghị hình thức kỷ luật (đối với trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật hoặc hình thức kỷ luật thuộc thẩm quyền của lãnh đạo cấp trên).

- Trường hợp không thể tổ chức được phiên họp cấp ủy và lãnh đạo đơn vị thì cơ quan tổ chức cán bộ báo cáo xin ý kiến bằng văn bản từng đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị (kèm theo phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật).

Sau khi thực hiện xét đề nghị kỷ luật tại Điều 13 Thông tư dự thảo, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị họp xét và biểu quyết hình thức xử lý. Đối với các hành vi vi phạm nêu tại mục 3 trong bài viết sẽ đưa ra hình thức kỷ luật cụ thể và gửi hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ vi phạm lên cấp có thẩm quyền xét quyết định kỷ luật và trong thời hạn từ 15 đến 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xử lý kỷ luật, lãnh đạo cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ phải ra quyết định xử lý kỷ luật bằng văn bản đối với cán bộ, chiến sĩ thực hiện các hành vi phạm.

Đối với hình thức kỷ luật Tước danh hiệu công an nhân dân, trước khi công bố quyết định, lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ phải thu lại toàn bộ các loại hồ sơ tài liệu, Giấy chứng minh Công an nhân dân, Giấy chứng nhận điều tra hình sự, Thẻ thanh tra, Thẻ tuần tra kiểm soát và các vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện công tác mà cán bộ, chiến sĩ đó đã được trang bị. Quyết định kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân phải gửi cho chính quyền địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ vi phạm cư trú để biết.

Trường hợp cán bộ, chiến sỹ bị tước danh hiệu công an được thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Trên đây là bà viết của Luật Minh Khuê liên quan đến Tước danh hiệu công an nhân dân. Nếu có vướng mắc liên quan đến bài viết hoặc các câu hỏi về Luật Nghĩa vụ quân sự, quý khách hàng vui lòng gọi, 1900.6162 để được Luật sư tư vấn qua tổng đài trực tuyến