Mục lục bài viết
1. Quy định về áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp
Ngày 25/04/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Lâm nghiệp.
Theo đó, việc áp dụng xử phạt hành chính được quy định như sau: Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.
Cụ thể một số mức phạt về các hành vi vi phạm như sau:
- Hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 5-400 triệu đồng.
- Hành vi vận chuyển lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó bị xử phạt từ 5-500 triệu đồng.
- Hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó bị xử phạt từ 5- 500 triệu đồng.
2. Một số điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2022. Dưới đây là một số điểm mới của Nghị định số 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Thứ nhất, đối tượng áp dụng được quy định mở rộng, rõ ràng hơn: Tại Điều 2 của Nghị định quy định về dối tượng áp dụng là đối với cá nhân, tổ chức trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp trên lãnh thổ nước Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, “tổ chức” được quy định rõ gồm: Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập; Tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Thứ hai, một số hành vi mới được điều chỉnh quy định tại Nghị định này gồm: Vi phạm các quy định về quản lý rừng bền vững; Vi phạm quy định về kinh doanh giống cấy lâm nghiệp chính; Vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng.
Thứ ba, tăng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật:
Theo Nghị định, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500.000.000 đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1.000.000.000 đồng.
Nghị định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để răn đe, phòng ngừa chung đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, cụ thể: Hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất đối với gỗ loài thông thường: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,4 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,4 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên;… Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 15 m3 đến dưới 20 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 07 m3 đến dưới 10 m3 gỗ rừng tự nhiên (điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP).
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,4 m3 gỗ rừng tự nhiên;… Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 05 m3 đến dưới 07 m3 gỗ rừng tự nhiên (điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP).
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3; phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3;… Phạt tiền từ 75.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,7 m3 đến dưới 01 m3 (điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP).
Cùng với đó, Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với gỗ loài thông thường; đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA; khai thác trái pháp luật thực vật rừng ngoài gỗ.
Thứ tư, hành vi bóc vỏ, ken cây, khoan vào thân cây, băm gốc, đổ hóa chất hủy hoại gốc, rễ cây rừng làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển cây rừng thì mỗi cây thân gỗ có đường kính tại vị trí 1.3 trên 8 cm bị xâm hại xử phạt 100.000 đồng, nhưng không quá 200.000.000 đồng.
Thứ năm: Trường hợp vận chuyển lâm sản đã được xác định có nguồn gốc hợp pháp nhưng hồ sơ lâm sản không thực hiện đúng quy định của pháp luật người điều khiển phương tiện hoặc chủ lâm sản không xuất trình hồ sơ lâm sản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm kiểm tra cho người có thẩm quyền kiểm tra phương tiện vận chuyển thì bị xử phạt theo quy định.
Thứ sáu: Quy định rõ chủ lâm sản bị xử phạt về hành vi mua bán lâm sản theo quy định, trường hợp chủ lâm sản đồng thời là chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp phương tiện có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì bị xử phạt hai hành vi: Vận chuyển lâm sản trái pháp luật và mua bán lâm sản trái pháp luật.
Thứ bảy: Nghị định định này bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh lâm nghiệp cho Cảnh sát biển, Hải quan.
3. Bất cập trong việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp
Trên thực tế áp dụng cho thấy, đối với các trường hợp phá rừng tự nhiên trái pháp luật với mục đích là để trồng rừng thì việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt VPHC lại đúng với mục đích chính của người vi phạm nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc quản lý, sử dụng diện tích rừng trồng do thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, vì vậy hiệu lực thi hành của các quyết định xử phạt VPHC không cao, thiếu tính răn đe.
Các vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra vào ban đêm, ngày nghỉ trong tuần, lễ, Tết; địa điểm xảy ra ở nơi có địa hình phức tạp, xa khu dân cư, đi lại khó khăn dẫn đến việc thuê phương tiện vận chuyển, nhân công bốc vác gặp rất nhiều khó khăn, giá thuê cao. Trong khi đó, trước khi có tang vật, phương tiện tịch thu để bán đấu giá sung quỹ nhà nước thì tất cả các khoản chi phí quản lý, xử lý tang vật, phương tiện như chi phí thuê khuân, khênh, vác bộ, trâu kéo từ trong rừng, chi phí thuê phương tiện vận chuyển, trông coi, quản lý đều phải thanh toán ngay sau khi thực hiện, mà đơn vị không có nguồn kinh phí ứng trước. Do đó, cần điều chỉnh định mức chi phí đặc thù thu hồi tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước.
Ngoài ra, đa số đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp là người lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc ở địa phương khác, khi bị xử phạt vi phạm bằng hình thức phạt tiền với số tiền bị xử phạt lớn thường không chấp hành nộp tiền phạt, không có tài sản để cưỡng chế thi hành. Việc thi hành các quyết định xử phạt VPHC đối với một số đối tượng không tự giác chấp hành, không có việc làm ổn định, kinh tế khó khăn không có tiền nộp phạt; một số người vi phạm là đối tượng hộ nghèo, không có khả năng chấp hành quyết định xử phạt, không có tài sản..., nên việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong thực tế gặp rất nhiều khó khăn.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Quy định về áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong linh vực lâm nghiệp mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!