Mục lục bài viết
1. Ban hành bộ tiêu chí, quy chuẩn Quốc gia về an toàn thông tin mạng cho camera giám sát
Căn cứ theo Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát. Việc ban hành bộ tiêu chí, quy chuẩn Quốc gia về an toàn thông tin mạng cho camera giám sát được quy định như sau:
Trong khuôn khổ của Đề án "Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025" theo Quyết định 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, việc lồng ghép các thông điệp tuyên truyền và hướng dẫn về bảo đảm an toàn thông tin mạng cho camera giám sát là ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát đã được chỉ định phải hoàn thành vào tháng 3 năm 2023. Đồng thời, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát cũng sẽ được ban hành và công bố, và việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn áp dụng quy chuẩn này sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2023.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là công bố danh mục camera giám sát đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản. Đồng thời, cần có sự chủ trì trong việc triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện cho Thủ tướng Chính phủ.
2. Các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho camera giám sát
Ngày 26/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát. Theo Chỉ thị 23, các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho thiết bị camera giám sát bao gồm:
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện hiệu quả các biện pháp sau:
- Xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ khi triển khai các hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát.
Thời hạn hoàn thành: Xác định và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát, hoàn thành chậm nhất trong tháng 3 năm 2023; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với các hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát đang vận hành, hoàn thành chậm nhất trong tháng 9 năm 2023.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc khi đầu tư, mua sắm camera giám sát hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin có sử dụng camera giám sát thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng định kỳ theo quy định đối với các hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát.
- Sử dụng camera giám sát đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định; không sử dụng camera giám sát không có chứng nhận xuất xứ, chất lượng sản phẩm hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền cảnh báo không bảo đảm an toàn thông tin mạng.
- Đáp ứng nguồn lực, kinh phí bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra mất an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, lộ bí mật nhà nước từ các hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát thuộc phạm vi quản lý.
- Xây dựng và rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng của cơ quan, đơn vị, trong đó quy định rõ sử dụng camera giám sát phải bảo đảm an toàn thông tin mạng.
- Sau khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát được ban hành, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tổ chức thực hiện áp dụng quy chuẩn kỹ thuật này trong phạm vi quản lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
- Ưu tiên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin mạng cho camera giám sát trong quá trình triển khai Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Thời hạn hoàn thành: tháng 3 năm 2023.
- Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát và tuyên truyền, phổ biến, tổ chức hướng dẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật này. Thời hạn hoàn thành: tháng 11 năm 2023.
- Công bố danh mục camera giám sát đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.
- Chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Bộ Công an có trách nhiệm:
- Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân lợi dụng camera giám sát để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Tổ chức đánh giá an ninh thông tin đối với hệ thống camera giám sát tại các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trước khi đưa vào vận hành, sử dụng.
- Nghiên cứu, xây dựng quy định về việc thiết lập, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống camera phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng Công an nhân dân để thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Tài chính có trách nhiệm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu camera giám sát theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.
Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh camera giám sát, không để các camera giám sát không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát lưu thông trên thị trường; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về làm giả, nhập lậu camera giám sát.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí có trách nhiệm bố trí chuyên mục, kênh phát sóng, thời gian phát sóng chương trình, tin bài về an toàn thông tin mạng, trong đó có nội dung liên quan đến camera giám sát để nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin mạng cho người sử dụng.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu camera giám sát:
- Sản xuất hoặc kinh doanh, nhập khẩu camera giám sát đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.
- Doanh nghiệp sản xuất chủ động thông báo và cung cấp bản cập nhật, nâng cấp phần mềm cho camera giám sát khi phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; hợp tác, hỗ trợ khắc phục xử lý sự cố mất an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin liên quan đến camera giám sát do doanh nghiệp sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet:
- Chủ động kiểm tra và xử lý các camera giám sát không bảo đảm an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp cung cấp trên hạ tầng mạng lưới của doanh nghiệp.
- Chủ động thông báo cho người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khi phát hiện camera giám sát của người sử dụng không bảo đảm an toàn thông tin mạng.
- Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các camera giám sát không bảo đảm an toàn thông tin mạng.
- Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an trong việc phát hiện và xử lý tổ chức, cá nhân lợi dụng camera giám sát để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
3. Bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình có camera với xe kinh doanh vận tải lần đầu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó, yêu cầu xe kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình có camera.
Cụ thể, theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP (bổ sung khoản 8 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ), việc lắp thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera được quy định như sau:
Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Khoản 3 Điều 2 Nghị định 47/2022/NĐ-CP cũng quy định xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng.
Xem thêm: Mục tiêu bảo đảm an toàn thông tin mạng theo cấp độ cho Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho camera giám sát mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!