Môi trường làm việc là tổng thể các yếu tố kĩ thuật, tổ chức lao động, kinh tế, xã hội, tự nhiên thể hiện qua công nghệ, phương tiện, đối tượng lao động, năng lực của người lao động và sự tác động qua lại giữa các yểu tố đó tạo nên điều kiện làm việc của con người trong quá trình lao động. Căn cứ vào các yếu tố tồn tại trong môi trường làm việc, có thể nhận thấy sự tác động của yếu tố môi trường đến người lao động theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Từ góc độ tiêu cực, sự ảnh hưởng của môi trường lao động có hại đến sức khoẻ con người đặt ra yêu cầu bảo vệ với các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Về khái niệm, an toàn lao động, vệ sinh lao động được tiếp cận ở nhiều góc độ như kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật hay pháp luật với phạm vi rộng, hẹp khác nhau. Song, về cơ bản có thể hiểu an toàn lao động, vệ sinh lao động là tập hợp các biện pháp nhằm phòng chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, có hại phát sinh trong quá trình lao động nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho người lao động. Có thể dễ dàng nhận thấy an toàn, vệ sinh lao động hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn thân thể, tính mạng và sức khoẻ của người lao động bằng việc đối phó với những tác động có hại của môi trường lao động. Không chỉ dừng lại ở đó, mục đích của an toàn, vệ sinh lao động còn thực hiện việc phục hồi kịp thời và duy trì sức khoẻ, khả năng lao động cho người lao động.

Dưới góc độ pháp lí, an toàn lao động và vệ sinh lao động là những chế định của luật lao động, bao gồm những quy phạm pháp luật quy định các biện pháp phòng chống và khắc phục tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong môi trường lao động nhằm đảm bảo tính mạng, sức khoẻ cho người lao động. Cụ thể hơn nữa, tại Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định:

“An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm đảm bảo không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động”;

“Vệ sinh lao động là giải pháp phòng chổng tác động của yếu tổ có hại, gây bệnh tật, làm suy giảm sức khoẻ cho con người trong quá trình lao động”.

Theo định nghĩa này, yếu tố nguy hiểm trong an toàn lao động được hiểu là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho con người trong quá trình lao động. Yếu tố có hại trong vệ sinh lao động được hiểu là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khoẻ con người trong quá trình lao động. Hai nhóm yếu tố này gây nên hậu quả về tính mạng, sức khoẻ cho người lao động; yếu tố nguy hiểm trong an toàn lao động gây ra tai nạn lao động, yếu tố có hại, gây bệnh ưong vệ sinh lao động gây ra bệnh nghề nghiệp.

Trước đây, đề cập nội dung an toàn, vệ sinh lao động, thuật ngữ “bảo hộ lao động”cũng đã từng được ghi nhận như một chế định của luật lao động với nội dung rộng hơn an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, an toàn, vệ sinh lao động chỉ là một nội dung của bảo hộ lao động còn bảo hộ lao động được hiểu là những quy định của nhà nước liên quan đến việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và các chế độ lao động khác nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và trong một số trường hợp nhằm bảo vệ nhân cách của người lao động. Nội dung của bảo hộ lao động khồng chỉ là các quy định về an toàn, vệ sinh lao động mà còn bao gồm các nội dung nhằm bảo đảm điều kiện lao động như những quy định về tiền lương, thời giờ làm việc nghỉ ngoi, bảo hiểm xã hội... Điều này khiến có sự trùng lặp, khó phân biệt với các nội dung khác của luật lao động. Vì vậy, nhằm thống nhất về thuật ngữ với những khái niệm khác nhau, an toàn, vệ sinh lao động được thống nhất sử dụng với nội dung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động, các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khắc phục hậu quả của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và một số quy định riêng đối với lao động đặc thù.

An toàn lao động, vệ sinh lao động là nội dung gắn với những đặc điểm riêng của công việc, nghề nghiệp nên các quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động không chỉ mang tính chất pháp lí thuần tuý mà còn hàm chứa tính kĩ thuật, thích ứng với nghề nghiệp, công việc. Hơn nữa, khi khoa học kĩ thuật thay đổi và phát triển, sự điều chỉnh với các quy phạm, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động cũng phải thay đổi theo. Các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động có thể hiểu như những tiêu chuẩn tối thiểu mà các chủ thể tham gia quan hệ lao động phải đảm bảo thực hiện bởi liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người lao động. Cũng vì vậy, thực hiện an toàn, vệ sinh lao động còn có tính bắt buộc với trách nhiệm các chủ thể người lao động, người sử dụng lao động đồng thời thể hiện thái độ, trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề sức khoẻ của người lao động.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)