1. Ai là người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Chào luật sư, Xin tư vấn cho em thế nào là việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Ai là người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Các khoản vốn mà doanh nghiệp phải sử dụng để thanh toán các khoản nợ sau phá sản? Thứ tự phân chia tài sản được quy định như thế nào ạ? Cám ơn luật sư.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp về phá sản, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

1.1 Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là gì?

Điều 4 Luật phá sản năm 2014 giải thích như sau: “1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”

Theo quy định trên, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp bao gồm các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thanh toán được là khoản nợ không có đảm bảo và khoản nợ có đảm bảo một phần. Như vậy, nếu khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thanh toán được là khoản nợ có đảm bảo thì đây không được coi là dấu hiệu của việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Các khoản nợ đến hạn phải là các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đã rõ ràng được các bên xác nhận, có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu để chứng minh và không có tranh chấp.

Thứ hai, mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp không còn tài sản để trả nợ mà mặc dù doanh nghiệp còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ.

Thứ ba, pháp luật hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Do đó không thể căn cứ vào khoản nợ ít hay nhiều để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà căn cứ vào thời điểm trả nợ đã được các bên thỏa thuận trước đó, cụ thể là thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

 

1.2 Người có quyền, nghĩa vụ yêu cầu nộp đơn mở thủ tục phá sản

Điều 5 Luật phá sản năm 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

"1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán."

Các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gồm:

  1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần;
  2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở;
  3. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng;
  4. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã.

Chủ thể có nghĩa vụ, gồm:

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

 

1.3 Các khoản vốn mà doanh nghiệp phải sử dụng để thanh toán các khoản nợ?

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình để thực hiện thanh toán các khoản nợ, trừ doanh nghiệp tư nhân (chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản) và cồn ty hợp danh (vì thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản). Theo đó, các phần vốn của doanh nghiệp bao gồm:

- Vốn điều lệ: là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần. Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty.

- Vốn vay: Vốn vay là khoản vốn đầu tư ngoài vốn pháp định được hình thành từ nguồn đi vay, đi chiếm dụng của các tổ chức, đơn vị cá nhân và sau một thời gian nhất định, doanh nghiệp phải hoàn trả cho nguời cho vay cả lãi và gốc. Phần vốn này doanh nghiệp được sử dụng với những điều kiện nhất định (như thời gian sử dụng, lãi suất, thế chấp...) nhưng không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Vốn vay có hai loại là vốn vay ngắn hạn và vốn vay dài hạn.

- Nguồn vốn tự bổ sung: bao gồm tất cả các nguồn vốn mà doanh nghiệp tự bổ sung từ nội bộ doanh nghiệp như từ lợi nhuận để lại, quỹ khấu hao, các quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển. Nguồn vốn tích luỹ từ lợi nhuận không chia là một phần lợi nhuận dùng để tái đầu tư.

- Vốn khác: Được tặng cho…

 

1.4 Thứ tự phân chia tài sản trong thủ tục phá sản?

Điều 54 Luật phá sản năm 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản:

"1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;

c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

đ) Thành viên của Công ty hợp danh.

3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ."

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.

 

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi không tiến hành thủ tục phá sản?

Thưa luật sư, Năm 2010 tôi có thành lập doanh nghiệp Cổ phần, do làm ăn thua lỗ nên tôi đã bỏ doanh nghiệp và không làm thủ tục phá sản thì có sao không và thủ tục như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp, gọi:1900.6162

 

Trả lời:

Theo quy tại điều 5, Luật Phá sản 2014:

Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tácxã mất khả năng thanh toán.

Như vậy, bạn có nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho doanh nghiệp do bạn làm chủ khi doanh nghiệp đó mất khả năng thanh toán.

Điều 28. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Luật này phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

5. Những người theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Luật này không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp có thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra thì phải bồi thường.

Như vậy, việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ phải chịu trách nhiệm trước phát luật và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Nếu trong trường hợp này, doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu mở thủ tục phá sản, không tiến hành kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Đối với công ty cổ phần, để tránh thiệt hại thêm cho công ty, những đối tượng thuộc khoản 4, 5 điều 5 luật phá sản 2014 có quyền nộp đơn lên Tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Tư vấn pháp luật miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

3. Thực hiện thủ tục giải thể hay phá sản?

Kính chào Công ty Luật Minh Khuê! Luật Minh Khuê cho Công ty chúng tôi hỏi một số vấn đề như sau: Công ty chúng tôi đăng ký và họat động từ năm 2009 đến nay, Công ty chúng tôi có tham gia đóng BHXH cho nhân viên và còn nợ tiền bên thuế. Hiện Công ty tôi không họat động, không có khả năng thanh toán món nợ bên thuế và bên BHXH. Vậy xin Luật Minh Khuê tư vấn cho bên Cty chúng tôi nên làm thủ tục giải thể hay phá sản và trình tự như thế nào? Xin cám ơn!

>> Luật sư tư vấn Luật doanh nghiệp trực tuyến gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

Điều 201. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Luật phá sản 2014 quy định:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Theo thông tin bạn cung cấp, doanh nghiệp bạn không hoạt động và cũng không có khả năng thanh toán các khoản nợ thuế, BHXH.

Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Như vậy, doanh nghiệp bạn chưa thanh toán các khoản nợ trên thì không thể tiến hành thủ giải thể.

Theo quy định của Luật phá sản, nếu doanh nghiệp bạn mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hnja 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật phá sản:

"Điều 5. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán."

Căn cứ theo quy định của Luật phá sản 2014: khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải đ­ược gửi cho Toà án có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Luật phá sản.

- Phải nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các giấy tờ, tài liệu sau đây:

  1. Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán; nếu doanh nghiệp là công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải được kiểm toán thì báo cáo tài chính phải đ­ựơc tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận;
  2. Báo cáo về các biện pháp mà doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện, nhưng vẫn không khắc phục đ­ược tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn;
  3. Bảng kê chi tiết tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã và địa điểm nơi có tài sản nhìn thấy đư­ợc;
  4. Danh sách các chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của các chủ nợ; ngân hàng mà chủ nợ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ ch­ưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
  5. Danh sách những ng­ươì mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của họ; ngân hàng mà họ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chư­a đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
  6. Danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của các thành viên, nếu doanh nghiệp mắc nợ là một công ty có các thành viên liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ của doanh nghiệp;
  7. Những tài liệu khác mà Toà án yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải cung cấp theo quy định của pháp luật.

Do vậy đối với trường hợp này, doanh nghiệp bạn có thể làm theo thủ tục phá sản khi doanh nghiệp bạn không có khả năng thanh toán nợ.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

 

4. Tại sao tòa án không cho doanh nghiệp phá sản theo luật ?

Làm ăn liên tục thua lỗ, nợ lương công nhân và nợ ngân hàng, Công ty CP xi măng Vĩnh Phú xin mở thủ tục phá sản theo luật định nhưng Tòa lại khước từ. Hàng trăm công nhân đang đứng trước nguy cơ không nhận được một cắc tiền nợ lương.

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.6162

Chúng tôi có mặt tại tỉnh Phú Thọ khi dư luận đang xôn xao về chuyện Công ty CP xi măng Vĩnh Phú xin được phá sản để trả nợ lương cho toàn bộ công nhân công ty và Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ nhưng lại bị Tòa từ chối.

Quyết định từ chối của Tòa đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các công nhân vì toàn bộ số tiền hơn 5 tỉ đồng nợ ngân hàng có thể phải chuyển đủ cho Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ trong khi định giá sơ bộ tài sản của doanh nghiệp hiện không còn nhiều.

Theo tìm hiểu, Công ty CP xi măng Vĩnh Phú làm ăn thua lỗ nghiêm trọng trong nhiều năm là sự thật. HĐQT của công ty đã nhiều lần họp bàn việc xin mở thủ tục phá sản doanh nghiệp và tính phương án trả nợ ngân hàng, trả nợ lương công nhân.

Tại Nghị quyết họp HĐQT Công ty CP xi măng Vĩnh Phú ngày 8/7/2009 do ông Phan Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT ký có nêu việc thanh toán các khoản nợ sau khi bán đấu giá tài sản công ty sẽ: “Trả nợ gốc món vay trung hạn, ngắn hạn và một phần lãi trong hạn, xin miễn lãi phạt (trả nợ ngân hàng); trả nợ ngân sách Nhà nước, bảo hiểm xã hội, thuế đọng, lương CBCNV…”.

Ngày 29/6/2009, Công ty CP xi măng Vĩnh Phú có công văn số 41/XMVP gửi Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ đề nghị mở thủ tục phá sản nhưng điều khó hiểu là sau 15 ngày (ngày 14/7), TAND tỉnh mới nhận được công văn này.

Cũng tại thời điểm này, Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ có đơn khởi kiện đề ngày 10/7 nhờ Tòa “can thiệp” đòi nợ Công ty CP xi măng Vĩnh Phú thì 3 ngày sau (ngày 13/7), TAND tỉnh Phú Thọ đã nhận được.

Với lý do trên, ngày 15/7/2009, ông Nguyễn Đình Huấn, Chánh tòa Kinh tế, TAND tỉnh Phú Thọ có công văn số 59/TA- KT gửi Công ty CP xi măng Vĩnh Phú với nội dung “do ngày 13/7 đã nhận được đơn khởi kiện của ngân hàng trước nên sẽ tiến hành thụ lý trước”. Điều đáng nói là sau khi nhận được công văn của công ty tới 14 ngày (ngày 27/7), Tòa mới ra thông báo việc thụ lý vụ án đòi nợ giữa ngân hàng và công ty.

Đến ngày 17/8/2009, TAND tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định: Giao cho Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ phát mại tài sản của Công ty CP xi măng Vĩnh Phú đã thế chấp để thu hồi nợ với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Như vậy, khi TAND tỉnh Phú Thọ ra quyết định cho ngân hàng phát mại tài sản của Công ty CP xi măng Vĩnh Phú thì có nghĩa quyền lợi của công nhân và công nợ của các đối tác khác bị gác sang một bên.

Việc đảm bảo thu hồi nợ cho ngân hàng khiến công nhân Công ty CP xi măng Vĩnh Phú không biết đến bao giờ mới có thể lấy được nợ lương cùng những khoản tiền khác. Đứng trước nguy cơ thất nghiệp họ đã rất khốn khó lại thêm lo lắng không được nhận lương nợ nên đại diện người lao động đã liên tục gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng, đề nghị TAND tỉnh Phú Thọ xem xét lại quyết định.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Tân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Nếu công văn gửi theo đường bưu điện thì Tòa phải căn cứ vào dấu bưu điện để xử lý chứ không thể căn cứ vào ngày nhận được. Kể cả trong trường hợp ngân hàng gửi đơn trước thì theo luật định, TAND tỉnh Phú Thọ vẫn phải ra quyết định thụ lý việc mở thủ tục phá sản của Công ty CP xi măng Vĩnh Phú.

Theo Luật sư Tân, việc tòa án giải quyết phá sản là nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ và các bên liên quan, trong đó có người lao động. Chi nhánh ngân hàng Công thương Phú Thọ thực chất cũng chỉ là một trong những chủ nợ. Trong trường hợp này, các công nhân hoặc doanh nghiệp có thể gửi văn bản đề nghị Viện KSND tỉnh hoặc Viện KSNDTC “xét lại” quyết định của tòa.

(MKLAW FIRM: Biên tập.)

5. Cách làm thủ tục phá sản doanh nghiệp?

Đối với mỗi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức tiền phạt tối đa đối với 1 hành vi vi phạm là 15 triệu đồng.

>>  Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.6162

Đó là một trong các quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản vừa được Chính phủ ban hành. Cụ thể, hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Hành vi của chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong thời hạn quy định bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng.

Những vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, xuất trình giấy tờ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Người nộp đơn có hành vi gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản nhưng cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng tài sản, cất giấu, tẩu tán tài sản... bị phạt từ 5 triệu đến 15 triệu đồng.

Đối với tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày nhận được quyết định của tòa án áp dụng thủ tục thanh lý mà vẫn thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp đó hoặc các hành vi bù trừ, thanh toán các khoản doanh nghiệp vay của tổ chức tín dụng thì bị phạt từ 5 triệu đến 15 triệu đồng...

Nghị định cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền. Công dân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền những hành vi trái pháp luật về xử phạt hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/3.

(MKLAW FIRM: Biên tập.)