NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Bản chất của các biện pháp tư pháp hình sự:

1.1 Biện pháp tư pháp hình sự không phải hình phạt:

Các biện pháp tư pháp hình sự, xét về bản chất, là những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do các cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là do Viện kiểm sát và Toà án áp dụng đối với người phạm tội và những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự do bị bệnh tâm thần hoặc bị một bệnh lý khác đã mất đi khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Việc pháp luật quy định cho Viện kiểm sát hoặc Toà án áp dụng các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt đối với những người đã nêu trên đây là nhằm hỗ trợ để đạt được mục đích phòng ngừa chung cũng như phòng ngừa riêng. Với tính cách là những biện pháp cưỡng chê hình sự nhưng không phải hình phạt, các biện pháp tư pháp hình sự là các hình thức tác động đến người phạm tội. Trong một số trường hợp, các biện pháp tư pháp hình sự là hậu quả của việc phạm tội, vì vậy, cùng với việc phải chịu hình phạt, người phạm tội còn phải chịu các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt. Trong những trường hợp này việc áp dụng các biện pháp tư pháp hình sự có tác dụng cải tạo người phạm tội, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. Đối với những trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, thì các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt được áp dụng thay thế cho hình phạt nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội.

1.2 Biện pháp tư pháp đối với người bị mắc bệnh tâm thần

Các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội với mục đích và ý nghĩa đã phân tích trên đây, mà còn được áp dụng đối với những người mặc dù đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không bị coi là người phạm tội bởi đã thực hiện hành vi đó trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh lý khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình. Trong trưòng hợp này, với tính cách là biện pháp tư pháp hình sự, biện pháp bắt buộc chữa bệnh có ý nghĩa nhân đạo, giúp những người trên đây trở lại trạng thái của người bình thường. Cũng với ý nghĩa đó, biện pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với những người phạm tội mà trước khi bị kêt án hay đang trong thời gian chấp hành hình phạt mà bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh lý khác đến mức mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.

2. Các biện pháp tư pháp hình sự:

Theo quy định của Bộ luật hình sự các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt:

+ Biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm:

a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;

b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;

c) Bắt buộc chữa bệnh.

+ Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:

a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;

b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;

c) Khôi phục lại tình trạng ban đầu;

d) Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

Việc quy định các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt trong pháp luật hình sự đòi hỏi chúng phải được thi hành nghiêm chỉnh trong thực tiễn, có như vậy mới phát huy được khả năng tác động hỗ trợ hình phạt trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, hoặc thay thế hình phạt trong nhiều trường hợp, rút ngắn được thủ tục tố tụng, giải quyết nhanh chóng các vụ án. Trong khi đó cũng cần nhấn mạnh một thực tế là công tác thi hành các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt ở nước ta trong thời gian qua chưa được coi trọng một cách đúng mức. Điều đó xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Trước hết, có lẽ phải kể đến lĩnh vực tư duy lý luận. Phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến lĩnh vực thi hành án hình sự. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ chú ý tập trung nghiên cứu về thi hành các hình phạt chính, đặc biệt là thi hành án phạt tù và các hình phạt bổ sung. Còn việc thi hành các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt còn là “mảnh đất nguyên xi” chưa ai cày xổi. Điều đó không thể không ảnh hưồng đến hiệu quả của việc thi hành các biện pháp tư pháp hình sự. Trong lĩnh vực lập pháp, như đã trình bày, các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt được quy định trong BLHS. BLTTHS khi quy định về thi hành các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt cũng chỉ mới quy định có tính chất chung chung. Chẳng hạn, khoản 4 Điều 257 quy định: “Cơ sở chuyên khoa y tế thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh" hoặc khoản 5 cũng Điều luật này quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự. Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp Chấp hành viên trong việc thi hành án. Nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp”. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những quy định có tính chất chung chung khác, như “việc thi hành bản án và quyết định của Toà án quân sự do các tổ chức trong quân đội đảm nhiệm, trừ hình phạt trục xuất”. (Khoản 6 Điều 257 BLTTHS) hoặc “Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật này, thì tuỳ theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Toà án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Điều 43 BLHS năm 1999). BLTTHS cũng đã quy định thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên không có năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh lý khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi tại Điều 281 và Điều 286. Tuy nhiên, những quy định này cũng còn mang tính chất chung chung. Cũng cần lưu ý rằng, các quy định về thi hành các biện pháp tư pháp hình sự đã được ghi nhận trong Pháp lệnh thi hành án dân sự cũng mang tính khái quát, chung chung.

3. Nhận định:

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy rằng, pháp luật đã quan tâm đến việc quy định và áp dụng các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt. Tuy nhiên, mặc dù đã được quy định, nhưng một số biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt do điều kiện áp dụng và thi hành chưa rõ ràng dẫn đến khó thi hành trong thực tế. Chẳng hạn, nhiều trường hợp người bị kết án phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa được tha tù nhưng vẫn chưa hề bồi thường cho Nhà nước bỏi vì hình phạt tù được coi là đã được chấp hành xong nên người đó không chịu một sức ép nào để bắt họ tự nguyện chấp hành quyết định của Toà án về bồi thường thiệt hại. Các quy định của BLTTHS về thủ tục thi hành các biện pháp tư pháp hình sự, như đã phân tích, còn quá chung chung, thiếu tính cụ thể làm cho việc áp dụng trong thực tế còn tuỳ tiện, thiếu tính thống nhất, thậm chí có tình trạng đùn đẩy nhau hoặc bỏ qua không thực hiện. Với 12 điều quy định về thủ tục thi hành các hình phạt và các biện pháp tư pháp hình sự, thì khó có thể khẳng định, thủ tục đó là cụ thể và đầy đủ được. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, hoạt động thi hành các biện pháp tư pháp hình sự được phân công cho các cơ quan, đơn vị khác nhau quản lý và tổ chức thực hiện, Chẳng hạn, quyết định bồi thường thiệt hại do Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện, dẫn đến tình trạng thiếu sự liên hệ giữa các cơ quan thi hành án, thậm chí có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bởi vậy, có phạm nhân được đánh giá là cải tạo tốt được giảm thời gian chấp hành hình phạt nhưng rất chây ỳ trong thi hành quyết định bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, do các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành khác nhau, dẫn đến cơ quan quản lý thi hành các biện pháp tư pháp hình sự cũng khác nhau và đều không thể không ảnh hưởng tối hiệu quả thi hành án biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt.

Việc phân tích thực trạng thi hành các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt không có mục đích tự thân mà nhằm tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu khắc phục những nhược điểm liên quan đến hệ thống các cơ quan tổ chức thi hành các biện pháp tư pháp hình sự hiện nay. Bởi vậy, việc xác định hệ thống các cơ quan thi hành các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt trước hết phải xuất phát từ các nguyên tắc của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam. Ngoài các nguyên tắc thi hành án hình sự đã được thừa nhân trong khoa học pháp lý hình sự như pháp chế xã hội chủ nghĩa, dân chủ xã hội chủ nghĩa, mọi người bị kết án đều bình đẳng trưóc pháp luật, người bị kết án có thể cải tạo giáo dục được, phân hoá và cụ thể hoá việc thi hành hình phạt và các biện pháp tư pháp, kết hợp cải tạo bằng lao động với giáo dục người bị kết án, đảm bảo nhân phẩm danh dự của phạm nhân, cần chú ý đến các nguyên tắc khác như đảm bảo tính thuận tiện, tính hiệu quả và tính hợp lý của việc thi hành án hình sự và các biện pháp tư pháp hình sự. Việc tổ chức các cơ quan thi hành các biện pháp tư pháp hình sự còn phải căn cứ vào tính đặc thù của các biện pháp tư pháp hình sự với tính cách là các biện pháp cưỡng chế nhà nước, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng nhưng không phải là hình phạt. Chính đặc thù này cho phép mở rộng diện các cơ quan thi hành các biện pháp tư pháp hình sự. Mặt khác, cũng chính đặc thù này cho phép sử dụng các cơ quan nhà nước không nhất thiết là cơ quan tư pháp vào thi hành các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê