Mục lục bài viết
1. Bắt người phạm tội quả tang là gì ?
Phạm tội quả tang được hiểu là việc một người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.
Bắt người phạm tội quả tang tức là việc chủ thể nào đó phát hiện được một người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi người đó thực hiện hành vi phạm tội đã đuổi bắt và giải ngay người đó đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân gần nhất. Bắt người phạm tội quả tang là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu được cơ quan tố tụng áp dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc ngăn chặn người mới phạm tội bỏ trốn, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo thi hành án theo quy định tại Điều 109 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Các trường hợp được bắt giữ người phạm tội quả tang theo Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bao gồm :
+ Người đang thực hiện tội phạm bị phát hiện tức là trường hợp hành vi phạm tội đang được thực hiện, chưa hoàn thành hoặc chưa kết thúc nhưng bị phát hiện nên cần ngăn chặn để tội phạm không được tiếp tục thực hiện nữa. Đối với một số tội phạm mà hành vi phạm tội được thực hiện trong khoảng thời gian dài mà không bị gián đoạn như tội tàng trữ trái phép chất độc, chất cháy nổ... thì trong suốt thời gian đó bị coi là đang thực hiện tội phạm và thời điểm bị phát giác cũng là phạm tội quả tang.
+ Người sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện tức là trường hợp hành vi phạm tội đã hoàn thành nhưng bị phát hiện bởi một số lý do, ví dụ như trường hợp người phạm tội chưa kịp cất giấu công cụ hay phương tiện phạm tội, hoặc là đang cất giấu công cụ, phương tiện hoặc là đang xoá dấu vết của tội phạm trước khi chạy trốn thì bị phát hiện hoặc trên cơ thể vẫn còn dấu vết thực hiện tội phạm. Trong trường hợp này để bắt người phạm tội theo phạm tội quả tang phải có chứng cứ chứng minh là người đó vừa gây tội xong, chưa kịp chạy trốn và sự phát hiện, bắt giữ người phạm tội phải xảy ra tức thời sau khi tội phạm được thực hiện. Bằng chứng có thể là tang vật mà người phạm tội chưa kịp cất giấu tẩu tán khiến người phạm tội không thể phủ nhận về hành vi phạm tội của mình. Nếu như không có tang vật thì cần có người làm chứng để có thể thực hiện bắt giữ người phạm tội quả tang.
+ Người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm bị đuổi bắt tức là trường hợp người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, sau đó bỏ chạy và bị người phát hiện đuổi bắt. Ở trường hợp này thì việc đuổi bắt phải được thực hiện liền ngay lập tức sau khi chạy trốn thì mới có căn cứ xác định đúng người phạm tội để tránh bắt nhầm người không thực hiện tội phạm. Giả sử trong trường hợp việc đuổi bắt mà bị gián đoạn về thời gian so với hành vi chạy trốn thì không được bắt theo phạm tội quả tang mà có thể bắt theo trường hợp khẩn cấp.
2. Thẩm quyền, thủ tục bắt giữ người phạm tội quả tang
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì bất kì ai cũng có quyền bắt người đang hoặc ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị phát hiện chứ không chỉ có mỗi lực lượng chức năng và không cần phải có lệnh của cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào cũng như không giới hạn về bất kì yếu tố nào khác liên quan. Sau khi bắt giữ được người phạm tội quả tang thì giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Khi giao người bị bắt cho cơ quan chức năng thì phải có biên bản giao nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tạm giữ, tạm giam người để điều tra tội phạm. Nội dung ghi trong biên bản phải đảm bảo rõ một số thông tin như giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm bắt giữ, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tài liệu, đồ vật bị tạm giữ, tình trạng sức khoẻ và ý kiến, khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt. Bên cạnh đó, biên bản phải được đọc cho người bị bắt giữ và người chứng kiến nghe. Những người liên quan cùng kí tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi nội dung đó vào biên bản và ký tên.
Trong quá trình bắt người phạm tội quả tang thì ai cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Hành động này của người bắt người phạm tội quả tang nhằm đảm bảo sự an toàn cho mọi người xung quanh, ngăn chặn nguy cơ gây hại và giữ an toàn cho cả bản thân người bắt cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì sẽ tiến hành thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Sở dĩ, pháp luật quy định như vậy nhằm đảm bảo cho người dân có quyền và trách nhiệm trong việc bắt giữ và đưa người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục phục vụ cho quá trình điều tra và xử lý. Bên cạnh đó, việc thu giữ vũ khí và hung khí cùng với việc bảo vệ hiện trường và thu thập thông tin ban đầu cũng đóng góp thêm phần quan trọng trong quá trình tìm kiếm và thu thập bằng chứng liên quan đến tội phạm.
3. Những việc cần làm sau khi bắt giữ người phạm tội quả tang
Những việc cần làm sau khi bắt giữ người phạm tội quả tang tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau :
Sau khi giữ người trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời gian 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Sau đó, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt giữ, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt; chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong trường hợp mà người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt. Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bi giữ, người bị bắt phải thông báo ngay lập tức.
Trên đây là toàn bộ bài viết liên quan đến vấn đề Bắt giữ người phạm tội quả tang như thế nào để không trái luật mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Bắt quả tang là gì? Những trường hợp bắt người phạm tội quả tang để hiểu rõ hơn. Nếu có bất kì vướng mắc nào về vấn đề này hoặc gặp bất cứ vấn đề pháp lý nào cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu trực tiếp đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng !