1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với loại hàng hóa nào?
Căn cứ theo quy định tại điều 26 Luật Thương mại 2005 quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước như sau: Hàng hóa đang được lưu thông hợp pháp trong nước bị áp dụng một hoặc các biện pháp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép đối với một trong các trường hợp sau đây:
Hàng hóa đó là nguồn gốc hoặc phương tiện lây truyền các loại dịch bệnh:
Trong trường hợp nếu xét thấy hàng hóa là nguồn gốc hoặc phương tiện làm lây lan dịch bệnh thì cơ quan có thẩm quyền có quyền ban hành, áp dụng một hoặc đồng thời các biện pháp khẩn cấp. Bản chất của biện pháp khẩn cấp là ngăn chặn, xử lý những loại hàng hóa không đạt tiêu chuẩn chất lượng, gây hại đến cộng đồng. Bởi tính chất, nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người hoặc liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng hay vấn đề về chính trị - kinh tế - xã hội của quốc gia nên cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa đó.
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng, nếu hàng hóa lưu thông trong nước là nguồn gốc hoặc phương tiện lây truyền dịch bệnh. Cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng một biện pháp hoặc áp dụng đồng thời các biện pháp buộc thu hồi, cấm lưu thông, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép nếu xét thấy nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh từ hàng hóa đó. Nếu như không có các biện pháp khẩn cấp đối với những loại hàng hóa này thì hậu quả sẽ rất nghiệm trọng, ngược lại nếu các biện pháp này được ban hành kịp thời sẽ ngăn chặn hậu quả làm lây truyền dịch bệnh, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người dân. Như vậy, việc ban hành các biện pháp khẩn cấp là hoàn toàn hợp lý.
Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp:
Tình trạng khẩn cấp là tình trạng cho phép chính quyền dùng những biện pháp đặc biệt để đối phó với tình trạng đặc biệt. Tuy nhiên không phải bất cứ biện pháp nào cũng được áp dụng mà chỉ những biện pháp cần thiết cho một tình thế nhất định mới là hợp pháp.
Trong tố tụng dân sự cũng có những biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án ban hành để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án. Như vậy ta thấy được tầm quan trọng của những biện pháp khẩn cấp trong các ngành luật nói chung cũng như trong lưu thông hàng hóa nói riêng.
Các điều kiện cụ thể, trình tự, thủ tục và thẩm quyền công bố việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước. Trình tự, thủ tục áp dụng cũng sẽ theo từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa nếu tiền hành sai trình tự thủ tục hay thu hồi hàng hóa bất hợp pháp thì chủ sở hữu hàng hóa đó có quyền khởi kiện đòi lại quyền lợi cho mình.
2. Thu hồi hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp
Hình thức thu hồi hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp:
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BYT hình thức thu hồi hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp gồm các hình thức thu hồi như sau:
- Thu hồi tự nguyện: Thu hồi sản phẩm sẽ được tiến hành thông qua việc tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hay tự công bố, thực hiện tự nguyên ngay sau khi phát hiện hay nhận được thông tin phản ánh phản ánh từ cá nhân, tổ chức về sản phẩm đang bị thu hồi.
- Thu hồi bắt buộc là việc chủ sản phẩm không thực hiện theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền sau đây:
+ Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố hoặc tự công bố
+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về sản phẩm bị thu hồi theo quy định của pháp luật.
Trình tự thu hồi của hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp
- Trong vòng 24 giờ, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được thông tin về hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, chủ sản phẩm sẽ phải có trách nhiệm như sau:
+ Gửi thông báo bằng email, điện thoại hay bất kỳ hình thức thông báo nào khác. Đồng thời gửi thông báo bằng văn tới tới toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh của mình để ngừng kinh doanh, sản xuất và thu hồi lại sản phẩm.
+ Gửi thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp tỉnh, thành phố hay các tổ chức có liên quan khác theo quy định pháp luật về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với những trường hợp thu hồi hàng hóa diễn ra trên địa bàn dưới 2 tỉnh thành thì sẽ phải gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan thông tin đại chúng cấp trung ương để người tiêu dùng nắm bắt thông tin về hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp.
+ Gửi thông báo bằng văn bản tới những cơ quan có thẩm quyền về việc thu hồi sản phẩm;
+ Khi gửi thông báo bằng văn bản, chủ sản phẩm cần trình bày đầy đủ các thông tin gồm: tên, địa chỉ của nhà sản xuất, chủ sản phẩm số lô sản xuất, cách đóng gói, hạn sử dụng, số lượng, nguyên nhân bị thu hồi, địa điểm tiếp nhận phản hồi, thời gian thu hồi,…
- Trong thời gian tối đa 03 ngày sau khi kết thúc việc thu hồi khẩn cấp hàng hóa, chủ sản phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm báo cáo kết quả việc thu hồi cho cơ quan thẩm quyền có liên quan.
3. Xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa bị áp dụng biện pháp khẩn cấp
Theo quy dịnh tại Điều 16 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hành giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
+ Kinh doanh loại hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp lưu thông có điều kiện nhưng không đảm bảo điều kiện hoặc phải có giấy phép nhưng không có giấy phép theo quy định;
+ Kinh doanh loại hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi hoặc tạm ngừng lưu thông.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Theo như quy định trên thì mức phạt sẽ giao động từ 200.000 đồng tới 100.000.000 đồng. Có thể nói với nhiều hành vi vi phạm khác nhau sẽ có mức xử phạt khác nhau và theo quy định sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt với những hành vi cụ thể và có thể kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi đó gây ra như tiêu hủy tang vật vi phạm là hàng hóa vi phạm đó
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc có thể tìm hiểu tại bài viết: Quy định pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản khi thực hiện thủ tục phá sản của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!