1. Khái quát về bệnh nghề nghiệp

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh mang tính chất đặc trưng nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp, do tác hại thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu.

Từ khi có lao động, con người đã chịu ảnh hưởng tác hại của nghề nghiệp và bị bệnh nghề nghiệp. Trước Công nguyên, Hippôcrat (Hippocrate, 460 - 377 tCn) đã phát hiện bệnh nhiễm độc chì. Thế kỉ l, Pline đã phát hiện những ảnh hưởng xấu của bụi đến cơ thể người. Thế kỉ II, Galien đã tả những bệnh mà công nhân mỏ mắc phải. Những thế kỉ sau đó đã phát hiện bệnh nhiễm độc thủy ngân và những bệnh nghề nghiệp khác.

Vấn đề bệnh nghề nghiệp được pháp luật của tất cả các nước quan tâm với các nội dung: ghi nhận danh mục bệnh và chế độ đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp. Danh mục bệnh nghề nghiệp ở các nước khác nhau có thể khác nhau do trình độ công nghệ và khả năng kinh tế xã hội của từng nước. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có một số công ước về bệnh nghề nghiệp, xếp bệnh nghề nghiệp thành 29 nhóm với hàng trăm bệnh nghề nghiệp khác nhau và bổi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp như Công ước số 18 (1925), Công ước số 142 (1934), Công ước số 121 (1964).

Ở Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu và khảo sát dịch bệnh học, danh mực bệnh nghề nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế ban hành sau khi đã tham khảo ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức đại diện giới sử dụng lao động. Năm 1976, Nhà nước đã quy định 8 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và năm 1991 đã công nhận thêm 8 bệnh nghề nghiệp, đến nay có 16 bệnh nghề nghiệp được công nhận bảo hiểm: 1) Bệnh bụi phổi do silic; 2) Bệnh bụi phổi do amiăng, 3) Bệnh bụi phổi bông; 4) Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì; 5) Bệnh nhiễm độc benzen và các đồng đẳng; 6) Bệnh nhiễm độc thủy ngân và các hợp chất thủy ngân; 7) Bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất mangan; 8) Bệnh nhiễm độc TNT (trinitrotoluen); 9) Bệnh nhiễm các tia phóng xạ và tia X; 10) Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn; 11) Bệnh rung chuyển nghề nghiệp; 12) Bệnh sạm da nghề nghiệp; 13) Bệnh loét da, viêm da, chàm tiếp xúc; 14) Bệnh lao nghề nghiệp; 15) Bệnh viêm gan virút nghề nghiệp; 16) Bệnh do Leptospira nghề nghiệp.

Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp chủ yếu là do vệ sinh lao động không đảm bảo hoặc do các nguồn độc hại trong môi trường làm việc gây ra, hậu quả của nó là người lao động bị suy giảm khả năng lao động hoặc tử vong. Vì vậy, người sử dụng lao động luôn luôn phải có trách nhiệm ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp; trả các chỉ phí cấp cứu, điều trị và tiền lương trong thời gian điều trị, bổi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp. Người lao động bị bệnh nghề nghiệp được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

 

2. Danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội chi trả

Thông tư số 15/2016/TT-BYT quy định danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội chi trả khi đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 46, Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, cụ thể bao gồm như sau:

  1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
  2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.
  3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp.
  4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.
  5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.
  6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
  7. Bệnh hen nghề nghiệp.
  8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.
  9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng.
  10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.
  11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.
  12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.
  13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.
  14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.
  15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.
  16. Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp.
  17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.
  18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
  19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp.
  20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
  21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.
  22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.
  23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.
  24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.
  25. Bệnh sạm da nghề nghiệp.
  26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.
  27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.
  28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.
  29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp.
  30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp.
  31. Bệnh lao nghề nghiệp.
  32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
  33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp.
  34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.

 

3. Điều kiện để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật

Điều 46 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về các điều kiện người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cụ thể như sau:

"Điều 46. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.

2. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ".

>> Tham khảo: Hướng dẫn tải mẫu sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp

 

4. Hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cần những loại giấy tờ gì?

Điều 8 Thông tư số 28/2016/TT-BYT quy định về hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp bao gồm các loại giấy tờ sau:

- Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2016/TT-BYT; trong trường hợp người lao động đã làm việc trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì sẽ sử dụng kết quá khám sức khỏe ở thời điểm gần nhất.

- Sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2016/TT-BYT.

- Bản sao hợp lệ một trong số các giấy tờ sau:

  • Kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động. Đối với trường hợp người lao động có tiếp xúc với yếu tố vi sinh vật trong môi trường lao động mà việc quan trắc môi trường lao động được thực hiện trước ngày Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kthuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trc môi trường lao động có hiệu lực thì hồ sơ phải có thêm Phiếu đánh giá tiếp xúc yếu tvi sinh vật do cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2016;
  • Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính thực hiện theo mu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này đối vi trường hp bị bệnh nghề nghiệp cấp tính mà tại thời điểm xảy ra bệnh nghề nghiệp cấp tính chưa kịp xác định được mức tiếp xúc yếu tố có hại;

- Bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có). Xem thêm: Cách tính chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện nay?

 

5. Các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp và thành phần Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

Các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 14 Thông tư số 28/2016/TT-BYT quy định cụ thể như sau:

"Điều 14. Các trường hợp điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Người lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bản thân mà chưa được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động;

b) Người sử dụng lao động có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp;

c) Xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc nhiều người bị ốm, mắc bệnh trong cùng một thời điểm tại một cơ sở lao động;

d) Kết quả quan trắc môi trường lao động vượt giới hạn cho phép nhưng không có trường hợp người lao động được phát hiện bệnh nghề nghiệp hoặc cơ sở lao động không thực hiện quan trắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động;

đ) Cơ quan Bảo hiểm xã hội có yêu cầu điều tra bệnh nghề nghiệp;

2. Điều tra lại bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân có kiến nghị về kết quả điều tra bệnh nghề nghiệp;

b) Phục vụ hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.

3. Điều tra lần cuối bệnh nghề nghiệp áp dụng đối với trường hợp có kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với kết quả điều tra lại bệnh nghề nghiệp".

Thành phần Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp bao gồm những đối tượng quy địng tại Điều 16 Thông tư số 28/2016/TT-BYT quy định cụ thể như sau:

"Điều 16. Thành phần Đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp

1. Thành phần đoàn điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 Thông tư này gồm:

a) 01 đại diện Lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế, Lãnh đạo y tế Bộ, ngành làm trưởng đoàn;

b) 01 bác sĩ có chứng chỉ bệnh nghề nghiệp làm ủy viên thư ký;

c) 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

d) 01 đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

đ) 01 đại diện Liên đoàn lao động tỉnh;

e) 01 đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bộ, ngành;

g) Các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết.

2. Thành phần đoàn điều tra lần đầu bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm b Khoản 1 và đoàn điều tra lại bệnh nghề nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này gồm:

a) 01 đại diện lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế làm trưởng đoàn;

b) 01 bác sĩ có chứng chỉ bệnh nghề nghiệp làm ủy viên thư ký;

c) 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

d) 01 đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế;

đ) 01 đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thực hiện điều tra;

e) Các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết.

3. Đoàn điều tra lần cuối bệnh nghề nghiệp cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ hoặc Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, bao gồm:

a) 01 đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn;

b) 01 bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp của Viện thuộc hệ y tế dự phòng làm ủy viên thư ký;

c) 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp đang điều tra;

d) 01 đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

đ) 01 đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

e) Các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết".

Lưu ý: Các doanh nghiệp, đơn vị thành lập mới từ sau ngày 01/07/2021, thì có được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay không?

Theo quy định, người sử dụng lao động (đơn vị) được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01/07/2021 đến hết ngày 30/06/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Vì vây, trường hợp đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới từ sau ngày 01/07/2021 thuộc đối tượng này, thì cũng được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)